THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: PHÉP MÀU GIÁ BAO NHIÊU?

LÊ MINH QUỐC: PHÉP MÀU GIÁ BAO NHIÊU?



phepmaugiabao-nhieu-1-R

 

Thời buổi này, bà Tiên, ông Bụt, ông già Noel… nếu ai hỏi có thật hay không? Tất nhiên, câu trả lời chỉ có thể là: “Không”. Làm gì còn có chuyện mơ hồ, huyền hoặc ấy trong thời đại công nghệ thông tin? Ngay cả đứa trẻ cũng thừa biết điều đó nhưng rồi các em vẫn nghi nghi ngờ ngờ. Đến nay, lá thư đăng trên tờ The New York Sun ngày 21.9.1897, trả lời câu hỏi: “Ông già Noel có thực không?” của bé gái 8 tuổi vẫn còn gây xúc động với bao người.

Xin trích một đoạn: “Ông có thực cũng như tình yêu và lòng quảng đại luôn hiện diện quanh ta, nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta được vui tươi và hạnh phúc. Nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta ảm đạm biết bao. Nếu không có những em bé như cháu thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Khi đó cuộc sống sẽ chẳng có những tâm hồn trẻ thơ, chẳng có thi ca, chẳng có lãng mạn. Con người chỉ là những cỗ máy khô khan. Ánh sáng niềm tin và hy vọng của trẻ em trên khắp thế giới cũng sẽ tiêu tan”. Xin nhấn mạnh thêm: “Nếu không tin có ông già Noel, cháu cũng sẽ chẳng tin vào những chuyện thần tiên”.

Không riêng gì trẻ em, ngay cả người lớn cũng tin vào “những câu chuyện thần tiên”. Ước mơ và sự hướng thiện ấy, con người ta lại dựa vào đó, làm điểm tựa để phấn đấu vượt qua phong ba bão táp. Sở dĩ Truyện Kiều, Lục Vân Tiên - hai áng thơ Nôm trác tuyệt, bất hủ của dân tộc Việt trường tồn qua năm tháng, phải kể đến còn nhờ vào yếu tố “những câu chuyện thần tiên” nữa.

Với Lục Vân Tiên, vì thương mẹ nên khóc đến nổi mù mắt, lại bị Trịnh Hâm lừa xô xuống sông: “Trong thuyền ai nấy kêu la/ Đều thương họ Lục xót xa tấm lòng”. Không ngờ, ngay khoảnh khắc ấy: “Giao long liền đỡ vào trong bãi rày/ Vừa may trời đã sáng ngày/ Ông chài xem thấy vớt ngay lên bờ”. Còn Kiều Nguyệt Nga lúc bị tên Thái sư nịnh thần tâu vua bắt sang cống giặc Ô Qua, nàng phải ôm bức họa Lục Vân Tiên giữ lòng chung thủy rồi nhảy xuống sông. Không ngờ, ngay khoảnh khắc ấy: “Quan Âm thương đấng thảo ngay/ Bèn đem nàng lại bỏ rày vườn hoa”.

Số phận của Thúy Kiều lúc nhảy xuống sông Tiên Đường thì sao?  “Giữa dòng nước dẫy sóng dồi/ Trước hàm rồng cá gieo mồi thuỷ tinh”. Không ngờ, ngay khoảnh khắc ấy, sư bà Giác Duyên: “Tiền Đường thả một bè lau rước người”.

Những tình huống bất ngờ vừa nêu trên khiến người đọc xưa nay thở phào, nhẹ nhỏm. Và ai nấy càng tin rằng, những ai ở hiền ắt gặp lành, dù bị đẩy vào đường cùng cũng không thể kết thúc số phận nghiệt ngã đến thế. Lúc đen tối, hắc ám nhất của “phút 89”, những người thiện tâm vẫn tai qua nạn khỏi; nói cách, chẳng ai phụ lòng, bỏ mặc những “đấng thảo ngay”.

Phải có phép màu cứu giúp họ.

Đừng nghĩ, phép màu ấy chỉ có trong “những câu chuyện thần tiên”. Phép màu ấy vẫn hiện hữu qua các bà Tiên, ông Bụt mà các đấng vô hình ấy đã hiện hữu trong thân xác cụ thể của người tốt, của những ai biết sống vì người khác. Có một câu chuyện rất cảm động, tôi đã đọc trên Internet và nghĩ rằng, cần phải sẻ chia đến với mọi người:

Chiều tối, một cô bé tám tuổi tình cờ nghe lén cha mình gục đầu vào vai mẹ nói về đứa em trai nhỏ. Cô bé chỉ hiểu rằng em mình đang bị bệnh rất nặng nằm bệnh viện và gia đình cô không còn tiền. Chỉ có một cuộc phẫu thuật rất tốn kém mới cứu sống được đứa em trai, nhưng cha mẹ em không tìm ra ai để vay tiền. Trước đó, gia đình em đã phải dọn đến một căn gác nhỏ hơn vì họ không đủ khả năng tiếp tục ở căn nhà thuê hiện tại khi tiếp tục trả tiền viện phí.

Nghe vậy cô bé liền vào phòng mình, kéo ra một con heo đất được giấu kỹ trong tủ quần áo. Em dốc hết đống tiền lẻ và đếm cẩn thận bỏ vào túi áo. Rồi cô bé lẻn ra ngoài bằng cửa sau để đến một tiệm thuốc gần đó. Đường phố đã vắng lặng. Tiệm đã đóng cửa, nhưng vẫn có ánh đèn hắt qua khe cửa. Em kiên nhẫn đứng gõ cửa, khá lâu cửa cũng mở. Người bán thuốc hỏi: “Cháu cần gì?”.

Em đặt toàn bộ số tiền mình có lên quầy - khẩn khoản nhìn người bán thuốc:

- Em trai của cháu bệnh rất nặng và cháu muốn mua phép màu.

- Cháu bảo sao? - Người bán thuốc hỏi lại.

- Em cháu tên Andrew. Nó bị một căn bệnh gì đó mà ba cháu nói chỉ có phép màu mới cứu được nó. Phép màu giá bao nhiêu ạ?

- Ở đây không bán phép màu, cháu à. Chú rất tiếc - Người bán thuốc nở nụ cười buồn và tỏ vẻ cảm thông với cô bé.

- Cháu có tiền trả mà. Nếu không đủ, cháu sẽ cố tìm thêm. Chỉ cần cho cháu biết giá bao nhiêu? Cô bé lạc giọng muốn khóc.

Trong cửa hàng lúc đó còn có một vị khách ăn mặc thanh lịch. Sau khi nghe câu chuyện, ông cúi xuống hỏi cô bé: “Em cháu cần loại phép màu gì?”.

- Cháu cũng không biết nữa-  Cô bé trả lời, rơm rớm nước mắt. “Nhưng em cháu rất cần phép màu đó. Nó bị bệnh nặng lắm, mẹ cháu nói rằng nó cần được phẫu thuật, và hình như phải có thêm loại phép màu gì đó nữa mới cứu được em cháu. Cháu đã lấy ra toàn bộ số tiền để dành của mình để đi tìm mua phép màu đó”.

- Cháu có bao nhiêu?- Vị khách hỏi. Cô bé trả lời vừa đủ nghe: “Một đô la mười một xu.”
Người đàn ông mỉm cười: “Ồ! Vừa đủ cho cái giá của phép màu”.

Một tay ông cầm tiền của cô bé, tay kia ông nắm tay em và nói: “Bác muốn vào bệnh viện thăm em trai cháu. Để xem bác có loại phép màu mà em cháu đang cần không nhé".

Người đàn ông thanh lịch đó là Bác sĩ Carlton Armstrong, một phẫu thuật gia thần kinh tài năng - anh họ của người bán thuốc. Ca mổ phức tạp kéo dài... cuối cùng được hoàn thành - mà chỉ tốn có 1 đô mười một xu.

Ít lâu sau Andrew đã có thể về nhà, khỏe mạnh lại.

Mẹ cô bé thì thầm: “Mọi chuyện diễn ra kỳ lạ như có một phép màu. Thật không thể tưởng tượng nổi. Thật là vô giá!”. Cô bé mỉm cười. Em biết chính xác phép màu giá bao nhiêu. Một đô la mười một xu, cộng với niềm tin chân thành của một đứa trẻ, và lòng tốt của người bác sĩ."

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 450 ngày 10.9.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com