THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Có cần thương hại?

LÊ MINH QUỐC: Có cần thương hại?

 

cocanthuonghaiR

 


Trong quan hệ tình cảm, có lúc tự mình biết rằng lối thoát duy nhất chỉ có thể chọn giải pháp “đường ai nấy đi”. Dẫu giây phút quyết định ấy khiến “cõi lòng tan nát”, tưởng chừng có thể chết đi được nhưng đừng lo, thời gian sẽ làm lành mọi vết thương. Sự lựa chọn ấy, dứt khoát. Thái độ ấy, rạch ròi. Chứ không ỡm ờ “ầu ơ ví dầu”. Sau đó, mỗi người tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình và hình bóng người cũ tất nhiên xếp vào dĩ vãng.

“Lý thuyết” là thế, nếu thực hiện được thì tốt quá. Nhưng rồi, tâm lý con người đôi lúc “nói một đằng làm một nẻo” nên mới xẩy ra nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Ngày trước, anh bạn tôi tâm sự, cuộc đời này chẳng còn đáng sống nếu không cưới được cô Xuân làm vợ. Với anh, Xuân là tất cả nên anh chìu chuộng bất kể đòi hỏi nào của cô, dù bạn bè khuyên can không nên “dại gái” đến mức mê muội, mù quáng. Bỏ ngoài tai mọi góp ý chân thành, anh vẫn yêu say đắm. Khổ nổi, do không hợp tính nết nên Xuân chủ động chia tay. Cô yêu người khác và cố tình cho biết để anh tự ái rút lui. Không, anh vẫn yêu như điên dại dù bị phụ tình. Tâm lý của người đang yêu khó có thể lý giải, với họ mọi lý trí đã bị gạt ra ngoài, chỉ hành động theo cảm tính.

Cuối cùng, Xuân có bầu, tất nhiên không phải với anh, anh bẽ bàng nhưng vẫn không bỏ cuộc. Mỗi ngày, anh luôn tìm mọi cách gặp Xuân cho bằng được, hoặc ít ra cũng nghe giọng nói của cô qua điện thoại. Nếu Xuân cứ “một đường mà đi” không ngoái lại thì chuyện tình giữa hai người kết thúc hợp lý, sau này chẳng ai oán trách ai. Yêu nhau không đến với nhau là chuyện thường tình. Nhưng rồi thái độ “lụy tình” ấy khiến cô mềm lòng. “Chết” là chỗ đó. Do thương hại nên thỉnh thoảng cô tặc lưỡi như một cách “ban ơn” cho anh là chấp nhận hẹn hò nơi này, “thân mật” chỗ kia. Chuyện gì sẽ xẩy ra khi chồng của Xuân biết rõ mọi điều? Trường hợp này, Xuân đáng thương, đáng trách ở chỗ đã không cương quyết dứt khoát với “người cũ”. Sự nhùng nhằng tình cảm không minh bạch ấy, cô phải trả giá.

Lại có trường hợp này, sau khi biết chắc không thể sinh con đẻ cái cho anh, chị quyết định kết hôn người khác để anh có cơ hội toàn tâm toàn ý tìm duyên mới. Cả hai đồng ý và xem như những người bạn. Một thời gian sau, hay tin chị chuẩn bị đám cưới rình rang, anh mới cảm ân hận, tiếc nuối tại sao lại bỏ mất một người phụ nữ đã từng sống có tình có nghĩa với mình mà chắc gì sẽ tìm gặp người thứ hai? Với tâm lý “con cá mất mới là con cá to”, anh tự trách sao lại đánh rơi “bảo vật” đang có trong tay? Vậy là anh đổi ý, nằng nặc tìm mọi cách nối lại tình xưa mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện gì. Khi điện thoại, lúc khóc lóc rồi nhờ bố mẹ gặp ba má chị tác động v.v… đã khiến chị cảm động và thương hại. Do đó, chị đã làm một việc không ai ngờ là quay lại với anh.

Họ sẽ sống hạnh phúc chăng? Chị bạn tôi thở dài: “Đó là một quyết định sai lầm. Khi chung sống, vợ chồng hục hặc nhau hoài”. Tôi ngạc nhiên:  “Cả hai dám vượt qua mọi trở ngại đến với nhau kia mà”. Chị buồn rầu: “Ảnh vẫn cần có con nên léng phéng với người khác”! Chuyện gì đến rồi phải đến. Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm, tình cảm yêu thương dạt dào trước đó đổ sông đổ biển ráo trọi.

Tệ hơn, nhiều người không thương hại nhưng vẫn cố tình duy trì mối quan hệ bằng thái độ ỡm ờ bởi họ ích kỷ và láu cá nghĩ rằng “chẳng mất gì của bọ”. Thái độ nước đôi của họ, nếu không tỉnh táo nhận ra thì đến lúc tự trách sao lại ngốc dại đến thế. Cô bạn tôi cho biết, mỗi khi nghe ai nhắc đến tên chồng cũ, lập tức cô đùng đùng nổi giận, ghét đến độ “xúc đất đổ đi”. Ngày ấy, vợ chồng cô chia tay nhau, nhưng cô không “đi bước nữa” vì anh ta cứ ỡm ờ đẩy đưa lời ngon tiếng ngọt như muốn níu kéo. Chị tưởng thật và cảm thấy thương hại. Nhiều người đeo đuổi nhưng cô vẫn không màng tới. Mãi đến lúc, cô vợ mới của anh ta đến tận cơ quan đánh ghen thì cô mới tỉnh ngộ.

Trong tình yêu không bao giờ có chỗ cho sự thương hại. Nếu có chăng cũng chỉ là “giải pháp” tạm thời, hơn nữa tình cảm khó có thể gắn kết như trước. Cả hai làm việc này, việc kia một cách cố gắng như thực hiện nghĩa vụ, chứ không phải do sự thôi thúc tự nguyện của trái tim. Vì thế, họ đều cảm thấy gượng gạo và đến một lúc nào đó, họ cảm thấy không thể kéo dài thêm sự cố gắng ấy nữa. Rồi tự nó sẽ có cách kết thúc mà có thể cả hai cùng phiền lòng, trách móc, oán hận nhau.

Nhiều người quan niệm rằng, hôn nhân tình yêu là chuyện duyên nợ, thì cứ cho là thế. Tuy nhiên, một khi đã chấm dứt chung sống, đã kết thúc cuộc tình thì cả hai cần có thái độ rạch ròi. Cứ nhập nhằng, dùng dằng vì sự thương hại thì cuối cùng chỉ làm khổ nhau.

L.M.Q
(nguồn: TGPN 27.10.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com