THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Làm gì khi con trẻ "biết" yêu!

LÊ MINH QUỐC: Làm gì khi con trẻ "biết" yêu!


LAM-GI-KHI-TRE-CON-BIET-YEU

 

Nhà văn Tô Hoài có truyện ngắn Vợ chồng trẻ con cực hay, hoàn toàn không phải hư cấu mà từ một sự việc do ông chứng kiến. Thuở ấy, “Lấy chồng từ thuở mười ba/ Đến năm mười tám thiếp đà năm con”. Khiếp! Dần dà, người ta nhận thức ra rằng, lấy nhau và “yêu” nhau ở lứa tuổi đó là không nên chút nào, bởi tâm sinh lý chưa phát triển hoàn chỉnh để phù hợp cho việc sinh nở.

Vào một chiều trăng thanh gió mát, vợ chồng chị bạn sang nhà tôi chơi. Đến thăm nhau, cớ sao gương mặt của họ lại buồn rười rượi thế kia? Sau khi an tọa, họ mới thổ lộ câu chuyện liên quan đến cô con gái. Số là dạo này, cháu có những biểu hiện của người đang yêu. Chị kể: “Suốt ngày cháu chát chít linh tinh trên mạng rồi “bập” vào thằng khỉ khọt nào đó. Ngày hôm kia, cháu xin một tiền không nhỏ và úp úp mở mở sử dụng cho một việc quan trọng nhất trong đời. Tôi ngờ ngợ nên gặng hỏi, dỗ dành mãi nhưng cháu vẫn không hé lộ dùng tiền vào việc gì. Mãi hôm qua, cháu mới cho biết là để giúp đỡ cho “người yêu” đang trong cơn hoạn nạn. Tôi nghe mà hoảng quá!”.

Chị bạn tôi hoảng là phải rồi, bởi bé nhóc chỉ mới quen qua mạng, “lai lịch tông tích”, nhà cửa, công ăn việc làm, nghề nghiệp của hắn ta thế nào chỉ mới biết loáng thoáng. Tuy nhiên, gương mặt điển trai và những lời “tỏ tình” mùi mẫn thì cháu nhớ như in. Trước tình huống kỳ quặc này, vợ chồng người bạn hỏi ý kiến nên xử lý ra sao, nếu không khéo sự việc trở nên tồi tệ hơn. Vâng, đã có trường hợp bố mẹ cương quyết cấm đoán nhưng biết đâu cô/cậu nhóc “nổi điên lên” xách ba lô đi theo “tiếng gọi của tình yêu”? Lúc ấy, không khéo “mất cả chì lẫn chài”.

Nhiều phụ huynh nhận biết thời điểm con gái/con trai “cưng như trứng hứng như hoa” đang có những thay đổi về tâm sinh lý. Chẳng hạn, cháu thường đi sớm về muộn, ăn mặc chỉnh chu hoặc bê bối hơn, đôi lúc buồn vui thất thường, ít tâm sự, trò chuyện với bố mẹ. Trước kia, thường tíu tít hỏi han chuyện này, kể lể chuyện nọ thì nay đã khác, đi ra khỏi nhà thì thôi, chứ về nhà lại chui tọt vào phòng mà cửa đóng kít mít v.v… Đã từng trải qua giai đoạn này, bố mẹ biết tỏng nên bảo: “Con có người yêu rồi à? Đưa về nhà cho bố/mẹ biết mặt chứ?”.

Nhưng rồi chẳng thấy tăm hơi đâu.

Tôi nhớ lại “mối tình nồng nàn” của cháu nọ - con gái của chị bạn tôi. Sau khi cả hai chia tay nhau, cháu mới kể, đại khái, anh chàng “người yêu” chẳng bao giờ chịu đến chơi nhà, muốn gặp gỡ, hẹn hò gì thì cứ lấy… quán xá làm điểm hẹn. “Anh ta nói đến nhà cháu, sợ không được tự nhiên. Ra ngoài quán, chẳng ai biết mặt ai, lại không gian yên tĩnh thì mới dễ cởi mở tâm tình”. Nói đến đây, cháu cúi mặt xuống, tôi thoáng nhận ra câu nói đã có một sắc màu khác. “Thế có bao giờ cháu về nhà của anh ta chưa?”, tôi hỏi. Cháu giật mình: “Dạ chưa, chưa hề một lần nào, dù đã nhiều lần cháu muốn đến chơi nhưng anh ta từ chối bởi bố mẹ khó tính”.

Vậy mối quan hệ giữa cháu và bạn trai như thế nào? Có thật sự thân thiết hay chỉ “qua đường”? Tôi không dám kết luận, chỉ biết nguyên nhân chia tay nhau do “người yêu” nhiều lần mượn tiền nhưng quên trả. Cháu đòi thì anh ta mỉa mai bằng những câu “nhẹ nhàng”: “Cô xem tiền nặng hơn tình nghĩa. Yêu nhau mà thế à?” rồi sau đó, “lặn” mất hút. Cháu gọi điện thoại chỉ nghe “dế yêu” vọng lên âm thanh tình tứ quen thuộc nhưng chẳng ma nào nghe máy. Tiếc tiền, cháu lại gọi nhiều lần nữa, chỉ còn nghe ò ý e…

Tại sao trẻ yêu sớm?

Theo tôi, có thể do ảnh hưởng từ các phương tiện truyền thông hiện đại của thời đại computer. Chỉ cần một cú nhấp chuột, đã có thể mở ra mắt lũ trẻ tất tật những chuyện mà chúng luôn tò mò ngay lúc sắp dậy thì. “Ủa? Vậy à? Chà, chà!”. Các cô/cậu nhóc nuốt nước bọt ừng ực và những muốn tự mình “trải nghiệm” xem sao. Thế là “anh” và “chị” xông trận xáp lá cà và không cần phải biết những hệ lụy gì sẽ ùn ùn kéo đến.
Vậy phải năng ngừa làm sao? Với câu hỏi này, nhiều bậc phụ huynh trả lời: “Tôi cài phần mềm khiến chúng không thể truy cập vào những trang web đen?”. Lập tức có ý kiến phản biện: “Gia đình cấm à? Chúng qua nhà bạn. Nhà bạn cũng cấm à? Chúng kéo ra tiệm net. Tiệm nét cũng cấm à? Chúng chúi mắt chúi mũi vào cái điện thoại cầm tay gọn và nhẹ. Vậy là xong”.

Chà gay go thật.

Thế phải đưa môn giáo dục giới tính vào học đường chăng? Xin thưa, bắt đầu từ lớp mấy là phù hợp và biên soạn như thế nào, chứ không khéo mô tả chuyện “phòng the” hỏng bét. Tôi lưu ý đến ý kiến của Bác sĩ Nguyễn Thu Phương - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội): “Hiện nay học sinh phát triển tâm sinh lý khá sớm. Có em lớp 6, lớp 7 đã dậy thì. Nếu đến lớp 9 mà các em mới được học những kiến thức về tâm sinh lý qua một số tiết sinh học thì e rằng hơi muộn. Ngay từ đầu cấp THCS các em nên được tìm hiểu, làm quen với những thông tin, kỹ năng cơ bản xung quanh vấn đề giới tính. Như vậy sẽ giúp các em có được sự định hướng cần thiết khi bước vào cuộc sống”.

Điều quan trọng nữa, theo tôi, vẫn là sự giáo dục cho các em thay đổi quan niệm sống. Có dịp trò chuyện với các em đã từng “quan hệ” sớm, tôi nhận ra, hầu hết chúng “bật mí” rằng, làm “chuyện ấy” mới thể hiện… bản lĩnh và sự sành điệu! Nghe phát hoảng!
 

Các em nhầm lẫn cho rằng, cũng đó chính là kỹ năng sống. Bạn bè đã thế, mình cũng thế nếu không muốn bị chế giễu “quê một cục”! Nói thật, trong sinh hoạt cộng đồng hiện nay còn ít dạy về kỹ năng sống mà chỉ mới dừng lại ở giáo dục lý tưởng. Điều này không sai nhưng đáng tiếc lại thiếu sự giáo dục, hướng dẫn những tình huống mà các em phải tự giải quyết khi va chạm trong đời thực. Chẳng hạn, ngày sinh nhật của em, bạn bè kéo nhau đến nhà chung vui rồi rủ nhau đi hát karaoke, lại tiếp tục bia bọt. Ngày vui mà. Đến lúc chia tay, do say quá, say tít mù nên bạn trai xung phong đưa về. Thay vì đưa về nhà lại… đưa thẳng vào khách sạn! Nếu va phải tình huống này, các cháu phải tự vệ ra làm sao?

Bên cạnh đó, ai sẽ là người tâm tình với các cháu rằng: Sống có bản lĩnh và sành điệu không phải là đua đòi xài cái giỏ, cái áo, chiếc xe, lọ nước hoa… thuộc hàng hiệu, thời thượng mà chính là thái độ và cách giải quyết khi tiếp cận những tình huống bất ngờ xẩy trong đời sống. Cha mẹ, anh chị, đoàn thể, sách vở… chứ còn ai vào đây nữa?

Giáo dục cho các cháu biết hậu quả, tai hại của sự chung chạ sớm, lén lút, cưỡng đoạt… là xấu nhưng tôi nghĩ, một điều không kém phần quan trọng là phải đánh thức phần hướng thiện, sự thiêng liêng của việc “yêu” để chúng có thái độ ứng xủ phù hợp. Có như thế, tự các cháu sẽ có cách để giải quyết vấn đề, theo cách của chúng. Nói thật, giải quyết vấn đề oái oăm này không thể chỉ từ mệnh lệnh và cấm đoán. Người lớn chỉ đứng ngoài và hỗ trợ thông tin, định hướng. Những từ ngữ “hành chánh” ấy hoàn toàn không phù hợp, đã thế, có khi còn ép phê ngược.

Nói cách khá,c chúng ta phải giúp các cháu nâng cao giá trị thẩm mỹ của “tình yêu”, “trao thân” thiêng liêng như thế nào trong đời người - đặng chúng có suy nghĩ chín chắn hơn biết cách “tự vệ” từ phim ảnh xấu, bè bạn lôi kéo; hoặc do chính chúng muốn “ăn cơm trước kẻng” đặng trải nghiệm những cảm giác mà chúng luôn háo hức, tò mò, khám phá...

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 469 ngày 8.4.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com