ANH THƯ: Công sở ngày có lương

 

“Tin tin” “Tin tin”… Tin nhắn rộn rã từ iphone của trưởng phòng. Cả một chuỗi tin nhắn. Điện thoại di động của phó phòng 1 cũng reo nhưng rụt rè hơn. Tiếp đến di động của phó phòng 2, phó phòng 3. Các viên chức mẫn cán đang yên lặng, đang mê mải, đang lúi húi làm việc. Phó phòng 3 là người thường trực online điện thoại bất chợt reo lên: “A, nàng đã về”. Sau lời phó phòng 3, hơn chục điện thoại của hơn chục nhân viên trong phòng dồn dập tin nhắn, bàng hoàng tin nhắn. Tất cả dừng tay. Những cặp mắt vốn chăm chú vốn mờ đục vì màn hình máy vi tính bất chợt sáng lên. Tất cả chộp lấy điện thoại của mình, cử chỉ đầy hào hứng tự nguyện. Người ấn kẻ trượt. Những tiếng cười cất lên, giòn tan, sảng khoái. Cười lảnh lảnh, cười ha ha, cười hi hi...

tranh-t-t-Hng-Tr-ng

Tranh Tết Hàng Trống. Chỉ mang tính minh họa

Tiền đã về rồi.

Lương đã có rồi.

Một tháng hai lần lĩnh lương. Một tháng hai lần nhỏ giọt lương. Một tháng có hẳn 2 lần sung sướng, hai lần đạt khoái cảm. Niềm vui thật lành mạnh mà chả mất đồng xu nào bao thầu cho nó.

Từ ngày khủng hoảng kinh tế đến giờ, mỗi lần họp hành cơ quan, sếp đều dặn dò anh em phải hết sức tiết kiệm, tránh lãng phí. Tiết kiệm từ những chi tiết tưởng nhỏ nhặt như điện như nước. Tiết kiệm từ tờ giấy photo đến cái bút bi, túi đựng giấy. Những thể loại này lẽ ra phải tính đến từ lâu rồi. Tài nguyên ngày một cạn kiệt. Cha chung không ai khóc. Nếu mỗi người đều chung tay góp sức cho những việc nhỏ, nhiều việc nhỏ góp lại thành việc to. Như vậy là thiết thực, văn minh và trách nhiệm.

Hội cafe cà pháo vốn không thích cơm căng tin, buổi trưa hay lang thang ra ngoài, gặp gì ăn nấy rồi lê la quán cafe buôn chuyện, tiêu hết cả giờ nghỉ. Hôm nào ăn xong, nhất là ăn món bún riêu cua hoặc bún đậu mắm tôm mà không ngồi cafe là ngứa ngáy khó chịu, tưởng như đó là nhu cầu là thói quen không thể bỏ. Ấy vậy mà hội này cũng dần dần nhận ra rằng đi lang thang buổi trưa như thế rất hại sức khỏe. Thôi về cơ quan cho đỡ nắng. Về ngủ một giấc, tỉnh dậy làm gói cafe hòa tan, vừa sạch sẽ, vừa tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Ô, hóa ra cai cái gì chứ cai cái liên quan đến việc tiêu tiền cũng chẳng khó khăn lắm!

Hội trà được thiết lập, gồm những thành viên hoạt động tự nguyện, không giấy tờ biên bản. Mỗi tháng hội viên đóng 20 nghìn. Chị lớn tuổi nhất phòng đảm nhận việc giao dịch... trà, rụt rè không dám mua loại ngon nhất, vì uống chung, tốn lắm. Đấy là chưa kể người uống nhiều kẻ uống ít. Chưa kể người ngoài hội vui chuyện cũng lan man. Rồi thỉnh thoảng còn khách khứa...

Sau vài tháng hoạt động thiếu nề nếp, hội chè đi vào con đường tan rã. Nguyên nhân thì có một vài nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là mỗi lần đóng tiền, tổ trưởng tổ trà toàn phải hô hào rồi đi thu từng người một, tổ trưởng mệt mỏi, tổ trưởng không “vác tù và hàng tổng” nữa.

Bớt trà dư tửu hậu lại có thời gian nhiều hơn dành cho công việc riêng. Ai có mối làm ăn gì ở bên ngoài thì triệt để khai thác. Ai chăm chỉ hạt bột thì bắt đầu lân la facebooks, khám phá sự kì diệu của thế giới ảo rồi ngồi cười rinh rích, cười hi hi một mình. Em  xinh đẹp nhất phòng thường đến cơ quan nhoáng nhoàng rồi lặn mất tăm. Nhưng mỗi lần đến, em được mọi người chú ý bằng nhưng tin giật gân đọc từ trên mạng, kèm theo vài lời nhận xét phẩm bình của riêng em. Cách em xướng to những tin ấy còn hấp dẫn hơn cả lối câu view của báo mạng, khiến người nghiêm túc nhất phòng cũng phải hào hứng “bầu bạn góp cổ phần”.

Trở lại với những tiếng tít tít vui tai kia. Hôm nay là ngày lĩnh lương. Hôm nay là một trong hai ngày được mong đợi nhất tháng.

Đến cơ quan vào đầu giờ sáng, phó phòng 3 không vào phòng cất cặp mà tạt ngang sang bộ phận kế toán, dí dủm với chị kế toán trưởng và cô thủ quỹ một lát. Phó phòng 3 vốn quan tâm sâu sát đến cơ sở, hiểu tâm trạng anh em, nhất là anh em trẻ mong những tiếng tít tít kia như thế nào. Tuy không nói ra nhưng ai cũng biết phó phòng 3 là người giỏi xoay sở, đảm đang tháo vát, một mình đi làm nuôi được mình được vợ được con, tất tần tật bốn miệng ăn.

Được tiếng nề nếp trong sinh hoạt, kẻng một cái là ăn, kẻng một cái là ngủ, vậy mà khi những tiếng tít tít ấy vang lên, phó phòng 3 tự nhiên biến mất tăm. Chưa 11 giờ đã biến mất tăm. Nhắn tin hỏi anh có ăn cơm không để em còn gọi. Nhắn trở về hôm nay anh có hẹn ra ngoài nhé. “Lại đi nhậu đấy thôi”. Trường phòng bình luận về sự mất tích bí hiểm của phó phòng 3 nhưng mắt trước mắt sau đã không thấy nàng đâu nữa. Chắc nàng hẹn với… chồng.

Phó phòng 2 gọi điện thoại về nhà: “Alô, con cắm cơm chưa? Ừ thôi, không phải làm thức ăn đâu. Để mẹ mua về”.

Phó phòng 1 phát cho mỗi người một mẩu phiếu bé ngoan, trên đó loằng ngoằng nét bút bi ghi số tiền thuế thu nhập phải nộp, rồi xướng to để anh em nghe thấy, rằng chuẩn bị tiền ngày mai đóng thuế, đóng luôn một lúc cho khỏi lây rây. Phó phòng 1 vốn là người nguyên tắc và ít bị chi phối bởi “ngoại giới”.

Dưới sảnh lớn tầng hai, cửa tự động liên tục mở ra lại khép, khép rồi lại mở. Hôm nay là thứ sáu cuối tuần, lại sắp đến giờ nghỉ trưa nên không khí có vẻ tất bật hơn mọi ngày. Từ các cửa các ngách, tiếng giày cao gót khua rổn rảng, váy sớ rung rinh, cười nói ồn ào. Cánh mày râu như vui tính hơn, tươi hơn sinh động hơn trong mắt chị em.

Taxi dừng lại ở cổng cơ quan. Vài anh chị khom người bước lên, líu ríu.

Cây ATM ở ngay cửa cơ quan tất bật hoạt động. Khe nhận thẻ tạch tạch nuốt vào rồi lại tạch tạch đẩy ra. Tiếng đếm tiền trong máy lạch xạch lạch xạch. Khe rút tiền từ từ, chầm chậm nhả tiền. Động tác của nó bị mặc định, thản nhiên đến nỗi chẳng quan tâm gì đến xúc cảm của người đang đứng đối diện, vừa khum khum tay che bàn phím vừa sốt ruột muốn nhanh nhanh lên vì sau mình còn vài người lố nhố. Sốt ruột mà động tác phải cực chính xác cực dứt khoát. Làm bạn với máy ATM đâu phải dễ. Phải nâng mình lên, phải cập nhật công nghệ. Sơ xảy ấn nhầm nút, hoặc còn chần chừ lựa chọn phím nọ phím kia, hoặc không nhớ password...vv... dễ mà bị nuốt thẻ. Nuốt thẻ là gay go. Nuốt thẻ khi tiền đã bị trừ rồi thì còn gay go nữa, còn khốn khổ nữa với anh ngân hàng, trong khi bao đồng nghiệp đứng ở bên ngoài đang chờ đợi thế chỗ.

Đột nhiên, máy ATM báo lỗi. Chẳng hiểu lỗi thật hay do hết tiền.

Cung cách làm việc của anh ngân hàng rõ là thiếu sóng phẳng. Động rút tiền là báo lỗi. Thôi, hôm nay không rút được để ngày hôm sau rút. Cơm không ăn gạo còn đó. Ơ nhưng mà ví em chỉ còn vài trăm, chiều về phải đóng tiền bán trú cho thằng Bốp. Thì đi sang cây khác mà rút. Ơ mà cây khác, khác ngân hàng là phải lệ phí đấy nhé. Năm ngàn hay hơn ba ngàn gì đó. Mỗi lần chỉ rút được 2 triệu. Rút hai, ba lần mất đứt trên dưới chục ngàn. Xót ruột. Thời buổi bão giá khủng hoảng, động đến tiền dù vài ngàn cũng xót ruột. Huống chi nếu tính sơ sơ mỗi người rút mất chục ngàn lệ phí, một ngày ngân hàng thu được bao nhiêu tiền? Xót ruột!

Cô bạn cùng phòng cứ lầm bầm như thế và nhanh chóng thiết lập một phép tính nhân. Từ phí ngân hàng lan man rẽ sang chuyện phiếu thu điện thoại. Cô bạn bảo tháng này em cũng chẳng gọi gì nhiều mà hóa đơn điện thoại tăng hơn tháng trước mấy chục ngàn. Cô bạn tỉ dụ nếu nhà cung cấp điện thoại chỉ lập lờ lấy thêm của mỗi người một ngàn đồng thôi thì tính ra, mỗi tháng có một triệu thuê bao chẳng hạn họ đã thu về một tỷ đồng. Chà, từ một ngàn đồng đến một tỷ đồng, con số lợi nhuận đâu có nhỏ, thiệt hại của người tiêu dùng đâu có nhỏ!

“Ôi, thằng quỷ! Sao mất tích từ bao lâu thế? Sao biết số điện thoại của tao? Ừ, đến đây đi, 53 Bà Triệu nhé, tớ sẽ đợi ở cổng”. Cô bạn đang tính toán chợt hớn hở vì nhận được cuộc gọi từ cậu bạn thủa mẫu giáo. Chà, thế là mình bị bỏ rơi rồi.

“Alo, hôm nay Kama có ăn cơm không” “Ôi anh ơi, hôm nay Kama* đi ăn tiệc hết rồi, cho em một suất thôi nhé. Giản dị mà ngon anh nhé”.

Trưa này cầm chắc ăn cơm một mình. Nghĩ đến cảnh phải đối diện với hộp cơm văn phòng là bao hứng thú bay đi hết. Thôi thế cũng được. Ăn rồi tranh thủ làm cho xong việc, chiều còn về sớm đón con. Chuông điện thoại cầm tay kêu leng keng leng keng. Màn hình hiện lên ảnh cô bạn thân đang nhăn nhó như … khỉ ăn gừng. “Uây, gì thế?”  “Này, Alkado đang giảm giá, “seo” 50 đấy, đi không?” “Chậc, giảm 50 thì vẫn xót lắm!” “Hình như có mẫu mới, đi không thì bảo?” “Ờ, ờ... để nghĩ tí đã...” “Xì, có gì mà phải nghĩ. Mua mặc vào người chứ có mất đi đâu.” “Nhưng tao gọi cơm rồi.” “Thì bỏ. Đáng bao nhiêu. Tao bao.” “Chậc, đi thì đi…”

...

Lương ơi, đừng vơi nhé!

 

Anh Thư

Chú thích: Kama*: Trong cuốn “Những người rót biển vào chai”, nhà thơ Vân Long kể chuyện “Hội Kama” của nhà thơ Vân Long gồm những người bạn thỉnh thoảng gặp nhau, ăn uống cùng nhau, vui với nhau cốc bia sau đó chia đều tiền mỗi người trả một phần.

 

Cùng một tác giả:

Tình ngoài (hay là câu chuyện vui tặng đồng nghiệp)

Lấy chồng công chức

Con Xám


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com