NGÔ VĂN BAN: CHUYỆN CHÓ NĂM TUẤT QUA CÁI NHÌN DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT

Mục lục
NGÔ VĂN BAN: CHUYỆN CHÓ NĂM TUẤT QUA CÁI NHÌN DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT
Nuôi chó:
Hình ảnh con chó trong đời sống
Con chó trong ẩm thực
Tất cả các trang

COHO27751506_1847684375273917_4146613697994097885_n

Nhà nghiên cứu văn học dân gian Ngô Văn Ban đã thực hiện nhiều công trình văn hóa có giá trị.

Riêng năm 2017, với tác phẩm NHỮNG ĐỊA DANH GHI DẤU QUA CA DAO XỨ QUẢNG - được giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Đà Nẵng; Vè Các Lái - tri thức dân gian đi biển của người Việt - được Bộ VHTT& DL công bố là tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu trong năm 2016, 2017 và cấp Bằng khen. Các phẩm tiêu biểu này được sáng tác ở các Nhà Sáng tác trong nước, do Bộ quản lý.


Nhân dịp năm mới sắp đến, trang web leminhquoc.vn xin giới thiệu  CHUYỆN CHÓ NĂM TUẤT QUA CÁI NHÌN DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT của NGÔ VĂN BAN.

 

Một năm Dậu con gà qua đi, một năm Tuất con chó đến. Hai con làm “lễ bàn giao” vào đêm trừ tịch (đêm giao thừa). Theo bài “Vè mười hai con giáp”, những người “tuổi Dậu con gà vàng lông, có mỏ có mồng, sớm gáy o o”, thì những người “tuổi Tuất là con chó cò, nằm khoanh trong lò, lỗ mũi lọ lem”. Chó cò là loại chó nhỏ con, có bộ lông trắng. Chó nằm trong lò “lấy cớ” là giữ nhà như người xưa đã phân công: “chó giữ nhà, gà gáy trống canh”. Công việc giữ nhà hay giữ trang trại của chó được chó “bộc bạch” trong tác phẩm “Lục súc tranh công” của tác giả khuyết danh: “Đêm năm canh con mắt như chong/ Đứa đạo tặc nép oai khủng động/ Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống/ Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh” . Ngoài “đứa gian tham thấy bóng cũng kinh”, các bà nội trợ cũng luôn cảnh giác loài vật này, “chó treo mèo đậy, để bậy nó ăn” và cố tránh việc “chó tha đi, mèo tha lại” gây nhiều xáo trộn, mất trật tự. Nhiệm vụ của chó là giữ nhà, nhưng lại có kẻ “kêu chó đuổi ruồi”, thì đó là lời phê phán những người làm những công việc vô ích, vì chó không có chức năng đuổi ruồi.

Chó thì “sủa”, gà thì” gáy”, “chó đâu chó sủa chỗ không, chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày”. Chó sủa “thằng” ăn trộm, “ông” ăn mày. Người ăn xin kiếm ăn ban ngày ban mặt một cách chính đáng được dân gian gọi bằng “ông”. Còn kẻ ăn trộm lén lút ngày đêm đáng gọi là “thằng” một cách đáng khinh. Câu ca dao ngoài nói lên chức năng nhiệm vụ của con chó còn nói lên đạo lý của dân gian ta nữa.

Nhưng cũng có lúc tiếng sủa của chó không còn là việc “báo động” nữa mà là những tiếng sủa vu vơ, đưa đến người nghe những bực mình: “Trách thay con chó sủa dai/ Sủa nguyệt sơn đài, sủa bóng trăng thanh”, hay là “con chó sủa ma”?, “con chó cắn ma”? “Chó sủa ma” “sủa bóng sủa dáng”, thấy bóng thấy hình gì đó, không biết là gì cứ thế sủa, sủa vu vơ, sủa dai dẳng, nhất là sủa vào ban đêm, những đêm có trăng. Ở Nam Bộ còn có câu “chó ma cắn” là chỉ những vết bầm trên da người mà không rõ nguyên nhân, cho rằng do “chó ma cắn”. Kinh nghiệm dân gian cho rằng tùy theo tiếng chó sủa mà biết rằng chó sủa ma hay sủa ăn trộm để có câu: “Sủa thủng thẳng là chó sủa ma, sủa vào sủa ra là sủa kẻ trộm”. Lại còn ban đêm chó “tru” nữa với tiếng vang to từng hồi, nghe thì thật là rùng rợn.

Có người bảo “chó sủa chó không cắn” là loại chó hiền, chó khôn, vì “chó khôn chẳng cắn càn”, cắn bậy. Loài chó này được dân gian ví với những người hay nổi giận rầy la ồn ào nhưng tính tình thì không hiểm độc. Nhưng chó “chưa cắn đã chìa răng ra”, thì cũng làm cho ta hết hồn rồi, lại được chủ nhân cho biết “không răng mô”, tức là “không sao cả” theo lời nói người chủ gốc Thừa Thiên - Huế. Còn loại chó ít sủa thường cắn lén, cắn trộm, cắn chùng (theo tiếng Huế) lúc ta không đề phòng thì cũng thật là nguy hại. Trong cuộc sống cũng thế, có những kẻ hại ngầm ta mà ta chẳng biết, như “chó cắn trộm” vậy. Lại có “chó lại cắn chủ”, chó này thuộc loại “phản chủ”, không nên nuôi. Dân gian ta cũng khuyên ta nên tránh “hàm chó, vó ngựa” là hai nơi nguy hiểm của loài chó, loài ngựa, có thể gây nguy hiểm cho ta.

Chó có thể hóa điên, gọi là “chó dại” là chó bị nhiễm virus dại, nhất là trong mùa nắng. “Nắng tháng ba chó già lè lưỡi”, nắng nóng làm chó toát nhiều mồ hôi. Nhưng do da chó đầy lông bịt kín, mồ hôi không thoát được phải thoát ra đằng mồm, chó lè lưỡi cho nước chảy ra.  Còn mồm chó bị nhiễm virus dại thì sủi bọt, mắt đỏ, lừ đừ, đuôi co quắp, sợ nước, ánh sáng nên thường trốn trong hốc kẹt, gặp ai cũng cắn, “chó dại cắn càn” dù là chủ nó, vài ngày sau thì chó chết. Người bị chó dại cắn cũng sẽ chết vì bệnh dại nếu không cấp cứu kịp thời, tiêm thuốc với đầy đủ các mũi tiêm. Trong cuộc sống cũng có kẻ được gán cho là … “chó điên”, đó là những kẻ hay sinh sự, hay gây gổ với người khác. Nói về chó dại, người xưa luôn cảnh báo “chó dại có mùa”, thường là mùa hè nóng bức, nhưng con người thì “người dại quanh năm”. Dân gian ta có lời khuyên, nếu thấy  “chó dại cùng đường” thì nên lánh xa.

Để phòng chó cắn, khi ra đường hay khi đến nhà có chó dữ, ông bà ta thường khuyên nên cầm theo cây gậy hay một cái cây gỗ ngắn, chứ không thì, “đi đâu mà chẳng cầm que/ Để chó cắn què, lại còn kêu ai”. Chó gặp người là sủa là cắn, nhưng chó cũng biết “người lạ nó cắn, người quen nó mừng” do chó có tài đánh hơi để biết người lạ người quen, chỉ có những người “đã khó, chó lại cắn thêm” thì khó khăn lại chồng chất, thật là xui xẻo! Tuy thế, chó cắn cũng biết chọn “đối tượng”, “chó cắn áo rách”, chứ gặp “áo lành“, chó cũng biết đợi chủ sai bảo nên thế nào.

Chó cũng thường “cậy nhà” cũng như gà thường “cậy vườn”, tuy thế “chó dữ thường mất láng giềng” do chó thường chui hàng rào qua bắt gà láng giềng hay nhà có chó dữ, láng giềng, bà con, bạn bè chẳng ai dám đến, nhất là khi nhìn tấm bảng treo ngoài cổng vẽ hình đầu chó nhe răng trông dữ tợn, kèm theo hàng chữ “coi chừng chó dữ”… Có người lâu ngày đến thăm nhà bạn, “đến ngõ chó tuôn ra/ những con to và béo/ tiếng sủa như đồng loa/ thấy chó biết nhà chủ/ làm ăn rày khá mà/ thôi thế cũng đủ/ bất tất phải vào nhà” (thơ của Võ Liêm Sơn). Như thế con chó dữ có thể làm cho con người gần nhau, nhưng cũng có thể làm cho con người xa nhau.

Chỉ khi nào “chó chết” mới “hết cắn”, “hết sủa”.

Chó “cắn”, trong tiếng miền Nam “cắn” là con chó dùng răng nghiến vào da thịt người hay đồng loại của chúng, như câu “quăng xương cho chó cắn nhau”. “Chó cắn” còn có khi gọi là “chó táp” (“chó táp rách quần”). Còn ở miền Bắc, “cắn” còn có nghĩa là “sủa”. Như trong câu thơ Nguyễn Khuyến có câu: “Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người”, miêu tả cảnh im ắng, chỉ một âm tiếng người cũng đủ cho con chó giật mình cất lên tiếng sủa. Lại còn có câu “nhăng nhẳng như chó cắn ma, nói như chó cắn ma”…, “cắn” đây là “sủa” và qua câu này ta thấy “chó cắn ma” cũng được gán cho những người “nói” những điều không có căn cứ, chứng cớ, bạ gì cũng nói, nói liên hồi không ngừng nghỉ khiến người nghe phát bực, không muốn nghe nữa và thế nào kẻ đó cũng bị cho là kẻ “nói dai nhách như chó nhai giẻ rách”, “nói như chó liếm thớt”, và lúc đó không gọi là “người nói” nữa mà gọi là “người sủa”.

Nếu loài chó không sủa, không cắn tiếng nào trong cuộc sống của nó, nó là loại chó “ở trên bầu trời”, thường “dạo chơi khắp miền”… Hình tượng đó là để chỉ về những đám mây trên bầu trời trông giống hình con chó mà người ta thường gọi là “bức tranh vân cẩu” (mây chó). Thơ Đỗ Phủ có câu “thiên thượng phù vân như bạch y, tu du hốt biến vi thương cẩu” nghĩa là trên trời mây nổi như áo trắng, phút chốc bỗng biến thành chó xanh, ý nói việc đời thay đổi mau lẹ, không định được, nay thế này, mai thế khác.
 

Gặp chó dữ muốn cắn ta, ta dùng gậy để đánh chúng. Nhưng muốn “đánh chó”, thì cũng phải “kiêng chủ nhà” hay “đánh chó phải ngó đàng sau”, ông bà ta dặn thế để giữ cái tình.

Tuy nhiên, chó dữ cũng có thời, đến khi già, hết lanh lẹ, yếu xìu, trông tiều tụy, thảm não, “mỏi gối chồn chân” thì chó trở thành “chó cùng rứt giậu”, hay chỉ biết “đuổi gà què”, “ăn quẩn cối xay”, không giúp gì được cho chủ, chỉ biết “giữ xương cho chắc” sợ chó khác khỏe hơn giành giựt miếng ăn của mình. Còn đối với chó săn “hết thịt rừng thì giết chó săn” như dân gian đã nhận định. Dân gian cũng lấy hình ảnh chó săn để ám chỉ những kẻ làm tay sai, chỉ điểm, làm mật thám cho ngoại bang hại đồng loại mình, khi cuối cùng rồi thì cũng như số phận của con chó săn khi “hết thịt rừng” mà thôi.

Trong cuộc sống dù nhiều khó khăn, trở ngại, con người cũng được khuyên là phải biết vượt qua để tiến về phía trước, “chó sủa mặc chó, đường ta ta cứ đi” như lời người xưa đã truyền lại.

Con chó là con vật sống gần gũi nhất với con người trong đời sống hằng ngày từ thời cổ xưa, nên ngoài chức năng giữ nhà, “vốn như đây gia tài ủy kư [phó thác]/ Mà chủ không tốn kém đồng nào/ Nếu không muông coi trước giữ sau/ Thì của ấy về tay kẻ trộm” , chó còn có tài săn đuổi như con chó đã trình bày và kể công trong “Lục súc tranh công”: “Cũng ra sức săn chồn, đuổi sóc/ Bao quản chui gai lước góc/ Chi nài múa mỏ, lòn hang …” .

Chó còn giúp người: “Lạc đường nắm đuôi chó” cũng như khi “lạc ngõ nắm đuôi trâu”. Chó và trâu vẫn tìm được đường về nhà dù ở cách xa bao nhiêu chăng nữa. Nhờ chó dẫn về nhà khi lạc đường là nhờ “chó dắt”. “Chó dắt” còn có ý chỉ người nào đó thành công là nhờ may mắn, được người quyền chức che chở, giúp đỡ, chứ không phải do tài năng, hiểu biết của mình, kiểu “chó ngáp phải ruồi”.

Chó cũng phát huy sức mạnh, sự hung dữ khi xông pha trận mạc như “khuyển quân“ của Lê Xí giúp Lê Lợi đánh quân Minh. Chó cũng giúp được lực lương an ninh truy tầm thủ phạm, khám phá tang vật, ma túy, hàng hóa buôn lậu, trinh sát, dò mìn… Chó còn làm được nhiều chuyện nữa: Kéo xe trượt tuyết, làm xiếc, dẫn người mù, đóng phim, tổ chức cho chó đua, tổ chức thi chó đẹp chó xấu… và chó cũng đã từng đưa lên không gian để thí nghiệm như chó Laika…

Có người nuôi chó để làm cảnh, tiêu khiển, lại còn có người nuôi chó làm kế sinh nhai, giúp những kẻ “đưa chó lên… bàn nhậu bảy món”. Đó là nói về người nuôi nhiều chó để cung cấp cho các nơi bán thịt chó, nơi mở quán bán các món ăn chế biến bằng thịt chó. Lại có những người đi xe đạp hay xe gắn máy dạo khắp xóm làng để mua chó hay … bắt trộm chó về bán. Hình ảnh con chó cũng đã đi vào các loại hình văn học nghệ thuật như thơ, truyện, hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, nhất là trong các thể loại văn học dân gian.

Trong “Lục súc tranh công”, chó cho rằng mình có công với chủ nên khi chết, chủ dọn ra gạo tiền tống táng đầy đủ: “Khi lâm tử [lúc chết], gạo tiền tống táng/ Chủ đã có công dày, ngãi rộng/ Muông dễ không tiếp rước đãi đưa…”, ý nói con chó “khi thác xuống giữ cầu âm giới”, vì chủ đối đãi tử tế, “chủ có lòng suy trước, xét sau”, nên khi chủ mất, nó phải đón rước tử tế ở cầu âm phủ. Hùinh Tịnh Paulus Của trong “Đại Nam quấc âm tự vị”, giải thích từ “tiền cột cổ chó” đã cho ta biết: “Của bỏ, của thí. Ngu tục [chỉ những người mê tín dị đoan] hiểu con chó chết rồi, hồn nó xuống giữ cầu âm giới, cho nên phải cột tiền hối lộ mà tống táng, họa ngày sau nó đã không cắn mà lại đưa mình qua cầu âm ti”.

Loài chó được con người nhận định không những là loài tinh khôn mà còn có sự trung thành với chủ, thậm chí được cụ Phan Bội Châu cho là loài có nghĩa, có dũng, có trí, có nhân. Khi cụ Phan bị Pháp buộc an trí ở Bến Ngự, cụ có nuôi hai con chó tên là Vện và Vá. Khi hai con chó chết, cụ lập mộ trong vườn nhà, lập bia ca tụng chúng đầy nghĩa nhân trí dũng, trong đó có câu: “Người hạng muông thú, trông mày họ nghĩ sao?”.
 

Ngay “con chó đá” bất động, trơ ra đó mà cũng được vua Lê Thánh Tông đã hết lòng ca tụng vì sự trung thành qua bài “Vịnh con chó đá” trong “Hồng Đức quốc âm thi tập”. Nhà vua ca tụng con chó đá là để ám chỉ sự trung thành của quần thần, suốt đời “làm thân cẩu mã” để “đền nghì núi sông”:

Lần kể xuân thu biết mấy mươi

Cửa nghiêm thăm thẳm một mình ngồi

Đêm thanh nguyệt dãi màng trông nguyệt

Ngày vắng ruồi bâu biếng ngáp ruồi

Cắn kẻ tiểu nhân nào đoái miệng

Chào người quân tử chẳng phe đuôi

Phỏng trong sức có ngàn cân nặng

Dấu nhẫn ai lay cũng chẳng dời.

Như vậy bên cạnh con chó thật bắng xương bằng thịt ta còn có con chó đá. Thời xưa, người ta thường tạc con chó đá để sử dụng vào một số việc, như đặt con chó đá cạnh chỗ thờ phụng, nơi các lăng mộ của các vua chúa thời phong kiến.

Theo tín ngưỡng dân gian, ở một số làng quê, người ta còn chôn chó đá với niềm tin là để yểm trừ ma quỷ không vào làng quấy phá. Chó đá hoặc chôn ở cửa đình, cửa chùa hay chôn ở cổng vào làng. Trong việc xây nhà, người xưa kiêng cửa ngõ hay con đường, đòn dông nhà phía trước đâm thẳng vào nhà mình. Nếu không tránh được thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí. Thành ngữ ta có câu “đánh chó đá vãi cứt”, chó đá mà như chó thực, nhưng đó là lời phê phán của dân gian đối với bọn bất tài mà lại hay huyênh hoang, khoác lác. Lại có câu “chó đá vẫy đuôi” là để phê phán những kẻ chuyên phổ biến những chuyện vô lý, không thể xảy ra để mê hoặc lòng người.

“Chó thật”, “chó đá”, lại còn có “chó rơm” hay “chó cỏ” nữa. “Chó rơm, chó cỏ” tiếng Hán Việt được “Đại Nam quấc âm tự vị” của Hùinh Tịnh Paulus Của giải thích là “sô cẩu”, có nghĩa “chó thắt bằng cỏ, thường dùng mà làm việc đảo vũ hay là cầu mưa”. Loại chó này tuy mang tiếng thiêng liêng là để tế thần, nhưng khi tế xong người ta vứt ra đường ai giẫm lên cũng được, hay là vật nhóm lửa rất tốt cho các bà nội trợ. Từ đó, “chó rơm, chó cỏ” được dùng để chỉ thân phận con người chẳng ra gì đối với những bề trên bất nhân, bất nghĩa mà mình đã từng gắng công sức phục vụ.

Cũng như dân gian ta có câu “chó cỏ rồng đất”. Xưa kia trong cúng tế thường bện hình con chó bằng cỏ, nắn hình con rồng bằng đất sét để dùng làm lễ vật, khi cúng xong thì đem đi vứt bỏ. Người hoặc vật mà người ta hết cần dùng, không nhờ cậy được thì thế nào cũng bị sa thải, kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, “hết thịt rừng giết chó”... Những câu thơ trong bài “Chó chết trôi” của nhà thơ miền Nam Nguyễn Văn Lạc đã nói lên điều đó: “Sống thì bắt thỏ, thỏ kêu rêu/ Thác thả dòng sông, xác nổi phều”, để rồi “Tới lui bịn rịn bầy tôm tép/ Đưa đón lao xao lũ quạ diều”.

Dưới âm phủ, theo tín ngưỡng dân gian có con “chó ngao” là loại chó lớn con, rất dữ, nó có nhiệm vụ canh ở cầu Nại Hà chuyên cắn xé hồn những kẻ giết người, làm điều độc ác khi còn sống ở trần thế. Do đó, gia đình người chết phải làm lễ cúng chó ngao cho linh hồn người chết qua cầu được bình yên. Các thầy phù thủy ngày xưa còn dùng pháp thuật gọi là “yểm bùa họng chó” để hại người khác mà không hại thân chủ mình. Thầy kết một hình người, dùng bùa viết họ tên năm tháng sanh của người muốn hại gắn vào hình nhân, đọc thần chú, làm phép bắt hồn người muốn hại nhập vào hình nhân, rồi yểm vào họng chó cúng chó ngao. Âm binh sẽ bắt hồn người đó nộp cho chó ngao.


Nuôi chó:

Từ thuở xa xưa, chó rừng đã được loài người thuần hóa và chó đã được con người nuôi nấng, gần gũi bên nhau. Tục ngữ có câu “đêm nghe chó, ngày ngó tre” để thấy rằng con chó gắn liền với miền quê Việt như thế nào. Chó đã giúp con người thực hiện nhiều việc trong sinh hoạt, nuôi làm cảnh cũng như cung cấp thịt cho một số người.
 

Con người nuôi chó Ta lẫn chó Tây. Lúc Pháp, Nhật rồi Mỹ sang đây, ta thấy có người nuôi chó Tây, chó Nhật, chó Mỹ và cả chó Ta nữa. Và khi có hai loại chó mang dòng máu Âu Á như vậy, chẳng khỏi có nạn chó Lai. Chó cũng mang tên như người, có khi mang cả chức tước. Các ông “sĩ quan chó” đó chắc chắn là được trọng vọng. Tên loài chó, tùy loài mà đặt. Chó ngoại quốc hay chó lai, lẽ dĩ nhiên có tên ngoại quốc, hay nửa ngoại quốc nửa ta.

Còn chó Ta cứ theo màu sắc lông mà đặt tên, tên thật nôm na: Vàng, Mực, Vá (“Chó không rách, răng (sao) gọi là chó vá?”), Vện, Đốm, Bạch, Phèn, Xù, Mốc, Luốt, Khoang… ngoại trừ có những con chó Ta “vọng ngoại” đặt tên Tây thì không kể. Riêng con chó bị trụi lông thì gọi là chó Lác (“cực như chó không lông”). Tuy nhiên, dù có mang tên gì, chức tước gì, loài bốn chân đó cũng là … chó. Vấn đề chính là chúng có khôn, có giúp chủ đắc lực không, có trung có nhân có nghĩa có dũng không…

Tại Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang có loại chó quý, gọi là chó Phú Quốc, đặc biệt loài chó này có cái xoáy như bờm ngựa chạy dài trên lưng, biệt tài là rất thính tai, đánh hơi rất giỏi, phản ứng lanh lẹ, bơi lội giỏi…, được liệt vào một trong những giống chó săn tốt nhất trên thế giới. Có những vùng nông thôn, cha mẹ thường đặt tên con bằng những tên xấu để khỏi ma quỷ bắt. Trong việc đặt tên họ lấy “chó” làm tên đặt cho con, như “Chó Con, Chó Chị, Chó Em” vừa dễ nhớ nhưng cũng vừa dễ thương.

Trong dân gian, những người nuôi chó kiêng nuôi một số loài chó và tin những điều tốt xấu do chó đưa lại.

Nuôi chó, người nuôi tìm những con “tứ túc huyền đề”, nghĩa là bốn chân chó đều có móng thừa. Thủy tổ của loài chó chân có 5 ngón. Cần thích ứng với khả năng chạy nhanh để săn bắt mồi, chân chó dần dần dài ra, và nhỏ lại, còn 4 ngón. Sự biến cải này, giúp vận tốc chạy của chó tăng lên. Ngón “huyền đề” chính là ngón chân thứ 5 bị teo lại và mọc toòng teng, lủng lẳng phía trên. Phần lớn ngón huyền đề thường thấy ở hai chân trước, nhưng đôi khi, cũng xuất hiện cả 4 chân. Quan niệm cho rằng chó có ngón huyền đề khôn hơn chó thường thì cũng tùy trường hợp. Tuy nhiên những người nuôi chó có ngón huyền đề đều tin rằng sẽ được phát tài, phát lợi.

Người nuôi chó không nuôi chó trắng, nhất là chó trắng có mũi màu đỏ, họ cho rằng đó là một “yêu khuyển”. Theo truyền thuyết, giống chó này tuy mang hình chó, nhưng khi chủ vắng nhà, nó nhảy lên nằm võng đưa như người, và những đêm thanh vắng, sáng trăng suông nó sẽ đội nón, chống gậy đi trên mái nhà bằng hai chân sau như người. Nó sẽ tìm gặp những yêu ma để tỏ rõ hết mọi sự trong nhà và xúi giục ma quấy rầy nhà chủ, gây bệnh hoạn làm đau ốm các người trong gia đình (?). Nhưng chó trắng mà đầu vàng, đuôi vàng thì nuôi lại có lợi.

Nếu chó trắng là bạn của yêu ma thì chó đen (chó mực) có bộ lông đen tuyền lại kỵ yêu ma. Ngày xưa, phụ nữ sinh nở thường lấy máu chó đen vẫy ở quanh buồng đẻ để tà ma không dám tới khuấy phá mẹ con, nhất là để kỵ giặc Phạm Nhan. Phạm Nhan có cha là người Trung Quốc, mẹ là người Việt, thời nhà Nguyên bên Trung Quốc, Phạm Nhan đỗ tiến sĩ, lại giỏi thuật phù thủy, thường làm bậy trong cung cấm nên bị bắt đem chém, nhưng vua tha cho, bắt làm hướng đạo dẫn quân Nguyên sang xâm lược nước ta. Tại trận Bạch Đằng, bị Hưng Đạo Vương bắt sống, dùng thần kiếm mới chém được đầu Phạm Nhan. Khi sắp thọ hình, Phạm Nhan hỏi cho ăn gì, Hưng Đạo Vương bảo cho ăn máu đẻ của đàn bà, như thế là để sỉ nhục tên giặc này. Từ đó, hồn Phạm Nhan thường gặp sản phụ để hớp hồn họ. Chuyện giặc Phạm Nhan này đã được chép trong tác phẩm “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên trong truyện “Trần triều Hưng Đạo đại vương” . Ngoài ra, sản phụ còn phải ăn thịt, ăn dồi của con chó đen nữa và xương chó được chôn ở dưới chân giường sản phụ nằm, thế mới hiệu nghiệm trong việc phòng tránh tà ma.

Khi chó “lê trôn” (chà, kéo hậu môn sát đất) là điềm gở trong nhà, người chủ phải bán hoặc làm thịt ngay con chó ấy đi để tránh tai họa. Chó cái sinh toàn chó cái hoặc chỉ có một con, người nuôi chó cũng cho là điềm gở, điềm báo sự đau ốm hoặc tiêu hao tài sản của chủ nhân. Trong trường hợp chó đẻ một con độc nhất, người ta phải ném chó con đó qua nóc nhà, nếu rơi xuống chó con vẫn còn sống thì có thể nuôi được.
 

Người nuôi chó được khuyên không nuôi chó quá sáu năm. Chó già quá, hoặc nó sẽ thành tinh, hoặc nó sẽ đem đến những điều bất lợi cho chủ. Chó già quá sáu năm người ta đem làm thịt gọi là “hóa kiếp” để nó đầu thai đi kiếp khác.

Dân gian có câu “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”. Tự nhiên có chó lạ đến nhà mình ở là điềm cực vượng, còn mèo mà đến thì sẽ gặp những điều rủi ro, bất hạnh, nhất là khi mèo lạ đến nhà mình đẻ, dân gian tin như vậy. Có phải tiếng mèo kêu “meo meo”, họ nghĩ đến từ “nghèo”, còn tiếng chó sủa “gâu gâu” họ nghĩ đến từ “giàu” chăng?

Những con chó nằm có dáng như con thạch sùng, nghĩa là hai chân trước duỗi về đàng trước, hai chân sau duỗi về đàng sau, nuôi chó này có lợi cho chủ. Còn con chó “tứ túc mai hoa”, nghĩa là ở bốn chân chó, phía trên bàn chân có đốm trắng hoặc vàng trông như hoa mai nở thì nuôi tốt.

Có những kinh nghiệm cũng như có sự tin tưởng dị đoan, mê tín của người nuôi chó thuở xa xưa như thế.

Những người thợ săn nuôi chó đi săn thật lắm công phu trong việc lựa chọn giống chó cũng như trong tập luyện. Vì trong việc săn bắt, đàn chó mới là yếu tố chính. Chó săn càng nhiều, càng khôn lanh, nhanh nhẹn thì thú rừng dễ sa lưới. Mua chó về nuôi hay dùng đi săn cũng phải lưu ý những kinh nghiệm của dân gian truyền lại:

Chó khôn tứ túc huyền đề

Tai thì hơi cúp, đuôi thì hơi cong

Giống nào mõm nhọn đít vồng

Ăn càn cắn bậy, ấy không ra gì.

Hay:

- Con chó huyền đề, con gà năm móng, lấy về mà nuôi.

- Con chó mà có móng đeo

Khỏi lo ăn trộm mất heo, mất gà.

Còn “ai mà có chó một râu, trời cho chủ nó sắp giàu đến nơi”.

Ngoài các cách lựa chọn chó như trên, người mua có khi phải xem xét kỹ các bộ phận bên ngoài trên thân mình con chó: - Xem đuôi chó: “Ló đầu thì nuôi, ló đuôi ăn thịt”, chót đuôi chó có một túm lông, nếu lông màu trắng thì hay ăn vụng, cắn chủ, không nên nuôi. - Xem răng lưỡi chó: “Lưỡi đen là chó kỳ tài/ Răng ló ra ngoài là chó hung hăng”. - Xem miệng, tai chó: “Sệ miệng thì cắn bạo, tai dài thì sáng hơi”. - Xem lưng chó: “Gà dài lưng thì tốt/ Chó cụt lưng thì hay/ Lưng dài thì làm biếng” - Xem màu lông chó: “Nhất bạch, nhị hoàng, tam khoanh, tứ đốm” là giống chó đẹp, khôn. Hay: “Nhỏ lông, ướt mũi đầm đầm/ Bó đuôi chính cống là dòng chó hay”. - Xem xoáy: “Xoáy hầu đóng thấp thì hung”. - Xem bụng: “Bụng to thì chậm”. - Xem chân: “Chân lùn thì nhanh”, “mua trâu xem sừng, mua chó xem chân” là thế!…

Người nuôi chó săn, khi chó còn nhỏ, chủ tập cho nó đi săn chuột cho quen. Khi nó bắt được chuột, chủ nướng chuột cho nó ăn để tạo cho nó có sự thích thú, hăng hái, tạo thói quen. Khi đi săn thú rừng bắt được thú, chủ thường cho nó ăn vài ba miếng thịt con thú đó để nó quen mùi, sau này gặp con thú đó, đánh hơi được, nó sẽ cố rượt bắt. Nhưng có một điều hạn chế là chó săn cho ăn thịt sống dễ đưa nó vào tật chạy đuổi bắt gà vịt nuôi ở nhà hay ở làng xóm để ăn. Người chủ biết thế nên phải tập, phải dạy cho nó bỏ tật đó. Người chủ đem con gà hay con vịt nhử trước miệng nó, nó sẽ táp liền. Người chủ ngồi sát bên nó, khi thấy nó bắt đầu táp thì một tay nắm nó kéo lại, một tay cầm cây đánh mạnh vào mõm nó.

Qua hai ngày sau cũng làm như thế. Nếu nó vẫn tiếp tục rượt đuổi bắt gà vịt ăn thì chủ sẽ đánh mạnh, đánh đau hơn. Qua những ngày sau, chủ bắt con gà con để trước mặt nó rồi chủ đứng nép vào chỗ kín đáo quan sát. Nếu nó thấy vắng chủ đớp ăn con gà thì lần này đánh đau nhiều lần hơn. Bị đánh đau, nó thoát khỏi tay chủ, chạy kêu sủa vang trời. Làm nhiều lần như vậy, chó sẽ thuần tính, không ăn gà vịt con nữa, dù chủ có nhét gà vịt con vào miệng, nó cũng không dám cắn, nhưng người chủ vẫn tiếp tục đánh mạnh vào mõm nó cho thật đau, nó vội nhả con vật ra, chạy kêu sủa ầm ỉ. Những người nuôi chó săn thường dùng cách này dạy chó không đuổi bắt gà vịt nuôi để ăn nữa và thấy có hiệu nghiệm.

Cách dạy, cách tập luyện như thế cũng có lợi là khi đi săn, chó rượt đuổi chồn, cheo, thỏ… và nó chỉ cắn cho chết các con vật rồi bỏ đó cho chủ đến lượm, còn nó không dám ăn, ngồi canh cho chủ đến nhận xong rồi mới tiếp tục rượt đuổi con thú khác.

Dân gian thường nói “giàu nuôi chó, khó nuôi heo” là ý nói người giàu nuôi chó để tiêu khiển, nuôi làm cảnh hay nuôi giữ nhà, đi săn..., còn mình nghèo thì nuôi heo, coi như bỏ ống để khi heo “xuất chuồng“ có tiền trang trải mọi thứ. Còn có câu: “Giàu nuôi lợn nái, nghèo nuôi chó cái, gà con”. Chó cái, gà con nuôi ít vốn hơn nuôi heo nái, khi heo nái đẻ nhiều con phải nuôi rất tốn kém, còn nuôi chó con, gà con thì ít tốn hơn. Có người lại cho rằng “giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng” phù hợp hơn với gia cảnh. Có anh chồng thường đi chơi bời thì được khuyên: “Bạn về nuôi chó nuôi chim/ Đừng nghe giọng sáo giọng kìm khổ thân”.
 

Tuy nhiên ai cũng muốn nuôi chó khôn, khỏe mạnh, thính tai, đánh hơi tốt, có nhiều tài năng biểu lộ khi được huấn luyện. Nuôi chó như một cách sống, vì “chó gầy hổ mặt người nuôi”, còn “chó béo” thì “đẹp mặt chủ”. Có những con chó may mắn được nuôi trong những gia đình giàu có, cuộc sống còn hơn con người. Và khi chó được chủ tưng tiu, chăm sóc kỹ lưỡng thì thường lên mặt, “chó ỷ thế nhà”, chó chê cứt nát”, có lúc rất hợm hĩnh, quái dị như khi “chó mặc váy lĩnh”, nên có sự so sánh: “ Con nhà khó không bằng chó nhà sang”. Còn chó nhà nghèo thì trái ngược lại: “Chó chẳng chê chủ nghèo”, cũng như “con chẳng chê bố mẹ khó”. Có ông chủ ưa nói chữ thì chó nhà ông nuôi cũng “cắn” hay “sủa ra chữ” như chủ nó. Đó là lời phê phán những người ưa “nói chữ”, đem con chó ra để ẩn dụ. Nuôi chó thì phải lưu ý chớ cho “chó liếm mặt”, vì như thế không ra thể thống gì, kẻ dưới được nuông chiều sẽ đâm nhờn, có khi hỗn hào với người trên.

Còn người đi bán chó cũng có kinh nghiệm truyền lại: “Bán gà kiêng ngày gió, bán chó kiêng ngày mưa”. Gà đang khỏe, bị gió thì xù lông, mồng tái mét như bị dịch, chó bị mưa thì run lên, thân thể co rúm, lông xù lên trông rất thảm hại, như thế bán sao cho được nhiều tiền? Thời xưa có tình cảnh thật đau lòng: “Giàu bán chó, khó bán con”.


 

Hình ảnh con chó trong đời sống

 

Con người nuôi chó, chó gần gũi với người, người sướng khổ, chó cũng như thế. Chó giúp con người rất nhiều, coi con vật thuộc loại trung thành, thông minh, quan tâm đến chủ… nhưng không hiểu như thế nào mà dân gian ta thường dùng hình ảnh con chó để đưa vào câu chửi, câu mắng. Nào là “đồ chó, đồ chó đẻ, đồ chó chết, đồ chó chết chủ, đồ chó hùa, đồ chó chạy rông, đồ chó ghẻ, đồ chó đói, đồ chó hoang, đồ chó vất, đồ chó má, đồ chó săn, đồ chó trâu, đồ chó đểu, đồ chó sủa bậy, đồ chó nhảy bàn độc, …”. Nào là “đồ hèn như chó, đồ ngu như chó, đồ ăn ở dơ như chó, đồ hỗn như chó, đồ tham ăn như chó, đồ lòng trâu dạ chó, đồ đâm heo thuốc chó, đồ chó cái bỏ con, chó cái cắn conđồ làm việc chó chê mèo mửa” v.v..  

Trong “Lục súc tranh công”, con trâu phê phán con chó “Nuôi giống ấy làm chi cho nhọc?”, “Một ngày ba bữa chực ăn”, “Ăn thì cơm thừa canh cặn/ Ăn thì môn sượng, khoai sùng”, “Thấy đến việc, lén mình len lét/ Chưa rét đã phô rằng rét/ Xo ro đuôi quít vào trôn”, “Chưa sốt đà nằm dài thở dốc/ Le lưỡi ra phỏng ước dư gang/ Lại thấy người lơ đỉnh lơ hoang/ Tài ăn vụng thôi thì hơn chúng” …

Hình ảnh con chó cũng được người đời đem ví von để phê phán, đả kích hay khuyên răn một bộ phận người trong xã hội, như trường hợp “chó săn” đã nói ở trên. Trong đời sống có những kẻ sống dựa, sống nhờ thì không bao giờ tồn tại, cũng như những con bọ chó sống trên mình chó, hút máu chó để sống, đến khi “chó chết, bọ chó cũng chết” mà thôi. Những kẻ giả dối, lừa người là những kẻ “treo đầu dê, bán thịt chó”. Những kẻ hèn kém, bất tài do tình thế rối ren, gặp thời mà chiếm được địa vị cao theo kiểu “chó ngồi bàn độc” thì cũng có ngày gặp cảnh “lên voi xuống chó”, tàn mạt cuộc đời.

Người ta thường gọi kẻ trộm hay chui ngạch như chó là “cẩu đạo”. Tên gọi này còn chỉ những kẻ cầu công danh một cách ti tiện nhất: chui lỗ sau. Khi những kẻ này đạt được mục đích rồi, họ luôn luôn thi hành đúng câu “cẩu mã chi trung”. Và khi nắm quyền thế, những kẻ đó có lúc lạm dụng quyền hà hiếp người, bóc lột người chẳng khác nào thiếu lông chim cài trên mũ, lấy đuôi chó nối vào, như lời người xưa nói “cẩu vĩ tục điêu” có nghĩa là quan tước quá lạm dụng quyền thế, không xứng đáng làm quan, bị người đời bêu xấu. Và những kẻ được gán cho là kẻ “lòng heo dạ chó” đã được chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền trong bài “Chiêu quốc hồn” có lời khuyên răn: “Chớ đừng thèm bắt chước những hạng người lòng heo dạ chó đành chôn vùi lương tâm, mà cam làm thân phận tôi đòi để chịu cảnh diệt vong nhục nhã”.

Có khi con người than thân trách phận cũng mượn hình ảnh con chó để tỏ bày tâm sự, như “sao khổ như chó vậy! Sao chó còn sướng hơn mình vậy!”… Nhà thơ Nguyễn Vỹ trong bài thơ “Gửi Trương Tửu” có câu: “Nhà văn An Nam khổ như chó”. Nhà thơ “bị” nhà thơ Tản Đà phê phán: “Ông so sánh nhà văn chúng ta với kiếp chó, mà ông không hổ thẹn ư?”. Nguyễn Vỹ từ tốn trả lời: “Thưa cụ, nếu cháu so sánh nhà văn với chó, thì chó nó thẹn, chớ sao nhà văn lại thẹn?”. Câu chuyện này được Nguyễn Vỹ kể lại trong tác phẩm “Văn thi sĩ tiền chiến”.

Lúc ghét thì “mắng chó chửi mèo”, không nói thẳng, nói thật nhau mà “đá mèo, quèo chó”, tỏ thái độ bất mãn. Lúc cãi vả nhau thì chẳng khác gì “gấu ó như chó với mèo”. Lại còn hay chê bai nhau như “chó chê mèo lắm lông”, đổ thừa cho nhau, hại nhau như trường hợp “con mèo xán vỡ nồi rang/ con chó chạy lại phải mang lấy đòn”,  “chó già ăn vụng cá khô/ ông chủ không thấy đổ hô cho mèo”, hay “chó đen ăn vụng, chó trắng chịu đòn”… Con người cũng có khi đổ thừa cho chó: “Nửa đêm trống trở sang canh/ Lỡ ăn vụng dại, đổ quanh chó mèo”.

Dân gian ta cũng có những bài học về cách sống qua hình ảnh con chó. Có câu truyền lại khuyên con người cần uốn lưỡi bảy lần trước khi nói là để suy nghĩ kỹ, chín chắn, phải cân nhắc, thận trọng trước khi nói để khỏi nói những điều sai trái, cũng như con chó: “Chó ba quanh mới nằm”, chó đi vòng quanh ba lần mới nằm, cũng như “gà ba lần vỗ cánh mới gáy”. Con người cần phải sống như thế nào để khỏi gán cho là loài “mèo đàng chó điếm”, đừng “ăn ở như chó với mèo”, “đồ chó mặc váy lĩnh” là những kẻ đua đòi lố lăng, không để người khác chửi mắng đã được liệt kê trên. Dân gian cũng khuyên con người không nên chê ai, kiểu “chó chê mèo lắm lông”, mình chưa chắc đã tốt lại còn chê kẻ khác là xấu, là tồi, là kém… Lại có câu “chó chực chuồng chồ”, chực nơi dơ bẩn, cũng như con người hám danh, hám lợi cam lòng chờ đợi để rình kiếm chút lợi lộc bẩn thỉu.

Dân gian ta đã có một nhận định thật sâu sắc: “Làm người thì khó, làm chó thì dễ” để thấy rằng con người ăn ở theo đạo lý mới khó, còn cư xử vô luân, không còn luân thường đạo lý với nhau thì dễ. Trong tình yêu, hôn nhân, đời sống vợ chồng, hình ảnh con chó cũng được ví von, ẩn dụ …

Đối với những chàng trai “ở vậy”, có những cô nàng phải “lên tiếng”:

Anh về kiếm chốn kẻo già

Măng mọc có lứa, người ta có thì

Người ta lấy vợ đông tây

Thân anh ở vậy như cau không buồng

Cau không buồng tháng Hai lại có

Anh ở vậy như chó cụt đuôi.

Anh chàng có muốn như thế đâu:

Ba bốn nơi gấp ghé

Chín mười nơi gập ghềnh

Lưa mô (còn đâu) đến phần mình…

Chàng cũng đã rày đây mai đó cố đi tìm “một nửa của đời mình”:

Chợ Sài Gòn bán chó

Chợ Thầy Phó bán heo

Thương em, anh bơi xuồng xuống, lúc đứng chèo

Cả ngày đường xa vắng

Nhưng em chê phận anh nghèo phải khổ tấm thân.    

Có lúc muốn gặp, muốn tặng quà, nhưng thật không may là tại… con chó:

Anh thương em đút bánh ít qua rào

Tai nghe con chó sủa, rớt xuống hào, lòi nhưn.

Gặp rồi, tán tỉnh không khéo thì thế nào cũng bị… ê mặt:

Trứng vịt đổ lộn trứng gà

Thấy em má đỏ anh đà muốn hôn

- Muốn hôn về nói mẹ cha

Tiền cheo, heo cưới tới nhà em hôn

- Muốn hôn má bậu mà chơi

Tiền cheo heo cưới đã thành đôi vợ chồng

- Má đâu có má hôn chơi

Anh ra ngoài đồi bắt… chó mà hôn

- Muốn hôn má bậu mà chơi

Hôn chi má chó lạ hơi, nó ngầu…

Khi chàng trai tỏ tình cũng không vừa gì:

Anh thương em như thương trái mít

Cái xơ mít con chó nó gặm, cái cùi mít cũng bị con ruồi nó bu,

như vậy thì cô nàng còn có giá trị gì nữa!

Trong tình trường cũng có những thách đố:

- Con gà không rang sao gọi là gà nổ

Con chó không nướng sao gọi là con chó vàng

Chàng mà giảng được rõ ràng

Thiếp đây xin phục, vội vàng theo không

- Lông gà chấm trắng đen gọi là lông gà nổ

Lông chó màu lửa gọi là lông chó vàng

Bậu thèm chi mà lại vội vàng

Trầu cau qua chưa kịp nạp mà nàng theo không?

… cũng có những chê bai:

- Anh là con cái nhà ai

Cái đầu bờm xợp, cái tai vật vờ

Cơm no rồi lại ngồi bờ

Con chó tưởng chuột nó vồ mất tai.

- Thôi thôi tôi biết anh rồi

Anh đi bốn cẳng, anh ngồi chực ăn.

- Dầu bông quế, dầu bông hường Hải Dương thơm thiệt là thơm

Tóc em như lông chó xồm

Xức dầu thì xức, ai thèm dòm, bớ em Hai!

Nhất là những cô gái “nỏ mồm”, “nỏ” là khô, những người nói quá nhiều, khô cả miệng:

Đồng nát thì về Cầu Nôm

Con gái nỏ mồm thì chó nó tha (hay “…về ở với cha”).

Trước tình cảm của người con trai, người con gái không ưa, đem … chó dữ ra dọa:

Nhà em có bụi mía mưng

Có con chó dữ xin đừng lại qua.

hay có những trách móc:

Nước chảy chó đá cũng nghiêng

Anh vui cùng bạn để em sầu riêng một mình.

Tuy thế cũng có lúc tình cảm chân thật được biểu lộ:

Ra tiệm tương mua đường, mua đậu,

Ba xị, đồ nhậu đãi bạn chung tình

Mấy khi em tiếp đãi mình

Làm thịt luôn con chó mực để dành bấy lâu.

Thật tội nghiệp cho những chàng phải đi ở rể:

Công anh làm rể đã lâu

Chỉ ăn cơm hớt với đầu cá rô

Bao giờ anh lấy được cô

Cơm hớt phần chó, đầu rô … phần mèo,

anh chàng cũng không được gì cả, vẫn ăn “cơm hớt” là phần cơm ở trên mặt nồi đầy tro bụi do nấu bằng rơm, củi và ăn cái đầu con cá rô nướng chẳng có phần thịt cá nào. Đến khi lấy được vợ rồi, vì hoàn cảnh phải ở nhà vợ, thì cũng chẳng sung sướng gì: “Trai ở nhà vợ như chó nằm gầm chạn” (“chạn” là cái củi đựng chén bát, thức ăn) hay “Trai ở nhà vợ như chó nằm gầm giường”, nói lên thân phận người nương nhờ vào người khác, không chút quyền hành gì, phải cam chịu, nhẫn nhục mà sống.

Đời sống vợ chồng cũng có lúc “gấu ó nhau như chó với mèo”, “vợ với chồng như hồng với cốm”, nào ngờ như “chó đốm mèo khoanh”, tưởng đời sống vợ chồng ngon ngọt, nào ngờ cứ “cãi nhau như chó với mèo”. Hay có đêm:

Gái đâu có gái lạ lùng

Chồng chẳng nằm cùng, ném chó xuống ao

Đến đêm chồng lại lần vào

Vội vàng vác sọt đi chao chó về

Vợ giận chồng “chẳng nằm cùng” nên “giận mèo mắng chó”, xách con chó ném xuống ao. Thật là oan cho con chó. Đến khi “chồng lại lần vào” thì người vợ nghĩ lại thương cho con chó vì sự giận dữ của mình mà phải chịu lạnh lẽo dưới ao, nên “vội vàng vác sọt đi chao chó về” là như thế! Còn:

Vợ quá chiều ngoen ngoẻn như chó liếm mặt

Vợ phải rẫy tiu ngỉu như mèo lành cắt tai.

Hay thảm thương hơn cho người chồng:

Nằm giường Lèo, lại đòi trèo trướng phượng

Dẫu ai trề nhún, nó cũng làm ngang

Một khi bị đạp xuống sàn

Ngủ chung với chó còn than nỗi gì!

Hình ảnh con chó gần gũi với con người nên trong đời sống tình cảm con người đã mang hình ảnh con vật thân thiết vào “điểm tô” như thế.


 

Con chó trong ẩm thực

 

Con chó sống với con người từ ngàn xưa, qua những di chỉ khảo cổ cho ta biết điều đó. Con người đã nuôi chó, sử dụng nó, ngoài việc giữ nhà, đi săn, thậm chí nuôi để chơi, để làm cảnh, tìm vui thú như chơi cá cảnh, chim cảnh … còn dùng thịt, bộ lòng, xương nó để chế biến thành những món ăn, món nhậu và các món đó được một số người cho rằng rất “khoái khẩu”. Nhìn sang các nước châu Á, châu Âu, ta cũng thấy một số dân các nước cũng khoái, cũng chuộng món “mộc tồn” này lắm.

Trong tác phẩm “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, tác giả Đỗ Tất Lợi đã cho ta biết công dụng của thịt chó (cẩu nhục), về y học, có tác dụng bổ tỳ, bổ thận, trừ hàn, trợ dương. Còn thận chó vàng (cẩu thận) có tác dụng tráng dương, chữa thận suy nhược, di tinh, lưng gối mềm yếu. Ngoài ra còn có vật quý hiếm ít thấy là sỏi trong dày của con chó bệnh, gọi là cẩu bảo (vật quý của chó) có tác dụng hạ nghẹn, giải độc, nên dùng để chữa nghẹn, mụn nhọt, nôn mữa, nấc cục…

Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, cội nguồn ăn thịt chó bắt đầu từ lễ hiến tế chó trong tín ngưỡng dân gian. Người ăn đầu tiên là thầy cúng, thầy phù thủy mà cũng chỉ ăn lén, ăn vào lúc tối trời, đêm hôm. Do mặc cảm tội lỗi xưa nay chẳng ai nói toạc ra là ăn thịt chó. Do kiêng kỵ nên người ta nói chệch là ăn thịt “cầy”, “mộc tồn”, giết chó thì gọi là “hạ cờ Tây”…

Về chữ “hiến”, theo Huệ Thiên trong “Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm” (2017) có nghĩa là dâng tặng, nhưng “hiến” lại còn là tên của một loài chó nữa. “Hiến” đi đôi với “lương”, “lương hiến” là chó béo tốt dùng để tế lễ. Dân gian dùng chó để tế lễ là một lễ vật quen thuộc và quan trọng từ thuở xa xưa. Họ dùng “chó thịt” đế tế, sau dùng làm mâm cỗ đãi đằng. Trong sách thuốc “Bản thảo cương mục”, Lý Thời Trân chia loài chó làm ba loại: “Điền khuyển” (chó săn), “phệ khuyển” (chó giữ nhà “phệ” là sủa) và “thực khuyển” (chó dùng ăn thịt).

Những người từng thưởng thức các món ăn chế biến từ thịt con chó đều không hết lời ca tụng. Nó không những là thức ăn đầy bổ dưỡng mà còn khoái khẩu nữa: “Sống được miếng dồi chó/ Chết được bó vàng tâm”. Khi sống thưởng thức được món dồi chó, khi chết được chôn trong cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm, loại gỗ đẹp, nhẹ, có mùi thơm, chôn dưới đất không mục thì không gì sung sướng bằng. Đó là ước nguyện của một số người … khoái thịt chó. Người khoái khẩu thịt chó cho rằng không ăn loại thịt con vật này thật là uổng phí, vì: “Sống ở trên đời xơi khúc dồi chó/ Chết xuống âm phủ, biết có hay không?”. Và đã là đàn ông thì “làm trai biết đánh tổ tôm, biết ăn thịt chó, ngâm nôm Thúy Kiều”.

Không những thịt chó hấp dẫn đấng nam nhi mà ngay cả một số phụ nữ cũng khoái món này, khi đi chợ, những người thích ăn hàng ở chợ “thấy hàng chả chó thì lê chân vào, chả này bà bán làm sao, ba đồng một gắp lẽ nào chẳng mua, nói rằng mua về cho chồng, đi đến quãng đồng, ngả nón ra ăn…”. Ngay cả một số nhà sư, kiểu Lỗ Trí Thâm, đã nguyện ăn chay niệm Phật rồi mà cũng không khỏi sa ngã vì món… thơm phức, đầy hấp dẫn này: “Đi tu Phật bắt ăn chay/ Thịt chó ăn được, thịt … cầy thì không”.

Dân nhậu thịt chó thường tránh né, gọi những tên về con vật này bằng cách nói lái: Nào là “hạ cờ Tây” là “hạ cầy tơ”, nào là “cây còn” là “con cầy”, nào là “mộc tồn” là “cây còn”, là “con cầy”. Có người lại ví con vật này là “nai đồng quê” nữa, thịt nó ngon như con nai sống trên rừng.

Nhưng không phải ai ai cũng khoái món thịt chó. Món ăn, món nhậu này đã làm cho một số những người say đắm, thích thú, mê tơi… thì cũng có một số người lãng tránh, chê bai. Họ cho rằng, chó được coi là bạn của con người, giúp con người giữ nhà, đi săn, có dạ trung thành, không thay lòng đổi dạ dù có đánh đập, có con còn có nghĩa có dũng, cứu chủ khi chủ bị lâm nguy, chủ chết nằm bên mộ nhịn đói nhịn khát chết theo chủ… Ăn thịt con vật như thế, không nỡ, là bạc ác, nhất là những người theo đạo Phật.

Có người lại cho rằng chó là loại ăn dơ, ăn thịt nó, thấy… ghê ghê. Chính vì thế, có người bị ép “dùng thử”, nhưng vì lý do tâm lý, nên nhai miếng thịt chẳng thấy ngon tí nào, đôi khi còn có hiện tượng nôn mửa nữa. Nhưng dân nhậu, trái lại, cho rằng con chó cũng như các con vật khác, là “vật dưỡng nhân”, là động vật trời ban cho con người làm thực phẩm, thì việc gì lại từ chối. Còn cho rằng con chó “ăn dơ”, các con vật khác làm thực phẩm cho con người “ăn sạch” cả sao? Nhu cầu ăn uống là quan trọng, món thịt chó là món được các nhà đông y, tây y cho là món đầy bổ dưỡng, trị được một số bệnh, là món ngon “nhất trên đời”, làm sao bỏ qua được? Bỏ qua rất uổng!

Có người cho rằng người cổ xưa thời tiền sơ sử cũng đã ăn thịt chó rồi. Điều này đúng vì các nhà khảo cổ đã tìm thấy các di chỉ nơi người Việt cổ sinh sống có nhiều xương động vật, trong đó có xương, răng chó. Như vậy, người cổ xưa cũng đã biết nuôi chó, sử dụng thịt chó làm món ăn. Tuy nhiên, tỷ lệ xương, răng chó không nhiều so với các loài động vật khác, chứng tỏ người cổ xưa không phải nuôi chó để ăn thịt mà dùng chó trong việc săn bắt các thú rừng khác khi con người bỏ qua thời kỳ hái lượm bắt đầu chuyển qua thời kỳ săn bắt thú rừng làm lương thực thực phẩm. Hình ảnh chó săn đã được tìm thấy trên chiếc rìu đồng, trống đồng Ngọc Lũ, trên những tác phẩm điêu khắc gỗ ở một số đình làng…

Dân thích nhậu thịt chó cho rằng, không phải con chó nào cũng cho thịt ngon. Ông bà đã rút nhiều kinh nghiệm “chó già, gà tơ” thì không ngon chút nào. Chó già, thịt nhạt nhẽo, cứng và dai, phải là chó không già mà cũng không non. Cũng như có câu truyền tụng “chó tháng ba, gà tháng bảy”, tháng bảy tháng ba là tháng giáp hạt, chó và gà thiếu ăn nên gầy thịt không ngon. Dân nhậu thích loại “chó chanh cốm”, loại chó đương độ đi tơ, thuộc loại “chó dậy thì” thì thật là “tuyệt hảo”! Nhưng phải là chó chính cống giòng chó ta, chú chó “lai căng” như ber-giê, chó Nhật, chó cảnh thì không “nhậu ngon” được, vì thịt chúng đã dai mà còn hôi nữa.

Sắc lông của chó cũng “quyết định” mùi vị của thịt nữa. Những dân sành nhậu, đã sắp xếp màu lông chó theo thứ tự, từ “ngon nhất” trở đi: “Nhất bạch, nhị vàng, tam khoang, tứ đốm”. Chó khoang là loại chó có lông màu trắng, đen hay vàng mọc xung quanh cổ, thân thành vòng. Còn chó đốm lông có những màu đốm màu khác nhau. Có người còn kỹ hơn, mua chó về làm thịt phải tùy theo thời tiết, “trời mưa” thì mua “chó trắng”, “trời nắng” thì mua “chó vàng”. Tuy thế, không phải lúc nào trời mưa, nắng rạch ròi, có lúc “mưa nắng rộn ràng, chó trắng, chó vàng” đều … “xực ráo”.

Người kinh nghiệm làm món chó cũng thường biết đến câu “Kê tam khuyển lục”, nghĩa là gà đủ lớn (hay còn gọi là “gà lọt giậu”, chui lọt hàng rào) nấu được ba bát, chó đủ lớn nấu được sáu bát, đó là lúc làm  thịt chúng ngon nhất. Cũng như họ rành: “gà lấm lưng, chó sưng đồ”, gà tơ và chó ở thời kỳ phát dục, thịt béo thì ăn rất ngon. Có điều đặc biệt, chó có lông màu đen thì ít ai dùng, vì sợ gặp … vận đen, xui xẻo. Và dân nhậu thịt chó cũng không thích gì “chó nhà chùa”, vì chó ở chùa, ăn chay, không thịt cá nên chó gầy, thịt không ngon, không hấp dẫn, cũng như “(cá) măng (ở) sông, ếch (rơi xuống) giếng” vậy.  

Quan niệm người ăn thịt chó mê tín dị đoan từ trước đến nay vẫn cho rằng ăn thịt chó đầu năm, đầu tháng thì sẽ không tốt, không gặp may mắn trong cả năm, cả tháng đó. Nhưng ăn thịt chó vào cuối năm, cuối tháng hoặc sau khi gặp một chuyện không hay thì lại là xua đuổi cái “vận đen” đi. Điều đó không biết có đúng không.
 

Thịt chó ngon là nhờ gia vị, không có gia vị thì coi như “không thể thống chó” gì cả, như dân nhậu thịt chó phát biểu. Gia vị “cần và đủ” trước tiên là riềng. Vì các tay nhậu xa xưa đã dặn: “Thịt chó thì phải có riềng”, cũng như “thịt lợn thì phải có riêng món hành”. Cho nên, thật … tốn kém khi “chó chết lại thêm đồng riềng”, vì nếu không, “con chó khóc đứng khóc ngồi/ mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”.
 

Ăn, nhậu thịt chó, ngoài riềng, phải có rau. Rau, có rau húng quế, lá mơ tam thể, lại thêm hành sống, sả, lá lốt… rồi chanh, ớt, mắm muối, mỡ heo sống hay dầu chiên… và không quên món mẻ, mắm tôm. Mẻ có vị chua, là món cháo đặc sệt, cho mẻ cái vào, để càng lâu, càng chua. Còn mắm tôm làm bằng tôm rảo, tôm thật tươi, mắm mới thơm ngon. Có khi thiếu mắm tôm thì “thịt chó chấm nước chó” vậy. Chẳng khác gì “nồi da (ngựa) nấu thịt (ngựa)”.

Có chó rồi, có gia vị, rau hành đủ thứ, nhưng cần phải có thợ “ngả cầy”, phải có “quy trình, kỹ thuật”, phải có tay nghề để thực hiện các bước từ việc cắt tiết, cạo lông, thui chó… đến việc xả thịt, làm lòng, chế biến các món từ thịt, từ lòng, từ xương chó này. Đó là cả một nghệ thuật, lắm công phu, cần nhiều kinh nghiệm. Có được như vậy, món nhậu từ con vật này mới ngon, mới không phí và gây nhiều thích thú.

Người khoái khẩu thịt chó, người “sành ăn, sành nhậu”, người “sành nghề” chế biến các món từ thịt, xương, bộ đồ lòng… sẽ cho ta biết về những món làm từ thịt con vật này:
 

Người chế biến món thịt chó không những sử dụng phần tiết (món tiết canh chó), phần thịt, phần xương, bộ đồ lòng mà còn sử dụng phần óc chó nữa. Thực hiện món này, người thợ cho trộn óc chó với mỡ heo, nước mắm tôm, nước riềng, nước mẻ, hành tím băm nhỏ, rồi dùng lá chuối gói, cột lại, đem luộc bằng nước luộc thịt chó.

Thịt chó qua tay người thợ lành nghề, chế biến nhiều món ngon, hấp dẫn khác. Như món dồi, sử dụng ruột non, ruột già, bao tử. Như món luộc (hay đem hấp cách thủy) dùng thịt đùi sau của con chó, và khi ăn chấm với muối chanh mới “hợp giọng”. Thịt đùi sau lẫn thịt đùi trước còn dùng làm món chả nướng và phải nướng bằng than luôn đỏ lửa, mỡ chảy xuống than nóng, tỏa mùi thơm làm nức mũi mọi người. Thịt nạc hai bên lườn xương sống của chó dùng làm món chả chiên. Món tái áp chảo thì dùng thịt hai bên ngực. Xương sườn được chế biến thành món chả sườn.

Về bộ đồ lòng như ruột già, ruột non, phổi, gan... thì xào với củ chuối non. Món dân nhậu cho là món nhựa (rựa) mận chế biến bằng thịt đùi trước, thịt bụng, lưng, cổ với đầu đủ còn đủ cả thịt, mỡ và bì (da). Món này phải bỏ nhiều công phu để nấu, dùng mắm tôm ngon, mẻ và riềng, ăn nóng với bún. Ngoài ra còn có món xáo ninh, nấu nhiều nước với gia vị, dùng bột xương sống, xương ống chân, “ngon như xáo chó” như các dân nhậu thường đánh giá từ xa xưa. Khi làm nhân món tiết canh thì dùng tim, gan, thịt da đầu, lưỡi…

Tóm lại, các món được chế biến từ con chó được sử dụng hết những gì có ở con chó, chỉ trừ có … lông chó. Tục ngữ ta có câu: “Ăn chó ăn cả lông” là chỉ người tham lam, độc ác vô độ, ăn của người không từ cái gì cả. Mỗi bộ phận trong con chó được các tay nghề sử dụng chế biến những món khác nhau, phù hợp với khẩu vị dân nhậu và thật hấp dẫn với những người ưa thích món nhậu này: “Rượu tăm thịt chó nướng vàng/ Mời đi đánh chén, cách làng cũng đi”.

Dân nhậu thịt chó thường lưu truyền bài vè sau đây, đã làm giàu có thêm nền văn học dân gian: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè thịt chó/ Thằng nào chịu khó/ Bắc nước cạo lông/ Thằng nào ở không/ Rang mè rang đậu/ Đi mua đồ nhậu/ Thằng nào xấu xấu/ Xắt sả nạo dừa/ Đứa nào không ưa/ Thì đi chỗ khác/ Thằng nào muốn nhậu/ Thì đặt tiền mua/ Thằng nào muốn vô/ Thì ngồi chính giữa/ Thằng nào ói mửa/ Thì đạp xuống sông/ Đánh lộn la làng/ Cũng vì thịt chó”.
 

Dân nhậu thịt chó cũng còn lưu truyền câu chuyện lũ chó bị làm thịt cho dân nhậu, chết xuống âm ty, “hồn chó” kéo đến trước Diêm Vương kêu oan, kiện tụng:  

“Hồn lũ chó: Đốm, Phèn, Cò Mực, Ruốc, Vện, Vàng ấm ức thác oan/ Hiệp cùng nhau thác xuống suối vàng/ Vào Thập điện cáo người dương thế/”. Diêm Vương hỏi: “Ắt là có việc chi thậm tệ?”. Hồn lũ chó: “Xin Thánh hoàng xét lại cho minh/ Ở cùng chủ một lòng trung chánh/ Lại bị đòn bị đánh, còn hăm làm thịt, xào lăn/ Trên dương gian chẳng thiếu vật ăn/ Họ nói thịt “cờ tây” ngon lắm/ Xin Minh Chúa xét lời tâu bẩm/ Kẻo ức lòng lũ chó chúng tôi/ Người dân gian thiệt quá yêu ma/ Đành hạ sát chẳng lời thương tiếc”.

Tai Diêm Chúa nghe qua sự việc/ Cũng đồng lòng thương loại súc sinh: “Làng tổng nào mau tấu cho rành/ Hạt cùng quận mau mau tấu rõ/ Và chứng cớ của mi lúc đó/ Tên họ và chức tước rõ ràng/ Bất kể kẻ làm quan hay kẻ làm làng/ Theo đạo Phật hay là Thiên Chúa/ Đừng tư vị kẻ nào nhiều của/ Ai nấu xào, trấn nước, cạo lông/ Trẫm đây sẽ hội công đồng/ Đủ trăm cớ xử cho minh chánh”.  

Hồn lũ chó: “Bầy chó tôi xin chờ lệnh thánh/ Xét công bình xin đội ơn ông/ Có Hương tuần Thơm ở tại Phước Long/ Làng Vĩnh Lộc, hạt mà Rạch Giá/ Anh Hương hào Mốc ở gần Đám Lá/ Cũng một lòng như chú Hương tuần/ Lúc tôi còn nhỏ xíu thì cưng/ Đến khi lớn thì rủa: Dừa khô đập óc/ Thiệt chú ở ăn ác độc/ Mặt hiền lành tánh lại hung hăng / Trấn nước tôi cho chết nhăn răng/ Kéo bỏ đó: nước sôi xối cạo/ Hương hào Mốc thiệt đà quá thạo/ Cạo lông rồi, gác tréo đốt rơm/ Đốt cho vàng, hú hí “gần thơm”/ Kéo bỏ đó: mổ ruột gan tuốt hết/ Kẻ chê chó già, người chê chó ốm/ Người lại nói “thua con bữa hổm”/ Kẻ thì chê xương cứng da dày/ Sự việc này tôi đã tâu bày/ Xin Diêm Chúa xử cho minh bạch”...

Không biết Diêm Vương xử thế nào, mà nếu Diêm Vương bảo đem các món chế biến từ “nguyên cáo” xuống âm phủ cho Diêm Vương xem và thử nếm thì chắc Diêm Vương cũng không ngớt lời ca ngợi các “bị cáo”.

Thân phận con chó cũng thật đáng thương thể hiện qua bài vè: “Thương thay loài chó/ Đâu có sống đời/ Mới lớn nửa vời/ Bị người ăn thịt/ Rủ nhau xúm xít/ Cột cổ kéo đi/ Chẳng biết tội gì/ Kéo ra trấn nước/ Trấn cho lông ướt/ Nổi lửa lên thui/ Chó nghĩ ngậm ngùi/ Tội chi không biết/ Chó la hết được/ Đành chết tại ao/ Hồi dương lộn nhào/ Lấy cây đập óc/ Con người rất độc/ Chó chẳng yên thân/ Chủ chó hết cần/ Ban đêm để sủa/ Sợ người trộm của/ Gà vịt ở ngoài/ Chủ cho ăn khoai/ Chứ không tốn gạo/ Sống không quần áo/ Tối ngủ ngoài hè/ Ráng sức mà nghe/ Sợ người trộm cắp/ Chủ làm mệt nhọc/ Đêm ngủ không hay/ Lâu quá gặp may/ Cho cơm thiu nhớt/ Cơm đổ cơm rớt/ Bùn đất lấm lem/ Chó đói chó thèm/ Lượm ăn vớt tội/ Nghĩ thôi nhiều nỗi/ Thảm đạm vô cùng/ Đói quá thành khùng/ Kêu rằng chó dại/ Rủ người chận lại/ Đập óc chết liền/ Chó nghĩ thảm phiền/ Thương thay loài chó/ Gặp chủ giàu có/ Ăn cá bỏ xương/ Lũ chó thường thường/ Lượm xương ăn mót/ Mắc cổ chó khọt/ Xương cá băng ra/ Gặp chủ nghèo xơ/ Ăn ba muối trắng/ Gặp thời may mắn/ Vài bữa mắm nêm/ Gặp bữa trời êm/ Mua mớ cá liệt/ Về kho mặn thiệt/ Rục bấy hết xương/ Chúng chó thường thường/ Chạy ra liếm lá/ Chủ đá ngang sườn/ Chủ nhà hết phương/ Cho người ăn thịt/ Phận chó chết chẳng nguyên thây/ Kẻ bằm người chặt ướp rày vị hương/ Thường thường ớt sả trong vườn/ Muốn cho ngon nữa vị hương ướp vào/ Lớp nướng rồi lại lớp xào/ Lớp thưng lớp luộc, người nào cũng ưa!”.

Không có thịt chó, thèm thịt chó, dân nhậu làm “món giả cầy” cho đỡ … thèm. Món này nấu bằng chân giò heo, cũng gia vị, rau hành như món cầy chính hiệu: “Giò heo mà nấu giả cầy/ Mắm tôm riềng mẻ, món này khó quên”. Ở Nam Bộ, dân nhậu còn dùng thịt chuột để nấu món giả cầy nữa.

Thưởng thức món thịt chó, phải là mưa lạnh, dùng rượu, không dùng bia, như thế mới ”đúng điệu”. Nhà văn Vũ Bằng đã từng ca tụng “món ngon năm Tuất này” trong tác phẩm “Món ngon Hà Nội”: “ … hình như trời sinh ra món thịt chó này là để ăn riêng ở miền Bắc, chứ không phải ở bất cứ đâu đâu. Từ tháng Tám trở ra, trời miền Bắc nặng như mây mù, đìu hiu một ngọn gió hanh hao, lành lạnh, gợi nhiều niềm tưởng nhớ xa xưa. Lòng mình không buồn não ruột, nhưng sầu nhè nhẹ và mình ưa cái sầu đó, bởi vì nó không hại người mà lại nên thơ. Đó, chính ở trong tâm trạng đó mà thưởng thức một bữa thịt chó thì không còn gì hợp lý, hợp tình, hợp cảnh hơn. Và thực vậy, có ai một bữa chiều lất phất mưa xanh, trời căm căm rét, mà ngả một con cầy ra đánh chén với đôi ba bạn cố tri, mới có thể cảm thấy rằng không phải đời lúc nào cũng không đáng để cho người ta sống”.

Đúng là món thịt chó ăn vào mùa mưa lạnh mới ngon, như câu tục ngữ truyền lại: “Nắng gỏi, mưa cầy”, trời nắng thì ăn gỏi, trời mưa thì ăn thịt chó, “không còn gì hợp lý, hợp tình, hợp cảnh hơn” như Vũ Bằng đã nhận xét ở trên.

Trong truyện vui dân gian, cô giáo ra đề luận cho học sinh tiểu học bảo miêu tả con chó. Có học sinh cứ ngồi cắn bút, cô giáo gợi ý, con chó chia làm mấy phần và cứ thế mà miêu tả từng phần. Một em học sinh đứng lên thưa với cô “Chó chia làm mấy phần thì tùy thuộc vào số người nhậu nhiều hay ít, cô ạ!”.

Dù gì con chó đã đưa lên bàn nhậu, con chó đã chết rồi, thì, như dân gian ta đã nói “chó chết, hết chuyện”. Do đó bài về con chó trong năm Tuất này phải chấm dứt ở đây. “Mua vui cũng được một vài trống canh”, cũng mong như thế.

N.V.B

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com