THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Phải "dính như sam"?

LÊ MINH QUỐC: Phải "dính như sam"?

 

Có câu chuyện thật, tôi là người chứng kiến nhưng khi kể lại ắt nhiều người không thể tin. Lần ấy, tôi về quê dự đám cưới của người bạn thân. Tiệc tổ chức tại nhà riêng, vào buổi trưa. Tan tiệc nhưng vẫn còn sớm chán. Chỉ mới chừng ba, bốn giờ chiều. Do uống chưa đủ “đô” và đang hào hứng nên nhóm bạn rủ nhau ra quán tiếp tục “chiến đấu”! Chú rể nghe thế, khoái quá nên lập tức nhập bọn luôn. Cô dâu dở khóc dở cười, chưa kịp nói gì thì chú rể đã phóng lên yên xe người bạn đang rú ga.

 

phaidinhnhusam-R

 

Có người nghĩ đơn giản rằng, đã vợ chồng thì ăn đời ở kiếp với nhau, ngày nào không gặp mặt? Vậy hà cớ gì lúc nào cũng phải dính nhau như sam, chồng đâu vợ đó? Chẳng bù lúc tán tỉnh, chàng cứ lẽo đẽo đi theo sau, rồi thời gian yêu nhau cả hai đã khắng khít như môi với răng. Thói thường một khi ai đó đã thuộc về mình thì họ lại xem nhẹ, không còn phải săn đón, chìu chuộng, ý tứ như trước nữa. Ngày sinh nhật của anh, chị nấu nướng một bữa ăn ấm cúng tại nhà. Nhưng rồi, mỏi mắt ngóng chờ mãi mà chồng vẫn biệt tăm. Réo điện thoại, chỉ nghe tiếng cười nói ầm ĩ và đến khi chồng về thì đã say xỉn khật khưỡng. “Bạn bè quý anh quá, họ đãi sinh nhật cho anh”. Nó thế mà được à? Không bực mình sao được vì chị đã báo trước mấy ngày, dặn dò chu đáo rồi nhưng anh lại quên béng. Cũng có thể là nhớ, nhưng anh vẫn phớt lờ chỉ vì ngồi với bạn bè vẫn thú hơn. Chị bèn lườm: “Thế anh chọn bạn hay chọn vợ, con?”.

Câu hỏi đó, nhiều người đã thốt lên thống thiết.

Ai đời, cả tuần chỉ có mỗi ngày thứ bảy, chủ nhật là cả nhà mới có thể họp mặt đầy đủ, thế nhưng chỉ cần nghe bạn bè í ới, lập tức “người ra đi đầu không ngoảnh lại / sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Bù khú với bạn bè vui hơn nhiều, tha hồ tán dóc mọi chuyện, “tám” tràng giang đại hải đủ mọi đề tài. Trong khi đó, ngồi chung với vợ có gì để nói không? Quanh đi quẩn lại cũng những câu chuyện quen thuộc từ đời tám hoánh. Mà oải nhất, dù có nói gì đi nữa rồi cuối cùng cũng là câu chuyện về trách nhiệm với gia đình, vợ con, tiền điện nước, tiền sữa, tiền gas, học phí… Hơn nữa, ngồi với bạn bè có thể mở lòng ra tâm sự, còn với vợ thì chưa chắc. Làm sao có thể tâm sự với vợ rằng mình đang “say nắng” với nữ đồng nghiệp cùng cơ quan? Hoặc dạo này “trên bảo dưới không nghe” có cách gì khắc phục không? v.v… Ấy là chưa kể, vào quán lai rai còn có những cô tiếp thị bia xinh như mộng, có thể buông lời tán tỉnh lăng nhăng mà không sợ bị ai “bắt giò”!

Lại có những người kỳ cục khi chồng/ vợ nói chẳng thèm nghe lấy một câu, nhưng bạn bè có ý kiến ý cò là tin theo răm rắp. Do đó, không phải ngẫu nhiên, có những người tìm cách hạn chế các mối quan hệ với bạn bè cũ. Những người bạn này đâu có xa lạ gì, cùng chơi thân nhau từ thời thuở “hàn vi”, thậm chí từng có thiện chí tác hợp họ nên duyên chồng vợ. Vẫn biết vậy, nhưng thời gian dành cho bạn bè nhiều quá, khiến người kia chạnh lòng và so bì. Đã không ít lần, anh bạn tôi kêu lên: “Ơi hay, anh đi chơi với anh Phú, anh Hòa, anh Quốc chứ đâu có cô nào đâu mà em cũng mặt nặng, mày nhẹ?”. Chà, có cô nào xía vào thì đã “trầm trọng” lắm rồi, còn ở đây dù bạn bè chí thân nhưng người vợ vẫn không thích. Họ chỉ muốn chồng dành mọi thời gian cho mái ấm. Ngược lại, cũng có những đấng mày râu cảm thấy tủi thân khi vợ thích dạo chơi, mua sắm, ngồi cà phê cùng bạn gái hơn là với mình. “Bọn em toàn bàn chuyện đàn bà, có anh ngại lắm”. Thế là khoảng thời gian ấy, anh chỉ “chầu rìa” đứng ngoài.

Một đôi lần cũng chẳng sao nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần là điều không nên chút nào. Dần dà giữa chồng/ vợ có một khoảng cách, dù chỉ là mối quan hệ trong sáng nhưng cũng khiến người này ác cảm luôn bạn bè của người kia.

Lại có những uyên ương nghĩ rằng, “một nửa” của mình đi chơi với bạn bè là yên tâm, không việc gì phải “đề cao cảnh giác”, miễn là về nhà đúng giờ, tuyệt đôi cấm “qua đêm” tại nhà bạn là được. Đi đâu thì đi, không thèm quan tâm đến. Ban đầu, tưởng rằng cách xử lý ấy “phải đạo” nhưng rồi cũng có lúc thấy bất cập quá. Đôi khi việc làm mình làm mẩy, gây khó khăn lại… hay! Bởi tác dụng của nó như “cái thắng” cần thiết nhằm nhắc nhở đã khuya, đừng quá chén v.v... Nhiều người tâm sự, có những lúc đang ngồi với bạn bè nhưng họ lại ước gì lúc đó vợ/chồng réo điện thoại giục về. Đó là cái cớ rất hay để rút về sớm bởi đến lúc cảm thấy trong người không được khỏe; hoặc không thích thú với cuộc gặp gỡ ấy. Lúc ấy, cái cớ ấy rất hợp lý đặng chuồn gấp, khỏi phải ngồi “chịu trận” mà bạn bè cũng không thể níu kéo. Do đó, đừng ai ngần ngại khi phải tự mình; hoặc nhờ con cái khéo léo nhắc nhở “một nửa” lúc đang vui chơi với bạn bè. Điều này không phải can thiệp quá sâu vào “tự do” cá nhân mà ít cũng khiến người kia cảm thấy vui vì mình còn được quan tâm, có người đang chờ đợi.

Giữa bạn bè và vợ/ chồng, chọn ai? Câu hỏi này đã có sẵn đáp án rồi. Không cần phải tranh cãi lôi thôi. Đừng quên rằng, dù bạn bè chí cốt đi nữa nhưng một khi đã có vợ/ chồng thì phải thay đổi. Không thể đối xử như cái thuở còn độc thân. Đơn giản, bên cạnh mình còn có một người khác, gắn bó với mình như hình với bóng. Dù vợ chồng gặp gỡ mỗi ngày nhưng bao giờ cũng cần có thời gian dành cho nhau nhiều hơn nữa. Tâm sự, trò chuyện, bù khú với bạn bè là một nhu cầu cần thiết của mỗi người nhưng đừng quên nguyên tắc “trong ấm ngoài êm” vẫn là nghệ thuật sống của bất cứ ai một khi đã lập gia đình.


L.M.Q
(nguồn: TGPN 25.8.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com