THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút Lê Minh Quốc: Hủy “giao kèo” à? Khó lắm

Lê Minh Quốc: Hủy “giao kèo” à? Khó lắm



huy-giao-keo-a-kho-lam

 

“Đấy, sao dễ quên thế? Nuốt lời rồi chứ gì?”.

Chuyện gì mà trầm trọng vậy ta? Đang ngồi uống cà phê và nhẩn nha đọc báo, tôi giật mình khi nghe cô gái trẻ ngồi cạnh bàn vừa thốt ra câu ấy. Người đối diện mặt nghệch, không nói không rằng. Qua những trao đổi là câu chuyện,đại khái do thúc giục ráo riết từ phía chàng nên nàng chấp nhận tiến hành đám cưới, dù chưa thật sự muốn. Sở dĩ như thế, vì nàng đang ấp ủ nhiều hoạch định cho tương lai. Chẳng hạn, ít ra phải lấy thêm cái bằng tiếng Nhật, rồi theo học khóa bổ túc tài chính cao cấp để sau này dễ xin việc làm theo ý muốn. Với yêu cầu chính đáng này, chàng chấp nhận ngay. Đã thế, chàng còn hào hứng: “Chà, việc tiến thân của em tức là làm sang cho anh. Dại gì mà anh không ủng hộ?”.

Thế là họ “ngoéo tay” giao ước chậm có con.

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Đôi lúc chàng cảm thấy sốt ruột lắm. Trong những cuộc vui bè bạn cùng trang lứa, thấy có người ẵm bồng con trẻ nựng nịu, rồi nghe tiếng khóc nhè của chúng sao mà thương thế. Thích thế. Chứng kiến cảnh ấy, chàng len lén thở dài vì dù gì mình cũng đã trót “quân tử nhất ngôn”.

Khổ nỗi lý do chưa muốn vội có con của chàng/nàng, bố mẹ có hiểu cho đâu, Thậm chí họ còn khuyên một câu rất ấm ớ, buồn cười: “Sao hai đứa không đi bác sĩ xem sao?”. Khi nghe bà mẹ chồng âu yếm bảo thế, cô con dâu kịp bịt miệng kẻo không phải sặc cười. “Ối dào, đúng là vẽ rắn thêm chân, lo bò trắng răng, chứ con đã muốn thì dễ như lật bàn tay”, cô tự nhủ. Rồi những lúc đối ẩm với con rể, thỉnh thoảng ông bố vợ còn bày tỏ ước mơ được sớm lên chức ông ngoại!

Do từ nhiều áp lực, chàng bèn bàn với với vợ hủy “giao kèo”. Nàng ứ chịu nên mới thốt ra câu: “Đấy, sao dễ quên thế? Nuốt lời rồi chứ gì?”.

Có những chuyện xẩy ra, người ngoài nhìn nhận vấn đề thường sáng suốt hơn đương sự. Thế nhưng tình huống trên, lại khác. Khó lắm. Khó ai có thể thể cho lời khuyên nào hợp lý hợp tình khiến người trong phục tâm phục khẩu phục.

Trường hợp của cô út nhà tôi cũng éo le không kém. Khi cô về làm dâu nhà bà X, ai cũng mừng vì nhà đó neo đơn, chỉ có mỗi mẹ già ở chung với con trai. Khỏi phải lo xẩy ra cảnh “chị dâu em chồng”. Đã thế nhà cửa bên chồng lại rộng thênh thang. Khỏi phải lo tất bật kiếm tiền mua nhà ra riêng. Rồi sau này, khi sinh con, cứ việc giao cho mẹ chồng chăm nom. Khỏe re.

Do hoàn cảnh thuận lợi, cả hai quy ước sau khi về ở với nhau thì cô vợ không cần phải đi làm nữa. Đồng lương”ba cọc ba đồng” chẳng bõ bèng gì. Nghỉ cũng tốt thôi. Thời gian đó, cô tiếp tục đi học thêm về nghiệp vụ cho vững vàng. Được người chồng tạo điều hiện thuận lợi cho việc tiến thân sau này, thử hỏi còn gì sung sướng hơn?

Thế nhưng khi chính thức về làm dâu, cô út mới nhận ra mọi việc không đơn giản.
 

Tưởng nhàn nhã, nào ngờ lại bận rộn đến khiếp. Thời gian trong ngày, cô phải dành hết cho mẹ chồng. Sáng, lo thức ăn sáng rồi đưa bà đi tập vật lý trị liệu; trưa, chiều lại lo cơm nước; cả ngày quanh quẩn với mẹ chồng cho “vui cửa vui nhà”. Sở dĩ bà không muốn cho con dâu ra khỏi nhà, một phần còn do tâm lý của người già muốn luôn có người bên cạnh trò chuyện. Hơn nữa, cứ như bà từng bảo: “Nhà mình đâu túng thiếu gì. Mấy đứa ở nước ngoài gửi tiền về hàng tháng cho mẹ, thừa sức trang trải chi tiêu mà con!”.

Trong khi đó, cô út nhà tôi những muốn “nở mày nở mặt” với thiên hạ, lại ở những vấn đề khác. Ở chỗ được đi học thêm, sau đó, tìm chỗ làm phù hợp với khả năng, sở thích chứ không phải suốt ngày ru rú trong bốn bức tường. Dù mỗi ngày không phải lo lắng gì đến “cơm áo gạo tiền” nhưng cô cảm thấy tù túng, bức bối lắm. Vì thế, cô mới nhắc lại với chồng về “giao kèo” trước đó. Mọi việc sẽ thay đổi chăng? Không hề đơn giản một chút nào. Giữa nguyện vọng của mẹ và sở thích của vợ, người chồng phải giải quyết thế nào đây? Vậy hóa ra câu nói: “Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?” tưởng rằng rất xưa cũ nhưng thời nào cũng có. Tùy theo mỗi thời, nó có cách biểu hiện khác nhau. Mà biểu hiện ở góc độ nào cũng đều khiến người trong cuộc cảm thấy khó xử lắm.

Theo tôi, cách tốt nhất là một trong hai người cần có sự nhường nhịn lẫn nhau. Sự nhượng bộ ấy dù phần thiệt thòi, hụt hẫng có thể mình phải nhận lấy đi nữa. Nói như vậy chẳng phải “sách vở” đâu, vì nếu xuất phát tình yêu thương chồng/vợ ắt họ sẽ có cách thu xếp ổn thỏa. Bằng không, trước lúc kết hôn, cứ rành mạch, cân nhắc mọi chuyện đâu ra đó, cả hai cùng đồng thuận thì sau này đỡ phải đau đầu tính toán việc hủy “giao kèo”. Khó lắm.


L.M.Q

(nguồn: TGPN 27.3.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com