THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Gia đình - nơi chống lại tai ương của số mệnh

LÊ MINH QUỐC: Gia đình - nơi chống lại tai ương của số mệnh

giadinh-noi-chong-lai-tai-uong-R

 

Năm nay, mẹ tôi đã bước qua tuổi 90, tất nhiên sức khỏe không thể như thời mười tám xuân xanh. Mắt đã lòa. Chân đã yếu. Tay đã run. Một ngày nọ, sau những giờ miệt mài làm việc, từ trên gác, tôi bước xuống nhà và đi vào nhà nhà bếp. Trước mắt, đã thấy mâm cơm tươm tất như mọi ngày. Bỗng dưng nghe tiếng tập đánh vần nho nhỏ. Rõ ràng, từng mẫu tự ê a vọng lên nho nhỏ. Ơ hay, nhà không có trẻ con, sao lại nghe có giọng tập đánh vần? Tò mò, tôi ghé mắt nhìn vào phòng ngủ của mẹ. Trời đất ơi, bà cụ đang khoan thai vắt chân chữ ngũ, tay cầm tờ giấy lớn, kề sát mắt và đọc từng từ, từng chữ. Tôi biết, đó là cái giấy in trang trọng mừng mẹ tôi thượng thọ do Hội đồng gia tộc kính chúc.

Hình ảnh này khiến tôi cảm động khôn xiết.

Mỗi một ngày, trong nhà vẫn còn có hình bóng của mẹ già, tự dưng trong lòng mỗi người cảm thấy yên tâm. Tự biết rằng, đây là chỗ dựa vững chãi, đáng tin cậy nhất. Ba tôi mất đã lâu, nhưng mỗi lần nhìn mẹ, tôi đã hình dung ra thời thơ ấu. Vâng, trong góc khuất tâm hồn mỗi người, có một hình ảnh mà lúc nhớ lại, bao giờ cũng gợi về cảm giác yên ấm nhất, tình cảm nhất. Đó là những tháng ngày, cả gia đình cùng quây quần bên mâm cơm. Có thể lúc ấy nhà mình còn nghèo, bữa cơm đạm bạc nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói cười.

Thời buổi này, cuộc sống vội vã quá, mở mắt ra là công việc mỗi ngày bủa vây. Sống không kịp thở. Lấy đâu ra thời gian chợ búa, bếp núc? Thế nhưng vẫn có nhiều nhà duy trì được bữa ăn gia đình. Tại sao? Dù phụ nữ bao giờ cũng ý thức phẩm chất nữ tính “Xem trong bếp, biết nết đàn bà” nhưng câu trả lời không phải họ mà chính… đàn ông.

Khi cả vợ lẫn chồng cùng sử dụng quỹ thời gian như nhau, hà cớ gì lúc về nhà chỉ mỗi người vợ vào bếp? Đôi khi chúng ta phấn đấu cho sự bình đẳng giới với những mục tiêu lớn lao, nhưng lại quên đi công việc hằng ngày trong chính nhà mình. Vợ cùng chồng xắn tay áo lo bữa cơm nhà chắc chắn tình cảm sẽ gắn bó nhau hơn. Những món ăn tự tay mình nấu, bày biện cũng đem lại cảm giác ưng ý nhất bởi có thể chưa ngon bằng nhà hàng nhưng chắc chắn an toàn thực phẩm, chi tiêu hợp lý.

Từng tự nhủ: “Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có cừa nhà thời không”, nhưng trong thâm tâm con người kiêu bạt giang hồ ấy vẫn đau đáu về tháng ngày:

Tan buổi học, mẹ ngồi tựa cửa

Mắt xa trông, đứa đứa về dần

Xa xa con đã tới gần

Các con về đủ quây quần bữa ăn

Cơm dưa muối khó khăn mới có

Cơm không ngon nhà khó cũng ngon

Khi vui câu chuyện thêm giòn

Chồng chồng vợ vợ con con một nhà

Chỉ bữa ăn ở nhà, lúc ấy, các thành viên mới có thể mở lòng, chia sẻ tâm tình. Ngoài quán, lúc ăn xong, tính tiền rồi là hoàn toàn có quyền xô ghế đứng dậy. Nhưng ở nhà không thể, phải lấy tăm, rót nước và lễ phép mời cha mẹ như một cách bày kín đáo tỏ lòng biết ơn. Bữa cơm nhà còn là lúc thể hiện phong cách của mỗi nếp nhà. Các bài học khai tâm, dạy dỗ con cháu cũng bắt đầu đó.

Nói cách khác, đạo lý làm người của người Việt thể hiện rõ nét trong bữa cơm gia đình. Trước lúc ngồi vào bàn, con trẻ phải lễ phép mời người lớn trước, phải nhớ lời dặn dò cha mẹ đã dạy: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Có hôm, do “có cá khá cơm” nên dù còn thòm thèm vẫn tự giác nhín lại, dành phần cho người ăn chậm. “Chia ngọt sẻ bùi” là vậy. Nhiều người còn nhớ như in, lúc bé, mỗi lần ăn cơm nếu làm rơi hạt nào, ông bà cũng đều bảo nhặt lên nếu không “mang tội”. Chẳng phải bài học đầu đời về tiết kiệm đó sao?

Có lẽ, bất hạnh nhất vẫn là những đứa trẻ mồ côi, không còn có được người thân yêu nhất cận kề trong mỗi bữa ăn. Cô bé bán diêm của nhà văn Andersen đã khiến hàng triệu trái tim thổn thức, rưng rưng nước mắt cũng bởi trước lúc lìa đời, nỗi nhớ da diết nhất của em vẫn những bữa ăn tối mà lúc ấy còn có mẹ, có bà nội. Kỷ niệm êm đềm ấy sống mãi theo năm tháng và đằm sâu trong trí nhớ con trẻ.

Sau này dù có đi chân trời góc biển, được thưởng thức nhiều món ngon vật lạ trên đời nhưng rồi ta cảm thấy vẫn không ngon bằng món ăn mẹ nấu thuở thơ ấu, ngày sum vầy cả gia đình. Không chỉ đầy đủ dinh dưỡng mà: “những miếng ăn từ bàn tay mẹ nấu/ còn có cả tấm lòng/ cả gió rét mùa đông/ mẹ tất tả giật gấu vá vai kiếm từng xu ngoài chợ/ một đồng lãi gánh mười đồng nợ/ ăn mắm mút dòi/ dè sẻn chắt chiu/ ngay cả lúc cơm sôi/ còn có cả giọt mồ hôi/ của mẹ” (L.M.Q). Tình yêu thương, lòng hiếu thảo về cha mẹ cũng từ suy nghĩ ấy mà sống lại trong tâm trí. Và tự nó đã dạy cho mỗi chúng ta về lòng biết ơn mà có lúc ngược xuôi đường đời, tất bật kiếm sống ta đã vô tình quên đi song thân đã cưu mang từ tấm bé.

Không phải ngẫu nhiên, ai ai cũng đồng tình rằng, khi bước chân vào căn nhà của chính mình, là lúc đó, tai ương, buồn phiền, giông tố, ganh ghét đã bị chận ngay ngoài cửa. Sức mạnh nào vậy? Không chỉ được mẹ mình, vợ mình nấu cho món ăn thể hiện lòng yêu thương dành cho nhau, mà còn là lúc có thể thanh lọc được tâm hồn. Chỉ cần nhìn ánh mắt trìu mến, quan tâm của chồng, người vợ đã tin cậy, biết mình không hề đơn độc. Nghe tiếng con trẻ tập nói bi bô, tiếng cười đùa trong trẻo, dù chán nản, bi quan đến cỡ nào, người cha cũng vững lòng đứng thẳng dậy. Và đứa trẻ thì sao? Một nhà hiền triết bảo: “Đứa trẻ không chỉ cần ăn. Ai luôn gần nó để tập cho nó những tình cảm tốt đẹp, lòng hướng thiện? Người mẹ. Ai chỉ cho nó những nguy hiểm, cặm bẫy của cuộc đời, luyện cho nó sức mạnh của ý chí? Người cha”.

Từng nghe kể rằng, có lũ quỷ xấu xa luôn tìm cách phá hoại hạnh phúc mọi gia đình nhưng chúng luôn thất bại. Tại sao? Chỉ vì các thành viên trong nhà luôn ý thức gắn kết thành một. Họ tâm đầu ý hợp và lúc nào cũng nghĩ tốt về nhau. Ai có lỗi, phải tự giác nhận lỗi trước. Ai làm việc tốt ắt được nhận lời khen. Khi người này đau khổ, các người khác chăm sóc. Khi người kia hạnh phúc, các người khác chung vui. Nói cách khác, chính nơi ấy, chỉ có nơi ấy trái tim người này mới đập nhịp trong lồng ngực người kia như một sự gắn bó máu thịt.

Do đó, không phải ngẫu nhiên nhà viết kịch lừng danh thời Hy Lạp cổ điển Euripides nhấn mạnh: “Chỉ có nơi gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số mệnh”.

L.M.Q
(nguồn: Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 405 ngày 27.6.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com