LÊ HƯNG VKD: VIỆT NAM DIÊN NIÊN


doi-hoang-saRR

 

VIỆT NAM DIÊN NIÊN

Diên niên quốc văn hiến,

Vạn lý hải đồ thư:

- Hoàng Sa khai tịch diện,

- Truờng Sa viễn thùy khu!

Thái hòa nam dân tiến,

Nhật tân hựu qui mô...

Âm văn thanh nhã kiện,

Dương võ tráng cuờng đô!

Đồng sinh triệt tai biến...

Tích phúc nguyện tâm tư:

- Thủy chung đông hải tuyến....

Vạn đại mãn quần cư !


Lê Hưng VKD
(Bình Dương)


CHÚ THÍCH:

- diên niên: thời gian vô hạn; - khai tịch: được ghi vào sổ sách; - viễn thùy: vùng biên giới ở xa; - hựu: làm tiếp, vẫn tiếp tục; - âm : nhập vào (= in-put); - dương: xuất ra (= out-put). Theo triết luận âm dương (DỊCH LÝ HỌC), thì Âm & Dương chính là định tính tổng quát về khái niệm tương quan giữa NHẬN & CHO.

Chuyển ngữ Hán tự của ThS.Bùi Đức Anh:

越南延年


延年過文獻

萬裡海圖書:

黃沙開籍面

長沙遠陲區

泰和南民進

日新又規模

陰文清雅健

陽武壯強都

同生徹災變

積福願心思:

始終東海線

萬代滿群居


Bản dịch:

Việt Nam diên niên

Nước nhà văn hiến bấy lâu

Bản đồ vạn dặm như câu nhắc rằng:

- Hoàng Sa khai mở đất bằng

- Trường Sa tiếp nối lưới giăng cõi bờ!

Thanh bình người sống ấm no

Ngày càng đổi mới qui mô rõ ràng...

Tiếp thâu văn hóa mở mang,

Triển khai sức mạnh sửa sang đất nhà!

Cùng nhau phá bỏ can qua...

Góp chung tâm trí vốn là ước mong:

- Trước sau duyên hải phía đông...

Đời đời bền vững an lòng toàn dân!

(Bình Dương vào thu 2015)
VKD (dịch)

Ghi chú:

Tượng đài “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải”

Suốt trong ba thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX, một tổ chức của nhà nước, đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải (do đội  Hoàng Sa kiêm quản), là bằng chứng hùng hồn có giá trị pháp lý về sự xác lập chủ quyền của Đại Việt ở Đàng Trong đối với Hoàng Sa.

Đội Hoàng Sa ra đời ở Cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một tổ chức nhà nước, vừa mang tính chất dân sự vừa mang tính chất quân sự; vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý nhà nước ở Biển Đông, ra đời từ đầu thời chúa Nguyễn.

Đứng đầu đội Hoàng Sa là một “cai đội”, những thành viên trong Đội được gọi là “lính”. Đó là những quân nhân đi làm nhiệm vụ do Vua, Chúa ban.

Thời Chúa Nguyễn, mỗi năm lấy 70 suất đinh để thực hiện những nhiệm vụ của đội Hoàng Sa. Số lượng 70 suất là số lượng đặc biệt cho một đội dân binh như đội Hoàng Sa.

Sử sách Việt Nam và của cả Trung Quốc đều chép đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời chúa Nguyễn. Hải ngoại kỷ sự (Trung Quốc) viết năm 1696, chép thời Quốc Vương trước đã có những hoạt động của đội “Hoàng Sa” và Phủ biên tạp lục viết năm 1776, chép “Tiền Nguyễn Thị”. Đại Nam thực lục tiền biên (1821) chép “Quốc sơ trí Hoàng Sa”. Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (năm 1686), đã đề cập đến các hoạt động của đội Hoàng Sa. Phủ biên tạp lục cũng như các tài liệu khác đều cho biết đội Hoàng Sa khi trở về đất liền vào tháng 8 âm lịch vào cửa Eo hay Tư Hiền rồi nộp sản vật tại chính dinh ở Phú Xuân. Thời chúa Nguyễn Phúc Lan mới bắt đầu dời chính dinh đến Kim Long vào năm Dương Hoà nguyên niên (1635) và thời chúa Nguyễn Phúc Tần mới dời qua Phú Xuân.

Đội Hoàng Sa đã hoạt động kể từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần đến hết thời kỳ chúa Nguyễn, cả thảy 7 đời chúa, gần một thế kỷ rưỡi. Phong trào Tây Sơn nổi dậy, chúa Nguyễn chạy vào đất Gia Định thì đội Hoàng Sa đặt dưới quyền kiểm soát của Tây Sơn mà trong tài liệu còn lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh, Cù Lao Ré, đã cho biết năm 1786 (tức niên hiệu Thái Đức năm thứ 9), dân Cù Lao Ré đã xin chính quyền Tây Sơn cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại. Đến những năm cuối cùng của Tây Sơn, hoạt động của đội Hoàng Sa cũng bị ảnh hưởng, nên đến vua Gia Long (1803) mới cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại. Về lịch hoạt động ở ngoài đảo, theo những tài liệu như Hoàng Việt địa dư chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí..., hàng năm đội Hoàng Sa bắt đầu đi từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 âm lịch thì về. Riêng theo Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư hay Toản tập An Nam lộ thì lúc đi vào thời điểm cuối Đông, không nói thời gian về; theo Phủ biên tạp lục có bản đồ thường đi vào tháng giêng âm lịch đến tháng 8 về.

Đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải có nhiệm vụ thu lượm các sản vật từ các tàu đắm, các hải sản quý từ vùng biển quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Ngoài ra, về sau còn đảm trách đi xem xét, đo đạc thủy trình vùng Hoàng Sa.

Đội Hoàng Sa còn được giao nhiệm vụ kiêm quản đội Bắc Hải, một tổ chức được lập ra để thực thi nhiệm vụ trên khu vực quần đảo Trường Sa. Đội Bắc Hải được thành lập sau đội Hoàng Sa vào khoảng trước năm 1776. Địa bàn hoạt động của đội Bắc Hải chủ yếu là ở khu vực quần đảo Trường Sa, khu vực biển Côn Sơn, Hà Tiên...

Phủ biên tạp lục, quyển 2, của Lê Quý Đôn đã ghi chép về đội Bắc Hải như sau:

“Họ Nguyễn còn thiết lập đội Bắc Hải. Đội này không định trước bao nhiêu suất. Hoặc chọn người thôn Tứ Chính thuộc phủ Bình Thuận, hoặc chọn người làng Cảnh Dương, lấy những người tình nguyện bổ sung vào đội Bắc Hải. Ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi và chỉ thị sai phái đội ấy đi làm nhiệm vụ”.

“Những người được bổ sung vào đội Bắc Hải đều được miễn nạp tiền sưu cùng các thứ tiền lặt vặt, như tiền đi qua đồn tuần, qua đò”.

“Những người trong đội đi thuyền câu nhỏ ra xứ Bắc Hải, Cù lao Côn Lôn và các đảo thuộc vùng Hà Tiên để tìm kiếm, lượm nhặt những hạng đồi mồi, hải ba, đồn ngư (cá heo lớn), lục quý ngư, hải sâm”.

Các sử sách được viết vào thế kỷ XIX như Đại Nam thực lục tiền biên, soạn xong năm 1844, Đại Nam nhất thống chí, soạn xong năm 1882, cũng đã ghi nhận về hoạt động của đội Bắc Hải.

(Nguồn: 100 Câu Hỏi - đáp về biển, đảo Việt Nam dành cho tuổi trẻ Việt Nam của Ban Tuyên giáo Trung ương)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com