Tọa đàm làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ? - MỘT VÀI CHIA SẺ TRONG VIỆC TỔ CHỨC TIẾT ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH TẠI TRUNG HỌC CƠ SỞ NGUYỄN HIỀN, QUẬN 7, TP. HCM

Mục lục
Tọa đàm làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?
XÂY DỰNG THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO TRẺ TRONG GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG
TỪ NHỮNG CÂU CHUYỆN ẤU THƠ Nguyễn Nhật Ánh*
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
HÀNH TRÌNH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU SÁCH CHO HỌC SINH BẬC MẦM NON
GẮN VĂN HÓA ĐỌC VỚI GIẢNG DẠY TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC TRẦN VĂN ƠN, QUẬN 11, TP. HCM
PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TRONG TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐÔNG HÒA B – THỊ XÃ DĨ AN – TỈNH BÌNH DƯƠNG
MỘT VÀI CHIA SẺ TRONG VIỆC TỔ CHỨC TIẾT ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH TẠI TRUNG HỌC CƠ SỞ NGUYỄN HIỀN, QUẬN 7, TP. HCM
DỰ ÁN LỚN LÊN CÙNG SÁCH TRƯỜNG SONG NGỮ QUỐC TẾ HORIZON
CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN “VĂN HÓA ĐỌC” TẠI TRƯỜNG THCS VÀ THPT ĐINH THIỆN LÝ
HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH HƯỚNG ĐẾN XÂY DỰNG VĂN HOÁ ĐỌC TẠI HỆ THỐNG GIÁO DỤC TTC EDU
TIẾT ĐỌC SÁCH THƯỜNG XUYÊN TẠI THƯ VIỆN, LỚP HỌC TẠO THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH LỢI ÍCH CỦA ĐỌC SÁCH VÀ PHẢN HỒI TÍCH CỰC TỪ HỌC SINH
SINGAPORE KHUYẾN KHÍCH HỌC SINH ĐỌC SÁCH NHƯ THẾ NÀO?
ĐỌC NHIỀU, ĐỌC RỘNG VÀ ĐỌC CÙNG NHAU BÀI HỌC TỪ SINGAPORE
Tất cả các trang


MỘT VÀI CHIA SẺ TRONG VIỆC TỔ CHỨC TIẾT ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH TẠI TRUNG HỌC CƠ SỞ NGUYỄN HIỀN, QUẬN 7, TP. HCM

Trần Thụy Ngọc Trân*

Sách là thành tựu của nền văn minh, là sản phẩm độc đáo của trí tuệ con người. Một nhà văn Pháp có nhận định “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người”. Marxim Gorki có nói “Sách mở ra cho tôi những chân trời mới”. Đọc sách không chỉ có tác dụng mở mang kiến thức, nâng cao nhận thức, hiểu biết về các lĩnh vực tự nhiên, khoa học, xã hội mà còn có tác dụng rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Thông qua những trang sách, nhất là sách văn học, tâm hồn bạn đọc được tưới tắm nguồn nước mát lành, chẳng những gột rửa bao toan tính, muộn phiền, sân si trong cuộc sống mà còn được bồi đắp những tình cảm cao đẹp có tác dụng hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ. Vì lẽ đó, để hình thành ở con trẻ một thế giới nội tâm phong phú góp phần kiến tạo nên diện mạo của một con người thiện lành, không có phương pháp nào hiệu quả hơn là thu hút học sinh đến với Thư viện vì “Thư viện là một kho thuốc bổ tâm hồn”.

Vì lẽ đó, việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường thực sự có một ý nghĩa to lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người Việt Nam nói chung và học sinh nói riêng thường ít hoặc lười đọc sách. Các thống kê cho thấy trung bình mỗi người Việt hàng năm đọc chưa quá 1 cuốn sách và chi phí dùng để trang bị các đầu sách làm phong phú đời sống tâm hồn lại chiếm một tỉ lệ ít ỏi trong cơ cấu chi tiêu của cá nhân, gia đình. Mặt khác, xã hội phát triển ngày một hiện đại. Nếu như vài thập kỷ trước, trẻ em thế hệ 7X, 8X trở về trước, do hoàn cảnh kinh tế, xã hội nên chỉ có sách là người bạn tinh thần, là hình thức giải trí duy nhất. Nhiều tác phẩm kinh điển đã trở thành sách gối đầu giường của thế hệ trẻ khi đó như Thép đã tôi thế ấy, Tấm lòng vàng,... Hiện nay, tình hình đã có thay đổi. Sự phát triển của khoa học công nghệ đã đặt con trẻ giữa một rừng, một thế giới phong phú các hình thức giải trí: mạng xã hội, games online, phim ảnh,...

Các phương tiện nghe nhìn càng tỏ ra ưu thế và được trẻ sử dụng như một phương tiện giải trí ngày càng trở nên quen thuộc. Không quá xa lạ nếu như ta bắt gặp một đứa trẻ say sưa cắm cúi với smartphone, iPhone, iPad để lên mạng, chơi game, xem phim trực tuyến. Nhiều trẻ bị chứng cuồng công nghệ và chiếc điện thoại di động thông minh trở thành vật bất ly thân, không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh những ích lợi không thể phủ nhận từ thế giới công nghệ số vẫn còn có rất nhiều tác hại trước mắt cũng như về lâu dài đối với sự phát triển nhận thức và nhân cách của con trẻ. Vậy làm thế nào để nâng cao văn hóa đọc, nhất là trong thế giới học đường trong tình hình hiện nay. Câu hỏi này là niềm băn khoăn, trăn trở chung của tất cả chúng ta, của những bậc phụ huynh, những người làm công tác giáo dục, xuất bản.

*Giáo viên bộ môn Ngữ văn – GV trường THCS Nguyễn Hiền Quận 7, TP. HCM


Xuất phát từ thực tế đó, từ năm học 2017-2018 trường THCS Nguyễn Hiền đã xây dựng kế hoạch xây dựng và phát triển thư viện thành “Trái tim của nhà trường”. Trường tạo mọi điều kiện cho nhân viên quản thư học tập nâng cao trình độ, đầu tư nhiều kinh phí trang trí thư viện bằng những hình thức sinh động, thu hút học sinh, trang bị các đầu sách mới, đa dạng hóa hoạt động giới thiệu sách. Đặc biệt, sự phối hợp của Tổ Ngữ văn tổ chức các tiết đọc sách cho học sinh các khối lớp được xem là một nét mới, một hoạt động nổi bật khơi gợi hứng thú cho học sinh tìm đến với thư viện, góp phần hình thành niềm đam mê và rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh nhà trường.

Trong 2 năm học vừa qua, từ đầu năm học, cô Tổ trưởng chuyên môn đã chủ trì buổi thảo luận xây dựng kế hoạch thực hiện tiết đọc sách. Các giáo viên trong Tổ cùng bàn bạc, sắp xếp để lên lịch tổ chức tiết đọc sách tại Thư viện trong tiết Ngữ văn nhằm đảm bảo cho học sinh ở tất cả các lớp đều có được 01 tiết đến với thư viện để đọc sách trong tháng. Đây là một hoạt động trải nghiệm mới mẻ, đưa tiết học ra ngoài không gian lớp học, đa dạng hóa hoạt động học tập, phong phú kiến thức tiếp nhận ngoài sách giáo khoa.

Để có thể tổ chức tiết đọc sách, giáo viên Tổ đã chủ động phối hợp Thư viện chọn lọc những đầu sách định hướng cho học sinh đọc trong giờ. Lựa chọn của chúng tôi là các tác phẩm văn học có trích đoạn được học trong chương trình (Dế Mèn phiêu lưu kí, Quê nội,...), các loại sách như Hạt giống tâm hồn, Tủ sách Sống đẹp, Quà tặng cuộc sống, Những tâm hồn cao thượng..., những đầu sách mà chỉ nghe đến tên thôi, chúng ta hình dung được nội dung và giá trị giáo dục, dưỡng nuôi tâm hồn, nhân cách.

Sau khi điều động học sinh, ổn định chỗ ngồi đọc sách của các em trong thư viện, giáo viên hướng dẫn học sinh chọn sách, đọc sách. Thao tác đầu tiên là ghi lại tên đầu sách, tác giả, quan sát phần Mục lục để có cái nhìn tổng quan về bố cục, các chương, đoạn, tên các câu chuyện trong sách. Trong thời lượng 45 phút, học sinh không thể nào đọc hết một quyển sách một cách thấu đáo, vừa đọc, vừa chiêm nghiệm nên giáo viên không yêu cầu học sinh đọc nhanh mà lựa chọn từ 1 đến 3 câu chuyện để đọc. Các em vừa đọc, vừa ghi lại tóm tắt nội dung, những tình tiết nổi bật trong truyện. Bài tập về nhà giao cho các em là từ những ghi chép đó, học sinh viết bài văn nêu cảm nhận, suy nghĩ, những chiêm nghiệm những bài học rút ra từ các câu chuyện được đọc hoặc những điều tâm đắc từ câu chuyện.

Giáo viên sẽ có ghi nhận, góp ý những bài cảm nhận tốt, chọn ra trong mỗi tổ những bài cảm nhận nổi bật. Học sinh trong tổ được định hướng cùng xem lại câu chuyện đó, cùng trao đổi, bàn bạc, làm phong phú thêm cảm nhận về câu chuyện. Các em phân công nhau tổng hợp ý kiến, viết lại thành một bài cảm nhận hoàn thiện, trang trí thật bắt mắt, có tính thẩm mĩ tạo thành sản phẩm để lưu giữ, trưng bày trong tiết học, trong thư viện nhà trường. Các câu chuyện hay, các bài cảm nhận sâu sắc được chọn lọc để thể hiện cho học sinh toàn trường nghe trong giờ sinh hoạt dưới cờ mỗi tháng một lần. Đây là một quy trình tổ chức viết cảm nhận, bài thu hoạch sau tiết đọc sách theo hướng đa dạng hóa các hoạt động học tập của học sinh. Qua đó, học sinh được rèn luyện tư duy độc lập cũng như kĩ năng hoạt động nhóm, tương tác với các bạn cũng như góp phần phát huy năng khiếu thẩm mĩ thông qua việc trang trí sản phẩm - bài cảm nhận - của Tổ.

Việc tổ chức tiết cảm nhận đọc sách cũng theo hướng mở, xây dựng tiết học ngoài không gian lớp học. Học sinh sẽ được xuống sân trường, ngồi thành vòng tròn, sinh hoạt văn nghệ, trò chơi tập thể, cùng chia sẻ, lắng nghe các câu chuyện, các bài bình sách, tham gia đóng góp ý kiến, nêu lên suy nghĩ của bản thân về các câu chuyện đã đọc.

Thực tế cho thấy học sinh vô cùng tâm đắc, thú vị với tiết đọc sách và cảm nhận về sách. Các em được thay đổi không gian và hình thức học tập, có sự chủ động, tự do lựa chọn các đầu sách phù hợp với hứng thú, trình độ tiếp nhận của bản thân. Được lắng nghe, chia sẻ các câu chuyện, các bài học, các kinh nghiệm ứng xử qua các câu chuyện, vốn sống, sự hiểu biết của học sinh vì thế không ngừng được tăng lên.

“Văn học là nhân học”. Dạy Văn trước hết và trên hết là dạy tâm hồn, dạy cách làm người. Vì vậy giáo dục tư tưởng tình cảm thường được thực hiện trong các giờ dạy học Đọc – Hiểu văn bản qua lời bình giảng của giáo viên. Suy cho cùng đó cũng là một hình thức truyền giảng một chiều, phần nào có tính chủ quan, khiên cưỡng. Nội dung giáo dục tư tưởng tình cảm không thể thiếu nhưng cũng thực hiện ở một mức độ, một liều lượng vừa phải trong cơ cấu bài giảng nên thường chưa sâu sắc, lắng đọng. Học sinh có thể nghe qua, thấy hay nhưng rồi sẽ quên do thiếu sự thẩm thấu.

Với tiết đọc sách, điều này được giải quyết một cách đơn giản mà mang lại hiệu quả không ngờ. Nếu như các tác phẩm trong sách giáo khoa thường thiên về tính chất văn học sử, khuôn sáo, hàn lâm kiến thức thì các câu chuyện được đọc có tính chất tươi mới, gần gũi với đời thường, ăm ắp chất liệu cuộc sống. Từ những câu chuyện ngắn gọn, bình dị trong đời thường, trong mối quan hệ xã hội giữa người với người, học sinh sẽ có cảm giác gần gũi, quen thuộc, dễ tiếp nhận, dễ thẩm thấu các bài học giáo dục toát ra từ câu chuyện qua việc chiêm nghiệm cảm nhận của bản thân, những trao đổi với bạn bè, sự định hướng dẫn dắt của các thầy cô. Các câu chuyện được đọc mang tính giáo dục, các em được bổ sung một cách tự nhiên những bài học cuộc sống để ứng dụng vào thực tế và ngày càng hoàn thiện bản thân bằng những suy nghĩ tích cực, những ứng xử đúng mực, nhân văn. Đó là tác dụng quan trọng của việc thực hiện tiết đọc sách mà giáo viên và học sinh đều cảm nhận được.

Học sinh Trung học cơ sở, đặc biệt là các em đầu cấp, bên cạnh tư duy trừu tượng đang được hình thành, củng cố, tư duy trực quan sinh động vẫn là chủ đạo trong quá trình nhận thức của học sinh. Vì vậy, các em thường có khuynh hướng chọn đọc tranh truyện (Conan, Doraemon...). Ở giai đoạn này, giáo viên cần kiên nhẫn định hướng cho học sinh chuyển dần từ việc đọc sách từ kênh hình sang kênh chữ. Đầu tiên, giáo viên cần giúp học sinh lựa chọn các đầu sách, các câu chuyện ngắn gọn, nội dung đơn giản rồi dần dần khuyến khích các em đọc những tác phẩm văn học, những quyển sách dày hơn, nội dung phong phú nâng cao hơn. Công việc này đòi hỏi giáo viên phải nâng cao năng lực giải nghĩa từ, sẵn sàng giúp các em nắm bắt nghĩa của các từ khó, các từ mà học sinh chưa rõ về nghĩa. Qua đó học sinh được phát huy trí tưởng tượng phong phú, góp phần củng cố và phát triển tư duy trừu tượng. Thông qua đọc sách, và được các cô giải nghĩa từ khó, vốn từ vựng của học sinh không ngừng được tích lũy, các em học được các cách diễn dạt mới. Thông qua các tiết cảm nhận, bình sách, kỹ năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói, thuyết trình của học sinh cũng được rèn luyện. Thực sự, đọc sách

không chỉ phát huy tác dụng tích cực đến đời sống tâm hồn mà còn góp phần không nhỏ trong sự phát triển tư duy, ngôn ngữ ở trẻ. Những tác dụng tích cực này những hình thức giải trí hiện đại không thể nào có được hoặc thay thế được. Đó là bằng chứng thực tế về vai trò và tác dụng giáo dục lớn lao của sách trong đời sống học đường.

Hiệu quả từ việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường cũng được thực tế kiểm chứng. Trường THCS Nguyễn Hiền tiền thân là trường bán công; thành phần gia đình học sinh đa số là con em của người lao động nghèo, lao động phổ thông, buôn bán nhỏ lẻ, dân nhập cư. Vì vất vả mưu sinh cuộc sống, phụ huynh ít hoặc không có điều kiện quan tâm, giáo dục học sinh. Do đó, công tác giáo dục ý thức kỉ luật, đạo đức, tác phong học sinh của tập thể sư phạm gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2015 trở về trước, năm nào Hội đồng kỉ luật nhà trường cũng có vài phiên họp xem xét, xử lý các vụ việc tiêu cực trong học sinh.

Từ khi thực hiện tiết đọc sách, mọi việc dần chuyển biến theo hướng tích cực hơn. “Mưa dầm thấm lâu”, một việc làm tổ chức thường xuyên đã mang lại lợi ích thiết thực. Thông qua các câu chuyện, các bài bình sách, học sinh được trải nghiệm cụ thể các tình huống thường gặp trong cuộc sống qua các trang sách. Từ đó các em học được cách ứng xử kiềm chế hơn, suy nghĩ và hành động tích cực hơn. Điều đó phát huy tác dụng làm giảm các vụ việc đáng tiếc giữa học sinh với nhau. Hai năm học gần đây, chất lượng hạnh kiểm học sinh có tín hiệu đáng mừng: tăng tỷ lệ xếp loại hạnh kiểm Khá – Tốt, giảm tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm trung bình, không có học sinh yếu kém. Số vụ việc tiêu cực trong học sinh giảm. Hội đồng Kỉ luật không nhóm họp để xử lý kỉ luật học sinh. Cố nhiên, kết quả trên là sự phối hợp liên tục và đều tay của các lực lượng giáo dục, các phương pháp giáo dục nhưng trong đó cũng có phần không nhỏ từ những tiết đọc sách, cảm nhận, bình sách của tổ Ngữ văn.

Ở góc độ chuyên môn, qua khảo sát và kết quả các bài kiểm tra, học sinh đã có vốn từ phong phú hơn, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc hơn trong văn viết và bước đầu tự tin thể hiện qua kĩ năng nói. Những câu chuyện trong cuộc sống mang đến vốn sống, sự cảm nhận phong phú cho các em. Đây là chất liệu quí giá để học sinh khối 8, 9 thực hành các dạng bài nghị luận xã hội với các dẫn chứng, các câu danh ngôn được trích dẫn từ sách. Đúng như Thi thánh Đỗ Phủ nhận định “Đọc sách muôn vạn quyển, hạ bút như có thần”. Phải chăng các tiết đọc sách góp phần nâng cao chất lượng bộ môn?

Trước kết quả khả quan bước đầu, chúng tôi luôn trăn trở làm sao tiếp tục duy trì, làm mới, tạo hứng thú cho học sinh qua các tiết đọc sách tại Thư viện để hoạt động này phát huy những tác dụng tích cực trong việc giáo dục. Phương hướng của Tổ Ngữ văn trường Nguyễn Hiền là tiếp tục rà soát, đề xuất trang bị các đầu sách mới, gần gũi với thị hiếu học sinh. Tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động đọc, bình sách như kể chuyện, vẽ tranh, xây dựng tiểu phẩm từ các câu chuyện được đọc, hoặc tưởng tượng, sáng tạo kết thúc mới cho câu chuyện, tổ chức Trại sáng tác khuyến khích những tác phẩm đầu tay của học sinh.

Đến đây, tôi xin thay mặt cho tập thể các cô giáo tổ Ngữ văn và Hội đồng Sư phạm nhà trường chân thành gửi lời cảm ơn đến Ban Tổ chức Toạ đàm. Đây là duyên may để chúng tôi được gặp gỡ, sẻ chia kinh nghiệm mà quan trọng hơn là được học hỏi, tham khảo các cách làm thực tế từ các đơn vị bạn để góp phần làm phong phú thêm hoạt động đọc sách ở trường THCS. Qua đó góp phần hình thành và rèn luyện thói quen đọc sách trong học sinh nhằm thúc đẩy quá trình giáo dục- tự giáo dục trong mỗi con người để hoàn thiện bản thân và cùng nhau chung tay xây dựng.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com