THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: BAO GIỜ MỚI CHỊU LẬP GIA ĐÌNH?

LÊ MINH QUỐC: BAO GIỜ MỚI CHỊU LẬP GIA ĐÌNH?

 

baogio-moi-chiu-lap-gia-ginh

“Phải làm thế nào đây?”. Sau khi tỉ tê về câu chuyện của cô con gái út, chị Huyền lắc đầu ngán ngẫm rồi “chốt hạ” bằng câu nói ấy.

Tương tự, nhiều bậc phụ huynh cũng sốt ruột bởi ngày tháng trôi qua cái vèo, chẳng mấy chốc đến tuổi “băm” nhưng rồi “quý tử” cứ bình chân như vại. Chẳng hề đoái hoài gì đến chuyện lập gia đình, cứ cà nhỏng cà nhẻo như thể còn trẻ lắm. Mà đã ngoài đôi mươi rồi chứ còn trẻ cái gì nữa?

Khi trao đổi, tìm hiểu lý do, Yến - con gái út của chị Huyền cười mà rằng: “Có chồng con, cháu chỉ thấy khổ tâm, khổ trí chứ làm gì có nguồn vui sống?”. Nghe câu nói ấy, tôi ngạc nhiên quá, tại sao cháu lại có suy nghĩ kỳ cục như vậy?

Thì đây, cháu nói đại khái, chẳng cần nhìn đâu xa, cứ nhìn ngay trong nhà của cháu thì rõ: bố mẹ suốt ngày cãi vã, chì chiết nhau từ chuyện vặt vãnh cơm áo gạo tiền đến mèo mỡ lăng nhăng, ghen tuông này nọ. Chẳng bao giờ nghe thấy tiếng cười nói thân mật, chỉ là sự chịu đựng lẫn nhau. Có lần cháu còn nghe ông bố thở than: “Nếu lặp lại cuộc đời, tôi ở độc thân quách cho xong”. Vậy hóa ra chuyện cưới hỏi, chỉ là rước lấy cái “của nợ” ư? Nghe câu nói ấy, Yến đâm ra choáng luôn.

Với cái gương “nhỡn tiền” đã chứng kiến, khiến không ít bạn trẻ đâm ra nản, chán nản khi nghĩ đến lúc phải chung sống với một ai khác. Nếu từng ngày phải chịu đựng như bố mẹ đang trải qua, chi bằng chọn lấy cách sống “mình ên” vẫn tốt hơn chứ?

Thế thì, để thay đổi suy nghĩ đó của con cái, có lẽ trước hết phải từ nếp sống của các bậc phụ huynh. Một gia đình hạnh phúc không chỉ là nguồn vui sống cho các thành viên, nó còn là chất xúc tác để con cái đến tuổi trưởng thành cũng ý thức phải “có đôi có đũa”, phải lập gia đình để có cuộc sống riêng. Ít ra, họ cũng sẽ có cuộc sống êm ấm, an vui như bố mẹ mình đã và đang có. Do đó, một khi con cái cứ hẹn lần hẹn lửa, đánh trống  lảng khi nghe bàn đến chuyện cưới hỏi, các bậc phụ huynh khoan vội phán xét mà cần xem lại mình là vậy.

Trước kia, cô út nhà tôi cũng ứ chịu lên “xe hoa”, mỗi lần  ba mẹ thúc giục thì chi cười khì khì rồi tìm cớ lủi mất. Nếu út không có người yêu thì cũng dễ hiểu, trong khi đó phía nhà trai cũng sốt ruột, đánh tiếng nhiều lần. Vậy cớ sự tại làm sao? Sau nhiều lần hai anh em ngồi tâm tình, tôi mới biết lý do mà út đâm ra ngần ngại chỉ vì… mẹ tôi. Trời đất, tôi ngạc nhiên tợn. “Bộ anh không thấy à. Cả hai bà chị dâu có bao giờ “yên thân” với mẹ mình không?”.

Tôi giật mình cái thót. Đúng quá. Mẹ tôi rất khó tính, nghiêm khắc với con dâu. Lúc nào cũng dạy bảo, góp ý, phê bình từng ly từng tí, kể cả những chuyện không đâu vào đâu cả. Ngay cả con ruột còn oải chứ huống gì con dâu. “Mà mẹ của người yêu em, em nghe nói cũng như mẹ mình anh ơi”. Nghe chữ “ơi” ngân nga cố tình kéo dài ấy, tôi đã hiểu tỏng sự tình.

Một khi “tư tưởng không thông vác bình đông cũng nặng”, có lẽ đó mới là yếu tố quan trọng nhất. Còn những yếu tố khác khác như kinh tế, công ăn việc làm, thu nhập còn “bèo” cũng chưa phải lý do khiến nhiều bạn trẻ đâm ra ngần ngại chuyện cưới hỏi. Một khi đã yêu nhau, chuyện tài chánh dẫu có đang thiếu trước hụt sau, cũng không phải là chuyện ghê gớm lắm đâu. Các bạn trẻ sẵn sàng vượt qua trở ngại đó, miễn sao họ được “ký hợp đồng chung thân” với người mình yêu.

À, tôi nhớ đã có lần con trai của Dũng - đồng nghiệp tôi đã nói một cách cương quyết như vậy. Nhưng rồi, năm tháng trôi qua, vẫn thấy “cu cậu” ngày qua ngày “phòng không chiếc bóng”, tôi ngạc nhiên quá, vậy có gì trục trặc chăng? Khi hỏi về chuyện của “quý tử”, Dũng bảo: “Con cái yêu ai thì quyền của nó, chẳng bố mẹ nào ai cấm cản. Tuy nhiên, trường hợp của cu cậu nhà mình gay go quá”. Gặng hỏi thêm, Dũng cho biết không phải cậu con trai không chịu “tiến tới” mà chính vì vợ chồng Dũng muốn “thoái lui”.

Nguyên cớ chỉ là phía “đối tác” khiến họ không yên tâm. Ai đời, cả gia đình của cô con dâu tương lai từ nhiều năm năm nay kiếm sống bằng nghề... ghi số đề! Vẫn biết, trên đời này có trường hợp “Cha mẹ cú đẻ con tiên”, bằng chứng là cháu gái người yêu của con trai Dũng ăn học đàng hoàng, công việc ổn định, nết na, thùy mị nhưng “làm sui” với nhà ấy, liệu chừng mình có “sáng giá” hay không? Nỗi phân vân của Dũng xét ra cũng “hoàn cảnh” lắm. Sự trục trặc, chậm trễ này không phải từ đôi bạn trẻ, chính là từ phụ huynh là vậy.

“Bao giờ con mới lập gia đình, sao cứ chần chừ mãi thế?”.
Câu hỏi này, tùy vào từng trường hợp mà có câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên, lâu nay, các bậc phụ huynh hầu như không đật câu hỏi này cho chình mình, chỉ phán xét, dọ hỏi từ phía con cái. Chứ chẳng mấy ai nghĩ rằng, có thể do chính mình gây ra đó thôi. Nói một cách nghiêm túc như thế, để thấy rằng, nếp sống, sinh hoạt của mỗi nhà cũng là một tác động có ảnh hưởng không nhỏ đối với chuyện lập gia đình sau này của các quý tử.

L.M.Q

(nguồn: TGPN 16.10.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com