THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh

LÊ MINH QUỐC: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh

 

moi-cay-moi-hoa-moi-nha-moi-canh-1RR

 


Liếc mắt coi chơi người lớn bé

Vểnh râu bàn những chuyện xưa nay

Của trời trăng gió kho vô tận

Cầm hạc tiêu dao đất nước này

Đọc lại lần nữa, xem sao. Có lẽ nhiều người cười khà lên một tiếng: “Chà, sống trong tâm thế này sung sướng quá đi mất. Có lẽ người này ắt đầy đủ, dư dả lắm đây”. Một khi đã hài lòng, thừa mứa với vật chất, con người ta mới có thể khoáng đạt đến thế. Nếu suốt một ngày cắm mặt với công việc, kiếm ăn bằng từng giọt mồ hôi nhọc nhằn, làm sao có thể ung dung, thư thái “liếc mắt” với “vểnh râu”?

Thật ra mấy câu thơ này, nhà nho Nguyễn Công Trứ đã viết thuở hàn vi, chưa nên danh phận và đang nghèo túng: “Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no”. Thế nhưng, ông vẫn: “Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”. Vậy hóa ra, trong lúc túng bấn nhất, dù không bằng thiên hạ nhưng ai ai cũng tìm được niềm vui sống? Đúng vậy. Không những thế, lúc nguy cấp nhất, nếu lăm lăm nương tựa, dựa dẫm vào ai khác hơn mình gấp bội phần, không khéo sẽ dẫn đến kết cục còn thê thảm hơn nhiều.

Trong ngụ ngôn của Aesop có mẩu chuyện: Một trận lũ lớn cuốn hai cái bình trôi xuống sông; một cái được làm bằng đất nung, còn cái kia bằng đồng. Trong lúc bị cuốn theo dòng nước chảy cuồn cuộn, cái bình đồng hét to gọi cái bình đất nung: "Hãy ở sát cạnh bên tôi và tôi sẽ cố hết sức để bảo vệ anh”. Nhưng cái bình đất nung, dù đang lo lắng tột độ, vẫn bình tĩnh đáp lại: “Cảm ơn, tôi vô cùng cảm kích sự quan tâm của anh, nhưng đấy đúng là điều tôi e ngại nhất! Nếu tránh xa anh, tôi có thể trôi xuôi dòng sông để rồi chạm bến đỗ an toàn. Nhưng nếu chúng ta va chạm vào nhau một lần thôi,  tôi sẽ bị vỡ tan tành”.

Nghe ra chí lý lắm thay.

Một trong những sự so sánh phổ biến nhất xưa nay vẫn là sự giàu nghèo. Trong lịch sử nước nhà, Tiến sĩ Ngô Thì Sỹ có viết bài văn trách ma nghèo rất nổi tiếng. Ta hãy nghe con ma nghèo biện luận, cãi lại: “Tiên sinh lầm rồi! Cứ xem từ thời Hạ, Thương, Chu trở xuống, ở các nơi danh hương hiền phố, các vị khanh tướng có danh tiếng trong thiên hạ, hết thảy đều qua tay tôi điểm hóa trước, sau đó mới luyện đức tốt, thêm trí lực, rồi mới lập nên sự nghiệp phi thường. Thí dụ như Y Doãn trước nấu bếp, Thái Công Vọng làm nghề mổ gia súc, Nịnh Tử chăn trâu, Tô Quý Tử mặc áo cầu rách, đó đều là những tấm gương rõ ràng ở đời trước. Có mười mẫu ruộng chỉ làm được ông lão nông; có nghìn vàng ở chợ chỉ được khen là anh lái buôn giàu. Nhưng một chàng áo vải thường làm nên khanh tướng, thế thì cái nghèo có phụ gì người đời đâu… Giàu vốn làm cho đời sống người ta phong phú, nhưng nghèo há chẳng lại rèn luyện ta nên người đó sao? Tôi nghe nói: lợi nhiều thì trí mờ ám, tiền dễ thì thêm mắc lỗi”.

Khổ nổi, chúng ta lại không nghĩ như thế. Một khi nhìn thấy thiên hạ hơn mình cái này, cái nọ thì ngay lập tức mình cũng quyết được như họ.

Từ ngày xửa ngày xưa, cái thời thiên hạ chưa hề biết gì về tin học, email, “chít chát”, đã có câu chuyện như sau: Làng nọ, tỉnh nọ, nước nọ có cô nàng Tây Thi nhan sắc tuyệt trần. Trăm người như một, hễ ai đã gặp nàng ắt phải khen đẹp. Tuy nhiên, nàng có chứng đau bụng, quái, khi ôm bụng nhăn mặt thì lại càng đẹp hơn. Có cô gái Đông Thi dù dung nhan chỉ ngang cỡ Thị Nở, tệ hơn cả Chung Vô Diệm biết được điều đó bèn bắt chước theo. Hễ ra khỏi nhà, bước vào chốn đông người là cô ta ôm bụng nhăn mặt. Mọi người trông thấy đều hoảng hồn tưởng gặp ma quỷ, tìm cách tránh, né càng xa càng tốt.

Nếu cô gái kệch cỡm ấy, sống trong thời buổi này, có thể khiến thiên hạ nhầm tưởng mình cũng có nhan sắc “chim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường”.

Thực hiện bằng cách nào?

Mới đây mọi người “bật ngửa” với câu chuyện đình đám: Sau khi được đội vương miện giữa hàng vạn tiếng vỗ tay, cô hoa hậu nọ thường thích đi làm từ thiện. Hình ảnh đáng khen này được nhiều báo đưa tin, tràn đầy trên mạng. Ngay lập tức kẻ xấu lập trang Facebook mang tên cô, tất nhiên chỉ chuyên đăng tải các hình ảnh, hoạt động từ thiện của cô, qua đó kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong lẫn ngoài nước cùng chung tay, góp sức. Tin vào đó, nhiều người đã sập bẫy một cách dễ dàng,  đã nộp tiền cho kẻ gian manh, lừa đảo.

Tuy nhiên, đừng bao giờ quên rằng: “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát”. Sự lừa đảo, mạo danh người khác để kiếm chác dù tinh vi đến đâu cũng có ngày bị phát giác, đến lúc pháp luật “sờ gáy” thì đã muộn.

Trở lại ước mơ của Đông Thi, tôi nghĩ, chẳng có gì sai trái, dù cô ta bắt chước theo một cách kỳ cục quá đáng. Chỉ đáng trách nếu sự bắt chước ấy, nhằm mục đích trục lợi từ sự cả tin của thiên hạ. Và cuối cùng phải trả giá đắt về tội lừa đảo mới đáng chê cười.

Ngụ ngôn Aesop còn có mẩu chuyện đáng suy ngẫm: Do vớ được bộ lông con cọp, một con lừa tinh ranh khoác lên, đội lốt làm cọp. Cả người lẫn vật nhìn thấy đều tỏ lòng thần phục, ngưỡng mộ, tung hô ca ngợi. Con lừa lấy làm hả hê, sung sướng, kiêu ngạo lắm, tha hồ dọa nạt, ức hiếp đồng loại. Một ngày kia, có trận gió thổi tung bộ da cọp lâu nay đã khoác, lừa lại hoàn lừa. Mọi người mới phát giác, tức giận cầm gậy nện cho lừa một trận nên thân.

Mỗi một con người dù hoàn cảnh thế nào cũng có một vẻ đẹp, một giá trị riêng biệt, miễn là họ hài lòng với những gì đang có. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. “Của trời trăng gió kho vô tận/ Cầm hạc tiêu dao đất nước này”. Thái độ của Nguyễn Công Trứ là một lựa chọn. Nếu có ai hỏi tréo ngoe rằng, nguyên cớ từ đâu mà nhiều người có được phong cách sống ấy? Thú thật, tôi không dám “đánh trống quà cửa nhà sấm”, chỉ xin hầu chuyện các bạn qua một mẩu đối thoại ngắn:

Có một nhà thông thái hỏi học trò: “Theo em, giữa một thỏi vàng quý và một đống bùn nhão, cái nào quý hơn?”. Nếu là tôi, tôi cũng trả lời như cậu bé: “Thưa thầy, đương nhiên là thỏi vàng quý hơn rồi ạ”. Nào ngờ, vị thông thái mỉm cười: “Nếu như em là một hạt giống thì sao?”.

Rõ ràng, một khi thay đổi tâm thế một chút, ta có thể thay đổi nhận thức đã hằn nếp từ lâu trong ý thức.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 464 ngày 18.2.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com