TRÒ ĐỜI - NHỮNG MẢNH GHÉP ĐA CHIỀU CỦA CUỘC SỐNG

QuangTRDOI-1-R

TRÒ ĐỜI - NHỮNG MẢNH GHÉP ĐA CHIỀU CỦA CUỘC SỐNG
(Lê Đức Quang, Trò đời, tập truyện ngắn, Nxb Hội Nhà văn, 2015)


ThS. Đỗ Thành Dương
(Trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang)

 

Cầm trên tay tập truyện “Trò đời” dày dặn với 21 truyện ngắn, tôi đã khởi đi bằng cách lẩn thẩn đi tìm ngữ nghĩa đích thực của từ trò đời: “Thói xấu thường gặp trong quan hệ giữa người với người”. Nhưng đọc qua các truyện, tôi bỗng thấy hết sức rõ ràng, và có lẽ cũng là dụng tâm, dụng tình của tác giả chăng: bao trùm, tỏa chiết đậm nhạt khắp tập truyện không phải là thói xấu, mà chủ yếu, thú vị thay, lại là cái tốt!

Tập truyện đã dựng nên một cách tương đối đầy đủ những cảnh đời, những thân phận mà ta vẫn bắt gặp đó đây trong cuộc mưu sinh, trải nghiệm hằng ngày, là “những mảnh ghép đa chiều của cuộc sống”.

Trong vô vàn những mảnh ghép ấy, hình ảnh đọng lại lâu bền, sâu đậm nhất trong lòng người đọc, thẩm thấu, nổi trội nhất, chính là phong vị quê kiểng, mộc mạc, dân dã toát lên từ giọng điệu, hình tượng và đặc biệt là từ không gian nghệ thuật trong các truyện (Mẹ quê, Bố quê, Thư nhà, Ông già và quê hương).

Ta có thể bắt gặp hình ảnh khá phong phú của thế giới nhân vật trong các truyện từ những thân phận lăn lóc trong trường đời như chú bé đánh giày, em bán báo, bán vé số, bác thợ sửa khóa, anh xích lô, xe ôm, anh dân phòng, anh quản lý đô thị, anh xung kích, những người buôn bán nhỏ chật vật mưu sinh nơi phồn hoa đô hội, cậu học sinh hồn nhiên, những người nông dân chân chất,... đến những nhân vật giám đốc, bác sĩ, nhà thơ, giáo viên,... Và nổi bật lên như một ám ảnh, trăn trở chung trong tâm thức người viết là hình ảnh người phụ nữ ở đủ mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp gần như quán xuyến thấu suốt tập truyện, đặc biệt gây ấn tượng là hình ảnh người mẹ quê hiền lành, nhân hậu, tần tảo, suốt đời hy sinh vì chồng, vì con như truyền thống tốt đẹp vốn có từ ngàn xưa của dân tộc ta.

Không gian nghệ thuật trong các truyện là đa chiều, phong phú nhưng rõ ràng, không gian nông thôn là nỗi niềm day dứt khôn nguôi của chính tác giả, cứ trăn trở, bàng bạc qua nhiều câu chuyện; và dù đi đâu về đâu, cuối cùng tác giả - hay cả chúng ta nữa - cũng phải ngoái đầu hồi tưởng về mảnh đất mà từ đó ta đã được sinh ra, lớn lên để đi đến những tháng ngày hiện tại. Cho dù không gian chung trong tập truyện là mênh mông, bất định, nhưng khoảng không gian thân thương đứt nối hiện lên với những địa danh: Hòa Tân, Tháp Bà, Hòn Chồng, Thành... như nhắc nhớ người đọc về “dằng dặc khúc ruột miền Trung” mến thương luôn đau đáu trong tim mỗi người, với những cánh đồng lúa Tuy Hòa mênh mông mượt xanh đến hút tầm mắt, với thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, quyến rũ, vùng quê Cam Ranh thân thương với bóng dáng cây xoài già cỗi trước sân...

“Văn học là nhân học”, quả nhiên, qua tập truyện ta như bắt gặp hình bóng của tác giả trở đi trở lại nhiều lần, là anh thợ chụp ảnh dạo qua các truyện Mối tình mùi hương cỏ, Trò đùa, Mười tầng tham lam..., và bước chân phiêu bồng nghề nghiệp ấy đã đem lại cho tác giả giàu có những trải nghiệm cuộc đời, rồi đến lúc những chiêm nghiệm nghệ thuật được thỏa sức tuôn trào ra đầu ngọn bút của nhà văn trẻ trong Áng văn, Lá thư tình, Món nợ truyền kiếp...

Không phải chỉ có thế, tập truyện còn đem lại cho người đọc những nụ cười humour thấp thoáng đầy hài hước nhưng cũng không kém phần thâm trầm, sâu sắc. Thú thật, tôi đã đọc đi đọc lại đến ba, bốn lần truyện ngắn Món nợ tiền kiếp, mà lần nào cũng vẫn vẹn nguyên một cảm xúc lẫn lộn khó tả, với nụ cười hóm hỉnh nhẹ nhàng thoáng qua trên môi và giọt nước mắt đắng chát chảy ngược vào lòng cho cái nghiệp tơ vương của người cầm bút “đồng thanh, đồng khí” mà Tiên Điền thi sĩ đã gợi nên từ ngót 200 năm trước.

Nhân vật người vợ trong truyện đã chuyển biến dần từ chỗ luôn day dứt than thở, buồn tủi về số kiếp của mình “Thôi thì, số phận mình không may có chồng làm nhà thơ thì đành chịu chứ biết làm sao bây giờ!” (!?), chị rơi nước mắt van vỉ anh chồng thi sĩ: “Anh hãy thương em, đừng làm thơ nữa được không?” cho đến lúc ngộ ra, hối hả: “Thôi trưa rồi, chạy xe nhanh nhanh về nấu cơm cho chồng, chứ ảnh làm thơ không được, còn không có cơm ăn, ảnh bực mình, ảnh la chết!...”. Các độc giả đọc đến đoạn này, tôi đoan chắc, khó ai ngăn nổi một nụ cười thấm thía, xót xa, thông cảm và ngay lập tức liên tưởng đến hình ảnh người phụ nữ vĩnh hằng trong kiệt tác “Thương vợ” của Tú Xương!

Còn đâu đó rải rác trong tập truyện, những nụ cười hóm hỉnh toát lên từ những câu văn lấp lánh/ tiềm ẩn chất hài: “chẳng biết nó tính toán như thế nào, lộn số hay lộn chữ mà giàu ghê gớm!”,  “Thế là tôi và nàng tay trong tay hạnh phúc đi đến tòa án. Chắc trên thế gian chỉ có vợ chồng tôi ly dị, tay trong tay vui vẻ như thế này” (trang 120); sự phi logic ngữ ngôn trong cấu trúc nội tại câu văn bỗng gợi ta nhớ đến tiêu đề chương tiểu thuyết trác tuyệt “Hạnh phúc một tang gia” của Vũ Trọng Phụng.

Song hành với nụ cười là những giọt nước mắt đủ mọi cung bậc, trạng huống mà bạn đọc bắt gặp không dưới chục lần trong các truyện. Đó là những giọt nước mắt chắt gạn từ lòng cảm thông, thương cảm, thăng hoa từ nỗi ân hận, hối tiếc... chứ tuyệt nhiên không bắt nguồn từ sự sướt mướt, ủy mị, hay bi lụy, não nùng. “Và thím lặng lẽ ngồi khóc một mình” (Áng văn), “chẳng hiểu sao cổ nghẹn lại, nước mắt cứ chảy ra hoài!”, “...miệng đắng đắng, nước mắt hai hàng chảy xuống!” (Thư nhà), “thấy mắt mình ướt ướt, cay cay...”, “thím cố không khóc nhưng không hiểu sao, nước mắt cứ chảy tràn!” (Mẹ quê), “Nghĩ đến đó, bỗng dưng cổ tôi nghẹn lại, nước mắt cứ muốn chảy ra...” (Mối tình mùi hương cỏ), “Lão xích lô rơm rớm nước mắt, ngậm ngùi...” (Vị khách cuối năm),...

Về mặt kết cấu truyện, tôi thích kiểu kết cấu tương phản mà tác giả đã vận dụng khá chắc tay thủ pháp mở nút, kết thúc truyện bằng sự đối lập. Bao nhiêu hoài nghi, suy đoán, liên tưởng tích tụ, dồn nén theo suốt diễn tiến của câu chuyện, bỗng chốc bùng nổ, thăng hoa trong cái kết bất ngờ đột ngột, tạo nên cho bạn đọc sự vỡ òa cảm xúc trong khá nhiều truyện (Mười tầng tham lam, Đàn bà, Mánh bụi đời, Lá thư tình, Mối tình mùi hương cỏ, Món nợ tiền kiếp, Trò đời, Vị khách cuối năm, Vợ chồng già...).

Cuối cùng, xét về ngôn từ, có thể là hơi quá trong so sánh khi đặt cây bút trẻ Lê Đức Quang bên cạnh những bậc đàn anh đi trước về ngôn từ đậm đặc chất Nam Bộ như Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng.... hay gần đây có Nguyễn Ngọc Tư; nhưng, quả thật, qua tập truyện này - và nhiều tập truyện khác của Quang, các nhà nghiên cứu về phương ngữ Nam Bộ (*), đặc biệt là thổ ngữ Phú - Khánh, có thể tìm thấy nhiều cứ liệu đặc sắc về thổ ngữ đặc trưng tiêu biểu của dải đất miền Trung này: mặc may, bán nhôm nhựa, gió săn quá, dẻo miệng, thối lại, ốm nhom, ngủ nướng, ngồi bệt, ngồi chèo queo, ảnh, bển, quảy, ủi, trườn,...

Tập truyện đã dựng nên một cách tương đối đầy đủ những cảnh đời, những thân phận mà ta vẫn bắt gặp đâu đó trong cuộc mưu sinh, trải nghiệm hằng ngày, và do đó, nếu được tác giả cho phép đổi tên (giả sử), thì tôi thích đặt nhan đề tập truyện gồm 21 truyện ngắn của Lê Đức Quang là Những mảnh ghép đa chiều của cuộc sống hơn.

Đau đáu mong và bền vững tin rằng: chúng ta sẽ còn được gặp gỡ, sẻ chia nhiều hơn nữa những “mảnh ghép” trong các tác phẩm mới của cây bút trẻ Lê Đức Quang, đúng như những gì mà chúng ta hằng đang đón đợi.

QuangTRDOI-2-R

(*) Vùng phương ngữ Nam Bộ: từ đèo Hải Vân đến mũi Cà Mau.

ThS. Đ.A.D

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com