THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút Nỗi lòng của người chồng không xu dính túi

Nỗi lòng của người chồng không xu dính túi

noilong-cua-nguo-chong-khong-xu-dinh-tui

Em yêu,

Sau nhiều đêm trằn trọc, sau nhiều ngày thao thức, anh quyết định viết “tâm thư” này và nhờ cái Tún “phát chuyển nhanh” đến em. Xin em hãy rũ lòng thương hại đến một người đàn ông tội nghiệp, dù có công ăn việc làm, dù thu nhập không bèo như con cá kèo nhưng lúc nào cũng không một xu dính túi.

Người đó chính là anh.

Không rõ kiếp trước anh có nợ nần, vây mượn gì của em hay không mà kiếp này anh lại rơi vào cảnh ngộ thật trớ trêu. Chà, thật không gì bi đát cho bằng những ngày cuối tháng, câu hỏi đầu tiên lúc anh vừa bước vào nhà lại ngân vang lảnh lót ngọt như đường cát, mát như đường mèn: “Anh ơi, tiền lương đâu?”. Tất nhiên, cũng như mọi người đàn ông đã trưởng thành, đạo đức tốt, anh vội vàng đưa ngay cái ví tiền cho em. Cẩn thận như một thủ quỷ lúc nhận tiền nộp vào công quỹ, em đếm cẩn thận rồi mới nhoẻn nụ cười hài lòng. Những lúc thiếu một ít vì lý do gì đó, y như rằng, cái mặt em xụ xuống và hỏi: “Ơi hay, sao lạ thế này?”. Cái sự lạ ấy cứ như thể lần đầu tiên em trông thấy người ngoài hành tinh xuất hiện trên địa cầu.

Em ạ, rồi ngày tháng tựa thoi đưa, như bóng câu vụt qua cửa sổ, công ty anh trả lương qua thẻ ATM, lúc ấy, anh thấp thỏm mừng thầm thì bỗng đâu như sét đánh ngang tai: “Anh ơi anh à, anh là chúa đễnh đoãng, nhớ trước quên sau, chẳng hề để tâm để tứ vào chuyện gì cho ra hồn cả. Anh có biết xài thẻ ATM không? Phải nhớ nằm lòng cái mật khẩu, bằng không, đừng hòng rút được tiền. Sức mấy mà anh nhớ nổi mật khẩu, vì mỗi ngày anh còn phải lo toan trăm công ngàn việc. Thế thì…”. Nghe nói thế, anh bèn nhỏ nhẹ: “Thì sao hả em?”. Bỗng nghe tiếng em cười giòn như thuở chúng mình mới hôn nhau lần đầu tiên trong đời: “Thì em quản lý cái thẻ này giúp anh”.

Chẳng cần biết anh có đồng tình hay không, từ đó đến bây giờ, anh chẳng hề trông thấy nó lần thứ hai.

Khổ cái thân anh.

Mỗi sáng, trước lúc dắt cái xe cà tàng ra khỏi nhà, anh phải ngong ngóng chờ em phát lương. Chỉ chừng đó tiền. Không hơn không kém. Chỉ đủ ăn sáng, và một ly cà phê đen. Hỡi ôi, thưa em, kính thưa em, người đàn ông nào cũng có nhiều mối quan hệ ngoài xã hội. Vì thế, lúc nào họ cũng cần đến tiền. Xin nhắc lại, tiền, tiền và tiền! Chẳng lẽ, tình cờ gặp bạn bè, chỉ “tám” bằng nước bọt ngay lề đường, chứ không vào trong quán nước? Đúng thế, phải vào quán nhưng tiền đâu? Hoặc có lúc sinh nhật của sếp, đồng nghiệp, anh muốn mua một bó hoa để tặng cho phải đạo nhưng tiền đâu?

À, em còn nhớ ngày anh chở em về quê thăm bà nội cái Tún không? Lúc em ra ngoài sân ngắm nhìn trời xanh mây nước, má mới nói nhỏ với anh: “Con đưa cho má ít tiền. Má để dành ăn trầu”. Trời, anh khổ tâm biết chừng nào. Sờ cái ví tiền rỗng tếch, anh đến phát ngượng. Chẳng lẽ, anh phải thốt lên một câu mùi mẫn: “Má ơi, vợ con tịch thu hết tiền của con rồi” rồi sà vào lòng má mà khóc òa đẫm lệ? Tuy nhiên, xin nhấn mạnh là câu nói đó, anh không hề thốt ra, vì anh phải còn giữ thể diện cho anh và cả em nữa. Em có thấy anh “biết điều” không nào? Vì thế, anh bèn đánh trống lảng qua chuyện khác mà trong lòng rười rượi một nỗi buồn thăm thẳm, em ơi.

Em ơi là em, lại có những lúc tan tầm, rời khỏi công sở, trên đường quay về nhà, anh chợt thèm một tô hủ tíu, hoặc dĩa cày tơ v.v… nhưng rồi, anh chỉ thở dài. Đào đâu ra tiền? Nói thật, em có biết không, những lúc đó, có lần anh đã ngửa cổ nhìn lên trời mà cười sằng sặc. Đừng tưởng anh điên. Không đâu, vì anh có cảm tưởng mình như nhân vật trong truyện ngắn Trẻ con không biết ăn thịt chó của nhà văn Nam Cao: “Chà! Hôm nay mát trời lắm nhỉ? Rượu với thịt chó mà lại gặp khí trời mát thì ngon biết chừng nào là ngon! Hắn nuốt dãi hai, ba lượt. Rồi hắn lại nhịt thuốc vào nõ điếu, châm đóm hút thêm điếu nữa. Cái điếu vẫn kêu tanh tách. Nhưng khói thuốc bây giờ sao nhạt thế! Khi đang hút thì nó nhạt như nước lã, mà hút xong thì lại hơi đắng miệng. Hắn nhổ bọt vào chân cột rồi vừa chép chép môi vừa hếch mặt nhìn lên nóc nhà. Rượu... thịt chó... rượu... thịt chó... óc hắn cứ luẩn quẩn nghĩ đến hai thứ ấy. Sắc vàng bóng của một cái mông chó thui nhầy nhầy mỡ với sắc xanh nhạt của một chai Văn Điển đầy ăm ắp cứ lần lượt hiện ra. Ờ! Ờ! Mát trời thế này mà được uống rượu thì tuyệt quá! Nhưng đào đâu ra tiền?”.

Đào đâu ra tiền?

Nỗi lòng của anh đấy. Đáng thương quá, phải không em?

Đôi khi anh tự hỏi, con người ta sinh ra để làm gì? Bỏ mặc mọi triết lý to tát mà thiên hạ đã nói, anh chỉ nhủ thầm rằng, đa phần con người ta ước mơ phải có được cái quyền sử dụng đồng tiền do công sức lao động của mình làm ra. À, trước đây, anh đã từng có cái quyền ấy. Nhưng rồi, từ ngày lên xe hoa cùng em, được trở thành chồng, giữ vị trí “trụ cột” trong nhà thì cái quyền ấy đã thuộc về dĩ vãng. Hỡi ôi!

Em yêu,

Có đôi lần anh nói bóng nói gió, nói xa nói gần về chuyện tiền nong thì dường như em có hiểu ra hoàn cảnh tội nghiệp của anh. Tưởng rằng, sau lần đó ắt rằng, thì, là, mà em sẽ mở rộng hào bao, sẽ hào phóng hơn một chút. Anh đã nhầm. Ai đó đã phán một câu thật chí lý: “Tiền đã vào tay vợ, muốn lấy ra, còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim”. Bây giờ, anh đã thấm thía và thưa em, anh đã hiểu rồi ạ.

Chắc em còn nhớ, cái vụ chủ nhật cách đây chừng 5 năm không em?

Ngày đó, còn trẻ khỏe và chưa biết tính khí quyết liệt, cương trực của em nên có lần anh “vùng lên” đòi phải được là “tay hòm chìa khóa”. Nào ngờ em tuôn một câu thật ý vị: “Anh à, cái Tún còn bé, biết bao khoản tiền phải chi tiêu; nhà mình còn ở trọ, phải dành dụm dần dần để có cơ may đổi nhà. Tiết kiệm là quốc sách. Nhớ chưa?”. Anh nhớ chứ sao không.Chưa hết, lúc đó anh toan há mồm ra cãi, lập tức em lại hạ một câu khiến anh “nốc-ao” luôn: “Ông bà ta nói, buôn tàu, bán bè không bằng ăn dè hà tiện. Nhớ chưa?”. Vâng, anh nhớ. Chưa hết, em còn bồi thêm một “chưởng” có tính quyết định: “Nhịn thuốc mau trâu, nhịn trầu mua ruộng”. Vậy là xong.

Từ đó, anh hết dám tranh luận gì với em chuyện tiền nong nữa.

Mà nghĩ cho cùng, lý lẽ của em đưa ra cũng có lý. Vì nhà mình chưa dư dả gì, vì thế, mọi chi tiêu cần tính toán, cân nhắc và nhất là không thể “vung tay quá trán”. Anh hiểu. Nhưng cũng xin thưa lại với em, sự cần kiệm, ky bo xài tiền như nước nhỏ giọt của em không sai. Tuy nhiên, em cũng không nên siết chặt quá khiến đôi lúc anh cảm thấy bất cập lắm. Tội nghiệp anh.

Vậy nên, phải thay đổi. Thay đổi như thế nào? Tuy là chồng, là người đàn ông làm ra tiền nuôi sống cả nhà, nhưng than ôi, đứng trước em, anh chỉ là người “thấp cổ bé miệng”. Do đó, anh viết “tâm thư” này, chỉ dám kiến nghị em nhanh chóng thay đổi chính sách về quy định xài tiền trong nhà mình, còn thayv đổi thế nào là tùy vào lòng hảo tâm và đức đại lượng của em...

Đội ơn em.

LÊ VĂN NGHỆ
(nguồn: Báo PN TP.HCM ngày  27.4.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com