THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: “NHẢY’ VÀO MIỆNG NHAU

LÊ MINH QUỐC: “NHẢY’ VÀO MIỆNG NHAU

NHAY-VAO-MIENG-NHAU

 

Trong cuộc vui, khi bàn chung về vấn đề nào đó, nhất là lúc đã có một chút men, ai cũng khoái được phát ngôn. Lúc đó, được nói cũng là một lạc thú, một sự phấn khích. Dù chưa biết trúng trật thế nào nhưng miễn cứ há miệng ra, tuôn dào dạt “lời vàng, ý ngọc” là được.

Chiều hôm đó, bạn bè tôi rủ nhau kéo đến nhà Hùng để “rửa xe mới”. Ai có gì mồi gì ngon xách theo, chủ nhà chịu trách nhiệm về khoảng bia bọt. Bao nhiêu chuyện “trên trời, dưới đất” rôm rả, vui lắm. Đến lúc bàn về cách luộc thịt gà, phải có bí quyết gì mới đạt đến nghệ thuật của cái sự ngon? Mọi người hỏi Tú, vì cô nhiều năm mở cửa hàng phở gà, tất nhiên kinh nghiệm “đầy mình”. Khổ nổi, khi vừa nhỏ nhẹ dăm câu thì Hiến - chồng của Tú đã nhanh nhẩu nhảy xổm vào giữa họng cô (!), giành nói cho bằng được!

Tưởng vậy là thôi, không ngờ, qua chuyện khác cũng vậy, lúc Tú vừa góp chuyện, Hiến cũng giành nốt. Mà đâu phải lần này, các dịp khác cũng không khác gì. Bao giờ Hiến cũng muốn tỏ cho thiên hạ biết mình là người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Vấn đề gì cũng bàn luận được. “Khiếp quá, từ rày trở về sau, anh cứ nhảy vào miệng em ngồi luôn cho nó xong. Có bao giờ anh để cho em được nói hết câu đâu?”. Sau khi vùng vằng. giận dỗi thốt lên câu ai oán đó, Tú nhất quyết đứng dậy gọi taxi về trước.

Tâm lý giành nói không xa lạ gì với nhiều người, một phần do lúc đó họ không làm chủ bản thân; và cũng có thể vì họ nghĩ rằng, người vợ/chồng chẳng có kiến thức gì về lãnh vực đó, nói ra nhiều lúc bị hớ, bạn bè chê cười, chi bằng mình cứ giành nói luôn cho “chắc ăn” (!?). Dù biện minh bằng lý do gì, cái sự ham nói quá thể ấy chỉ chứng tỏ mình mất lịch sự. Không biết nhường nhịn ai, dù rằng chỉ là lời nói. Thật ra trong các cuộc trò chuyện tâm tình, có người nói, phải có người nghe, có nói qua nói lại thì mới vui nhộn, hòa đồng.

Nếu “một nửa” của mình không ý thức điều đó, có cách nào chấn chỉnh không? Tôi có người bạn thân thiết là Đức Anh, ít khi nào dẫn vợ đến vui chơi nơi đông người, Đức Anh bảo: “Hễ ai nói đề tài gì, cô ta cũng xen vào “tám” cho bằng được. Nhiều lúc chẳng trúng trật vào đâu, tớ cảm thấy phiền quá”. Anh chẳng biết góp ý thế nào để “cải thiện tình hình”, mới đây đã xẩy ra chuyện thế này:

Nhân dịp giỗ bố, các anh em tụ tập tại nhà Đức Anh, sau khi cúng kiếng xong, mọi người vui vầy ăn uống, nhắc lại kỷ niệm thời ông bố còn sống. Cũng như mọi lần, vợ Anh lại “cướp diễn đàn”, thao thao bất tuyệt mà chẳng ăn  nhập gì vào chủ đề anh em nhà chồng đang trò chuyện. Khổ nổi, vợ Đức Anh là dâu trưởng nên các em chồng và dâu, rể khác đâu dám ngắt lời. Bà mẹ chồng chứng kiến từ đầu đến cuối, bỗng dưng nói thủng thẳng, chậm rãi: “Thế này nhé, mẹ đố vợ thằng Đức Anh im lặng trong vòng 10 phút, không nói năng gì. Nếu làm được mẹ có quà ngay”. Nói xong, bà lấy trong kệ tủ cái túi xách mới toanh. À, món quà này bà mua cách đây mấy năm lúc bà có dịp du lịch nước ngoài đây mà. Thế là, mọi người được dịp vỗ tay hoan nghênh náo nhiệt.

Có thể nói, lời đề nghị đó là “cú ra tay” cực hay, bà cụ đã hóa giải được mọi sự bực bội mà nẫy giờ chẳng ai dám lên tiếng góp ý. Nhờ thế, vợ của Anh ít nói hơn. Mọi người thở phào nhẹ nhỏm. Không biết sau cuộc họp mặt ấy, bà mẹ chồng có góp ý gì thêm không, nhưng rõ ràng, vợ Đức Anh từ đó đã thôi “mồm mép tép nhảy”.

Chắc nhiều người từng nghĩ rằng, cũng đôi vợ chồng đó nhưng nếu chỉ gặp riêng mỗi người bạn là chồng (hoặc vợ), ta thấy hào hứng, vui vẻ, muốn mở lòng ra tâm sự. Nhưng lúc họ xuất hiện cả hai, tự dưng ta lại cảm thấy “oải trời đậu” quá chừng. Vì người đi theo ham… nói quá, chuyện gì cũng cũng hiên ngang phát ngôn, kể cả những vấn đề mà họ chẳng hiểu gì sất. Nghe ngứa tai lắm, muốn cự cãi lại ngay nhưng khổ nổi đó là vợ/chồng của bạn, vậy phải làm sao? Chẳng lẽ, suốt cả buổi “ngậm bồ hòn làm ngọt”, phải nghe những lời ấm ớ ấy rồi gật gù, tán thành ra vẻ thích thú lắm? Mệt lắm.

Tôi thấy vợ của Trúc thế lại hay. Theo lệ thường, sáng chủ nhật, cánh đàn ông con trai  hay họp mặt ở quán cà phê trong công viên gần nhà Trúc. Ban đầu vợ Trúc cũng đi theo, ai nấy đều cảm thấy ngài ngại vì khó có thể “nói toạt móng heo” những chuyện “trời ơi đất hỡi” thuộc loại vô thưởng, vô phạt của đám bạn cùng giới. Dần dà, bọn tôi thấy cũng không gì lấn cấn cả. Đơn giản là vợ Trúc ít nói, chỉ lắng nghe, chỉ bao giờ bạn của chồng hỏi: “À, chuyện đó, chị thấy thế nào?/ Theo chị, có đúng vậy không?”, lúc đó, vợ Trúc mới lên tiếng. Và không những thế, để góp vui cho mọi người, thỉnh thoảng chị còn đề nghị bọn tôi “tạo dáng” để chụp hình kỷ niệm rồi email chu đáo cho từng người. Vì thế, khi thấy Trúc đi một mình, anh em thường hỏi: “Ủa, vợ cậu đâu?”.

Nghe tôi kể chuyện này, vợ tôi ngạc nhiên: “Anh có nhầm không? Vợ của anh Trúc mà ít nói à? Khi ngồi với bọn em cô ta “chém gió” cũng chẳng thua gì ai”. Thế thì, tại sao khi đi chơi chung với bạn của chồng, tính cách cô ta lại khác? Chủ nhật vừa rồi, trả lời thắc mắc của tôi, chị bảo: “Anh ạ, khi đi theo chồng/vợ, dù gì đi nữa mình cũng chỉ là khách của mọi người. Cần gì phải “mồm mép tép nhảy” như một cách khẳng định sự có mặt của mình? Em nghĩ, mình càng ít nói càng tốt. Lắng nghe thôi. Biết nghe cũng là một nghệ thuật sống, phải không anh?”.

Phải quá đi chứ!

L.M.Q
(nguồn: TGPN 2.5.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com