THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Hãy chỉ cho nhau khiếm khuyết của nhau

LÊ MINH QUỐC: Hãy chỉ cho nhau khiếm khuyết của nhau



hy-chi-khiem-khutye5t-cua-nhau-1R


Cơm trắng ăn với chả chim,

Chồng đẹp, vợ đẹp những nhìn mà no

Ai cũng mong ước người kết tóc xe tơ với minh, ít ra cũng “ngang cơ”, bằng vai phải lứa. Mình thế này ắt người kia phải thế nọ, chứ không thể chồng thấp vợ cao, “Như đôi đũa lệch so sao cho bằng”?  Mà dù có thế đi nữa, họ vẫn ý thức tìm cách nâng người của mình “cao lên” hơn, ít ra trong mắt người chung quanh.

Nói cách khác, một trong những cách xây dựng hạnh phúc, tạo niềm vui cho nhau vẫn là cả hai phải biết “đẩy nhau lên”. Mình đã ở vị trí cao ắt “một nửa” cũng tương tự, có như thế bàn dân thiên hạ mới thừa nhận cả hai “xứng đôi vừa lứa”. Vì lẽ đó, nhiều người đã thể hiện sự “lăng xê” vợ/chồng mọi lúc, mọi nơi nhưng không khéo có lúc “giấu đầu lòi đuôi”, cũng ê mặt lắm.

Thì đây, ai cũng biết anh A là một nhà báo nổi tiếng, từng có nhiều bài phóng sự điều tra đoạt giải báo chí, thuở mới vào nghề, cánh “tân binh” bọn tôi phục sát đất. Những chuyến đi tác nghiệp ở tỉnh xa, khác với mọi người là anh thường dẫn theo cô vợ bé bỏng, xinh đẹp.

Anh tự hào bảo: “Bà xã tớ đang nung nấu một đề tài cho tập tiểu thuyết sắp in, “bả” muốn đi theo để thâm nhập thực tế lấy chất liệu sáng tác”. Các đồng nghiệp tưởng thật nên nhìn vợ anh bằng con mắt nể nang, thán phục. Dù chưa nổi tiếng nhưng cô ta đang viết tiểu thuyết, đâu có phải hạng xoàng? Chồng nhà báo, vợ nhà văn, đẹp đôi quá đi thôi. Khối người thầm ganh tỵ, hoặc cũng ước ao mình có “một nửa” cũng tài năng như thế,

Có thật vợ anh A là người say mê đeo đuổi sự nghiệp văm chương?

Khi đã thân tình, có lần nhắc lại chuyện này, anh bảo: “Tớ phải làm như thế, chứ chẳng lẽ trước mặt mọi người lại giới thiệu vợ mình chỉ là dân buôn bán xoàng ngoài chợ? Tầm thường lắm”. Ngạc nhiên với lối suy nghĩ này, có người không đồng tình: “Chờ, anh nói vậy là sai lè lè. Cứ nói thật đi chứ có “chết thằng Tây đen” nào đâu mà phải dối? Vợ buôn bán lương thiện như bao người khác, hà cớ gì mắc cỡ?”. Nghe câu nói thẳng thắng ấy, anh chống chế: “Tớ có mấy cái bằng đại học, vợ tớ chữ nghĩa không đầy lá mít. Thiên hạ biết được, họ không cười vào mũi tớ à?”.

Thật ra chẳng ai cười cả.

Sở dĩ nhiều người có suy nghĩ kỳ quặc này, chẳng qua chỉ vì chữ “sĩ diện” to đùng che khuất mắt. Rồi cũng có lúc xẩy ra cớ sự: Sau những ngày thâm nhập thực tế, lấy tài liệu viết bài được cơ quan địa phương đãi đằng, tiếp đón; lúc chia tay, họ còn làm bữa tiệc đình đám tiễn cánh anh em báo chí. Hôm ấy, mọi người hát hò, thơ phú rôm rã. Vui nhộn lắm. Thân tình lắm.

Do biết vợ của anh A là nhà văn lại đang viết tiểu thuyết nên họ “bắt cầu” qua lãnh vực sáng tác. Cùng bàn về những vấn đề nghiêm túc như nguyên lý sáng tác, xây dựng hình tượng văn học, chủ đề tác phẩm v.v… Lạ thay, hỏi đến đâu, chị lại ấp úng như “gà mắc dây thun”. Chị ngơ ngơ ngác ngác như “cô bé Maika từ trên trời rơi xuống đất”. Có những câu chị trả lời, mọi người cười ồ lên và không tin vào độ chính xác của đôi tai nữa. Hoảng quá, chị cầu cứu chồng, rủi thay, anh A đã say quắc cần câu đâu còn biết trời trăng mây nước gì nữa! Sau cái vụ đó, lúc tâm tình với tôi anh A thú thật: “Muốn “làm sang” cho vợ cũng khó”.

Khó thật chứ không đùa.

Do mối thân tình, hứa hẹn gì trước đó rồi sau này lại còn gắn bó trong chuyện kinh doanh, buôn bán nên cô em kết nghĩa của tôi được ba mẹ “làm mai” cho Y là con trai cả của người “bạn hàng”. Làm dâu nhà có con một là sướng thân nhất đời. Khỏi phải sợ cảnh “chị dâu, em chồng”. Rồi thêm điều quan trọng nữa nhà Y giàu có, về đó, khỏi phải lo toan gì nhiều về tài chánh. Ban đầu còn chần chừ, vì biết Y đang thất nghiệp nhưng sau khi nghe ba mẹ phân tích phải, trái nên cô em tôi cũng xuôi lòng. Thôi kệ, dù gì Y cũng cao ráo, đẹp trai và ăn nói hiền lành, tử tế.

Sau một thời gian ngắn, họ làm đám cưới. Cưới nhau về, cô vui như Tết vì được bố mẹ chồng “cưng như trứng, hứng như hoa”, đẻ tì tì mấy đứa nhóc liền. Tuy nhiên, điều khiến cô khổ tâm, nhất là lúc gặp gỡ bạn bè thời đi học; lúc giao tế, ký hợp đồng với đối tác, ai cũng có danh phận, vậy giới thiệu chồng mình thế nào cho xứng mặt? Chẳng lẽ nói thẳng ra “đức lang quân” thuộc hạng không nghề ngỗng? Đã vợ con đùm đề nhưng ba mẹ vẫn chu cấp tiền ăn mỗi ngày, nếu không, Y chỉ biết ngửa tay nhận tiền của vợ. Nói toẹt ra vậy, còn gì “danh giá” của mình nữa?

Nhiều người cũng có suy nghĩ tương tự, e ngại thiên hạ nếu biết vợ/chồng mình bết bát ắt họ cũng xem thường. Do nghĩ thế, có lần cô em tôi tâm sự: “Em giới thiệu với mọi người, chồng em là kỹ sư lập trình phần mềm tin học, có “ngon” không anh?”. Tôi chẳng biết trả lời ra làm sao, chỉ cười xòa cho qua chuyện.

Thế nhưng cô vẫn cứ gặng hỏi thêm, tôi bèn kể lại rằng: Còn nhớ, thời đi học, bọn sinh viên chúng tôi rất thích một bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ. Nhà thơ đã nói rất đúng ý nguyện của người đang yêu, chung sống cùng nhau là hãy cứ chân tình góp ý cho nhau. Đừng vì lý do gì hễ mở miệng ra là khen “một nửa”, khen cứ như hát hay. Lời khen ấy, liệu có cần thiết khi che giấu, không chỉ ra khiếm khuyết của người bạn đời?

“Em sợ lời khen của anh/ Như sợ chiều về, hắt lối/ Nhiều khi ngồi buồn một mình/ Trách anh sao mà nông nổi/ Hãy chỉ cho em cái kém/ Ðể em nên người tốt lành/ Hãy chỉ cho em cái xấu/ Ðể em chăm chút đời anh/ Anh ơi, anh có biết không/ Vì anh, em buồn biết mấy/ Tình yêu khắt khe thế đấy / Anh ơi anh đừng khen em”.  Đừng khen quá lố dù chỉ có hai người, chứ huống gì nơi chốn đông người. Tôi khuyên: “Vậy cách tốt nhất em cứ thẳng thắn trao đổi với Y để tìm cách khắc phục”.

Không rõ, cô em tôi có làm theo hay không?

Ngày nọ, lúc tham dự hội nghị khách hàng, cũng như mọi lần là đi theo vợ, không ngờ lần đầu tiên Y lấy cớ mệt đột xuất, nằng mặc bỏ ra về trước để vợ về bằng taxi, dù mọi người níu giữ lại. Tại sao xẩy ra cơn cớ này? Số là qua lời giới thiệu “hoàng tráng” của vợ, có người tưởng thật nên hào hứng trao đổi với Y, lại nhờ giải thích vấn để nọ kia về chuyên môn. Trước các câu hỏi “quá hớp”, không lường trước, khó có thể đánh trống lảng và nhất là không muốn quê độ, Y bèn lấy cớ bận đột xuất rồi… chuồn gấp!

Nếu trước đó, em gái kết nghĩa của tôi cứ thành thật trao đổi với chồng về hạn chế đang có, rồi tìm cách khắc phục thì có lẽ đã không xẩy ra sự cố trên.

Tâm lý “lăng xê”, “đánh bóng”, “tung hê” người của mình, nghĩ cho cùng chẳng có gì xấu. Việc làm này, như đã nói trên là không ngoài thiện ý mong muốn vợ/chồng được thiên hạ nể trọng hơn. Thật ra, với mối quan hệ ngoài xã hội, nếu buộc lòng phải giới thiệu “một nửa” thì hãy cứ khôn khéo “lựa lời mà nói”. Chẳng việc gì phải khoác thêm một cái áo quá cỡ cho “nửa kia”, đôi khi xẩy ra trường hợp “lợi bất cập hai”, trở tay không kịp. Lúc đó sẽ “quê mặt” cho cả hai.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 475 ngày 27.5.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com