THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Ở nhà mình, cần gì ý tứ?

LÊ MINH QUỐC: Ở nhà mình, cần gì ý tứ?


onhaminhcan-gi-y-tu-1R


Không rõ gì lý do gì, gần đây cứ khoảng tám, chín giờ tối, hễ căn hộ đối diện sáng đèn thì anh chồng gác lại mọi việc,  bước ra lan can, chọn một góc khuất rồi đứng mãi…

Có lẽ, do chồng mình cao hứng muốn trở thành thi sĩ chăng? Vì thế, anh ta mới tìm nơi vắng vẻ, yên tĩnh để tập trung cao độ cùng “nàng thơ”? Nghĩ thế, người vợ cũng mặc kệ, không thèm đến xỉa tới. Nhưng sự việc lặp đi lặp lại nhiều lần, chị đâm ra nghi ngờ. Bèn bí mật theo dõi. Thật kinh ngạc, bấy giờ chị mới biết lý do tại sao. Phía căn hộ bên kia, nơi sáng đèn là phòng ngủ của đôi vợ chồng trẻ vừa mới dọn đến. Trời đất, cô chủ nhà ăn mặc hớ hênh, lõa lồ quá đi thôi. Hèn chi, chồng nhà mình tranh thủ “rửa mắt”.

Thế đấy, nhiều người vẫn quan niệm, khi đã về đến nhà, nhà là nhà của mình nên họ không cần phải thực hiện các quy tắc, chuẩn mực như nơi công cộng. Cũng đúng thôi. Về đến nhà, ai cũng có tâm lý nghĩ ngơi, thư giản thỏa mái nhất nên không muốn tự/bị ràng buộc, gò bó. Họ cứ tự nhiên, muốn gì làm nấy. Do đó, đôi lúc lại xẩy ra “phiền phức” cho người sống gần đó. Không những thế, người chung trong một nhà có lúc cũng choáng luôn.

Vừa rồi, bạn tôi kể, nhân sinh nhật hắn ta được vợ tặng món quà  không ngờ tới. Tôi tò mò hỏi quà gì, hắn cười khì cho biết là những bộ quần áo mặc ở nhà. Đơn giản, hễ trở về nhà, hắn suốt ngày chỉ mặc mỗi quần tà lỏn cũn cỡn. Cô vợ nhiều lần chê nhầu nhĩ, nhếch nhác đến phát gớm. Chướng mắt lắm, do đó, cứ nhắc nhở luôn. Nhưng hắn ta lại cãi: “Ối dào, lắm chuyện. Ở trong nhà, cần gì phải ăn mặc cho kín đáo, lịch sự như ở công sở?”.

Tâm lý đó khá phổ biến. Tưởng lẻ lẻ, vụn vặt nhưng biết đâu lại ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc “nửa kia”?

Cô em kết nghĩa của tôi kể, lúc đang yêu nhau, mỗi nhìn thấy diện mạo của cậu Thịnh là cô mê tít thò. Mẫu người ấy, vừa chỉnh chu vừa thanh lịch, lúc nào cũng nước hoa rất “men” thoang thoảng. Thế nhưng khi thành vợ thành chồng, ở chung nhà, cô bẽ bàng nhận ra không phải vậy. Ai đời, lúc ăn cơm, Thịnh lại ngồi xổm, cho cả hai chân trên ghế, trông nó hèn hèn, bần tiện thế nào ấy. Nghe vợ nhắc nhở, Thịnh chỉ cười: “Ở nhà mình chứ đâu phải ngoài quán xá đâu em? Miễn sao cảm thấy thỏa mái là được”. Đành rằng là thế nhưng với cách ngồi ăn vô duyên đó, nếu con cái bắt chước theo thì sao?

Nhiều chuyên gia tâm lý cho biết, trường hợp vợ chồng lục đục còn có lý do mà họ ngại nói thật với “nửa kia”. Ấy là lúc ‘gần gũi”, nguyên nhân khiến họ kém đi sự háo hức, vồ vập nhiệt tình cũng bởi điều lặt vặt. Đang lúc cảm hứng dạt dào như sóng vỗ bờ thì họ lại xụi lơ như bong bóng xì hơi.

Do đâu?

Là do bộ quần áo ngủ chết tiệt kia. Nó cũ rích, ngả màu cháo lòng, ngứa mắt lắm nên cảm hứng bị thui chột mất tiêu. Thì ra “đồng sàng dị mộng” lúc thực hiện “chuyện ấy”, đôi lúc chỉ là những suy nghĩ khác nhau về hình thức bề ngoài. Tưởng rằng, chẳng quan trọng gì nhưng rồi cũng trở nên “có chuyện”.

Lại nữa, có những người rất ngại khi có bạn bè, người thân đến chơi nhà. Vì “nửa kia” chẳng thèm ý tứ thay đổi “xiêm ý” cho chỉnh tề một chút. Chị bạn thân thiết của tôi có lần cười như mếu khi kể lại “gia cảnh”. Rằng những lúc bạn gái đến thăm, thâm tâm chị chỉ muốn anh chồng “lượn đi cho nước nó trong”. Chứ “lão” cứ lởn vởn trong nhà, lại mắc cỡ không chịu được.

Trong lúc các con quần áo chỉnh chu, vòng tay lễ phép chào hỏi, thưa khách thì anh chồng vẫn “trần như nhộng”. Chẳng thà bộ ngực nở nang như lực sĩ thể hình còn đỡ, đằng này ngực lép, trơ mấy cái xương sườn cũng “khoe” thì rõ chán. Vì thế, chị luôn tìm cách “đuổi khéo” chồng đi nơi cho khuất mắt.

Dù nhẹ nhàng góp ý, cằn nhằn nhưng rồi người chồng vẫn tính nào tật nấy. “Quan điểm” anh ta đưa ra cù nhầy, ấm ớ cỡ như: “Bày vẽ làm gì, cũng bạn bè, anh em thân thiết. Hiểu nhau quá rồi. Việc gì phải bận tâm những chuyện vặt vãnh hả em ơi?”. Thế rồi đỉnh điểm cuộc cãi nhau ỏm tỏi của họ là lúc cô em vợ từ quê lên ở trọ dăm ngày để chuẩn bị thi đại học. Dù vậy, anh rể cũng chẳng hề ý tứ gì, ở nhà vẫn cứ giữ nguyên “phong cách”.

Ai cũng đồng tình trở về nhà vẫn là nơi “trú ẩn” bình yên, nghỉ ngơi, thư giản tùy thích nhưng đâu chỉ mỗi một mình như Robianson trên hoang đảo? Do đó, sự chừng mực, ý tứ luôn là điều cần thiết, nếu không, mình dễ dàng đánh mất “hình tượng” như chơi. Người sống chung “ngứa mắt” vì lẽ đó, nếu không cãi nhau mới là lạ.

L.M.Q

(nguồn: TGPN 5.9.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com