PGS - TS Đoàn Lê Giang: NHÀ GIÁO, HỌC GIẢ, NHÀ THƠ NGUYỄN KHUÊ - 1. HỌC GIẢ NGUYỄN KHUÊ

Mục lục
PGS - TS Đoàn Lê Giang: NHÀ GIÁO, HỌC GIẢ, NHÀ THƠ NGUYỄN KHUÊ
1. HỌC GIẢ NGUYỄN KHUÊ
2. NHÀ THƠ NGUYỄN KHUÊ
Tất cả các trang

Những sách đã xuất bản:

Biên dịch: Nguyễn Trãi toàn tập tân biên (biên dịch chung), trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nxb. Văn học, Hà Nội, tập 1: 1999, tập 2 và 3: 2000; Giảng giải văn phạm Hán văn, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2003; Sơ lược tiểu sử và ảnh tượng chư Tổ Thiên Thai tông (biên dịch chung), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2005; Phật học Trung đẳng, tập 1 (Lịch sử Phật giáo Ấn Độ): Nxb. Phương Đông, 2007; tập 2 (Lịch sử Phật giáo Trung Quốc): Nxb. Phương Đông, 2008; Tùy Dượng Đế diễm sử, Tề Đông Dã Nhân sáng tác, Nguyễn Khuê dịch, NXB. Phương Đông, TP.HCM, 2010.

Biên khảo: Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, 1970; Tự học Hán văn, Nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1973; Chân dung Hồ Biểu Chánh, Nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974; Sài Gòn-Gia Định qua thơ văn xưa (soạn chung), Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1987; Những vấn đề cơ bản của chữ Nôm, trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 1987; Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1991; Ba mươi năm cầm bút, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004; Văn học Hán Nôm ở Gia Định – Sài Gòn của Nguyễn Khuê và Cao Tự Thanh biên soạn, NXB. Văn hóa Văn nghệ, TP.HCM, 2011; Khổng Tử - chân dung, học thuyết và môn sinh, Nguyễn Khuê biên soạn, NXB. Phương Đông, 2012; Luận lý học Phật giáo, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2013…

Sáng tác: Hương trời xa bay (thơ), Nxb. Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 1998; Cõi trăm năm (thơ), Nxb. Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2002; Trăm năm là cuộc lãng du (thơ), Nxb. Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2005.

Một đời dạy học - “dạy người không mỏi”, ông dễ có đến hàng nghìn học trò. Có người thành danh trong học thuật, kinh doanh, nghệ thuật, chính trị; có rất nhiều người là tu sĩ Phật giáo rồi trở thành những tăng ni đức độ hoặc học giả Phật giáo uyên thâm; có nhiều người sống cuộc sống bình thường, thầm lặng, làm người chồng người vợ tốt, người làm cha mẹ đức hạnh…Mọi người đều kính trọng ông, nhớ ơn ông, coi ông như một người thầy mẫu mực. Những người học trò tiếp tục đi theo con đường nghiên cứu Hán Nôm, văn học cổ điển Việt Nam, Trung Quốc có thể kể ra đây theo trí nhớ của tôi: TS. Nguyễn Ngọc Quận, PGS.TS Đoàn Lê Giang, TS. Đoàn Ánh Loan, TS. Nguyễn Nam, TS. Trần Anh Tuấn, ThS. Nguyễn Văn Hoài, PGS. TS Nguyễn Đình Phức, ThS. Nguyễn Đông Triều, TS. Lê Quang Trường, ThS.Vũ Xuân Bạch Dương, TS.Vũ Thị Thanh Trâm, ThS. Phan Nguyễn Kiến Nam…ở Trường Đại học KHXH và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM; TS. Nguyễn Tiến Lập, TS. Phan Thu Vân, ThS. Huỳnh Văn Minh,… ở Trường ĐH Sư phạm HCM; ThS. Bùi Thị Thuý Minh và ThS. Đặng Thị Hoa…ở Trường Đại học Cần Thơ; ThS. Nguyễn Thanh Hoài ở Trường Đại học Đà Lạt…

bia-sach-nguyen-khue1RRR

 

2. HỌC GIẢ NGUYỄN KHUÊ

Sự nghiệp dịch thuật và nghiên cứu của ông thật đồ sộ.

Về dịch thuật, ông dịch thuật chủ yếu là từ Hán văn. Có 4 lĩnh vực ông quan tâm dịch thuật:

Một là ngữ pháp Hán văn, đó là công trình Giảng giải văn phạm Hán văn, Hứa Thế Anh biên soạn, Nguyễn Khuê dịch, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2003. Công trình này ông dịch đã lâu, vốn là tài liệu dùng để giảng dạy, nhưng rất có ích cho những người học chữ Hán, nên đã được xuất bản.

Lĩnh vực thứ hai là văn học học cổ điển Việt Nam, tiêu biểu là bộ Nguyễn Trãi toàn tập tân biên (biên dịch chung), trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nxb. Văn học, Hà Nội, tập 1: 1999, tập 2 và 3: 2000. Đây là công trình công phu, dày dặn nhất, và dễ tra cứu nhất về thơ văn Nguyễn Trãi, vì có nguyên tác Hán Nôm kèm theo.

Lĩnh vực thứ ba là Phật học. Ông có 2 công trình về lĩnh vực này là: Sơ lược tiểu sử và ảnh tượng chư Tổ Thiên Thai tông (biên dịch chung), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2005; Phật học Trung đẳng,  Thiện Nhân biên soạn, tập 1 (Lịch sử Phật giáo Ấn Độ): Nxb. Phương Đông, 2007; tập 2 (Lịch sử Phật giáo Trung Quốc): Nxb. Phương Đông, 2008.

Lĩnh vực thứ tư là tiểu thuyết. Đây là lĩnh vực thể hiện rõ nhất ngòi bút dịch thuật tài hoa  của ông. Cho đến nay ông mới dịch có một bộ, đó là Tùy Dượng Đế diễm sử (Tề Đông Dã Nhân sáng tác, NXB. Phương Đông, TP.HCM, 2010), nhưng để lại ấn tượng sâu sắc. Xin đi sâu một chút vào tập tiểu thuyết này.

Tùy Dượng Đế diễm sử (cũng có thể đọc là Tùy Dạng Đế) của Tề Đông Dã Nhân là một bộ tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng của Trung Quốc thời Minh Thanh cùng với những Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Hồng lâu mộng, Tùy Đường diễn nghĩa…Trong khi ở Việt Nam những bộ tiểu thuyết kể trên cùng với hàng trăm bộ tiểu thuyết khác đã được dịch ra tiếng Việt qua ngòi bút dịch thuật của Nguyễn Chánh Sắt, Lương Khắc Ninh, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương, Phan Kế Bính, Bùi Kỷ… thì không hiểu vì lý do gì mà Tùy Dượng Đế diễm sử lại chưa hề được dịch. Tùy Dượng Đế diễm sử là tiểu thuyết lịch sử kể về cuộc đời của một ông vua “phong lưu thiên cổ”: Tùy Dượng Đế - hoàng đế thứ hai của nhà Tùy (581-618), con trai của Tùy Văn Đế (người có công chấm dứt thời Nam Bắc triều, thống nhất Trung Hoa).

Dưới vẻ ngoài là người cần kiệm, ham sách vở, biết hiếu kính, Dượng Đế đã che giấu được con người thực của mình - một kẻ bất nhân, bất hiếu, hám quyền và háo sắc. Y giết cha, giết anh để giành ngôi báu, tư thông với cung phi của vua cha khi cha mình còn đang nằm trên giường bệnh. Khi đã lên đến đỉnh cao của quyền lực, Tùy Dượng Đế ra tay sát hại công thần, dùng bọn gian nịnh, vắt kiệt sức dân để phục vụ cho cuộc sống xa hoa, phung phí của kho mà đắm chìm trong tửu sắc…Kết cục cuộc đời Tùy Dượng Đế là một sự “quả báo nhãn tiền”: y bị giết bởi chính bề tôi của mình.

Câu chuyện về Tùy Dượng Đế là tấm gương chung cho những ai đang nắm quyền lực hiểu rằng: “Phồn hoa không phải là cảnh thụ hưởng được mãi, quốc gia chẳng phải là chốn hành lạc” (tr.35). Trước nay người đọc đã khá quen thuộc với “chính sử”, “dã sử”, “ngoại sử”…nhưng dường như chưa quen với “diễm sử”. Diễm sử như cách giải thích của chính tác giả là câu chuyện “kỳ diễm”: “Dượng Đế là ông vua phong lưu thiên cổ, nhất cử nhất động của ông, không việc gì mà không vui tai vui mắt, được người ta cho là kỳ diễm, nên gọi sách này là diễm sử” (Phàm lệ, tr.20). Mặc dù nói vậy, diễm sử thực chất là tiểu thuyết lịch sử có tính chất “diễm tình”, “sắc tình”.

Cuốn tiểu thuyết này từng bị xếp vào loại “cấm hủy tiểu thuyết” cùng với những Kim Bình Mai, Tiễn Đăng tân thoại, Thủy hử, Hồng lâu mộng…, nhưng nó vẫn sống, vẫn được yêu thích, lưu truyền và ảnh hưởng rất lớn đến văn học đời sau. Trịnh Chấn Đạt nhà phê bình đời Thanh từng chỉ ra: “Hơn nửa đầu bộ Tùy Đường diễn nghĩa chịu ảnh hưởng kết cấu và cách miêu tả của Tùy Dượng Đế diễm sử và Hồng lâu mộng. Cũng nhờ có sự khai mở, định hình của Diễm sử mà có được bộ đại trước tác này”. Bộ sách được dịch một cách trau chuốt, đọc hấp dẫn từ đầu đến cuối. Hàng trăm bài thơ từ bài từ được dịch một cách công phu và trang nhã. Bộ sách thực sự là một món quà tinh thần bổ ích, lý thú cho người đọc. Riêng đối với dịch giả, bộ sách này còn gắn với một tâm sự riêng với GS. Bửu Cầm – vị “ân sư” của ông: gần 40 năm trước ông được GS. Bửu Cầm tặng cho bộ sách này, ông thầm hứa là sẽ dịch, nhưng rồi bận rộn công việc, cho đến khi GS. Bửu Cầm già yếu rồi ông mới dịch xong, và đến nay GS. Bửu Cầm đã từ trần rồi bộ sách mới ra mắt công chúng. Một cuốn sách mà đi gần hết một cuộc đời!

Về nghiên cứu, có 4 lĩnh vực nghiên cứu mà ông quan tâm và có đóng góp:

Thứ nhất là chữ Hán, chữ Nôm, đó là các sách: Tự học Hán văn, Nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1973; Những vấn đề cơ bản của chữ Nôm, trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 1987. Đây là sách dành cho người học chữ Hán và chữ Nôm. Sách được trình bày mạch lạc, dễ hiểu, nhiều người học qua sách này đã nắm được những kiến thức cơ bản về chữ Hán và chữ Nôm để dùng vào công việc của mình cũng như học lên cao hơn.

Lĩnh vực thứ hai là văn học cổ điển Việt Nam. Đó là các công trình: Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, 1970; Sài Gòn-Gia Định qua thơ văn xưa (soạn chung), Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1987; Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1991; Ba mươi năm cầm bút, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004; Văn học Hán Nôm ở Gia Định – Sài Gòn của Nguyễn Khuê và Cao Tự Thanh biên soạn, NXB. Văn hóa Văn nghệ, TP.HCM, 2011.

Những công trình được học giới đánh giá rất cao về tính công phu, mới mẻ và mang đậm phong cách học thuật của ông nhất là hai công trình về Tương An quận vương và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Xin đi sâu một chút về hai công trình này.

Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông được  Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản năm 1970. Công trình này có lẽ là luận văn thạc sĩ của ông bảo vệ ở Đại học Văn khoa Sài Gòn một năm trước. Công trình giới thiệu một trong ba  gương mặt thi ca hoàng tộc Huế: Tương An quận vương Miên Bửu, hoàng tử con trai vua Minh Mạng mà 2 người kia là: Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý Vương Miên Trinh. Công trình đã nghiên cứu một cách toàn diện về thời đại, cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, tư tưởng, tình cảm, vị trí của Tương An trong văn học sử. Tất cả đều rõ ràng, khúc chiết, mạch lạc, thấu đáo. Cho đến nay đây vẫn là công trình nghiên cứu về Tương An quận vương đầy đủ nhất, rõ ràng nhất. Mặc dù tính chất giáo khoa, trường quy còn khá rõ nơi công trình này, nhưng nó vẫn cho thấy chất tài hoa trong việc dịch thơ của tác giả. Ông dịch thơ khá hoạt, tự nhiên mà chính xác. Đọc thử một bài ngẫu nhiên dở ra:

Nhàn ngâm
Phù trần đã chán cảnh lâu đài,
Hồn mộng đem nương chốn cửa sài.
Bên đá chim bay, hồng quyện gió,
Dưới hiên mai ngắm, bướm theo người.
Vài hàng trước gió, hoa cười đón,
Mấy gợn làn ao, nguyệt nhíu mày.
Mỗi bận đến chùa lòng chỉ niệm,
Cầu cho thánh thọ được ngàn đời.
(sđd, tr.141)

Thơ thất ngôn bát cú Đường luật mà dịch chỉnh về thể mà tự nhiên về ngôn ngữ như vậy quả không dễ. Công trình này đã được NXB. Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh tái bản năm 2005.

Công trình Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập (Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1991) là một công trình mà ông dành nhiều tâm huyết và có đóng góp quan trọng về học thuật.

Mặc dù Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhân vật lịch sử, nhà tư tưởng, nhà thơ lớn, nhưng từ trước đến thập niên 1990 mới chỉ có vài cuốn lịch sử văn học và công trình chuyên biệt về ông như: Tuyết Giang phu tử của Chu Thiên (Đại la XB, Hà Nội, 1945), Nguyễn Bỉnh Khiêm nhà thơ triết lý của Lê Trọng Khanh, Lê Anh Trà (NXB. Văn hóa, Hà Nội, 1967), Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm của Đinh Gia Khánh, Hồ Như Sơn, Bùi Duy Tân (NXB. Văn học, Hà Nội,  1983)… Trong khi đó Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có hàng ngàn bài thơ chữ Hán trong Bạch Vân Am thi tập bên cạnh gần hai trăm bài thơ chữ Nôm. Công trình Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập của nhà nghiên cứu Nguyễn Khuê đã đi vào nghiên cứu sâu về Nguyễn Bình Khiêm và phiên dịch 100 bài thơ chữ Hán mới của ông. Công trình đã giới thiệu một cách đầy đủ về hoàn cảnh lịch sừ thời Nguyễn Bỉnh Khiêm và thân thế, sự nghiệp, các văn bản tác phẩm của ông. Tiếp theo là giới thiệu Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập về các phương diện: tình cảm, tư tưởng, giá trị nội dung và nghệ thuật. Cuối cùng là vị trí và ảnh hưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các chương mục đều được triển khai mạch lạc, chi tiết. Tôi đặc biệt thích thú chương nói về tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm, vì tác giả công trình đã lý giải một cách rõ ràng, thuyết phục những điểm đặc sắc và tầm vóc của một nhà tư tưởng lớn nhất nước ta vào thế kỷ XVI.

Lĩnh vực thứ ba là văn học quốc ngữ Nam Bộ, đó là cuốn Chân dung Hồ Biểu Chánh, Nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974. Đây là công trình duy nhất về văn học Quốc ngữ Nam Kỳ mà ông theo đuổi. Dẫu văn học Quốc ngữ là nghề tay trái của ông, nhưng nhờ ông vẫn giữ được phong cách nghiêm cần, trọng tư liệu của một nhà nghiên cứu Hán Nôm nên công trình được độc giả và giới nghiên cứu đón nhận một cách nồng nhiệt. Gần như ai nghiên cứu về văn học Quốc ngữ Nam Bộ trước kia hay hiện nay cũng đều phải tham khảo tập sách này. Năm 1998 công trình này đã được NXB. Thành phố Hồ Chí Minh tái bản, điều ấy cho thấy nhu cầu của độc giả về quyển sách này khá lớn.
Lĩnh vực thứ tư là Nho giáo mà công trình tiêu biểu nhất là Khổng Tử - chân dung, học thuyết và môn sinh (NXB. Phương Đông, 2012). Xin giới thiệu sâu một chút về công trình này.

Trước nay đã có một số công trình dịch và viết về Khổng Tử: hoặc người ta đi vào một số khía cạnh tư tưởng của Khổng Tử, hoặc kể chuyện về cuộc đời Khổng Tử, trong đó có khá nhiều cuốn thêu dệt, tiểu thuyết hóa nhân vật Khổng Tử làm cho nhân vật ấy khác rất xa so với sự thực. Công trình Khổng Tử - chân dung, học thuyết và môn sinh của nhà nghiên cứu Nguyễn Khuê ra đời nhằm khắc phục những khiếm khuyết ấy. Như đã nói rõ ở nhan đề, nội dung công trình chia ra thành 3 phần:

Phần 1: Chân dung Khổng Tử. Trong phần này, công trình giới thiệu Thời Xuân Thu và hoàn cảnh chính trị của nước Lỗ, Truyện Khổng Tử, Nhân cách của Khổng Tử, Nhà giáo dục Khổng Tử.

Phần 2: Học thuyết Khổng Tử. Phần này nghiên cứu kỹ về các khái niệm Nhân, Trung thứ, Hiếu, Lễ, Quân tử, Đức trị, Chính danh, Quỷ thần, Trời, Mệnh trời, Đạo.

Phần 3: Môn sinh của Khổng Tử. Trong phần này có giới thiệu lược truyện các môn sinh của Khổng Tử.

Công trình dựa trên những tư liệu mới nhất nghiên cứu Khổng Tử của các học giả Trung Quốc, Đài Loan, Anh, Mỹ. Đọc công trình chúng ta có thể thấy vô số những thông tin và luận điểm mới: Khổng Tử không hề san định Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, ông cũng không hề soạn Kinh Dịch, kể cả phần “Hệ từ”. Gần như tất cả các chi tiết, các khái niệm liên quan đến Khổng Tử đều được khảo sát, minh định lại. Công trình có độ tin cậy rất cao, có thể nói công trình này thực sự đã cắm một dấu mốc trên con đường nghiên cứu về Khổng Tử cũng như học thuyết của ông.

Nghiên cứu Hán Nôm là lĩnh vực ông dồn nhiều công sức và có nhiều đóng góp quan trọng. Phong cách nghiên cứu của ông là nghiêm cẩn, khoa học và trọng tư liệu. Các vấn đề mà ông trình bày bao giờ cũng tường tận, ngọn ngành, rõ ràng, khúc chiết. Những nghiên cứu và biên dịch của ông về Khổng Tử, Phật giáo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tương An Quận Vương, Hồ Biểu Chánh… là những đóng góp quan trọng của ông với học thuật nước nhà, sẽ tồn tại mãi với thời gian.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com