THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Vui trong hiện tại

LÊ MINH QUỐC: Vui trong hiện tại

vuitrong-hine-tai

Thời nhỏ còn đi học, chắc hẳn ai cũng biết đến cô Perết (Preette) bán sữa trong thơ ngụ ngôn La Fontaine. Ngày nọ khi đem sữa ra chợ bán, vừa đi cô vừa tính toán: sau khi bán sữa xong, đem tiền mua gà về nuôi. Gà ăn no chóng lớn. Gà đẻ trứng. Trứng nở ra con. Chẳng mấy chốc, cô có cả bầy gà. Bán bầy gà đó, mua lợn về vỗ béo. Rồi bán lợn mua bò. Ngày qua ngày bò đẻ ra bê. Nghĩ đến đó, cô tưởng tượng lúc: “Chàng bê con lơn tơn nhảy nhót/ Giữa đàn bò sướng mắt ta xem/ Đến đây Perết hứng lên/ Nhảy rơn, hũ sữa lăn chiêng, đổ nhào”.

Mọi tính toán từ trí tưởng tượng đến hiện thực, rõ ràng có một khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, vẫn có người không tận hưởng những gì đang có thật trong tầm tay, lại mơ màng đến ảo ảnh xa vời. Cuộc đời mỗi người là một chuỗi ngày dài, giây phút nào quan trọng nhất? Xin thưa, chính là giây phút hiện tại. Bởi lẽ, chỉ trong nháy mắt hiện tại đã trở thành quá khứ. Câu nói trứ danh của nhà triết học cổ đại Héraclite: “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông” đã gợi mở, nhắc nhở về một dòng chảy liên tục, về vận động biến đổi liên tục của sự vật. Đã ý thức như thế, nhiều người luôn tự nhủ tích cực: “Những gì làm được hôm nay, chớ để ngày mai”.

Đến giờ, chị bạn tôi vẫn chưa quên được câu chuyện nhỏ giữa hai mẹ con. Trước lúc chị đi công tác xa, cô bé ôm cổ mẹ, hứa sẽ “bật mí” một tin vui với điều kiện phải được mẹ ẵm bồng một chút. Nhưng rồi, đang tối tăm mặt mũi phải chuẩn bị mọi thứ cho chuyến công tác nên chị không thể. Mãi đến khi xong việc, chị muốn ẵm bồng thì cháu đã ngủ. Ngày mai, do đi sớm nên chị chỉ có thể hôn con lúc nó đang còn ngái ngủ, rồi vội vã ra sân bay.

Sau khi đi công tác về, quên béng chuyện của con, chị lại lao theo công việc bận rộn mỗi ngày. Đến một ngày kia, chị hoảng hồn khi hay tin con bị kỷ luật. Gặng hỏi, con gái chị mới bảo: “Mẹ không nhớ à? Ngày đó, con được cô giáo chấm điểm 10, muốn khoe với mẹ nhưng mẹ đâu có thèm quan tâm”. Chị như bừng tỉnh. Nếu lúc ấy, chỉ cần nhín một ít thời gian lắng nghe con trẻ chia sẻ, bây giờ có thể mọi việc đã khác.

Lại có nhiều người sống trong dằn vặt bởi ngày mẹ còn sống, chỉ cần mỗi ngày con cái hỏi han đôi câu cho đỡ tủi thân thì nào có ai. Ai cũng bận rộn mưu sinh, hoặc chạy theo hư danh phù phiếm: “Ừ, mai mốt cũng chẳng sao. Mẹ mình còn sống sờ sờ đây mà, lo gì”. Đến lúc mẹ già mất, giật mình nhìn lại, mãi mãi không bao giờ còn cơ hội báo hiếu nữa.

Năm xưa, tôi có lên chơi chùa Thiên Ấn ở Quảng Ngãi. Quan sát các sư, các thầy, tôi nhận ra họ sống thong dong, nhẹ nhàng và luôn mỉm cười thân thiện, đôn hậu. Nhờ đâu họ có được tâm thế tự tại ấy? Sau khi hớp chén trà cúc, một lão sư bảo: “Con hãy sống hết mình, hãy tận hưởng những gì đã có trong giây phút hiện tại”.

Câu nói ấy về sau, tôi mới thấu hiểu. Mới có thể nghĩ ra rằng, hành trình sống là đi trên con đường một chiều, không một ai, không một quyền lực nào có thể quay ngược lại. Mà cứ thế, cứ mỗi ngày lại dấn thân về phía trước. Sao ta lại không biết quý, không tận hưởng giây phút đang có trong hiện tại?

Những ngày này, không khí cuối năm đã cận kề, chỉ cần nhắm mắt lại đã có thể mường tượng đến niềm vui: “Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi/ Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi”. Hãy nhìn bông hoa kia, đến thời điểm khoe sắc thắm thì “tự nhiên như nhiên”, không lăn tăn gì khác. Chúng ta có được thế không? Chắc là được. Sự việc đang đến nghĩa là đang đi đấy thôi. Cứ đón nhận nhẹ nhàng như nó vốn có với tâm thế tự tại như hàng trăm năm trước thiền sư Mãn Giác đã dạy: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai”…

L.M.Q

(nguồn: PNCN 11.1.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com