THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Làm việc tốt có dễ không?

LÊ MINH QUỐC: Làm việc tốt có dễ không?

lam-viec-tot-co-de-khong

 

Trong lớp học nọ, cô giáo dạy các em phải luôn giúp đỡ người khác, tùy theo khả năng của mình. Sau giờ tan học, có cô bé quyết định làm theo. Hằng ngày, do nhà gần trường nên bé tự đi về. Trưa nay, trên đường về nhà, bé trông thấy bà cụ đứng chần chừ bên lề đường. Có lẽ do sợ xe nên cụ không dám bước qua đường chăng? Cơ hội để làm việc tốt đây rồi.

Bé đến nắm tay bà cụ và bảo: “Bà nắm chặt tay cháu nhé. Bà cứ mạnh dạn bước đi. Có cháu đây, bà đừng sợ”. Lúc đèn xanh, hai bà cháu thong thả qua đường. Sang đến nơi, bà cụ khen: “Ngoan lắm. Vậy cháu về nhà đi nhé”. Bé lễ phép cám ơn rồi dợm chân chuẩn bị sang lại bên kia đường, bà cụ ngạc nhiên: “A, vậy nhà cháu không phải bên này đường à?”. Bé thưa: “Dạ, không. Cháu chỉ đưa bà sang đường cho an toàn thôi ạ”. Nào ngờ, bà cụ cười lớn: “Vậy à, thế mà ta cứ tưởng cháu cần qua đường”. Thế là hai bà cháu lại cầm tay nhau sang ngược đường lần nữa.

Thì ra, lúc thấy bà cụ đang đứng chờ tuyến xe buýt, bé cứ tưởng cụ muốn sang bên kia đường nên thể hiện việc làm tốt là vậy. Cô bé thầm nghĩ: “Chà, làm việc tốt cũng không dễ chút nào”. Mà dù gì đi nữa, cô bé trong mẩu chuyện này, tự thân đã làm một việc tốt rất đáng khen.

Làm việc tốt, không chỉ qua hành động cụ thể mà còn là sự thay đổi từ trong nhận thức. Câu chuyện của Mẹ Têrêsa (1910-1997) là một thí dụ: Một lần, có một người đàn bà giàu có người Hindou đến thăm Mẹ. Bà ta nói: “Thưa Mẹ, con ước ao được chia sẻ với Mẹ và cộng tác với Mẹ trong các hoạt động từ thiện”. “Tốt lắm!” -Mẹ đáp lại một cách vui vẻ. Rồi bà ta thú thực với Mẹ là có một điều rất khó bỏ, đó là tính khoe khoang, ưa làm dáng. Bà thích mặc những chiếc áo xari, những bộ đồ Ấn Độ lộng lẫy và đắt tiền. Hôm ấy, bà mặc bộ áo xari trị giá 65 đôla, trong khi chiếc áo xari của Mẹ Têrêsa đang mặc chỉ đáng giá 65 xu, chưa đầy một đôla.

Như được ơn trên soi sáng, Mẹ Têrêsa bỗng nảy ra một tư tưởng hay.

Mẹ khiêm tốn đề nghị: “Từ nay trở đi, thay vì mua sắm những bộ áo xari trị giá 65 hoặc 100 đôla, bà chỉ nên mua những bộ rẻ tiền hơn, chừng 45 hoặc 50 đôla thôi. Số tiền còn lại, bà hãy mua những bộ áo xari đơn sơ khác dành cho người nghèo”. Bà ấy vui vẻ hưởng ứng lời đề nghị của Mẹ, rồi dần dần bà đã biết dùng những bộ áo xari rẻ tiền hơn.

Sau này, chính bà ấy đã thú nhận với Mẹ Têrêsa rằng: “Thưa Mẹ, từ ngày con bắt đầu từ bỏ những vẻ hào nhoáng vô ích bên ngoài đó, tâm hồn con cảm thấy được tự do hơn, nhẹ nhàng hơn. Con đã học biết và hiểu rõ hơn thế nào là cho đi, thế nào là chia sẻ. Và trong cách chia sẻ như thế, con phải thú nhận rằng chính con đã được lãnh nhận nhiều hơn những gì con đã cho đi và chia sẻ với những anh chị em nghèo khó” (Bản dịch của linh mục Đoàn Quang).

Có nhiều cách để chia sẻ với người khác, tùy theo khả năng của mỗi người. Nếu làm được điều đó, chính mình lại được sự sung sướng, hạnh phúc từ niềm vui của của người khác. Vì vậy, một khi làm việc tốt, điều cốt lõi nhất vẫn là không nên khoe khoang, không cần truyền hình, báo chí thông tin rộng rãi như một cách “đánh bóng” tuổi tên. Thậm chí cũng không nên post hình ảnh cứu trợ, tài trợ lên các trang mạng xã hội như một cách khoe mẻ ầm ĩ. Không cần thiết đâu. Làm việc tốt, chỉ mỗi mình biết là đủ. Đó cũng là một cách gặt hái về sự nhân nghĩa của cuộc đời.

Ngày xửa, ngày xưa có một người nhà giàu tên là Mạnh Thường Quân. Ông ta thường đem của cải cho vay. Một hôm, ông ta sai thuộc hạ thân tín là Phùng Nguyên đi đòi nợ. Người này bèn hỏi: “Thưa ngài, sau đó, ngài cần mua gì đem về?”. Mạnh Thường Quân đáp: “Xem thứ gì mà nhà ta chưa có thì mua”. Khi sang đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi người dân đang thiếu nợ đến và bảo: “Các ngươi công nợ bao nhiêu, chủ ta đều cho hết cả”. Rồi, Phùng Nguyên đem đống văn tự vay nợ đốt sạch.

Khi về Phùng Nguyên báo cáo lại với chủ: “Nhà ta không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã mua ở đất Tiết cho ngài rồi, chắc hẳn là hợp lý”. Ít lâu sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết, nhớ ơn xưa, dân làng ra đón rước rợp đường, tiếp đãi đàng hoàng, chu đáo. Bấy giờ, Mạnh Thường Quân mới ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên: “Đó hẳn là cái ơn mà ông đã mua cho tôi ngày trước”.

Vậy, làm việc tốt dễ hay khó? Trong suy nghĩ đó, tôi còn nghĩ thêm rằng, làm việc tốt cũng còn có thể là lúc mình sống tốt với chính mình, không gây ra phiền lụy, phiền toái, bất hạnh, khổ đau cho người khác. Đã từ lâu lắm rồi, tôi có đọc một truyện ngắn cực hay của nhà văn Sê Khốp (1860-1904), có thể minh họa cho ý trên.

Chuyện kể về một đứa trẻ được tuyển vào ngành hàng hải, làm việc dưới tàu đ năm châu bốn biển. Lần nọ, tàu ra khơi, giông tố nổi lên ầm ầm, theo lệ mỗi thủy thủ được uống một tợp rượu cho ấm bụng. Lúc ly rượu chuyền đến tay, cậu bé cương quyết không chịu uống. Viên thuyền trưởng giận dữ, cho rằng cậu dám cả gan chống lệnh, lập tức vút roi vùn vụt. Trên lưng, trên vai đều bầm tím vết roi. “Mày uống không?”. “Tôi không uống”. Viên thuyền trưởng thét lên: “À, gan cóc tía. Treo nó lên cột buồm cho ta”.

Trải qua một đêm mưa gió, qua sáng hôm sau, cậu bé được lôi xuống. Người ta chà xát, xoa bóp một hồi, cậu dần dần tỉnh dậy. Viên thuyền trưởng lại bảo: “Nào, mày hãy uống một cốc”. Cậu bé lắc đầu. “Tao không thể cho phép ai trái lệnh. Nếu cứng đầu, mày phải nhịn ăn”. Cậu bé trả lời: “Xin đừng lấy làm phiền lòng, ngài để cho tôi nói rõ nguyên nhân sự bất tuân thượng lệnh của tôi: Khi xưa gia đình tôi sống hạnh phúc, thuận hòa, bỗng cha tôi uống rượu, mắc nghiện rồi phá tan cả gia nghiệp. Mẹ tôi đau khổ héo hắt đi mà chết. Trước khi nhắm mắt, mẹ tôi gọi tôi đến gần trăng trối: “Trông gương con cha đấy. Con hãy thề cùng mẹ không bao giờ uống rượu”. Ngài nỡ nào nhẫn tâm bắt tôi phải trái lời hứa với mẹ tôi?”.

Viên thuyền trưởng ứa nước mắt vì mủi lòng, ông ta ôm lấy cậu bé và kêu lên: “Không! Không! Con hãy giữ lấy lời thề. Trên tàu, ai ép con uống rượu, con cứ mách ta, ta sẽ che chở cho con”.

Cậu bé này, đã làm được việc tốt đấy chứ? Đúng thế, khi sống và làm việc không hỗ thẹn với lương tâm, đạo lý làm người cũng đã là một cách thể hiện việc tốt đối với cộng đồng.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 452 ngày 24.9.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com