KỶ NIỆM 250 NĂM SINH NGUYỄN DU (1765 - 2015): THÚY VÂN , BI KỊCH TÌNH YÊU - BI KỊCH HẠNH PHÚC

imagesCHI-EM-KIEU-1RChị em Kiều lúc tri ngộ sau 15 năm Kiều phiêu bạt (nguồn: Internet)

 

Xưa nay, khi nói đến Truyện Kiều, thiên hạ chỉ nhắc đến Thúy Kiều, ít nói đến Thúy Vân. Thúy Vân nhòe đi, như cái bóng bên cạnh một nàng Kiều. Không ít những lời lẽ chê bai, nói như Vương Trọng, "nhà có chuyện như người ngoài cuộc/ vẫn ăn no, ngủ kỹ như không/ chẳng hò hẹn, chẳng cần thề thốt/ chẳng yêu đương, em cũng lấy được chồng" (Mô-típ Thúy Vân). Khắc nghiệt quá!

Vì thế, khi bài thơ Tâm sự nàng Thúy Vân của Trương Nam Hương ra đời, một góc khuất của Truyện Kiều được mở ra, một bi kịch cần được soi chiếu, một nỗi đau mong được cảm thông. Giọng thơ bùi ngùi, thương cảm. Sâu xa hơn, ta hiểu được sự giằng xé của Nguyễn Du khi cho Thúy Vân phải mượn chén rượu để giãi bày tâm trạng: Tàng tàng chén cúc dở say/ Đứng lên Vân mới giãi bày một hai. Chắc khi viết đến đoạn này, đoạn Kim - Kiều tái ngộ, sau mười lăm năm ly biệt, giây phút mà Thúy Vân bị rơi vào ngõ cụt, lòng Nguyễn Du tan nát lắm! Trương Nam Hương như nhập vào nỗi đau của nhà thơ lớn dân tộc và nỗi lòng của Thúy Vân để chiêu tuyết cho nàng, giải oan cho cảnh "tình chị duyên em". Nhiều bạn đọc tán dương và yêu thích bài thơ này. Bài thơ trọn vẹn như sau:

Nghĩ thương lời chị dặn dò

Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh

Chị yêu lệ chảy đã đành

Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim


Ơ kìa ! Sao chị ngồi im

Máu còn biết chảy về tim để hồng

Lấy người yêu chị làm chồng

Đời em thể thắt một vòng oan khiên


Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên

Chị thương kẻ khuất đừng quên người còn

Mấp mô số phận vuông tròn

Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu


Là em nói vậy thôi Kiều

Sánh sao đời chị ba chiều bão giông

Con đò đời chị về không

Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường


Chị nhiều hờn - giận - yêu - thương

Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò

Em chưa được thế bao giờ

Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim


Em thành vợ của chàng Kim

Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao

Giấu đầy đêm nỗi khát khao

Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!

Trương Nam Hương chọn thể thơ lục bát để viết tâm sự của Thúy Vân. Một cuộc tương phùng đầy nước mắt của hai chị em. Một đẩy đưa tâm trạng của Thúy Kiều và Thúy Vân. Một chuyến đò của hai số phận. Một vòng oan khiên giăng xuống hai cuộc đời. Một giằng xé cho người còn và kẻ khuất. Trương Nam Hương chọn một thời khắc điển hình, thời khắc tái hợp, sau mười lăm năm lưu lạc. Đây là phút giây xao động nhất trong cuộc đời Thúy Vân:

Nghĩ thương lời chị dặn dò

Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh

Chị yêu lệ chảy đã đành

Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim

Các dòng thơ đều dùng phương thức đối lập. Đối lập cái ngày chị trao duyên: Lạy em, em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa với hôm nay, sau mười lăm năm cạn chén đoạn trường. Mười lăm năm, hắt bóng xuống cuộc đời bao trầm luân, bao khổ ải của Kiều. Còn Thúy Vân, thương chị nên con đò hạnh phúc cũng bị đắm giữa dòng đời. Tuổi xuân trôi đi, nhạt nhòa trong nước mắt. Hạnh phúc bị đánh cắp không phải ngày một, ngày hai mà đến mười lăm năm. "Con đò xuân xanh" trôi đi trong vô vọng ! Vô vọng vì không có hạnh phúc, "nước mắt đâu dành chàng Kim"!

Trương Nam Hương đã hóa thân vào Thúy Vân, hiểu rõ lý lẽ của trái tim, hiểu rõ những mảng tối của tình yêu và hạnh phúc. Bao nhiêu năm, lòng em như muối xát tơ vò. Những câu thơ xé lòng, bày ra trước mắt ta một Thúy Vân nhẫn nhịn:

Ơ kìa! Sao chị ngồi im

Máu còn biết chảy về tim để hồng

Lấy người yêu chị làm chồng

Đời em thể thắt một vòng oan khiên

Trong những giây phút cực kỳ xao xuyến này, Kiều như bất động, không nói được gì, "ngồi im". Cõi lòng tan nát. Nghe Thúy Vân nói, Kiều lại thấy thương em và thương mình. Một cuộc hôn nhân bẽ bàng (lấy người yêu chị làm chồng). Một chương bi thảm của tình yêu (đời em thể thắt một vòng oan khiên). Máu có chảy về tim vẫn không làm hồng những tháng ngày "thể thắt". "Thể thắt" là sáng tạo của Trương Nam Hương, một từ láy chưa có trong từ điển tiếng Việt (Xem Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 2005). Nghĩa của từ, có thể hiểu là sự kết hợp giữa danh từ và động từ, mô tả trạng thái, tình thế ngặt nghèo, khó khăn, gấp gãy. Vì thế, đi liền với nó là "oan khiên". Tình yêu là cái rất thiêng liêng, vô giá. Con người có quyền được hưởng, không thể san sẻ, thế mà em lấy người yêu của chị làm chồng, một việc trái đạo lý, cho nên, em phải gánh chịu nghiệp chướng oan khiên.

Yêu và "đòi yêu", được yêu là lẽ thường tình của con người, là nhu cầu của tuổi trẻ. Vậy mà, trên chặng đường đầy "mấp mô" và gập ghềnh của số phận, Thúy Vân đã rơi vào trạng huống chân không của tình yêu. Đạm Tiên còn được những giọt nước mắt của Thúy Kiều:

Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên

Chị thương kẻ khuất đừng quên người còn

Mấp mô số phận vuông tròn

Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu

Thúy Vân như hờn trách, "đừng quên", "không thể", "kẻ khuất", "người con" khi nói với Kiều. Cả đoạn thơ không nghe Kiều nói gì, chỉ giọng trách móc của Thúy Vân. Và, ta cũng cảm thông, trân trọng khi Thúy Vân, tưởng chừng tự kiềm chế mình, tự "nhốt linh hồn đòi yêu", chấp nhận "số phận vuông tròn" khi so sánh mình với Đạm Tiên. Tác giả đã mượn từ láy tượng hình "mấp mô" để nói cuộc đời không bằng phẳng của Thúy Vân. Tuy nhiên, cũng giọng điệu đó, sang khổ thơ thứ tư, ta lại thấy một Thúy Vân khác:

Là em nói vậy thôi Kiều

Sánh sao đời chị ba chiều bão giông

Con đò đời chị về không

Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường

Một Thúy Vân độ lượng, tinh tế, sau lời trách, là nỗi niềm thương cảm sâu sắc về cuộc đời chìm nổi của chị. Cuộc đời đầy giông tố, bão bùng suốt cả chiều dài số phận của Kiều, cuối cùng, chỉ là: con đò đời chị về không. Chỗ này là một phát hiện độc đáo của Trương Nam Hương, hóa ra, cả em và chị đều là những con đò về không trong cuộc chơi của "con tạo xoay vần", cũng đều "chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường". Nhưng, ở đoạn thơ thứ năm này, cái hay và tài năng của Trương Nam Hương là, cho thấy dường như Thúy Vân không dấu nổi mình, Thúy Vân biết chị mình đã bán mình chuộc cha, rồi mắc lừa Sở Khanh, bị Hoạn Thư đánh ghen nhưng đã được Thúc Sinh, Từ Hải, đặc biệt Kim Trọng yêu thương. Kiều có oan khuất, có đau thương nhưng cũng có những giờ phút vinh hiển, sáng rỡ. Thúy Vân thì không được thế bao giờ:

Chị nhiều hờn giận,  yêu thương

Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò

Em chưa được thế bao giờ

Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim

Đọc những dòng trên, có thể phân định nỗi đau. Thúy Vân đã "chịu lời", "chắp nối duyên thừa", dẫu vậy, vẫn không có được các cung bậc của "hờn giận, yêu thương" trong suốt mười lăm năm, khi mà chàng Kim sẵn sàng: "Rắp mong treo ấn từ quan/ Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng pha/ Dấn mình trong áng can qua/ Vào sinh ra tử họa là thấy nhau". Kim Trọng chỉ mong tìm thấy Kiều. Thúy Vân chỉ là người vợ hờ.

Em thành vợ của chàng Kim

Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao

Giấu đầy đêm nỗi khát khao

Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!

Bốn câu thơ cuối là nỗi cô đơn tột cùng. Bi kịch đã đến hồi kết của màn đoàn viên bẽ bàng, ngang trái. Thúy Vân vẫn cháy bỏng về tình yêu và hạnh phúc, "giấu đầy đêm nỗi khát khao". Câu thơ cuối cùng bật lên như nghẹn ngào, như dồn nén, tích tụ, đớn đau của mười lăm năm:

Kiều ơi, em đợi kiếp nào được yêu !

Có nhiều sẻ chia, đồng cảm với tâm hồn khoan dung, cao thượng và vị tha của Thúy Vân. Trương Nam Hương đã đưa lại một cái nhìn nhân văn, nhân đạo về người em của nàng Kiều, góp phần khẳng định kiệt tác Truyện Kiều của dân tộc. Bài thơ Tâm sự nàng Thúy Vân được nhạc sĩ Thạch Cầm phổ nhạc, ca sĩ Vân Khánh trình bày.

(Đà Nẵng, tháng 11 - 2015)

HUỲNH VĂN HOA

(Báo Đà Nẵng cuối tuần, ngày 29-11-2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com