Dược sĩ BÙI KIM TÙNG: 2 bài viết bàn về sức khỏe

DS-BUI-KIM-TUNG-R

 

MÃNG CẦU XIÊM trị ung thư ?


a- NGUỒN GỐC THỰC VẬT

*Mãng cầu ta = Na = Annona squamosa.

Mãng cầu xiêm = Annona muricata.

Mãng cầu xiêm là cây di thực, cùng thời điểm với Măng cụt, Chôm chôm... có lẽ vào thời gian các thương thuyền nước ngoài vượt biển vào ‘đàng trong’, tới ‘cù lao Phố’ trao đổi hàng hóa. Đây là cây vùng nhiệt đới nên các tỉnh phía Bắc không trồng. Trong các tài liệu thực vật của Trung Mỹ, Phi luật tân, các quần đảo giữa Thái bình dương có cây này.

*Cây Mãng cầu xiêm phát triển chậm và yếu nên thường ‘tháp’ (ghép) vào gốc Bình Bát (Annona reticulata). Bình Bát là cây mọc hoang, khoẻ, quả ăn được nhưng không ngon.

*Các lá noãn dính vào nhau thành một quả kép.

*Vỏ thân nhiều alcaloid nên đắng và chát hơn lá. Quả non chát nhưng hết chát khi chín.

b- THÀNH PHẦN HÓA HỌC

*Alcaloid thuộc nhóm isoquinon như : reticuline, coclaurine, coreximine, anomurin, anomuricin (Leboeuf 1981). Những chất này có nhiều trong vỏ cây > hạt > lá ; độc nên chỉ dùng làm thuốc trị chấy rận. Quả xanh có ít hoạt chất nên bớt độc, dùng trị tiêu chảy (isoquinone có tính kháng khuẩn). Quả chín không còn chất độc nên ăn được nhưng không ngon bằng Na (mãng cầu ta).

*annonaceus acetogenins có khả năng diệt môt vài dòng ung thư gan trong ống nghiệm, nhưng cũng diệt luôn tế bào lành mạnh.

c- TRỊ UNG THƯ ?

1- Gần đây, internet đưa tin ‘ăn Mãng cầu xiêm trị ung thư’. Như trên đã nói, thịt quả chín không độc và ăn được, có chăng là vỏ cây hoặc hạt. Rõ ràng tác giả nghe ‘ba chớp ba nhoáng’  vội đưa lên mạng. ‘Râu ông nọ căm cằm bà kia’, thế mà cũng co người cả tin, rủ nhau đi mua Mãng cầu xiêm về ăn ‘cho cố’ và tuyên bố xanh rờn ‘không bổ chiều ngang cũng bổ chiều dọc’. Xin nhấn mạnh, thịt quả chín chỉ có tính nhuận trường.

2-Xưa kia dùng dịch chiết hạt để trị chấy rận. Khi gội đầu, dịch chiết rớt vào mắt gây viêm giác mạc. - Kết quả thử trong ống nghiệm, dịch chiết hạt mãng cầu trị được vài dòng ung thư gan nhưng cũng diệt luôn tế bào lành mạnh. Từ kết quả trong ống nghiệm tới thử nghiệm lâm sàng là con đường dài gian nan như một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc. Thế nên dược liệu này bị bỏ xó. Nguyên tắc căn bản sử dụng thuốc là ‘an toàn và công hiệu’, an toàn ưu tiên hơn công hiệu. Dịch chiết hạt mãng cầu tiêu diệt cả tế bào lành mạnh nghĩa là không an toàn, ‘bỏ đi Tám’.

Một vài ‘lý thuyết gia’ đã giải thích cơ chế tác dụng của các isoquinone. – Chúng ta biết rằng ADN là sợi kép xoắn vòng, phải tách riêng từng sợi mới có thể sao chép (phân bào); sự kiện này cần tới enzym ADN gyraz. ADN gyraz (hay topoisomeraz) là một tetramer cấu tạo bởi 2 tiểu đơn vị alpha và hai tiểu đơn vị beta. Nó giữ nhiệm vụ quan trọng trong quá trình cắt đoạn và nối đoạn cũng như nới vòng và xoắn vòng ADN. Isoquinone gắn kết với tiểu đơn vị alpha, vô hiệu hóa ADN gyraz, ngăn cản sự phân bào ; bất cứ đó là tế bào lành mạnh hay ung thư, ngay cả vi khuẩn.

Chứng cớ là người dùng nhiều isoquinone bị suy tủy xương, thiếu máu, lớp lót (submucosa) ống tiêu  hoá suy tổn.. đây là những tế bào sinh sản liên tục. - Chúng ta biết rằng đời sống vi khuẩn rất ngắn nên cần sinh sản để duy trì nòi giống, isoquinone kháng khuẩn với cơ chế này. Điều này giải thích việc dùng quả Mãng cầu xiêm xanh trị tiêu chảy nhiễm khuẩn. Nếu isoquinone ức chế sự sinh sản tế bào ung thư thì mô ung thư không phát triển. Lời giải thích này không được nghiên cứu thêm với bệnh ung thư do liều isoquinone cần dùng quá cao, sát với liều độc.

3-Có lẽ do lục ‘thùng rác computer’ tình cờ gặp tin này nên nắm ngay cơ hội. – Để chứng tỏ mình có sáng kiến đổi mới, ‘tự biên tự diễn’, hạt trị bệnh thì lá cũng trị bệnh, tung tin lên internet.

Chuyện bé lại xé thành to,

Ễnh ương lại hóa ra bò chẳng hay.

Ung thư là bệnh ‘thập tử nhất sinh’, không tùy tiện sử dụng thuốc theo lời mách bảo bá vơ. Tin vào mạng, mất mạng có ngày.

Cơ quan y tế đã từng khuyến cáo internet đưa tin ‘không đáng tin cậy’ gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Internet phản bác: họ chỉ là cơ quan thông tin, kể cả ‘tin vịt’ ; còn tin dùng hay không họ không có trách nhiệm; nói khác đi, internet đưa tin ‘chơi’, trách nhiệm thuộc phía bạn đọc. Đây là kiểu ‘sống chết mặc bay, tiền internet bỏ túi’.

4-Những ‘lang vườn’ bèn nhân cơ hội này, sản xuất gói lá thuốc nam trị ung thư để làm giàu. Họ cho người đi thu gom lá Mãng cầu xiêm khô. Tung tin ‘thuốc gia truyền’, thuốc của vua này chúa kia, thuốc của tử tù trăn trối trước giờ hành hình... Gian manh kiểu này, làm giàu trên xương máu bệnh nhân ung thư thì dã man quá ! Thế nhưng ‘sai một ly đi một dặm’.

5- Hái trụi lá, Mãng cầu không ra hoa kết trái nên nhà vườn chỉ hái lá có chừng mực. Lượng lá khô thu gom chẳng được bao nhiêu, dân buôn bèn tổ chức hái trộm. Vườn Mãng cầu xiêm rộng mênh mông không có bờ rào; chủ vườn bỏ ngủ đi canh trộm, tội nghiệp chưa! Dân thu gom ham lợi mạo hóa bằng cách ra bãi hoang hái lá Bình Bát. Cây Bình Bát mọc hoang nên hái vô tội vạ. Phơi khô trộn vào với lá Mãng cầu thật, khó phát hiện. Chưa hết.

6-Do tin đồn lan rộng, thanh tra y tế vào cuộc, lang vườn sợ bị ‘nắn gân’ nên co cụm không thu mua lá Mãng cầu nữa. Đầu nậu ôm sô. Thương lái quịt nợ trốn mất, người thu gom lom com trắng tay, đốt mớ lá khô lấy tro làm phân bón. Rõ là :

Mướp đắng lại gặp mạt cưa,

Tay mơ đi lừa lại gặp lừa vua.

Rút kinh nghiệm, đừng nghe tin đồn thất thiệt mà ‘ăn quả lừa’.

B.K.T

 

Thuốc gia truyền thông tim mạch?


A-    Tóm tắt bài đăng trên internet

Ở Pakistan, một ông lên cơn đau thắt ngực dữ dội, siêu âm thấy nghẹt mạch máu tim ở ba điểm (nghẽn mạch vành). Theo lẽ nằm viện để theo dõi nhưng do bệnh viện quá tải, cho ông về, một tháng sau tái khám. Trong thời gian chờ đợi, ông tìm đến một thầy thuốc gia truyền Hồi giáo uống thuốc ‘cầm hơi’. Một tháng sau trở lại bệnh viện, kết quả siêu âm là các mạch máu thông suốt và không có vấn đề gì.

Bài thuốc đơn giản gồm: nước cốt chanh, nước cốt gừng, nước cốt tỏi; gia thêm mật ong và giấm táo.

Cách làm: Ép nước hoặc xay sinh tố lọc lấy nước cốt, thêm nước cốt chanh. Đun sôi, sau đó đun liu riu nửa giờ, mở nắp, cô đặc cho tới khi chỉ còn ½. Cho vào bình thủy tinh, cất trong tủ lạnh. Uống một muỗng nước cốt trước bữa sáng. Uống dài hạn trị các bệnh mạch máu, ngừa được cảm cúm. Tác giả bài internet còn ‘đế’ thêm một câu, ‘nghe mà nóng lạnh’ : ‘bất cứ nghẽn mạch nghiêm trọng tới mức độ nào cũng có thể dùng bài thuốc này thông mạch.’(!)

B-    Khỏi bệnh không cần thuốc

Không mổ ngay chứng tỏ bệnh chưa nghiêm trọng. Với những cơn đau tức ngực lần đầu, huyết cục nhỏ nên có thể luồn lách qua mao quản, bệnh tự hết nhưng coi chừng những lần sau nguy kịch hơn. Cần dùng thuốc ngừa huyết khối (ví dụ uống aspirin 81 mg). Vitamin A và omega-3 giúp tế bào biểu bì bên trong thành mạch máu không khô rít, huyết cục dễ di chuyển, Món ăn-bài thuốc đấy.

Chết do nhồi máu cơ tim chết nhanh, ‘chết không kịp ngáp’ là ‘chết sướng’ không đau đớn gì. Hoặc giả ông này quan niệm chết là ‘nhập Niết bàn hoặc lên Thiên đàng’ nên không lo lắng sợ hãi ; nhờ thế mạch không co, huyết cục dễ thoát đi, bệnh tự hết. Khi lên ‘cơn nóng quải’, tức khí ‘do đứng mũi chịu sào’, mặt xanh như tàu lá cũng là lúc dễ lên cơn đau thắt ngực ; tức giận cường độ cao hơn sẽ chết đứng như Từ Hải trong Truyện Kiều.

Thù này oán hãy còn lâu,

Trồng tre nên gậy, gặp đâu đánh què.

‘Trồng tre nên gậy’ lâu lắm; trong thời gian ấy, tinh thần không thoải mái, giận dữ liên tục, catecholamin gây co mạch; thế là hại người chưa thấy đâu mà hại mình trước. Hãy quẳng gánh lo đi:

Quên đi, chín bỏ làm mười,

Xin đừng để bụng, tươi cươi sống lâu.

Xả được thì sẽ hỷ.

Áo tu thể hiện bên ngoài,

Từ bi hỷ xả chẳng hoài đọc kinh.

C-Bàn về bài thuốc

* Theo Y học cổ truyền, gừng và tỏi đều có tính hành khí. ‘Khí dẫn huyết, huyết đẩy khi’ nên huyết cục vượt qua được điểm tắc nghẽn. Nếu dùng thuốc hành huyết đơn thuần, có nguy cơ nghẽn mạch vành trầm trọng hơn và chuyển sang ‘nhồi máu cơ tim’.

* Trong nhiều thử nghiệm, gừng ức chế mạnh thromboxan synthetaz, tăng prostacyclin nhưng không ảnh hưởng tới PGE-2 và PGF-2. Shogaol ức chế cyclo-oxygenaz của tiểu cầu, ngăn chặn phóng thích prostaglandin I-2 và yếu tố microsom của mạch vành. Shogaol còn ức chế hoạt tính của 5-lipo-oxygenaz. Nhưng tất cả chỉ ngăn chặn hình thành (phòng ngừa) chứ không làm tan huyết cục.

*Nhiều thử nghiệm tác dụng của tỏi với bệnh tim mạch (Gebhardt R. Lipids 1993 - Neil HA. J R Coll Physicians Lond 1996 - Adler AJ. Am J Clin Nutr 1997 – McCindle BW. Arch Pediatr Adolesc Med 1998...) nhưng các nhà khoa học ‘cãi nhau ỏm củ tỏi’, ‘sư nói sư phải, vãi nói vãi hay’. Tác dụng của tỏi thay đổi theo dịch chiết, cao cồn nước, cồn, dầu, bột....

*Trên nguyên tắc, citrat có tác dụng chống đông. Với số lượng này, citrat phân tán toàn thân nên hàm lượng rất nhỏ, chưa đủ phát huy tác dụng. Chất này ức chế sự chuyển hóa sinh sợi huyết fibrinogen thành sợi huyết fibrine; xin nhấn mạnh chỉ ngừa chứ không làm tiêu fibrine, không tan huyết cục. Nói ngắn gọn, bài này chỉ ngừa bệnh chứ không trị bệnh.

* Từ 70 năm trước đã có đề xuất dùng giấm táo, trứng-giấm, trứng-chanh trị bá bệnh nhưng bị đi vào quên lãng do không công hiệu như lời đồn thổi.

*Mật ong chỉ làm tá dược, giảm vị chua cho dễ uống.

D- Bàn về cách làm

*Tỏi và gừng rất ít nước, cho dù thêm nước cốt chanh và giấm cũng không cần cô đặc. Chỉ lấy nước ép không chừng bỏ mất một số họat chất.

*Nấu sôi với mục đích hủy enzym (lên men chua) nhưng lại làm bay hơi tinh dầu và hủy alicin của tỏi. Rõ là ‘đánh chuột làm bể bình bông’. Nấu riu riu nửa giờ để cô đặc là không cần thiết.

* Phế là tiền đồn chống ngoại tà. Cay nồng là khí của phế kim, làm thông phế, trục ngoại tà. Đun sôi khiến tinh dầu bay hơi chỉ còn bã vô dụng. Cảm do ngoại tà (phong, hàn, nhiệt, thử), cúm do nhiễm virus ; hai lọai bệnh khác nhau. Mỗi loại lại có nhiều căn bệnh với cách chữa trị riêng; virus gây bệnh cúm đột biến thường xuyên... không có thuốc nào trị bá bệnh.

*Thiết nghĩ dùng rượu hòa tan hoạt chất nhanh gọn và hữu hiệu hơn.

E- Bàn về cách dùng

*Tồn trữ trong độ lạnh cho khỏi lên men, nhưng cũng thay đổi độ hòa tan và tách lớp: tinh dầu nổi lên trên, cặn lắng xuống đáy. Không rõ hoạt chất là gì nên cần lắc đều trước khi dùng.

*Uống dài hạn một muỗng (không biết dùng muỗng cà phê 5ml hay muỗng canh 15ml) lúc đói bụng, trước bữa sáng ; acid acetic (giấm) và acid citric (chanh) làm tăng nguy cơ loét dạ dày. Rõ là ‘đường quang chẳng đi, đâm quàng đường rậm’.

*Gừng và tỏi đều có tính ‘thăng dương’. Kinh điển Đông y ghi rằng ‘âm dương bình hòa thì cơ thể không bệnh’. Nay dùng gừng tỏi dài hạn, trong người nóng nảy bứt rứt. Dương thịnh khiến âm dương cách biệt, bệnh là cái chắc. Thế là ‘tránh vỏ dưa, không gặp vỏ dừa mà gặp vỏ sầu riêng’. Nên chăng thêm Kỷ tử để bổ âm ; bổ cả dương lẫn âm là hay nhất.

Khuyến cáo cụ thể

Tốt nhất là sử dụng ‘nguyên con’ để có tác dụng toàn diện. Không dùng nhiều và dài hạn. Nên chăng dùng gừng tỏi với tính cách gia vị, như các bà nội trợ thường làm; vừa tăng khẩu vị, tiêu thực, ngừa bệnh. Thế là ‘nhất cử chẳng những lưỡng tiện mà đại tiện đấ ; đại tiện này mà cũng đại tiện kia’. Nấu ăn trong tay bà xã, hãy năn nỉ bà xã nêm nhiều gia vị. Bà xã số 1(!).

B.K.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com