Giới thiệu cây bút trẻ TRẦN SANG

giuoithieu-cay-but-tre

Tên thật: Trần Phước Sang
Sinh ngày 07.4.1985
Quê quán: xã Phú Lộc - Tân Châu (An Giang)
Hiện sống và làm việc tại TP. Long Xuyên (An Giang) Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. - Hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật An Giang


Chưa thể lý giải, hầu như các cây bút thơ trẻ hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long, khi làm thơ, họ đều chọn cách nói của sự khoáng đạt như gió trên đồng, của thể loại tự do như sóng nước mênh mang.

Trần Sang là một cái tên lạ, ít ra với tôi.

Tuy nhiên, chùm thơ của anh, đọc xong, đã đọng lại trong tâm trí tôi về một bút lực: “tìm mãi một cái tên/ quờ quạng trong đêm/ lặn qua ngày nhung nhớ/ lặn qua ngày chờ đợi/ lặn qua những kí tự/ xóa nhòa con chữ”. Làm thơ, nghĩ đến cùng, cũng là một cách xóa đi những gì đã viết. Để rồi, tiếp tục lại viết. Viết những câu thơ mới. Những câu thơ của anh trằn trọc, dằn vặt trong bề bộn đời thường một cách có ý thức chứ không phải dàn trải trên trang viết những ngỗn ngang chữ nghĩa. Tôi vẫn thích nhất nỗi niềm: “xồng xộc vào giấc mơ/ mùi khói dẫn con về…”. Vẫn thích cách nói: “con đĩa đeo bám vào giấc mơ/ hoảng loạn/ những giọt nước mắt say ngủ lăn dài trên má/ như những giọt mồ hôi rớt xuống cánh đồng/ thấm/ vào đất…”.

Nói cách khác, hơi thở của đời sống lặn vào thơ sẽ khiến những câu thơ gần gũi, tha thiết hơn.

Lê Minh Quốc



MÙI KHÓI

Mười năm con xa mùi khói
mười năm con lăng lắc đời
mẹ mười năm chờ đợi
mười năm mẹ nhóm bếp mỗi ngày…

mười năm con tập làm người của phố
tập nói cười hờ hững
tập bắt tay xã giao
với những lời chào hỏi vội vàng
tập bán mua đổi chác những giá trị đời thường…

mười năm con tập cụng ly ở những nhà hàng sang trọng
tham dự những buổi tiệc tùng chúc tụng ngợi ca
tập nói những lời nịnh nọt sáo rỗng
tập dạ thưa, cúi đầu kính cẩn trước những người xa lạ nhưng chức vụ cao…

mười năm con cũng không biết bao nhiêu lần con nóng lạnh với thời tiết cuộc đời, và cũng bấy nhiêu lần con uống những chén thuốc đắng mà đời mang lại…
không phải là chén thuốc nam mẹ hay nấu cho con uống mỗi khi đau ốm
không biết bao nhiêu lần con nếm cảm giác uất nghẹn tận tim gan
không phải những lằn roi mẹ đánh con khi con sai trái mà nước mắt mẹ lưng tròng….

mười năm đã bao lần con vấp ngã
rồi lại tự đứng lên như lời mẹ dạy ngày xưa
nhiều đêm con gọi mẹ thảng thốt trong mơ…
mười năm con vẫn không phải là người của phố
nhớ khói bếp nhà mình quá
mẹ ơi!

mười năm sao con không rứt ra được phố?
con cũng không biết mình đang chờ đợi một điều gì
và mắc nợ một nơi để đi về
mênh mông thương nhớ…

Mười năm chập chờn khói bếp
mười năm giấc ngủ không yên
nửa đêm giật mình
xồng xộc vào giấc mơ
mùi khói dẫn con về…

 


GIẤC MƠ TRÊN CÁNH ĐỒNG

 

chưa bao giờ người quê tôi quên nuôi hy vọng trên cánh đồng
mặc cho sự lam lũ như thói quen chịu đựng
đất đai của ông bà
sống với đất
chết về với đất
dù trên vai mang nhiều gánh nặng
điệp khúc vĩnh hằng:
“Thất mùa - Rớt giá…”

con đĩa đeo bám vào giấc mơ
hoảng loạn
những giọt nước mắt say ngủ lăn dài trên má
như những giọt mồ hôi rớt xuống cánh đồng
thấm
vào đất
vào mùa màng
vào cây trái
vào hạt gạo
vào số phận người quê tôi

khuôn mặt nám đen
nụ cười trắng tươi hoa sứ
chân thật đến tận cùng
sống với đất đến tận cùng
và cũng thấm những nỗi đau đến tận cùng  …

có ánh sao đêm rất lạ
rơi vào giấc mơ mang màu phù sa
mang niềm hy vọng
mùa màng bội thu

trên cánh đồng
có một giấc mơ trong sáng đến tận cùng….

 


TÌM MỘT CÁI TÊN


ngày rưng rức những đôi môi còn chín mộng
em lặng lẽ qua tôi
ùa về một miền tiềm thức
ứa những lỗi lầm

hong hóc như những cơn khát
chiều bặt tăm
đánh lừa ngày bằng một tin nhắn
đội nắng ra đi
còn lại gì?

tìm mãi một cái tên
quờ quạng trong đêm
lặn qua ngày nhung nhớ
lặn qua ngày chờ đợi
lặn qua những kí tự
xóa nhòa con chữ

tìm một cái tên trong quên lãng
mình tôi lang thang
con đường đầy nắng
đầy lá bay
đứng thẩn thờ dưới hoa mận trắng
tự dưng tóc đổi màu

cầm tuổi mình trên tay
cầm mùa trên tay
đi qua miền thơ dại

tìm một cái tên
cho mình!

 

Trần Sang

(nguồn: Tạp san Áo Trắng số 9 tháng 10.2014)


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com