HUYỀN VIÊM - Trung Hoa - tình và mộng - CHUYỆN TÌNH CỦA LƯƠNG KHẢI SIÊU

Mục lục
HUYỀN VIÊM - Trung Hoa - tình và mộng
CHUYỆN TÌNH CỦA TÔ ĐÔNG PHA
CHUYỆN TÌNH CỦA LÝ THƯƠNG ẨN
CHUYỆN TÌNH CỦA LƯƠNG KHẢI SIÊU
THÍCH VÀ KHÔNG THÍCH ĐÀN BÀ
CUỘC TAO PHÙNG GIỮA GIAI NHÂN VÀ DANH SĨ
Tất cả các trang


CHUYỆN  TÌNH CỦA  LƯƠNG KHẢI SIÊU

Lương Khải Siêu là một nhà cách mạng lỗi lạc của
Trung Quốc, có  ảnh hưởng rất  lớn  đối với các nhà
cách  mạng Việt Nam  như  các cụ Phan  Bội Châu,
Phan  Châu  Trinh,  Tăng Bạt Hổ v.v…  Trong  thời
gian sống lưu vong ở Nhật Bản, Lương Khải Siêu có
một mối tình thật đẹp còn lưu dấu trong tâm hồn ông
cho đến cuối đời.

Lương Khải Siêu (1873-1929) tự Trác Như, hiệu Nhiệm Công, còn một hiệu nữa là Ẩm Băng Thất chủ nhân (1), sinh ngày 26 tháng giêng năm Quý Dậu, niên hiệu Đồng Trị thứ hai, vào cuối đời nhà Thanh. Ông quê ở làng Hùng Tử, huyện Tân Hội, tỉnh Quảng Đông, tư chất thông minh, sinh vào thời liệt cường Âu châu và Nhật Bản thi nhau xâu xé Trung Hoa.

Ông đỗ kỳ thi hương năm 17 tuổi, năm sau đỗ kỳ thi hội. Mùa thu năm đó, ông đến bái yết Khang Hữu Vi để xin làm môn đệ, thầy trò rất tương đắc.

Tháng 3 năm 1895, Trung Nhật ký hòa ước chấm dứt chiến tranh sau khi Trung Hoa đại bại, phải chịu mất Đài Loan, lại phải bồi thường chiến phí, nhục nhã khôn kể xiết. Lương Khải Siêu làm đại biểu cho 190 vị cử nhân ở Quảng Đông, dâng thư lên triều đình xin canh tân xứ sở. Khang Hữu Vi cũng tập hợp được ba ngàn vị cử nhân dâng thư xin biến pháp để cứu nguy đất nước.

Năm 1898, Lương Khải Siêu cùng thầy nỗ lực vận động duy tân, được vua Quang Tự chấp nhận và đem thi hành, nhưng do sự phản bội của Viên Thế Khải, Từ Hy thái hậu đã thẳng tay đàn áp. Vua Quang Tự bị đày vào Doanh đài trong hồ Tây uyển, sáu người trong nhóm duy tân bị giết, gọi là “lục quân tử” (2), Khang Hữu Vi chạy sang Hương Cảng, còn Lương Khải Siêu phải trốn sang Nhật. Đó là cuộc “Mậu Tuất chính biến” (1898). Cuộc cải cách chỉ tồn tại được có 100 ngày.

Năm trốn sang Nhật Bản, Lương Khải Siêu chỉ mới 26 tuổi. Bấy giờ có một số Hoa kiều biết tiếng ông nên mời ông đến diễn thuyết ở Đàn Hương Sơn về tình hình chính trị ở Trung quốc. Trong số thính giả có cô Hà Huệ Trân nhan sắc mặn mà, tính tình hiền dịu, rất giỏi tiếng Anh, vì mến phục tài ông nên tình nguyện đứng ra làm thông dịch viên giúp ông. Rồi sau đó, trong khi làm sách, viết báo, hai người từng cộng tác với nhau chặt chẽ, khi làm thơ xướng họa, lúc đàm luận văn chương rất tâm đầu ý hợp nên tình cảm ngày càng nồng thắm.

Hà Huệ Trân vốn là một nữ sĩ tài hoa, tên tuổi, học cao, hiểu rộng. Nàng đem lòng yêu Lương Khải Siêu tha thiết, nhưng tiếc thay bấy giờ ông đã có gia đình rồi, nên nàng đành làm một người bạn để an ủi, chăm sóc ông nơi xứ lạ quê người. Về sau, nàng không lấy chồng, cứ ở vậy trọn đời.

Mối tình thầm lặng ấy khiến cho Lương bồi hồi xúc động, làm mấy chục bài thơ tình ý thiết tha, tỏ lòng biết ơn người thục nữ đã dành trọn tuổi xuân cho mình. Ông viết :

Thiên thời nhơn sự lưỡng tương thôi,
Đề quých niên hoa mỗi tự nghi.
Đa thiểu tráng hoài thù vị liễu,
Hưu thiêm di hận đáo nga mi !

Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục dịch :

Việc người ngày tạo giục nhau đi,
Tiếng quých (3) kêu xuân đã chắc gì.
Nợ nước nợ non vay chửa trả,
Nợ tình thêm vướng bạn nga mi !

Bấy giờ Lương Khải Siêu một thân lưu lạc nơi đất khách quê người, nỗi cô đơn không sao tả xiết, canh cánh bên lòng niềm đau quốc phá gia vong, lại thêm triều đình nhà Thanh treo giá cái đầu ông đến mười muôn bạc (một trăm ngàn đồng), một số tiền rất lớn lúc bấy giờ nên bọn chó săn tham tiền cứ rình rập tìm cách bắt giết ông để lãnh thưởng. Trong hoàn cảnh ấy, ông còn lòng dạ nào nghĩ đến tình yêu dù biết nữ sĩ Hà Huệ Trân muốn đem cả tuổi xuân và cuộc đời mình phó thác cho ông. Vì thế ông làm bài thơ sau đây :

Không ai cô bảo đáng tài trai,
Mà để mắt xanh có một tôi.
Nghĩ lại ơn sâu nào dám phụ,
Nhiều khi tôi muốn gọi :”mình ơi !”

Tấm thân hang cọp nghĩ buồn tênh,
Há để gian nan lụy đến tình.
Đầu giá mười muôn, cô cũng biết,
Chó săn khắp xứ muốn ăn mình !

Giặc chưa trừ được, nói chi nhà,
Trăm dặm đường còn chín chục xa.
Sợ họ chê khen nhiều chuyện lắm,
Nói sao hào kiệt mến trăng hoa.

Nữ kiệt như cô mới gọi là,
Khối tình chan chứa khác người ta.
Dập dồn sóng biển không tăm tích,
Tình ấy xưa nay ít lắm mà !
(Triệu Chí Khôi dịch)

Chuyện tình của Lương Khải Siêu và những bài thơ tình ướt át ấy đến tai Khang Hữu Vi khiến ông rất bất bình. Khang Hữu Vi cho đó là loại thơ “hối dâm” (4), không xứng đáng với tư cách của một nhà cách mạng. Kể ra như thế cũng quá khắt khe vì chẳng lẽ người làm cách mạng lại không có tình cảm hay sao, huống chi mối tình của hai người là một mối tình trong trắng, thanh cao, chỉ yêu nhau trong tâm hồn, trong lý tưởng, không hề vượt ra khỏi vòng lễ giáo.

Sau cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) do Tôn Dật Tiên lãnh đạo thành công, Lương Khải Siêu về nước và năm 1913, khi Viên Thế Khải làm Lâm thời Đại Tổng thống, Lương giữ chức Tổng trưởng tư pháp. Dịp này ông có mời Hà Huệ Trân sang Bắc Kinh, nàng đến gặp ông nhưng rất giữ gìn ý tứ, chỉ trò chuyện vói ông ở phòng khách của dinh Tổng trưởng chứ không đến nhà riêng.

Khi Lương Khải Siêu phu nhân qua đời, Hà Huệ Trân từ Đàn Hương Sơn sang chia buồn với ông rồi lặng lẽ ra về, giữ cho mối tình của hai người luôn trong trắng. Điều đó khiến Lương Khải Siêu rất quý trọng nàng nên làm bài thơ :

Nhất phu nhất thê thế giới hội,
Ngã dữ Lưu Dương thật sáng chi.
Tôn trọng công quyền, cát tư ái,
Tu tương thân hậu tác nhơn sư.

Dịch nghĩa :

Cái hội thế giới một chồng một vợ,
Tôi cùng với ông Lưu Dương sáng lập ra.
Tôn trọng quyền chung mà cắt lòng yêu riêng,
Nên đem thân mình làm gương cho người.

Sở dĩ có mấy câu trên đây vì trước đó, Lương Khải Siêu và Đàm Lưu Dương cùng nhau sáng lập ra “Hội một vợ một chồng”, không ai được lấy hai vợ nên ông phải làm gương cho mọi người.
Cuối năm 1928 Lương Khải Siêu bị bệnh nặng. Ông đã phải cắt một quả thận nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Ngày 19 tháng giêng năm 1929 ông mất tại bệnh viện Bắc Bình, hưởng dương 57 tuổi (Khang Hữu Vi đã mất trước đó hai năm – 1927). Cuộc đời  Lương Khải Siêu thật đúng với hai câu thơ của ông trong bài “Chí vị thù” (Chí chưa thỏa):

Nam nhi chí hề thiên hạ sự,
Đãn hữu tiến hề bất hữu chỉ.

Nghĩa là :

Chí nam nhi hề, lo việc thiên hạ,
Chỉ có tiến hề, chẳng có ngừng.


SÁCH THAM KHẢO :
-    Lương Khải Siêu của Nguyễn văn Y (NXB Hoa Đăng Sài Gòn 1972)
-    Văn học Trung quốc hiện đại của Nguyễn Hiến Lê (NXB Nguyễn Hiến Lê Sài Gòn 1969)
-    Histoire de la Chine của René Grousset (Librairie Arthème Fayard, Paris 1942)

(1) Ẩm Băng Thất : một trong những bút hiệu của Lương Khải Siêu có nghĩa là ông phải uống nước đá (băng), nếu không thì lòng ông cuồng nhiệt về việc cứu nước, cứu dân, nóng quá chịu không nổi  (Nguyễn Hiến Lê). Người Pháp dịch là : Buveur de glaçons.
(2) Xem chú thích trong bài “Từ Hy thái hậu”.
(3) Đề quých : tên một loài chim giống như chim đỗ quyên mà ta thường gọi là chim quốc.
(4) Hối dâm : xúi giục người khác làm điều tà dâm.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com