PGS - TS Đoàn Lê Giang: NHÀ GIÁO, HỌC GIẢ, NHÀ THƠ NGUYỄN KHUÊ - 2. NHÀ THƠ NGUYỄN KHUÊ

Mục lục
PGS - TS Đoàn Lê Giang: NHÀ GIÁO, HỌC GIẢ, NHÀ THƠ NGUYỄN KHUÊ
1. HỌC GIẢ NGUYỄN KHUÊ
2. NHÀ THƠ NGUYỄN KHUÊ
Tất cả các trang

bia-sach-nguyen-khue1RRR



3. NHÀ THƠ NGUYỄN KHUÊ

Trăm năm hương xa bay
(Đọc ba thi tập của nhà thơ-nhà giáo Nguyễn Khuê)

Những ai đã từng tiếp xúc với giáo sư Nguyễn Khuê ngoài đời, những sinh viên từng học ông đều có cảm giác ông là người rất nghiêm túc, nghiêm khắc, thậm chí là khô khan. Nhưng ít ai biết ông lại có một hồn thơ vô cùng tinh tế và sâu sắc. Ở vào cái tuổi “tai mới nghe đã thấu hết lẽ đời”(1) ông bất ngờ cho ra mắt tập thơ đầu tiên: Hương trời xa bay (NXB. Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 1998). Bốn năm sau ông cho ra tiếp  tập thứ hai: Cõi trăm năm (NXB. Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2002), ba năm sau có tập thơ nữa: Trăm năm là cuộc lãng du (NXB. Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2005). Cả ba tập thơ tập nào cũng dày dặn: tập đầu 58 bài, tập thứ hai 56 bài, tập thứ ba 47 bài, tổng cộng 161 bài thơ. Có lẽ ba tập thơ này đã được làm trong thời gian dài, vì ông đã làm thơ và đăng thơ từ thời còn đi học, nhưng đọc cả ba tập người ta vẫn thấy có một giọng thơ chung, một hồn thơ nhất quán, dù kỹ thuật và suy tư có sự thay đổi theo thời gian.

Thơ ông hé mở đời sống tâm hồn ông, thầm thì một tiếng nói khác mà ông ít có dịp bày tỏ ở ngoài đời hay trong các công trình nghiên cứu - đúng như nhà phê bình Huỳnh Như Phương đã nhận xét: “Thơ (ông) hiện ra như tiếng nói bổ sung cho những gì người thầy giáo chưa bày tỏ hết trên bục giảng cũng như nhà nghiên cứu chưa thể hiện hết trong trang sách” (2).

Quê hương xứ Huế là một ám ảnh không nguôi trong thơ ông. Huế là một chủ đề lớn trong thơ mà biết bao thi sĩ cổ kim đã từng viết, nhưng Huế trong thơ ông cũng có nét riêng. Đó là Huế của tuổi hoa niên với trường Quốc học, với những tà áo dài trắng thướt tha làm ngơ ngẩn đôi mắt học trò, Huế với sông Hương, làng cổ, chùa chiền, lăng tẩm… – Huế của quá vãng, cổ kính và hư ảo là cách cảm nhận riêng của Nguyễn Khuê.

Đứng đây mà nhớ mông lung,  
Tràng Tiền, Bạch Hổ xuôi dòng Hương Giang
Còn đâu nữa chuyến đò ngang
Nữ sinh Đồng Khánh tan trường qua sông
Thuyền ai chầm chậm xuôi dòng
Nào câu mái đẩy “ai trông ai chờ”?
Văn Lâu, Thương Bạc ngẩn ngơ
Phế hưng mấy độ hững hờ đứng trông.
(Bên bờ sông Hương)

Quê hương cũng thường gắn với hình ảnh người mẹ. Ông có ba bài thơ viết về mẹ, bài nào đọc cũng cảm động: người mẹ phút lâm chung, người mẹ qua nỗi nhớ từ bông hồng cài áo, từ điệu ru Huế. Tôi thích nhất bài thứ ba, bài thơ lục bát rất có hồn, vì dường như người mẹ Việt gắn liền với hồn của thể thơ ấy. Điệu ru Huế gợi lên nỗi nhớ mẹ, nhớ hình ảnh người mẹ tảo tần ngày nào…

Mẹ giờ
bóng xế trăng lu
Như ve mùa hạ
sang thu héo mòn
Cội già
Năm tháng chon von
Chảy xuôi nước mắt
thương con một đời.
(Nghe điệu ru Huế nhớ mẹ)

Người mẹ - xác ve, vừa gầy gò vừa ngắn ngủi vô thường. Chảy xuôi nước mắt - câu thành ngữ như lời bi ca thân phận, lại như lời tự trách. Tôi rất thích từ “chon von”, rất dân gian mà tôi mới nghe được lần đầu tiên từ ông – trong thơ.

Thơ cũng hé mở cho người ta chuyện tình cảm động của ông. Bình thường ông chẳng bao giờ nói đến chuyện ấy, cũng chẳng ai dám hỏi, mà hỏi chẳng để làm gì. Nhưng trên đời lại có thơ, thơ trào ra từ những tình cảm không thể giấu kín, thơ chia sẻ nỗi nhớ thương và xót xa, niềm vui và khổ đau từ người này sang người kia, từ đời này sang người khác. Nhan đề hàng loạt bài thơ của ông: Một cuộc tình, Giọt ngọc, Tiễn đưa, Chờ nhau, Bâng khuâng chiều, Mây nước, Nhớ thuở ban đầu, Còn chi nữa… gợi cho người ta tình yêu sâu sắc: có thể là một cuộc tình trăm năm mà người hiểu hoàn cảnh của ông đều biết - có đến gần 20 năm trời ông đã thủy chung với hiền thê tồn tại trong đời sống thực vật; có thể là một tình yêu lỡ hẹn trong đời, tình yêu một thời trai trẻ - của ông và cũng có thể của một người nào đó…

Chừng như
thề hẹn kiếp nào
Giữa mù sương
động Bích Đào gặp nhau
Đắm say
quên chuyện biển dâu
Yêu nhau
như mới lần đầu biết yêu
Tưởng rằng yêu đến xế chiều
Vô thường
thêm một lần yêu vô thường
Giờ đây
mỗi kẻ một đường
Cuộc tình nhìn lại
muôn vàn xót xa
Tỉnh mơ
ta chợt thấy ta
Tàn cuộc tình
Chợt nhận ra người đã yêu.

(Một cuộc tình)

Thơ ông còn là nơi bộc lộ những suy nghĩ của ông về sách vở, về Phật pháp, về lịch sử, về cuộc sống... Ông có nhiều thơ theo dạng vịnh sử, vịnh cổ tích với nhiều ý tưởng độc đáo. Tuy nhiên nhiều nhất trong thơ ông là những bài thơ suy tư, triết lý về cuộc đời mình. Ông nói về hoa: hồng mai, bạch mai, hoa sen, hoa súng; ông nói về trời đất: giọt sương, sóng biển, dòng nước, sao trời; ông nói về mùa: xuân hạ thu đông; ông nói về đồ vật: điếu thuốc, quyển lịch, canh bạc, bàn tay trắng đen… cũng đều là những suy tư, triết lý về đời, về thân phận. Ông có bài viết về nghề giáo rất hay, hai câu thơ sau về nghề có lẽ là hai câu thơ thất ngôn hay nhất, cay đắng nhất về nghề giáo – nghề thầy giáo dạy văn ở nước mình:

Bao năm cầm phấn nên tay trắng,
Một kiếp nhai văn hóa dạ thanh.
(Về hưu tự vịnh)

Nhưng cái gian truân, bạc bẽo của nghề chưa bao giờ làm ông ngã gục. Học trò ông ra trường bao lâu rồi cũng vẫn giữ mãi hình ảnh của ông: áo quần phẳng phiu, mái tóc chải kỹ thẳng thắn đến từng chân tóc, ông giảng bài từ tốn, rõ ràng, khúc chiết. Ông là bậc thầy tôn nghiêm hiếm thấy trong cuộc đời này. Dẫu biết rằng nghề bạc bẽo, nhưng ít ai yêu nghề hơn ông. Hơn một lần tôi đã nghe ông nói: Nếu có kiếp sau tôi cũng vẫn chọn nghề này!

Đạo đức của một người thầy mà ông tâm niệm, tư cách của một nhà nho mà ông thấm nhuần, sự thấu hiếu về lẽ hư vô của công danh, đời sống mà ông đã nghiền ngẫm và trải nghiệm, giúp cho ông viết ra được một chùm thơ thật hay, thật độc đáo về cuộc đời của một nhà giáo mà ông đã cống hiến hết cả đời mình: chùm 5 bài thơ Người đưa đò. Thầy cô giáo là người đưa đò, ý tưởng ấy không có gì mới, nhưng người đưa đò miệt mài nửa thế kỷ rồi trở về với chiếc thuyền không lại là một tứ thơ mới về nhà giáo, mới từ sự kết hợp giữa hình ảnh người thầy và hình ảnh chiếc thuyền không của người tu thiền ngộ đạo.

Nửa thế kỷ qua một chiếc đò
Việc đời sớm mặc kẻ đôi co
Bến sông đưa khách lòng thanh thản
Gác mái lâng lâng chẳng chút lo.

(Người đưa đò, bài 1)

(…)

Rồi một chiều từ giã bến sông
Bên bờ để lại chiếc thuyền không
Hoàng hôn tím ngát bên sông lạnh
Mây trắng trời cao thanh thản trông.

(Người đưa đò, bài 4)

Vầng trăng núi Lăng Già, chiếc thuyền Bát Nhã là những hình tượng thường thấy trong thơ Thiền. Chiếc thuyền Bát Nhã trí huệ đưa người ta “đáo bỉ ngạn”, chiếc thuyền rỗng không như tâm người ngộ đạo. Người thầy trong thơ Nguyễn Khuê đưa học trò sang bên bờ tri thức và trí tuệ, đưa họ xong mà mong họ quên đi, xả bỏ con đò. Người thầy ấy đã đưa đò với một cái tâm rỗng của một thiền tăng đạt ngộ, một cái tâm bát ngát, thảnh thơi! Tôi đọc thơ viết về nhà giáo đã nhiều mà chưa thấy ai viết về người thầy lạ và cao như vậy!

Thơ của ông bao giờ cũng rất chỉnh về thể. Ông gần như không làm thơ văn xuôi, mà chỉ làm thơ theo các thể truyền thống: thơ lục bát, hát nói, thơ thất ngôn bát cú Đường luật, thơ tứ tuyệt, thơ tứ ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn trường thiên, thơ tự do có vần điệu như thể thơ mới… Thể nào ông làm cũng rất chỉnh, dường như ông không có chút khó khăn nào khi thể hiện điệu tâm hồn mình qua các thể thơ ấy. Trong các thể ấy, tôi nghĩ ông thành công nhất là thơ tứ tuyệt và thơ lục bát. Thơ hát nói, thơ thất ngôn bát cú Đường luật của ông có vẻ cổ kính, trang nghiêm, đọc lên ta phải kính nể tác giả, vì ngày nay ít ai làm được các thể ấy đúng luật mà vẫn giữ được vẻ tự nhiên như thế. Thơ tứ ngôn, ngũ ngôn trường thiên của ông có vẻ trong sáng, nhẹ nhàng. Thơ thất ngôn gần với ca hành, thơ bát ngôn hay tự do thì lại có âm điệu xưa xưa của Thơ mới. Thơ ông giàu chất suy tư, triết lý nên thể tứ tuyệt tỏ ra rất phù hợp. Xin đọc thử đôi bài:

Thà như là giọt sương
Nằm trên đầu ngọn trúc
Long lanh như hạt ngọc
Trong thoáng nắng vô thường.

(Giọt sương ngọn trúc)

Một chiếc đò ngang mấy chục năm
Đôi bờ đưa khách vẫn âm thầm
Giờ đây ván nát đò tơi tả
Sào cắm sông trăng lặng lẽ nằm.

(Người đưa đò, bài 3)

Tuy nhiên theo tôi, thành công nhất trong các thể thơ của ông lại là lục bát. Thơ lục bát làm giảm đi cái trang nghiêm mà tăng chất trữ tình, giảm đi chất cổ điển mà tăng thêm chất đời trong thơ ông.

Bên hoa
Tìm chút hương trời
Bên em
nếm chút vị đời ngọt chua
Bâng khuâng
chừng gió sang mùa
Trong hơi thu
thoảng tiếng xưa vọng về
Xa xôi
còn thắm tình quê
Mênh mông chiều
nhớ sơn khê một người.

(Bâng khuâng chiều)

Thơ lục bát của ông tất cả đều được viết xuống hàng giữa câu chứ không viết theo kiểu trên sáu dưới tám, tất nhiên ông cũng không phải là người làm đầu tiên. Tôi nghĩ có thể gọi nó là “Thơ lục bát ngắt dòng”. Nhờ ngắt dòng mà tác giả có thể ngắt nhịp như mình mong muốn, đồng thời lại tránh được cái nguy cơ đều đều của thể thơ này.  Lục bát kết hợp với tứ tuyệt thành thể tứ tuyệt lục bát, lại có được thành công của cả hai thể này, như trường hợp bài Chùa núi - một bài thơ nhẹ nhàng mà sâu sắc:

Chùa xưa ẩn khuất lưng đèo
Phồn hoa dứt nẻo,
đèo heo gió ngàn.
Cửa Thiền sạch bụi trần gian,
Trong hư vô
nhớ ba ngàn cõi xa.

Thầy giáo viết văn làm thơ xưa nay có nhiều, nhiều vị rất thành công. Thơ của giáo sư  Nguyễn Khuê có sự gặp gỡ giữa nhà giáo - nhà thơ và học giả. Ông là thầy giáo và sống làm người thầy mẫu mực; ông là học giả, một học giả tinh thông cổ học: nghiên cứu Nho và sống Nho, nghiên cứu Thiền và sống Thiền. Với ông, nghĩ và nói, nói và làm là một. Thơ của ông cũng vậy, thơ ông chính là con người ông – “Văn như kỳ nhân”: “Ôn Nhu Đôn Hậu” (3). Thơ ông có cái tinh tế và u buồn của ca dao xứ Huế, cái nghiêm trang và ưu tư của một người thầy, cái thanh cao và mực thước của một nhà nho, cái tiêu sái và thích thảng của một người mộ Phật.

Cõi người trăm năm, trăm năm cũng chỉ là một cuộc lãng du. Trong cuộc rong chơi ấy thơ chỉ là một chút dư hương – dư hương của tâm hồn người, cũng là dư hương của trời đất. Người thơ gửi hương tâm hồn mình đến mọi người, và từ người này sang người khác, lan tỏa đất trời, để cho gió cuốn đi( ).

(Tháng 10 năm 2016)
Đ.L.G
(PGS.TS, Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM)


Chú thích:

(1)  Khổng Tử: “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận” (Luận ngữ - Vi chính).

(2)  Huỳnh Như Phương, “Lời bạt” tập Hương trời xa bay (NXB. Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 1998).

(3) Hai trích dẫn này thì một của Lưu Hiệp (Văn như người ấy), một của Khổng Tử (Ôn tồn, mềm mại, đôn hậu).

(4) Chữ dùng từ nhan đề ba tập thơ của tác giả Nguyễn Khuê: Hương trời xa bay, Cõi trăm năm, Trăm năm là cuộc lãng du. Đồng thời dùng ý bài hát của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng / Để làm gì em biết không ?/ Để gió cuốn đi”.

(nguồn: Trích từ tập sách Nguyễn Khuê - Tuyển tập nghiên cứu và sáng tác - NXB Đại học Quốc gia TP.HCM -2016)

Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com