THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: So sánh vô duyên

LÊ MINH QUỐC: So sánh vô duyên


Chồng ta, áo rách ta thương

Chồng người, áo gấm xông hương mặc người


sosanhvoduyenR


Khi yêu nhau, đến với nhau “từ trái tim đến trái tim” chứ không vì mục đích trục lợi hay lý do gì khác, bao giờ suy nghĩ ấy cũng thường trực trong đầu nhiều người. Họ chẳng ham hố so sánh “người kia” với ai khác. Dù rằng, chồng/vợ chưa thành đạt bằng “ông này bà nọ”, chưa “lên ngựa xuống xe”, chưa “áo mão xênh xang” nhưng vẫn vui vẻ với những gì đang có. Đơn giản, chỉ vì họ yêu thật lòng. Có người còn mạnh miệng tuyên bố, dù ở lầu son gác tía, nhai vàng nuốt ngọc nhưng sống thiếu anh/em thì cuộc đời chỉ là số zéro to tổ chảng.

Nếu suy nghĩ này, không thay đổi theo năm tháng thì tốt quá. Nhưng rồi, đời sống hôn nhân không đơn giản bởi bản thân người trong cuộc có lúc chạnh lòng nghĩ lại. Rắc rối “cái sự đời” chính từ chỗ đó.

Thời gian gần đây nàng thường mặt mày ủ ê, nói bóng gió xa gần: “Anh còn nhớ Triều hồi đi học phổ thông không? Lúc đó, anh chàng học dốt hơn anh, tài năng thua xa anh, vậy mà hôm qua vừa sắm xe hơi rồi đó?”. Chồng vừa đọc sách, vừa nghe nên trả lời lơ đễnh: “Vậy à?”. Thấy chồng chẳng hiểu gì sất, cô nàng len lén thở dài thất vọng. Dăm ba ngày sau, lúc đang xem truyền hình, cô vợ lại thỏ thẻ bâng quơ: “Ông trời bất công ghê anh há. Nhiều người danh phận kém xa anh mà tậu được biệt thự sang trọng, ai cũng nể nang”. Chồng vẫn tỉnh bơ: “Thế à?”. Vợ vặn lại: “Anh không thấy vậy sao?”. Thừa biết những câu nói tưởng chừng vu vơ nhưng thật ra ngầm so sánh với người khác nên anh chồng vẫn tảng lờ. Cuối cùng,  vợ bèn nói “toạc móng heo”: “Phải chi anh lanh lợi, tài giỏi như người ta, vợ con em đỡ khổ biết mấy!”.

Mỗi người một nỗi niềm nhưng “mẫu số chung” là rất buồn vì bị chê bất tài. Sự so sánh có lúc nhẹ nhàng, có khi nửa đùa nửa thật nhưng “nhột” lắm, “đau” lắm. Chẳng phải lười biếng, thất nghiệp, vô tích sự, bám váy vợ nhưng thu nhập chỉ có thế, vậy làm sao thỏa mãn được yêu cầu cao hơn của vợ? Đành rằng trong nhà cũng sắm thứ này thứ nọ, nhưng so với các đồng nghiệp vẫn còn kém xa. Thay vì hài lòng, nàng lại đùng đùng đòi hỏi phải thêm thứ này, phải có thứ kia. “Anh không thấy chị Hoa à? Sinh nhật vừa rồi, chị được chồng tặng “con” iPhone 6 đẹp ơi là đẹp, xinh ơi là xinh khiến ai cũng phải “lác mắt”. Còn em…”. Câu nói “lững lơ con cá vàng” ấy khiến anh nhớ lại ngày xưa, chỉ cần tặng một bông hồng là nàng đã cảm động, chớp chóp mắt e lệ mà sung sướng vùi đầu vào ngực anh. Vậy mà...

Có câu nói, đại khái, đàn ông giàu nhất trần gian chính là người có thể thỏa mãn được nhu cầu của vợ/ người yêu. Thật ra câu đó chưa hẳn đúng, nếu thật sự thương yêu thì không nàng nào nỡ đòi hỏi những gì mà họ biết ngoài khả năng của chàng. Nhưng rồi lắm lúc trong quan hệ xã hội khi nhìn thấy đồng nghiệp, bạn bè vượt trội hơn thì họ lại ngầm so sánh!

Từ động lực nâng cao chất lượng sống của vợ con, có người dành nhiều thời gian cho công việc hơn đặng tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, cũng có người kiếm thêm tiền bằng mọi giá nên sa vào vòng lao lý. Lúc đó, không chỉ riêng chồng mà vợ cũng phải gánh chịu sự hậu quả.

Câu chuyện này không phải tôi bịa ra: Sau nhiều năm lập gia đình đã vợ con đề huề, cuộc sống ổn định ngày kia chàng tình cờ gặp cô nàng đã từng mê chàng như mê “thần tượng”. Lúc trước, chàng không thèm ghé mắt đến, chỉ vì chê gia đình nàng nghèo rớt mồng tơi, còn đang ăn nhờ ở đậu. Nay, không ngờ nàng sang trọng như bà hoàng đã là giám đốc của một công ty lớn, đi đâu cũng có tài xế riêng, chỉ xài hàng hiệu. Chàng kể lại chuyện này với vợ, không quên thòng thêm một câu bâng vơ: “Chà, phải chi em năng động, tháo vác như cô ta thì gia đình mình đâu kém gì ai”. Không chỉ một lần, thỉnh thoảng anh nhắc lại tưởng chừng như tình cờ buột miệng.

Người vợ thừa biết ngụ ý của chồng, do đó, vì tự ái dồn dập nên ít lâu sau cô vợ lẳng lặng tính toán “chuyện làm ăn” cho chồng “biết mặt”. Ngoài việc đi dạy như lâu nay, cô đã làm thêm một việc không phải sở trường là mở nhiều dây hụi. Cô lấy tiền người trước trả người sau, vay tiền đầu này mượn nợ đầu kia nên xúng xính tiền bạc, tha hồ tiêu xài, mua sắm… Anh chồng tự hào, không ngờ vợ mình cũng tài giỏi nào kém gì ai. Dần dà, “cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Té ngửa trước sự việc “động trời” ấy, nỗi ân hận trước hết vẫn là chồng. Chính sự so sánh của anh đã đẩy vợ vào bước đường nợ nần như chúa Chổm.

Một trong những điều tệ hại trong đời sống vợ chồng mà ít ai nhận ra, chính là lúc vô tình hay cố ý so sánh “một nửa” của mình với người trong thiên hạ. Ở đời, ai cũng muốn chất lượng sống ngày một cao hơn nhưng đừng vì thế mà so sánh này nọ khiến “người của mình” luôn sống trong áp lực nặng nề; hoặc vì phải đáp ứng các đòi hỏi ấy mà thân bại danh liệt…


L.M.Q

(nguồn: TGPN  13.10.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com