Sự thật về tác giả của Bóng giai nhân - Sự thật về tác giả của Bóng giai nhân

Mục lục
Sự thật về tác giả của Bóng giai nhân
Sự thật về tác giả của Bóng giai nhân
Câu chuyện khác về “Bóng giai nhân”
Yến Lan: Chiều chiều mây kéo về kinh
Thư Yến Lan gửi Anh Khổng Đức Đinh Tấn Dung
Tất cả các trang

 

Sự thật về tác giả của Bóng giai nhân

Trong Kỷ yếu Nhà văn VN hiện đại do Hội Nhà văn VN xuất bản năm 2007, phần danh mục tác phẩm đã xuất bản của cả Nguyễn Bính lẫn Yến Lan đều ghi kịch thơ Bóng giai nhân - 1940 do hai ông cùng sáng tác. Trên một số sách, báo xuất bản lâu nay có nơi còn ghi Nguyễn Bính viết theo ý tưởng của Yến Lan. Dẫu biết rằng thêm hay bớt một tác phẩm trong sự nghiệp đồ sộ của hai ông vẫn không tôn vinh thêm hay hạ thấp giá trị của bất kỳ ai. Nhưng văn học sử cần ghi nhận rõ ràng, khách quan dù cả Nguyễn Bính hay Yến Lan cũng không muốn “tranh công” về tác phẩm này.

* Hoàn cảnh Bóng giai nhân xuất hiện

Hồi ký Chiều chiều mây kéo về kinh dài khoảng 6.000 từ, nhà thơ Yến Lan kể ông đến Huế từ bức thư của một người bạn gái quen ở Hà Tiên do vợ chồng nhà thơ Đông Hồ, Mộng Tuyết giới thiệu. Trong bức thư kèm một giấy chuyển tiền đủ cho chi xài cá nhân nhiều tháng. Người bạn gái ấy muốn Yến Lan đi đâu đó để thoát cảnh bà mẹ ghẻ khó tính nhằm tìm hứng khởi sáng tác. Cùng lúc này, ông cũng nhận được thư của nhà văn Vũ Trọng Can vừa thôi việc ở Tiểu thuyết thứ Năm từ Hà Nội vào Huế rủ ra chơi. Thư Vũ Trọng Can viết: “Báo chết rồi, bọn Can đang chuyển sang hoạt động sân khấu. Đang thành lập một ban kịch với chương trình đi biểu diễn từ Bắc vào Nam. Hiện cập bến sông Hương…”.

Yến Lan theo thư Vũ Trọng Can ra Huế, nhưng hỡi ôi, chẳng có ban kịch nào cả mà chỉ có Nguyễn Bính, Vũ Trọng Can và một cậu trai theo điếu đóm. Trong lúc này, nhóm Can, Bính đang thiếu tiền ăn, ở chủ nhà trọ gần Đập Đá (bên kia cầu Tràng Tiền) đến hơn một tháng. Biết Yến Lan có tiền, Vũ Trọng Can liền nhờ ông trả giúp tiền cơm và nhà trọ. Vét hết túi trả tiền cho bạn, Yến Lan liền thúc giục mọi người làm gì đó để kiếm sống. Và để “đã đến Huế rồi phải tạo điều kiện ở cùng Huế cho đỡ cơn khát Huế, dù chỉ là những ngụm nước vóc lên từ sông Hương”. Cả nhóm bàn nhau làm kịch, Vũ Trọng Can có ý định làm kịch nhờ vào một thế lực nào đó để bảo đảm phần dàn dựng, bán vé, quảng cáo. Vũ Trọng Can đã làm quen với ông Hà Xuân Tế - thư ký riêng của Nam Phương Hoàng Hậu - ông Tế chấp nhận đứng ra bảo trợ việc làm kịch. Vấn đề còn lại là kịch bản, cả nhóm bàn nhau và quyết định làm kịch thơ, thể loại mới lúc này, có “tráng sĩ” có “mỹ nhân”. Nhà thơ Yến Lan viết: “Không có sự phân công, không có cuộc tranh phần; mặc nhiên tôi là người chắp bút. Không cần tra cứu, đối chiếu gì, nó như được sắp xếp lớp lang sẵn ở một bản nháp, giờ chỉ chép lại, nên vở kịch hoàn thành vào buổi sáng hôm sau”.

Vậy tại sao có tên Nguyễn Bính trong vở kịch thơ này? Trong một bức thư viết tay ngày 13/3/1988 gởi cho nhà nghiên cứu Khổng Đức - Đinh Tấn Dung, Yến Lan viết: “Từ trước đến nay Bóng giai nhânphải mang tên hai tác giả là do lúc ở Huế, tôi và Nguyễn Bính, Vũ Trọng Can ở chung một nhà, để tên hai nhà thơ cho hấp dẫn. Giá lúc ấy Vũ Trọng Can lại là nhà thơ nữa thì có khi có cả tên vào đó”.

* Qua lời kể của nhà thơ Hoàng Cầm

Thế thì tại sao sau này Yến Lan mới lên tiếng về Bóng giai nhân? Theo một bài viết do nhà thơ Hoàng Cầm gởi cho gia đình Yến Lan có tựa Ai là tác giả kịch thơ Bóng giai nhân? (tháng 5/2001), thì những năm chiến tranh Yến Lan không nghĩ Bóng giai nhân được in lại. Thêm nữa, tình hình lúc ở Huế rất cấp bách cho việc kiếm sống, nên việc để tên Nguyễn Bính hay Vũ Trọng Can vào vở kịch thơ này cũng rất bình thường, miễn kịch có khán giả kiếm được tiền nuôi sống cả bọn.

Nhà thơ Hoàng Cầm kể, khoảng những năm 1940 tại Hà Nội, Bóng giai nhân được diễn tại Nhà hát Lớn với các diễn viên là nhà thơ nổi tiếng: Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính… Sau này, Hoàng Cầm mượn kịch bản Bóng giai nhân từ Vũ Trọng Can đem về Kinh Bắc, làng Phù Lưu cùng Kim Lân, Hoàng Tích Linh, Hoàng Tích Chù… diễn.

Hoàng Cầm viết: “Tôi rủ anh Nguyễn Bính về chơi. Trong bữa rượu đầu tiên, quanh mâm thịt chó…, tôi mạnh bạo hỏi vị “thượng khách, tân khách” Nguyễn Bính viết Bóng giai nhân từ bao giờ? Sau một tợp rượu rất hào sảng, Nguyễn Bính nói: “Yến Lan nó viết cả ba màn, đến màn cuối vừa hào sảng vừa tình tứ. Tớ đọc xong còn nói đùa: Thôi, hay lắm rồi! Để tao thay mặt phòng kiểm duyệt của thằng Tây phê cho một chữ được”. Hoàng Cầm khẳng định Bóng giai nhân tác giả đích thực là Yến Lan, vì: “Rõ ràng cái văn phong trong kịch bản là văn phong của nhóm thi sĩ Bình Định hồi bấy giờ”.

“…Xem thơ Yến Lan tôi mơ màng như đi trong mây mù. Khi đầu thì cũng hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở. Chỉ thấy mờ mờ những con đường chảy, êm như những dòng sông và nhất là cái vừng trăng vẫn thường ám ảnh các nhà thơ Bình Định. Ngoài ra chịu không biết sau màn mây mù ấy có gì không…” (Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh- Hoài Chân, bản in năm 1942)

Nhà thơ Hoàng Cầm đã sắm vai “tráng sĩ” trong Bóng giai nhân diễn nhiều nơi, từ Nhà hát Lớn Hà Nội, Hải Phòng đến các sàn diễn nông thôn. Hoàng Cầm nhờ vai diễn này được mến mộ như những ca sĩ loại nhất hiện nay. Đến giữa năm 1948 nhóm kịch Bắc Ninh không diễn nữa, tính ra diễn được khoảng 60 buổi.

* Lời kết

Đã hơn một đời người từ khi Bóng giai nhân ra đời, những ai chứng kiến đa phần không còn nữa. Yến Lan nổi tiếng là người sống hết lòng vì bạn bè. Sinh thời, ông sẵn sàng vét túi vì Nguyễn Bính, Vũ Trọng Can ở Huế. Ông còn góp phần nhiều nhất trong việc nuôi nhà thơ Bích Khê nằm bệnh ở Quảng Ngãi. Sau này còn chia một nửa phần gạo tem phiếu cho Quang Dũng. Ông lại là trí thức, nghệ sĩ đi sau quan tài Phan Khôi tiễn tác giả Tình già về nơi an nghĩ cuối cùng với “nghĩa tử là nghĩa tận" v.v... Một trí thức như Yến Lan, không thể nào vơ vào mình những điều không có.

Trần Hoàng Nhân

(nguồn:“http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/su-that-ve-tac-gia-cua-bong-giai-nhan-n20081005044828497.htm)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com