THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: RỒI VÌ “RẬP KHUÔN BẢN CHÍNH”

LÊ MINH QUỐC: RỒI VÌ “RẬP KHUÔN BẢN CHÍNH”

 

roi-vi-rap-khuon-theo-ban-chinh-1R

 

Có nhiều người đọc mê sách, báo, lại thường lướt web tìm kiếm thông tin. Không những thế, họ còn được bạn bè tư vấn thêm, do đó, nhiều người cứ ngỡ những gì mình đã biết chỉ có chính xác. Đố ai dám bảo là trật. Chuyện này, nghĩ cho cùng rất bình thường. Ai cũng cần chủ động trang bị kiến thức chung, có như thế, khi gặp sự việc nào đó, trước lúc nhờ đến chuyên môn thì tự mình cũng đã có thể xử lý. Tốt quá đi chứ. Có điều đáng phàn nàn, nhiều người không chỉ áp dụng cho mình mà còn áp dụng sít sao luôn cho “một nữa”.

Rối là chỗ đó.

Hổm rày cô vợ cưng thường than thở, tự dưng lên cân: “Này anh, em béo phục bịch. Em buồn”, người bèn chồng động viên, an ủi: “Không sao. Chờ anh dăm ngày nữa. Tin anh đi, em sẽ trở nên thon thả như xưa".  Sau dăm ngày đó, chẳng biết dựa vào đâu, người chồng đưa ra thực đơn “gạo lức muối mè”. Ăn suốt nửa tháng.

Lúc ăn, thỉnh thoảng người chồng lại dịu dàng như ông giáo: “Chậm lại em, nhai như thế, hơi bị nhanh đấy”; hoặc: “Ủa, phải nhai đúng 99 lần, sao chưa chi, em lại nuốt vội nuốt vàng? Lần sau, rút kinh nghiệm nhá”. Những ngày đầu, cô vợ cảm thấy bình thường. Có yêu, có thương, “người ta” mới nhắc nhở chứ. Dần dà, qua đến ngày thứ 7, vẫn còn nghe văng vẳng những câu dặn dò tỉ mỉ ấy, cô vợ đâm ra đổ quạu: “Sao anh lại máy móc thế nhỉ? Miễn sao, mỗi lần ăn hết chừng này cơm là được rồi anh”. Nào ngờ, người chồng nhăn mặt: “Nói thế là ngây thơ đó em. Sách vở có ghi rành rành đây nè. Em không tin à? Sách đây, em cứ lật trang 18, đọc dòng 25 từ trên xuống sẽ thấy bác sĩ viết những gì?”.

Sự máy móc, hễ lúc nào mở miệng ra cũng “sách nói”, “đài nói”, “trang web nói”… nghe muốn oải lắm. Anh Biên, bạn tôi có cái dở hễ ra mưa gió một chút là về nhà thường chảy mũi, ho sù sụ. Tuy nhiên, mọi việc thoáng qua nhanh, chằng có gì phải lo, ấy là anh bảo thế. Nhưng cô vợ lại không.

Hắn ta kể, lúc đó, nhân dịp tổng kết năm vượt chỉ tiêu nên sếp tổ chức cho nhân viên đi chơi Sa Pa. Không gì thích bằng, được dẫn theo cả vợ con, miễn ai lo được thêm tiền cho người nhà. Ồ, cũng được thôi, vì mấy khi vợ có dịp đi chơi chung với công ty của chồng và ngược lại. Ai cũng nghĩ thế. Biên cũng nghĩ thế. Nhưng những ngày ở Sa Pa, Biên mới thấy mình “sai lầm”. Khi đến nơi này, dù lạnh nhưng Biên vẫn cảm thấy khỏe khoắn nên hào hứng tham gia cuộc thì “Leo đồi vượt dốc’ cùng đồng nghiệp.

“Chà, cuộc đời đôi lúc đơn giản như đang giỡn vậy. Cậu biết không, vợ tớ chỉ cho tớ tham gia với điều kiện phải…”. Tôi hỏi chen ngang: “Phải thế nào? Có phải là phải “thuộc bài” mỗi đêm chứ gì? Biết quá mà”. Hắn ta cười khì: “Được thế, dễ ợt. Cái này mới khó”.

Nghe Biên kể xong tôi cảm thấy khó thật. Cô vợ bảo: “Anh có biết, sức khỏe anh yếu xìu không? Sách y khoa viết rằng, chẳng hạn, khi đang ở trong nhà, ví dụ nhiệt độ là 2, nhưng ra ngoài trời nó đang tụt xuống 1 là cơ thể người ta chịu rét không nổi ắt cảm cúm ngay. Vì thế, anh làm ơn mặc thêm cái áo ấm, đeo găng tay, cổ quấn khăn dày, chân mang giày, đeo khẩu trang, đội mũ lông. Chưa hết, anh chịu khó xoa thêm dầu nóng cho an toàn”. Nghe điều kiện ấy, Biên chống chế: “Em cứ xem anh như trẻ con. Bạn bè anh, ai nấy ăn mặc phong phanh chỉ mỗi áo sơ mi, quần sort mà có sao đâu?”.

Mặc kệ, cô vợ vẫn cương quyết: “Người ta là người ta. Mình là mình. Nghe lời em chỉ tốt cho sức khỏe của anh thôi. Anh tưởng em đùa à?”. Vừa nói, cô vợ truy cập ngay vào ngay trang web nọ, bảo: “Đọc đi anh. Em nói về chuyên môn thì đố có sai”. Tò mò, Biên đọc thử: “Ô hay, đây là cảm nang dành cho những ai du lịch ở vùng Bắc cực mà em?”. Cô vợ bèn cười ỏn ẻn: “Thế à? Chẳng sao, mình vận dụng cũng tốt thôi”. Sau cái đận tham gia cuộc thi nội bộ lúc thư giản ở Sa Pa, hắn ta “chết tên” với biệt hiệu “Biên Bắc Cực”.

Tưởng là đùa, nhưng chuyện này có thật. Mới hôm nọ, thấy dạo này, cậu em kết nghĩa là Trường đi một mình đến chơi nhà, tôi tò mò: “Thế nào, Phương đâu? Có gì giận nhau à?”. Hỏi thế, vì tôi thừa biết những người trẻ lúc đang yêu, đôi lúc để tình yêu thêm thi vị, họ hay kiếm cớ giận nhau rồi lại làm lành với nhau. Với câu hỏi đó, chắc Trường gật đầu như mọi lần, không ngờ, hắn nói luôn một hơi: “Lỗi tại em. Tại em mà ra”. “Ơ hay, chuyện gì vậy ta?”, tôi thầm hỏi.

Trường nói: “Anh có tạp chí Uyên ương không? Cho em mượn để nghiên cứu”. Thì ra, những lúc đi chơi với nhau, Trường vẫn nhẹ nhàng bày tỏ tình cảm bằng cách cầm tay Phượng. Ngờ đâu, mới đây, cô ấy bảo: “Em nói thật nhá, lâu nay, anh cầm tay em không đúng bài bản. Trật lấc. Phải như thế này nè”. Nói xong cô chìa ta tờ tạp chí cho xem. Trường lẫm bẫm trong bụng: “Chết tiệt cái bài “10 nghệ thuật cầm tay tình nhân của người đàn ông thành đạt”. Chuyên gia hướng dẫn thế này đấy ư?”.

Có lúc trong sách vở là vậy, có đọc thì chỉ tham khảo cho vui, cho biết và nên chọn lọc nhưng nhiều người lại cứ “sao y bản chính”. Vẫn biết cũng tốt thôi nhưng còn tùy phải tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh chứ? Biết là thế, nhưng khó cãi lắm, vì lý lẽ đưa ra vẫn là: “Sách nói thế”. Rồi cứ khăng khăng buộc “một nửa” thực hiện theo sách thành ra mới rối!

L.M.Q


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com