THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Khéo léo để ai được nhờ?

LÊ MINH QUỐC: Khéo léo để ai được nhờ?


kheo-le-de-ai-duoc-nho

 

Cưới lấy một người khéo léo tay chân, ai lại không thích? Đâu phải bất kỳ việc gì trong nhà, hễ đụng tới cái gì cũng phải í ới kêu thợ? Mà có phải muốn là được đâu. Có lúc phải chờ đợi chán chê, hẹn tới hẹn lui, rồi lúc xong việc bị thợ “chém một nhát” thủng túi tiền mà mắt nẩy đom đóm! Vì thế, khi gặp chuyện, sẵn người trong nhà vẫn hơn chứ, tất nhiên.

Nhiều người đàn ông khéo tay lắm, không làm thì thôi, chứ đã “ra tay” là vợ con mê tít. Không mê sao được. Này, cái bức tường ngay từ cổng bước vào nhà, lâu nay rêu bám thấy mà ghê, sơn tróc loang lỗ, vì thế người vợ đã có ý định cuối tuần thong thả, gọi thợ quét sơn lại cho sạch. Nào ngờ, vào một ngày chủ nhật đẹp trời, thay vì phóng xe tếch theo lũ bạn cà phê cà pháo, người chồng cởi trần “vung tay múa chân”. “Ối dào, mình cũng giỏi nhẩy? Thế mà lâu nay, mình “giấu nghề”. Này, quay lại em thơm một cái nào!”. Chị Liên hào hứng khen chồng rõ to. Nghểnh chân nhìn qua nhà hàng xóm, nhìn thấy hình ảnh tình tứ ấy, tự dưng tôi cũng vui lây.

Có điều, rõ ràng ràng, tôi thấy chồng chị Liên sơn cái tường đó màu đỏ chói mắt nhưng dăm ngày sau, sang chơi, lại thấy nó biến thành màu vàng chanh cực đẹp. “Ông xã tôi “mù màu” anh à. Quanh năm thời tiết nóng bức mà còn chọn “màu nóng” thì coi sao được?”, chị Liên tủm tỉm cười, kề tai tôi nói khẽ. “Sao hôm trước chị khen lắm mà?”. “À, phải “đắc nhân tâm”. Vừa rồi tốn tiền công cạo đi màu sơn cũ, tốn tiền mua sơn mới, tiền thuê thợ nhưng cả vợ lẫn chồng vui là được rồi”.

Nhiều người thể hiện sự khéo tay, vì đó là dịp muốn chứng minh cho con cái, vợ/chồng thấy mình cũng giỏi giang, có thể góp phần tiết kiệm ngân quỹ gia đình khối tiền ấy chứ! Thế nhưng khi “nửa này” muốn thể hiện “nửa kia” lại cản bằng cách nói những câu “xóc hông”, vậy là tự ái nổi lên đùng đùng. “Lần sau khi gặp chuyện tương tự thì đừng có kêu tớ nhá”, anh Tiến bạn tôi kể lúc máy vi tính của vợ “có vấn đề”, là dân tin học, anh “bắt bệnh” ngay nhưng khổ nỗi “bụt nhà không thiêng”. Nhìn thợ sửa mà anh hậm hà hậm hực.

Cái sự tinh tế này còn nằm ở chỗ, cho dù biết tỏng “nửa kia” chẳng hề khéo tay làm việc đó nhưng cũng đừng cản, đừng bàn lui, cứ để họ thỏa mãn sở thích. Ít ra, đó cũng là lúc họ bày tỏ trách nhiệm, thiện chí đối với mái ấm. Những công việc vặt vãnh ấy, đôi khi lại gắn kết tình chồng nghĩa vợ nhiều hơn.

Bà xã tôi vốn là khán giả trung thành của phim truyền hình nhiều tập, một hôm nàng bảo: “Cuối tuần, em đãi cả nhà ăn món phở Bắc nhá. Anh nhớ phụ em một tay”. Bình thường, hễ bố con thích đổi món gì, nàng luôn “kỳ đà cản mũi”: “Ra ngoài quán ăn có phải ngon hơn không? Họ nấu nướng chuyên nghiệp, hợp khẩu vị, lại khỏi mất công dọn dẹp bát đũa, xoong nồi lỉnh kỉnh”. Vậy tại cớ làm sao, hôm nay nàng lại cao hứng trổ tài nấu bếp? Nàng thỏ thẻ: “Món ăn ở nhà do tay mình nấu, dù chưa “hoàn chỉnh” như ngoài quán nhưng chồng con ăn sẽ thấy ngon miệng hơn gấp nhiều lần”. Tôi há hốc ngạc nhiên: “Ủa, câu nói của em nghe quen quen vậy ta?”. Nàng cười: “Nhân vật trong phim vừa tuyên bố đó. Chí lý quá phải không anh?”.

Thế là trong tuần đó, nàng chuẩn bị trước mọi vật liệu, rồi nấu món phở vào ngày cuối tuần. Vừa chế biến, vừa nêm nếm, nàng vừa nhắn tin, vừa điện thoại mời bạn bè đến nhà đúng giờ để thưởng thức. Sau mấy tiếng đồng hồ “vật lộn” trong bếp, mọi thứ cũng đâu vào đấy. Nhìn bát đũa gọn gàng, rau xanh mát mắt, tươm tất, tôi cũng vui và thầm khen vợ khéo tay. Vâng, nàng rất khéo tay. Có điều sau bữa ăn hôm ấy, hai vợ chồng phải đem phở sang… tặng hàng xóm, nhờ họ “thanh lý” giúp. Bởi “con mắt to hơn cái bụng”, chỉ chừng mươi người ăn nhưng nàng chuẩn bị vật liệu ngang cỡ một quán ăn! Dù sao, bù lại, chúng tôi có được buổi họp mặt ngẫu hứng cùng bạn bè. Vui ra phết.

Ngược lại, có nhiều người lại không chấp nhận “nửa kia” thể hiện sự khéo tay. Nó cũng có cái đúng, cái lý trong từng trường hợp cụ thể. Tôi có quen anh bạn nhà văn cực kỳ “tốt số”, mọi việc trong nhà đều do một tay vợ thu vén, anh không phải ghé mắt đến. Lần nọ, cô con gái trêu: “Con thấy người đàn ông nào trong tiểu thuyết của bố, ai nấy cũng đều tài ba, việc gì cũng làm được, bố chẳng bằng một chút tẹo nào nhân vật của mình”. Nghe câu nói “trêu ngươi” ấy, anh bảo: “Hãy đợi đấy”.

Rồi ngày kia, sau cơn mưa tầm tả mấy hôm liền, nhà anh bị dột. Thế là dịp thể hiện sự khéo tay đã đến. Nào ngờ, anh vừa lịch kịch với đồ nghề, chị Thoa - vợ anh đã nguýt dài: “Thôi đi anh. Nghề của anh là nghề viết văn, chứ đâu có phải nghề thợ nề, chống thấm. Kêu thợ có phải nhanh mà hiệu quả hơn không?”. Không, anh cương quyết không, vì muốn qua đó “lấy uy”, chứng minh cho con gái thấy mình không thua kém gì ai.

Vừa bắt thang, vừa huýt sáo rộn ràng rất đỗi hào hứng, anh vừa leo lên mái nhà. Đứng phía dưới, cô con gái cũng vỗ tay reo lên cổ vũ: “Hoan hô bố! Bố năm-bờ-oanh”. Bỗng đâu, nghe “uỵch” một cái. Mãi đến cả tuần sau, anh vẫn còn nằm trên gường vói cái chân bó bột!  Sau cú “quá hớp” đó, anh bạn tôi chỉ dám thể hiện sự khéo tay nho nhỏ, vặt vãnh linh tinh nhưng vẫn được con gái khen. Thế là anh lấy làm sung sướng lắm.

L.M.Q
(nguồn: TGPN 16.11.2105)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com