Lâm Bích Thủy : Bình Định trong thơ YẾN LAN



Người đời cho rằng quê hương tôi là “địa linh nhân kiệt”. Tôi không biết mảnh đất eo hẹp ấy có linh thiêng và con người có thực sự kiệt xuất không? Song, dẫu xa quê từ rất nhỏ, phiêu bạc nơi đất khách quê người, nhưng cứ nghe nhắc đến hai từ Bình Định thì hình ảnh người anh hùng áo vải - vua Quang Trung Nguyễn Huệ, oai phong lẫm liệt dẫn đoàn quân chiếm Nam, dẹp Bắc, và dáng vẻ dũng mãnh của nữ tướng Đô đốc Bùi thị Xuân, dùng đôi chân bám dưới bụng ngựa vừa phi vừa bắn cung tên về phía giặc lại hiện rõ trong tâm trí tôi với niềm tự hào trào dâng; rồi cả những thửa ruộng, lũy tre làng, con sông, bến đò; tới bát canh ngót nấu bằng cá liệt, cá thu, cá ngừ lại xốn xang trong lòng tôi thật là khó tả...

 

nguyen-khaiRR

Từ trái: Nhà văn Nguyễn Khải, nhà thơ Yến Lan & nhà thơ Hoàng Minh Châu.Con gái nhà thơ Yến Lan, chị Lâm Bích Thủy cho biết, hiện nay Thị xã An Nhơn (Bình Định) đang có kế hoạch cấp cho gia đình 200 mét vuông đất - nguyên là nhà trẻ không còn sử dụng - làm Nhà Lưu niệm Yến Lan.


Ôi quê hương của tôi trong tuổi thơ sao mà nhớ và tự hào đến thế! Giờ đây, những hình ảnh ấy đã kết tinh lại thành chất men dịu ngọt như rượu Bàu Đá len vào tâm trí tôi, lôi tôi ngựơc về với những quá khứ của một vùng quê thanh bình, mà ở đó, thời ấu thơ của tôi, có người cha là thi sĩ. Người cha của tôi luôn hướng về quê hương; thông qua cái nhìn nhỏ nhoi của người nghệ sĩ nhưng dồn nén cả một không giang đa chiều về Bình Định trong bốn bài thơ: Bình Định 1935, Bình Định 1945, Bình Định 1947, Bình Định 1975-76  và tâm trạng ấy  đã vào cả cái Bến My Lăng huyền hoặc nữa.

Bài thơ “Bình Định 1935”, theo cha tôi là bài thơ ông tâm đắc nhất trong đời làm thơ của mình. Cũng chính bài thơ này, giúp tôi hiểu thêm về quê hương Bình Định trong thời quá vãng; hiểu thêm được tâm tình, ước vọng của cha về quê hương mà có lẽ chỉ trong “Bình Định 1935”- ông giải bày tha thiết trung thực nhất. Theo nhà thơ Từ Quốc Hoài: “ Trong cuộc đời sáng tác của mình, nếu Bến My Lăng là cái bến trong tâm tưởng của nhà thơ, là nơi khai mở những con đường mới “miền đất hứa” (dù chỉ trong mơ), Bình Định 1935  là ngọn cổ tháp sừng sững lưu giữ những vẻ đẹp của non nước, thì giờ đây những câu thơ còn đó như những bức tượng, những phù điêu được chạm khắc điêu luyện, tinh xảo đặt bên cạnh những ngọn tháp cổ tạo nên “một Bảo tàng Văn hóa” mang phong cách rất riêng của Yến Lan – Bình Định 1935:

Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt,
Đàng chờ xe, sông nước ước mong thuyền!
Tịch dương liễu không biết mình đang biếc,
Tương tư trời, tương tư nhạc triền miên…

Mây  nổi đó nhưng hồn chừng viễn xứ,
Nguyệt cô liêu trắng mộng hồ xa nao ?
Xe lỗi hẹn với người trong lữ thứ,
Trường  hận Thuyền muôn dặm cũng hư hao.

Ôi Bình Định, hương phong trường cách biệt,
Nhúng bâng khuâng trong đức hạnh sương hoa.
Nhà ngơ ngẩn, những tường vôi keo kiết,
Nam Quách sầu, Đông Phố quạnh, Tây Môn xa…!

Cây lặng lẽ vui làm bầy hải đảo,
Thuyền bồ câu nghiêng buồm trắng trôi ven.
Tăm chiêu mộ nổi trên dòng nước Đạo,
Rượu ân tình Bình Định xứ lên men.

Ôi Bình Định tự thành cao trao gửi.
Buồn xế tà qua mấy cửa rong xanh:
Nơi đã đọng những vũng đàn lạnh dợi
Cửa trăng gầy, gió luỵ xuống mong manh.

Nhà thiêm thiếp khổ trong quầng nắng nhạt,
Nhớ thương từ vườn chuối nuối vương đưa.
Giấc Trang Tử đêm vầy theo hội hát
Cuối đôi làng xam xám dệt tơ mưa.

Đây tôi sống trong thanh nghiêm thánh thất:
Đèn lưu ly hao sáng mộng tràn đầy .
Lan can đỏ xuống lần từng bậc bậc,
Lòng cuộn dần bậc bậc khói hương xây.

Hồn tôi loảng trên bệ vàng thếp chảy,
Cùng hồn trưa quấn quít lấy giao, lân.
Tám phương bạn chợp hàng mi mộng thấy,
Thái Bình trang vàng rộn lá thu phân.

Kiếp tòng bá có  xanh vì xứ sở,
Chớ quăng mình thêm nức nở hồn tôi.
Không được sống xin cho cùng được thở,
Vạn–lý-tình trong gió ngọt xa xôi.

Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc ?
Em nằm thương xanh biết của trời buồn !
Trên đài trán thơ hằng lên vọng nguyệt,
Trăng còn nương thuyền nhạc khuất trong sương.

Hoa tư tưởng phân thân chìu gió trải,
Trời Giang Nam hồ hải nói trong tâm.
Ôi Bình Định sao nằm trong mãi mãi…
Đĩa dầu vơi tim cháy ngọn âm âm...

Nhà Nghiên cứu văn học Khổng Đức viết: “Có một giai thoại là nhà thơ Lam Giang (Nguyễn Quang Trứ) cũng người Bình Định cùng lứa tuổi với Yến Lan - khi mới thoạt nghe hai câu đầu:

Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt,
Đàng chờ xe, sông nước ước mong thuyền!

"đã đập bàn hét to “ chỉ hai câu đã đủ là Bình Định rồi”, một Bình Định vắng vẻ đìu hiu của thập niên 30 của thế kỷ 20. Cảnh vật trong quê hương của Yến Lan hình như lúc nào cũng thắm thiết tình người, tình ở đây là thứ tình cảm hướng nội chủ quan… Cơ hồ như anh nắm bắt đối tượng rồi lại tách rời nó khỏi cái vũ trụ ngoại tại để cùng lặn hụp trong cái ngã thâm sâu của trầm ngâm suy tư.  Nhưng xuyên qua sự trầm tư và bằng vào thiên tư đặc biệt, anh cống hiến cho chúng ta một cái nhìn mới lạ, một sự diễn tả độc đáo về người và vật. Chính xuyên qua quá trình đó mà thấy được cội nguồn của thiên tài. Và phải chăng cũng từ vô thức bột phát nên nó luôn luôn mang tính ẩn dụ tượng trưng. Như “Hương phong trường cách biệt” là phong cách của trường thi Bình Định xa xưa, giờ có còn chăng cũng chỉ là sương hoa đức hạnh với nỗi niềm bâng khâng nhớ lại những gì đã mất….

Có đặt chân đến thành Bình Định trước năm 1945 mới cảm được ý thơ của bài Bình Định 1935. May mắn cho tôi là thời trẻ  có chút duyên với Bình Định nên đã đặt chân đến nơi này hai ba lần, đã từng dạo quanh trên bờ thành xưa. Trước ngày khởi nghĩa 1945 tôi đã ăn nằm trong  nhà Anh Yến Lan, nơi anh gọi là:

Đây ta sống trong xanh nghiêm thánh thất
Đèn lưu ly hao sáng mộng tràn đầy
Lan can đổ xuống  dần từng bậc bậc
Hồn cuộn dần bậc bậc khói hương xây..”

Có PV hỏi tác giả: “Trong cả cuộc đời làm thơ, ông tâm đắc bài thơ nào nhất”. Ngay tức khắc cha tôi trả lời “Bình Định 1935”.

Bản thân tôi, thỉnh thoảng nghe cha ngâm nga bài thơ; tôi cứ ngẩn ngơ trong sự hửng hờ của con trẻ. Tôi chưa thể biết được cái hay cái tài của tác giả mà nhiều người đã nói tới. Nhưng, người khiến tôi để tâm đến là người giảng viên của Trường ĐHSP Qui Nhơn, anh từng làm công tác tuyên truyền trong 9 năm kháng chiến với cha tôi. Anh cho rằng: “Trong sự nghiệp thơ ca của mình, Yến Lan có rất nhiều bài thơ hay, trong những bài thơ rất hay ấy, nếu cho phép xếp thứ hạng thì Bến My Lăng là thứ nhất và Bình Định 1935 là thứ hai. Bài thơ chứa cả 3 tố chất của một nhà thơ về cái “tâm-tầm-tài”. Một bài thơ tuyệt tác như vậy mà cô chẳng hề nhắc đến khi biên tập “Yến Lan, nhớ mãi về anh” cho mẹ.

Anh nhắc đi nhắc lại “đáng tiếc vô cùng”, rồi ân cần khuyên “lần sau nếu có viết về Bình Định, nhất thiết cô phải đưa bài thơ vào. Khi ấy cô nên bình giảng nhè nhẹ ý bài thơ để cho đọc giả thấy được những nét độc đáo của quê hương Bình Định và cái hay cái tài của tác giả đã viết ra nó”.

Lúc ấy, tôi không hiểu hết những ẩn ý mà cha đã mã hóa vào từng âm, chữ của bài thơ. Và như ông Đinh Tấn Dung nhiều lần khuyên: “Cháu không thể làm rõ nổi ý của tác giả trong bài thơ này đâu. Đó là một bài thơ có ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh nhạc điệu mới lạ ca ngợi vẻ đẹp - nơi  tác giả được sinh ra và trưởng thành. Người đọc bài thơ thấy thích thích bởi nhạc điệu mà nhà thơ phả hồn vào đó, nhưng họ không hiểu hết ý của tác giả. Cháu mà giải thích không rõ, sâu thì uổng cho bài thơ của ba cháu đó. Nếu chú nói không ngoa thì cả nước ta, người hiểu về bài thơ này, hiện nay chỉ tính trên đầu ngón tay”.

Chính vì lời khuyên ấy mà tôi quyết tâm tìm hiểu nó hơn lúc nào hết, đó cũng là cớ để tôi tìm về cội nguồn “Điạ linh nhân kiệt” của mình.

Qua tíếp xúc, hoặc tình cờ gặp vài đọc giả yêu thơ Yến Lan, tôi thấy “Bình Định 1935” không chỉ riêng tác giả, nó còn lay động được nhiều bạn đọc bao thế hệ, nhất là đối với người dân Bình Định. Anh giáo viên người Huế khoe:  "Sở dỉ tôi yêu Bình Định là nhờ vô tình đọc được bài thơ này của cụ nhà và nhờ nó mà tôi được làm rể của Bình Định". Tại sao bài thơ có sức lôi cuốn người đọc đến như thế? Trong  Yến Lan - cốt cách một đời thơ  của Từ Quốc Hoài đã đề cập rằng:

“Binh Định 1935 được nhà thơ viết vào năm 20 tuổi. Bài thơ còn ít người được biết đến, mà lẽ ra nó phải có mặt trong những tuyển thơ lớn của Việt Nam. Cho đến nay, Binh Định 1935 mới chỉ được biết đến qua một vài câu trích để minh chứng cho sự ra đời “cách tân” của thơ Việt Nam:

-Thuyền bồ câu nghiêng buồm trắng trôi ven
-Trên đài trán thơ hằng lên vọng nguyệt
-Trăng còn nương thuyền nhạc khuất trong sương
-Lan can đổ xuống dần từng bậc bậc
–Hồn cuộn dần bậc bậc khói hương xây
-Hoa tư tưởng phân thân chiều gió trải
-Hồn tôi loãng trên bệ vàng thếp chảy”

-Vậy tại sao không phải là  “Bình Định 1930”, không phải là “Bình Định 1938” mà cứ là “Bình Định 1935”. Hãy ngược về những năm 30 của thế kỷ trước, Việt Nam ta do chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng gay gắt của các nước tư bản năm 1933. Cuộc khủng hoảng này tất nhiên đã tác động nặng nề đến các nước tư bản, trong đó có nước Pháp ("mẫu quốc" của Việt Nam lúc bấy giờ). Trước tình trạng kinh tế bị khủng hoảng nặng nề, đế quốc Pháp đã trút gánh nặng kinh tế ấy lên vai các nước thuộc địa ở Đông Dương - trong đó Việt Nam chịu hậu quả nặng nề nhất. Trong giai đoạn này, tỉnh Bình Định nói chung, thị trấn An Nhơn nói riêng là một bộ phận của nước Việt Nam nên đã bị tác động mạnh, đến nỗi làm cho đời sống, sinh hoạt vật chất mà nói thẳng ra là nền kinh tế của địa phương này không ngóc đầu lên được..  Cuộc khủng hoảng mang tính chất dây chuyền, đến năm 1935 là thời điểm gay gắt nhất của thị trấn Bình Định. Cuối năm 1934 đầu 1935 Bình Định ở trong tình trạng:

Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt
Đàng (đường) chờ xe, sông nước ước mong thuyền.

Hai câu thơ đầu cho ta thấy về kinh tế, vật chất quê nhà hòan tòan là con số không. Tất cả mọi thứ gọi là cuộc sống của con người nơi đây phải cậy nhờ vào các vùng bạn lân cận:

Tịch-dương- liễu không biết mình đang biếc
Tương tư trời tương tư, nhạc triền miên.

Hai câu thơ này, thông qua hình ảnh của hàng dương liễu rũ để nêu lên đại cuộc. Người dân ở đây bị bóp nghẹt và bị đầu độc đến nỗi không nhận biết chính mình mà cứ tương tư đến một nơi xa xôi nào đó tít tận trên trời cao.. .Chính tác giả đã tỏ bày: “... những cụm liễu trong màu xanh tươi mát lại không biết mình đang tươi xanh, cứ tương tư đến ông trời trên cao, mà Trời thì cũng đang buồn nên lại tương tư lên ông trời trên tầng cao hơn nữa. “Tương tư trời tương tư”.

“Bốn câu thơ này thể hiện tài hoa của Yến Lan. Đáng lẽ nói: Thị trấn Bình Định lúc nầy, cơ sở công nghiệp không có gì, việc mua bán bị đình trệ, nông dân không có gạo ăn, sinh hoạt của thị trấn hoàn toàn “trông cậy” vào sự “giao lưu” “tiếp tế” của các vùng khác nhưng, với tài hoa trác việt của mình, Yến Lan đã tái hiện những điều khô khan ấy thành những hình tượng thơ vô cùng tài hoa”- (Cao Kế).

Nhìn toàn cảnh bức tranh thị trấn Bình Định vào năm 1935 được vẻ bằng ngôn ngữ, thật tiêu điều, xơ xác, vắng vẻ đìu hiu làm sao! vì đâu? Nguyên nhân sâu xa là người dân sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, lại bị ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế từ các nước tư bản năm 1933 ụp xuống đầu. Song, nguyên nhân chính và trực tiếp là do sự bốc lột vơ vét của thực dân Pháp với cả nước nói chung, miền Trung, và Bình Định nói riêng, làm cho thị trấn bị cách biệt “Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc”, làm cho đời sống nhân dân lầm than, tăm tối không nhận biết mình chỉ biết co cụm lại trông chờ vào sự giao tiếp của bạn.  Ba tôi giải thích:

“Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc” có người nghĩ - Em ở đây là một cô em như kiểu người yêu của tác giả .. Thật ra trong bài này không có gì nói đến tình yêu và người thứ ba nào. Ý tác giả, ngay từ đầu bài đã nhuốm lên cái không khí cô liêu của mảnh đất và nỗi cô quạnh của người làm thơ: Trong bài chỉ có 2 người thôi: Một - trên kia là Trời.  Hai- dưới này là tác giả . Em, đây là lời tác giả xưng hô với Trời, gọi Trời nhìn xuống để thông cảm cho tâm tư của mình đang sầu não".

Trong bối cảnh bị vây hãm như vậy người dân đâu dễ nhận ra cái giá trị tìim ẩn của quê hương mình. Song, bằng sự hiểu biết và tầm nhìn, nhà thơ đã khắc họa được không giang đa chiều của Bình Định. Ông cho rằng tương lai sẽ là miền đất hứa không chỉ riêng trong nước:

Tám phương bạn chợp hàng mi mộng thấy,
Thái Bình trang vàng rộn lá thu phân.

Và Bình Định sẽ dang rộng cánh tay để mời gọi:

Cây lặng lẽ vui làm bầy hải đảo,
Thuyền bồ câu nghiêng buồm trắng trôi ven.
Tăm chiêu mộ nổi trên dòng nước Đạo,
Rượu ân tình Bình Định xứ lên men.

Chịu khó đọc, ngẫm ta sẽ nhận ra tâm trạng của tác giả, người đang sống nơi bị ca dao chê là "hay lo". Ta cũng nên tìm hiểu đôi chút về câu ca dao miền Trung này: (Quảng Nam hay cải/ Quảng Ngãi hay co/ Bình Định hay lo/Thừa thiên ních hết) . Vì sao người Quảng hay co và cãi ? Người ta cho rằng người xứ Quảng thích hiếu động, thích tranh luận. Còn vì sao người Bình Định lại hay lo; vì Bình Định không có cái ưu thế nổi bật như bạn láng giềng xứ Quảng, bởi vì Bình Định lúc nào cũng ở trạng thái thấp thỏm trước những tai ương bất trắc, lành ít dữ nhiều, mà khả năng tự vệ trước những hiểm nguy hầu như mong manh vì bị cách biệt, bên cạnh cái nghèo khổ đeo đẳng. Nhà ngơ ngẩn, những tường vôi keo kiết bên cạnh cái cảnh đìu hiu vắng vẻ trước sau:

“Nam Quách sầu/Đông Phố quạnh,/Tây Môn xa…
Của trăng gầy, gió lụy xuống mong manh”.

Đặc biệt câu “Tăm chiêu mộ nổi trên dòng nước Đạo” hầu như người đọc nào cũng hỏi. Theo sự hiểu biết rất hữu hạn, tôi xin phép giải bày. Chữ Đạo trong câu được viết hoa có ý nói về đời sống tâm linh, đạo hạnh, con đường dẫn bước, địa danh (huyện, làng, xóm..)  Còn chữ Tăm là tiếng tăm. Chiêu mộ ở đây có nghĩa là tấm lòng mong được chiêu tụ về một điểm. Như vậy câu này trọn nghĩa ta hiểu: Bình Định là nơi mong chiêu mộ được nhiều bậc hiền tài bằng tấm chân tình, đạo đức. Chữ Đạo còn có ý nói đạo đức của người Bình Định. Người Bình Định sống an phận, không hay kiện tụng làm phiền đến ai, không bon chen, sống lương thiện và giàu lòng trắc ẩn. Chẳng thế mà ngay từ triều Nguyễn cuốn “Quốc Sử Quán” đã viết về người Bình Định “…học trò chăm học, người dân siêng cày, tính tình trầm tĩnh, dũng cảm, thích việc nghĩa.”

Đáng tiếc là bài thơ ít được phổ biến nên nhiều bạn không hiểu hết ngọn nguồn, Mà bài thơ lại được làm cách nay 75 năm cho nên một số từ rất cũ vì vậy khi in có nhiều câu sai lệch. Ví dụ: chữ con đàng tức là con đường - nói rộng ra là lòng người:

- “Đàng chờ xe sông nước ước mong thuyền” ý nói con đường thì mong mỏi những chuyến xe ngược xuôi .., còn sông nước thì mong có thuyền bè ra vào tấp nập trên bến, nhưng vì nơi đây đang bị vây hãm nên chỉ mong ước rất giản đơn như vậy. Có chỗ in là “Đứng chờ xe‘...

Ở câu thứ 10 chữ Nhúng (bâng khuâng)  thì in là   Nhưng. Như vậy nghĩa của các câu hòan tòan khác, làm lệch hẳn ý tác giả!-  Nếu tác giả mà còn sống thì chỉ biết lắc đầu chịu thua.
- Đoạn thứ 9 của bài thơ có sự khác biệt trong hai tác phẩm đã đăng tải bài thơ này. Trong “Nước non Bình Định” – nhà thơ Quách Tấn ghi lại:

“Kiếp tòng bá có xanh màu xứ sở,
Chớ quăng mình thêm nức nở hồn tôi .
Không được sống xin cho cùng được thở,
Vạn lý tình trong gió ngọt xa xôi .”

Trong “Thơ Yến Lan” (nhà XB Văn học 1987) lại ghi:

“Nhánh tùng bách có đau vì xứ sở,
Chớ quặn mình thêm nức nở hồn tôi.  

Tuy vậy, hai đoạn thơ này đều phản ảnh rõ nét nỗi niềm day dứt của nhà thơ đứng trước tình cảnh quê hương, đất nước đang bị thực dân Pháp đô hộ nhưng lại núp bóng dưới danh nghĩa là “Mẫu quốc bảo hộ” mà “Toàn quyền” điều hành việc triều chính của Nam triều. “Kiếp tòng bá “ ở đây chỉ rõ vua quan nhà Nguyễn đã phục tùng mẫu quốc. Câu thơ vừa là khẳng định vừa là một câu hỏi sắc bén cho tất cả các chức sắc triều đình Huế  về mục đích cuối cùng của cuộc đời làm vua, quan “ …có xanh màu xứ sở ” để giữ cho cuộc sống của quê hương mãi mãi là mầm xanh, mang lại sự ấm no cho con dân, tự do cho dân tộc, hay chỉ là mưu lợi, thu vén quyền bính trong tay để chăm lo cho đầy túi tham..(Thừa thiên ních hết). mà bán rẻ lương tâm, quên mất cội nguồn mình là người dân nước Nam, là con cháu Lạc Hồng: “Chớ quặng mình…” mà lòng tác giả lại càng thêm đau “thêm nức nở hồn tôi .” Bài thơ được kết thúc bằng bốn câu:

Hoa tư tưởng phân thân chìu gió trải,
Trời Giang Nam hồ hải nói trong tâm.
Ôi Bình Định sao nằm trong mãi mãi…
Đĩa dầu vơi tim cháy ngọn âm âm...

Trong hai câu “Hoa tư tưởng... nói trong tâm) tác giả phản ánh chân thật thực trạng của lớp trí thức thời bấy giờ; họ là những người có tri thức và trí tuệ (hoa tư tưởng) nhưng trong thời lọan không biết chọn cho mình con đường đi; người thì “lựa theo chìều gió để bẻ măng” người thì “nằm chính giữa cân trời đất” chờ cơ hội...

Hai câu cuối nêu bật được cái tâm của nhà thơ, ta nhận ra ngay nỗi day dứt trước hình ảnh người Bình Định vẫn chưa chịu tỉnh dậy, cứ nằm mà nghĩ hòai về “cái thời xuống đông, đông tĩnh, lên đoài đoài yên” họ cứ nghĩ về cái thời mà có lúc người Bình Định cũng được ngẩng cao đầu tự hào về chiến công lẫm liệt của vua Quang Trung Nguyễn Huệ - chỉ có tiến không có lùi, chỉ có thắng không có bại, bằng chiến công quét sạch 29 vạn quân Mãn Thanh tại trận Ngọc Hồi Đống Đa (Tết kỷ Dậu năm 1789) thực hiện “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ). Đã đập tan 5 vạn quân Xiêm trong trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm Xoài Mút (1785)  giờ đã thành quá vãng rồi (đĩa dầu vơi tim cháy ngọn âm âm).

 

L.B.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com