HUYỀN VIÊM - Trung Hoa - tình và mộng - CHUYỆN TÌNH CỦA LÝ THƯƠNG ẨN

Mục lục
HUYỀN VIÊM - Trung Hoa - tình và mộng
CHUYỆN TÌNH CỦA TÔ ĐÔNG PHA
CHUYỆN TÌNH CỦA LÝ THƯƠNG ẨN
CHUYỆN TÌNH CỦA LƯƠNG KHẢI SIÊU
THÍCH VÀ KHÔNG THÍCH ĐÀN BÀ
CUỘC TAO PHÙNG GIỮA GIAI NHÂN VÀ DANH SĨ
Tất cả các trang


CHUYỆN  TÌNH  CỦA  LÝ  THƯƠNG  ẨN


Lý Thương Ẩn (813-858) là một trong ba nhà thơ lớn thời Vãn Đường (hai người kia là Đỗ Mục và Ôn Đình Quân). Ông tự là Nghĩa Sơn, hiệu Ngọc Khê, người huyện Thẩm Dương, tỉnh Hà Nam. Cuộc đời và hoạn lộ của ông rất long đong, mới mười tuổi đã mồ côi cha, theo mẹ về Trịnh Châu, học với chú.
Lệnh Hồ Sở rất thích văn thơ ông nên khi Sở làm Tiết độ sứ ở Hà Dương bèn chiêu nạp ông làm môn khách, rất quí trọng.

Năm 837, dưới đời Đường Văn Tông, nhờ thế lực của Lệnh Hồ Đào (con Lệnh Hồ Sở), Lý Thương Ẩn đỗ tiến sĩ. Cũng trong năm ấy Lệnh Hồ Sở từ trần. Sau đó Lý được cử làm Bí thư tỉnh Hiệu thư lang.
Năm 842, dưới đời vua Vũ Tông, mẹ Thương Ẩn mất, ông xin về cư tang. Bấy giờ có quan trấn thủ Hà Dương là Vương Mậu Nguyên mến tài Thương Ẩn nên mời về làm Chưởng thư ký và gả con gái cho. Vì Mậu Nguyên là địch thủ chính trị của Lệnh Hồ Đào nên Thương Ẩn bị chê là kẻ vong ân bội nghĩa. Khi Mậu Nguyên mất, Lý về kinh sư nhưng không được bổ chức gì.

Năm 847, dưới đời Tuyên Tông, Trịnh Á Phủ làm Quan sát sứ Quế Lâm, Thương Ẩn đến nương nhờ, được cử giữ chức Kiểm hiệu thủy bộ Viên ngoại lang. Trịnh thuộc phe Lý Đức Dụ và Vương Mậu Nguyên là phe chống Lệnh Hồ Đào nên Đào tuyệt giao với Lý Thương Ẩn.

Khi Lệnh Hồ Đào làm Tể tướng, Lý nhiều lần dâng thư trần tình nhưng không được xét. Sau nhờ Liễu Trọng Dĩnh, trấn thủ miền Đông Thục đề cử nên Thương Ẩn được cử giữ chức Phán quan kiểm hiệu Công bộ Viên ngoại lang. Lúc Liễu bị bãi quan, Lý cũng mất chức. Năm 858 ông quay về Trịnh Châu, mắc bệnh rồi tạ thế lúc mới 45 tuổi.

Thơ của Lý Thương Ẩn nổi tiếng ngang với Ôn Đình Quân và Đỗ Mục nên buổi đương thời người ta gọi là Ôn Lý và Lý Đỗ. Vương An Thạch đời Tống rất khâm phục và yêu thơ Lý Thương Ẩn.
Thơ thời Vãn Đường có nhiều vẻ giống thơ thời Lục Triều : lời diễm lệ mà ý ủy mị và lãng mạn. Không riêng gì kẻ thường nhân, ngay cả các kẻ sĩ có danh vọng như Đỗ Mục và Lý Thương Ẩn cũng nổi tiếng là những thi nhân cực kỳ lãng mạn, đắm chìm trong thanh sắc.

Nữ sĩ Tô Tuyết Lâm đời Thanh tham khảo kỹ các sách xưa nay viết về Lý Thương Ẩn, rồi viết một tập khảo cứu rất có giá trị về phần đời quan trọng chi phối rất nhiều thơ từ của họ Lý, nhan đề “Lý Nghĩa Sơn luyến ái sự tích khảo” (Khảo về sự tích luyến ái của Lý Nghĩa Sơn – tức Lý Thương Ẩn).
Theo sách này thì thuở thanh niên Lý Thương Ẩn đã từng yêu say đắm nữ đạo sĩ Tống Hoa Dương, một người đẹp nổi tiếng thời bấy giờ, nhưng vì một chuyện bất hòa nên mối tình tan vỡ, để lại trong tim ông niềm đau đớn khôn nguôi.

Sau  đó, ông yêu say đắm hai chị em họ Lư, Phi Loan và Khinh Phượng là hai tuyệt thế giai nhân, cả ba thề non hẹn biển, nguyện cùng kết tóc xe tơ. Nhưng chẳng may, hai nàng đều bị tiến cung. Họ Lý khổ công chờ đợi suốt hai mươi năm trời, những mong có ngày sum họp. Nhưng Phi Loan và Khinh Phượng đều chết một cách bí mật trong cung khiến Lý Thương Ẩn cực kỳ đau xót. Sáu bài thơ “Vô đề” và bài “Cẩm sắt” (1) của ông làm ra có lẽ để tả mối tình éo le ấy và nỗi lòng thương tiếc cố nhân không bao giờ nguôi được (2)

Xin dẫn ra đây bài thứ ba trong sáu bài thơ “Vô đề”, bài thơ được nhiều người yêu thích nhất :
無  題                             V Ô   Đ Ề

難 相 見 時 難 別 亦             Tương kiến thời nan biệt diệc nan,
東 風 無 力 百 花 殘              Đông phong vô lực bách hoa tàn.
春 蠶 到 死 絲 方 盡              Xuân tàm đáo tử ti phương tận,
蠟 炬 成 灰 淚 始 乾              Lạp cự thành hôi lệ thủy can.
曉 鏡 但 愁 雲 鬢 改              Hiểu kính đãn sầu vân mấn cải,
夜 吟 應 覺 月 光 寒               Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn.
蓬 萊 此 去 無 多 路              Bồng lai thử khứ vô đa lộ,
青 鳥 殷 勤 為 探 看              Thanh điểu ân cần vị thám khan.

Khương Hữu Dụng và Tương Như dịch :

Khó gặp nhau mà cũng khó xa,
Gió xuân đành để rụng trăm hoa.
Con tằm đến thác tơ còn vướng,
Chiếc nến chưa tàn lệ vẫn sa.
Sáng ngắm gương, buồn thay mái tuyết,
Đêm ngâm thơ, thấy lạnh trăng ngà.
Bồng lai tới đó không xa mấy,
Cậy với chim xanh dọ lối mà.

Ngoài những bài “Vô đề”, Lý Thương Ẩn còn có bài thơ “Cẩm sắt”, một bài thơ thật hay nhưng rất khó hiểu khiến nhà phê bình thơ nổi tiếng đời Thanh là Vương Sĩ Trinh (tức Vương Ngư Dương) phải thốt lên :”Nhất biên Cẩm sắt giải nhân nan !” (bài thơ Cẩm sắt hiểu sao đây?) :


錦  瑟                                               CẨM   SẮT
錦 瑟 無 端 五 十 絃                   Cẩm sắt vô đoan (3) ngũ thập huyền,
一 絃 一 住 思 華 年                   Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên.
莊 生 曉 夢 迷 蝴 喋                   Trang sinh (4) hiểu mộng mê hồ điệp,
望 帝 春 心 託 杜 鵑                   Vọng đế (5) xuân tâm thác đỗ quyên.
滄 海 月 明 珠 有 淚                   Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,
藍 田 日 煖 玉 生 煙                    Lam Điền (6) nhật noãn ngọc sinh yên.
此 情 可 待 成 追 憶                   Thử tình khả đãi thành truy ức,
只 是 當 時 已 惘 然                   Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên (7).

Vĩnh Sính dịch :
Cẩm sắt vì đâu năm chục dây?
Mỗi dây mỗi trục nhớ thương đầy.
Trang sinh sớm mộng mê thành bướm,
Thục đế tình xuân tiếng cuốc chầy.
Thương hải trăng xanh châu nhỏ lệ,
Lam Điền nắng ấm ngọc tan bay.
Tình này ví thử sau còn nhớ
Lúc đã tàn phai với tháng ngày (8).

Đọc bài “Cẩm sắt”, Lương Khải Siêu (1873-1929), nhà chính trị, nhà văn lỗi lạc đời Thanh viết :”Tôi không hiểu và thậm chí không thể giải thích ý nghĩa của từng câu thơ, nhưng tôi vẫn yêu và vẫn bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của thơ họ Lý”.

Và Ngô Tất Tố (1894-1954) viết :”Người ta khen bài Cẩm sắt của Lý Nghĩa Sơn (tức Lý Thương Ẩn) là thơ tuyệt diệu vì nó ý nghĩa cực rõ, mà hơn một nghìn năm nay, vẫn chưa ai hiểu tác giả định nói gì (9).
Bài “Cẩm sắt” là một bài thơ diễm tình, lời thơ cực kỳ thê lương áo não, nhất là hai câu cuối, ý rằng :“Tình này, ta hãy để cho biến thành hoài niệm, thế nhưng lúc bấy giờ đã đau thương tuyệt vọng lắm rồi”.
Có người cho rằng Lý Thương Ẩn viết bài này để tiếc thương người ái thiếp của Lệnh Hồ Sở tên là Cẩm Sắt, nhưng điều này không đúng vì khóc mướn thương vay thì không thể có giọng thơ chân thành như thế. Có người cho là ông viết để khóc thương người vợ yêu của ông là Vương thị (con của Vương Mậu Nguyên) nhưng cũng không lấy gì làm chắc. Phần đông cho là ông viết bảy bài này (sáu bài Vô đề và bài Cẩm sắt) là để tiếc thương hai nàng Phi Loan và Khinh Phượng (10).

Thơ Lý Thương Ẩn bóng bẩy, diễm lệ, giọng thơ thâm trầm u uất, một số bài hơi khó hiểu, có lẽ do mối tình ngang trái không tiện nói rõ ra. Ông thường làm thơ tượng trưng để tả những mối tình u ẩn như trong bài Vô đề, ông mượn cánh hoa tàn để nói về người cung nhân đã mất. Có người cho rằng giọng thơ của ông rất giống giọng thơ của Baudelaire (11) trong tập thơ “Les fleurs du mal” ( Ác hoa) như hai câu sau đây :

Thử hoa thử diệp trường tương ánh,
Thúy giảm hồng suy, sầu sát nhân
(Hoa kia lá ấy chiếu nhau mãi,
Xanh kém, hồng phai, buồn giết người).

Lối thơ tặng tình nhân của ông rất bóng bẩy, đẹp đẽ, tình tứ, nồng nàn, người sau ít ai bằng, nên ông được tặng cái danh hiệu là ông tổ lối thơ “hương liêm” tức thơ tình để giữ trong “hộp thơm” của đàn bà. Phái của ông, đời sau gọi là phái “chi phấn” tức phái “phấn son” (Nguyễn Hiến Lê).

Về sau, Nguyễn Du đã mượn bốn câu giữa của bài này để tả tiếng đàn của nàng Kiều trong buổi tái hồi Kim Trọng. Tố Như tiên sinh đã biến cái không khí buồn rầu u uất trong thơ họ Lý thành bầu không khí đầm ấm, vui tươi, êm ái cho hợp với cảnh sum vầy, đoàn tụ của Kim Kiều sau muời lăm năm cách biệt :

Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?
Trong sao châu rỏ duềnh quyên !
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông !

(1)    Cẩm sắt : cây đàn gấm.
(2)    Giai thoại văn học Đường.
(3)    Vô đoan : không có lý do.
(4) Trang sinh : tức Trang Chu hay Trang tử, ông nằm mơ thấy mình hóa bướm bay khắp nơi, lúc tỉnh dậy bàng hoàng tự hỏi không biết mình hóa bướm hay bướm hóa ra mình.
(5)  Vọng đế: tứcThục đế (vua Thục) , tên là Đỗ Vũ, để mất nước, khi chết đi, tiếc thương nước cũ , hồn hóa thành chim đỗ quyên (chim quốc).             
(6) Lam Điền : tên núi, ở huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây, nơi có nhiều ngọc đẹp.
(7) Võng nhiên : không biết gì cả, ngơ ngác như mất hồn.
(8) Trích “Hồn Việt I”
(9) “Thi văn bình chú” (NXB Mai Lĩnh, Hà Nội, 1952).
(10) Chế Lan Viên – Lời nói đầu cuốn “Từ Tống” (NXB TP.HCM 1992) trang 29.
(11) Baudelaire (1821-1867) : thi sĩ Pháp thuộc phái tượng trưng (symbolisme) có thi phẩm “Les fleurs du mal” (Ác hoa) rất nổi tiếng, sinh sau Lý Thương Ẩn đến hơn nghìn năm.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com