THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: PHÂN ĐỊNH VIỆC LỚN - VIỆC NHỎ LÀM GÌ

LÊ MINH QUỐC: PHÂN ĐỊNH VIỆC LỚN - VIỆC NHỎ LÀM GÌ

 

phan-dinh-viec-lon-viec-nho-lam-gi

Trong mỗi gia đình, tuy theo sự thỏa thuận mà vai trò của người chồng/người vợ được phân chia rõ ràng. Thông thường người đàn ông đảm nhiệm những việc lớn như đứng ra xây nhà, đầu tư tài chánh cho con ăn học, ngoại giao bên ngoài…; còn người phụ nữ chỉ lo những việc nhỏ cỡ như đi chợ, bếp núc, đưa đón con đi học, quán xuyến nhà cửa… nói chung.

Sự phân công rõ ấy khiến “guồng máy” trong nhà vận hành ngon lành, không có gì trục trặc chăng? Do suy nghĩ vậy nên nhiều đôi bạn trẻ lúc mới lập gia đình cũng thực hiện theo phương thức này, nhưng rồi họ lại cảm thấy có gì đó không ổn, cần phải thay đổi.
 

“Hễ đi làm thì thôi, chứ vác xác về nhà, anh ấy chỉ nằm ôm lấy cái Ipad, truyền hình xem như không còn việc gì phải để mắt tới nữa”, cô em dâu nhà tôi tấm tức “méc” chuyện với mẹ chồng. Trong khi đó, cửa nhà bề bộn, không ngăn nắp, bữa cơm chiều còn chưa chuẩn bị đâu vào đâu thì cậu em tôi vẫn nằm khèo, vắt chân chữ ngũ một cách thong dong mà mải mê lướt web, xem phim. Nhìn thấy cảnh ấy, cô em dâu ngứa mắt thì cũng phải thôi. Khi cô lên tiếng nhắc nhỡ, ngay lập tức nghe câu trả lời tỉnh rụi: “Ơ hay, em chỉ giao cho anh làm những việc lớn thôi mà…”.

Đành rằng, có những việc lớn rất quan trọng, phải dành nhiều thời gian, công sức, thậm chí tốn kém tiền bạc, nhưng mấy khi đàn ông có cơ hội thực hiện?

Còn việc nhỏ thì sao? Hỡi ôi, mỗi ngày cứ diễn ra tì tì, lặp đi lặp lại, khó có thể né tránh. Chẳng hạn, rời khỏi công sở tất bật đi đón bé nhóc, rồi lao về nhà lại bận rộn bếp núc, dọn dẹp nhà cửa, tưới cây, lau nhà, tắm cho con cái… Những việc nhỏ ấy, hằng ngày cứ “đến hẹn lại lên”, đều đặn như vắt chanh! Mệt thật đấy chứ.

Mới đây thôi, Điền - bạn chí thân của tôi mời ra quán cà phê và kể câu chuyện có tính cách riêng tư, nghe cũng “tình hình rất là tình hình”. Đại khái, bấy lâu nay vợ chồng hắn ta thỏa thuận: Do vợ giỏi ngoại ngữ, học thức cao, có bằng cấp, ngoại giao tốt, đang có công việc ổn định nên đảm đương việc lớn. Điền cho biết thêm tức là cô ấy chịu trách nhiệm đi làm kiếm tiền chu toàn cho gia đình. Mà cô làm việc cho công ty nước ngoài, thu nhập cao nhưng thời khóa biểu không nhất định. Còn Điền làm việc theo thời gian hành chánh, đồng lương chỉ như “bò chét nhét miệng hùm”, vì thế, sau giờ làm việc phải kiêm thêm công việc chăm sóc con cái, nhà cửa…

“Sự phân công này, rõ ràng hợp lý quá đi chứ?”, nghe tôi khẳng định chắc như bắp rang, Điền chỉ cười cười, giây lát sau hắn bảo: “Ừ, cứ cho là thế. Ban đầu, tớ chẳng có gì phàn nàn. Nhưng rồi thế này, này…”. Nói đến đó, hắn ta ngưng bặt đột ngột khiến tôi ngạc nhiên tợn. Giây lát sau, Điền mới tiếp tục câu chuyện. Cứ như theo lời kể thì cả tháng nay, những đêm hôm khuya khoắt, cô vợ không còn về nhà bằng xe taxi nữa mà là xe đời mới, hạng sang. “Biết đâu, bà xã mình đã tụt tạt chân trong chân ngoài?”.

Chà, câu hỏi của Điền đã cho thấy tình huống này nghiêm trọng quá đi mất. Do không có chứng cứ gì rõ rệt nên cả tôi và hắn ta không thể có kết luận gì dứt khoát. Dù chưa thể quả quyết điều gì nhưng đôi lúc Điền cũng nói bóng gió xa gần, ám chỉ này nọ, cô vợ trả lời: “Công việc của em là không làm theo thời gian hành chánh. Vậy từ rày trở về sau, anh lo việc lớn đi. Em “rút lui về hậu phương” làm việc nhỏ cho anh yên tâm nhá?”.
 

Câu trả lời này, có lẽ khá phổ biến, khi sự phân công việc lớn/việc nhỏ gặp phải sự trục trặc nào đó.

Vậy phải làm sao để có thể thay đổi? Khi nghe tôi hỏi thế, nhiều chuyên gia tâm lý về hôn nhân gia đình trố mắt nhìn và bật cười: “Trong nhà, làm gì có việc lớn, việc nhỏ mà phân chia rành mạch, cụ thế cho rối “đội hình” hả bạn?”. Rồi họ dạt dào phân tích mà nghe ra quả nhiên là vậy.

Có nhiều đôi uyên ương trẻ muốn rành mạch mọi việc là nhằm tránh “dẫm chân” lên nhau; hoặc khỏi tỵ nạnh, tranh cãi này nọ không cần thiết nên mới đặt ra việc lớn/việc nhỏ như một cách giải quyết tối ưu. Thật ra, suy nghĩ thế là chưa lường hết các tình huống có thể xẩy ra trong quá trình chung sống.

Hơn nữa, đã vợ chồng thì mọi việc đều là việc chung mà cả hai người cùng có trách nhiệm cùng giải quyết. Nếu cùng bàn bạc, trao đổi trước với nhau để có sự đồng thuận thì vẫn là phương thức tốt nhất. Rồi tùy theo khả năng mà có thể người chồng hoặc người vợ đảm nhận. Đó mới là sự phân công rành mạch, hợp lý. Mà trong gia đình có những việc tưởng là nhỏ nhưng lại lớn và ngược lại. Vậy hà cớ gì phải quy định rạch ròi vào những trường hợp cụ thể. Chẳng lẽ, có những việc “nửa này” tự ý giải quyết, thực hiện mà không cần tham khảo ý kiến của “nửa kia”?

L.M.Q
(nguồn: TGPN số ra ngày 17.4.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com