HUỲNH VĂN HOA: Những phiên tòa trong văn học

maithurrr

Tranh vẽ Kiều của họa sĩ Mai Trung Thứ

 

1.    Phiên tòa của tình người

Quá giờ Mùi, huyện đường Thanh Quan vẫn còn im ắng. Bữa nay, quan huyện về tỉnh, việc công được xếp lại. Rảnh rỗi, thầy thơ lại ngồi đánh cờ với mấy tên lính lệ. Bóng chiều dần ngả. Sau một hồi xem sách, bà huyện đứng lên, đến bên án thư xem những sổ sách của chồng. Mắt bà bỗng dừng  lại trước một tờ đơn. Đọc qua, lòng bà xốn xang khó tả. Đời người phụ nữ sao lắm khổ đau, oan nghiệt thế. Bà trầm ngâm suy nghĩ. Nỗi khổ của người phụ nữ trong đơn cứ lởn vởn trong đầu. Bà huyện đi đi lại lại trong phòng. Con tim nhói đau, bước tới cầm tờ đơn, bà quyết phê ngay:

Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai
Chữ rằng xuân bất tái lai
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già

Án lệnh xong, bà quay về thư phòng. Nắng nhạt dần. Xa xa, tiếng chim từ quy vọng lại, từng hồi, từng hồi một.

Sách Giai thoại văn học Việt Nam (Hoàng Ngọc Phách - Kiều Thu Hoạch sưu tầm, biên soạn - NXB Văn học - 1965) ghi lại rằng, về sau, nghe đâu người chồng kiện. Một trong những lý do khiến quan huyện Lưu Nguyên Uẩn mất chức, trong đó có việc bà huyện xử cho Thị Đào bỏ chồng. Sách Vườn kỳ trong phủ chúa (Nhiều tác giả - NXB Hà Nội 1985) lại không thấy nói chuyện này. Dẫu rằng, ông huyện có bị huyền chức chăng nữa, thì đối với người đời, Bà Huyện Thanh Quan vẫn để lại một tấm lòng. Trong đời, mấy ai có được chút tình nhân hậu đó.

Trong phim Hà Nội trong mắt ai, đạo diễn Trần Văn Thuỷ không đồng ý với phiên tòa ấy. Ông kết luận khá gay gắt: Ông huyện mất chức. Thế mới biết cái máu mê văn nghệ dính vào việc quan trường đôi khi cũng rắc rối là thế. Lời phê có cay nghiệt quá chăng đối với một nữ tu sĩ đất Tây Hồ. Đây còn là giai thoại mà!

 

2.    Phiên tòa của ân oán

Đọc Truyện Kiều, ai mà không nhớ phiên toà Lâm Tri do Từ Hải dựng lên để nàng Kiều xử án. Gần hai trăm năm rồi, bút mực đổ ra cũng nhiều để bàn luận về nó. Kẻ khen người chê, chưa hồi kết thúc. Trong phiên toà ấy, Kiều đã đóng vai chánh án để phân định ân oán.

Mở đầu phiên tòa, trong khung cảnh gươm lớn giáo dài, tinh kỳ rợp sân, Kiều nói, báo ân rồi sẽ trả thù. Người đầu tiên được gọi đến là Thúc Sinh. Mới giáp mặt quan toà mà mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run, khi Kiều nhắc lại nghĩa nặng nghìn non, Lâm Tri người cũ, cố nhân, Thúc Lang vẫn còn trong cảnh hồn bay phách lạc. Vậy mà, sung sướng thật, chẳng những không tội mà còn được nhận :

Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân
Tạ lòng, dễ xứng báo ân gọi là ...

Đến phút ấy rồi, hoàn hồn lại nhưng Thúc Sinh vẫn mồ hôi chàng đã như mưa ướt đầm. Thật là ngoài dự kiến của anh chàng sợ vợ hơn sợ trời, quen thói bốc rời này!

Kế đến, Kiều tạ ơn bà quản gia, vãi Giác Duyên. Hai người này, ơn nhỏ, nhưng tình trọng: Nghìn vàng gọi chút lẽ thường, mà lòng phiếu mẫu mây vàng cho cân. Kiều còn nói thêm :

... Xin hãy rốn ngồi
Xem cho rõ mặt, biết tôi báo thù

Đến phiên xử oán, Hoạn Thư là người được gọi vào trước nhất. Mới trông, Kiều đã chào thưa, đã gọi tiểu thư. Lời lẽ cũng nanh nọc, đanh đá đấy, nhưng không, bẫy đang giăng. Sau những lời chào, cách xưng hô, dầu hồn lạc phách xiêu, Hoạn Thư vẫn còn đủ tỉnh táo để giở điều kêu ca:

Rằng : "Tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình
Nghĩ cho khi các viết kinh
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo
Trót đà gây việc chông gai
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng "

Biết là kẻ cắp bà già gặp nhau, Hoạn Thư khôn khéo đáo để, vừa che tội, vừa kêu gọi lượng bể bao dung của Kiều. Khôn ngoan đến mực nhà bình Kiều Vũ Trinh (1769 - 1828) cũng phải thốt lên: “Câu nào lý lẽ cũng chính trực cả “. Trước cách nói năng phải lời ấy, Kiều đã:

Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay

Hoạn Thư tự mình đóng vai trạng sư đã thành công, còn Kiều thì mất vai trò quan tòa của mình. Cả phiên tòa và người đời sau đều ngơ ngác cả. Lý do để Kiều tha Hoạn Thư, có thể nhiều. Người bảo do chi phối thiên kiến giai cấp, kẻ nói tòng phạm nhẹ hơn thủ phạm. Nhưng nên hiểu Kiều, trong giây phút cực kỳ rối bời ấy, nàng đã bình công luận tội theo đúng trái tim mình. Chẳng thế mà sau này, qua lời lại già họ Đô, dân miền Lâm Tri đã khen nàng :

Đã nên có nghĩa có nhân
Trước sau trọn vẹn, xa gần ngợi khen

Vậy mà, Tố Phu trên báo Đại Đoàn Kết số 6/1991 trong Bình Kiều xử án, hoàn toàn không đồng tình với phiên toà đó, đã viết:

Thà rằng đừng xử Kiều ơi
Xử như thế để cho đời mỉa mai !

Chao ôi, thương quá cho người phụ nữ suốt một đời gió táp mưa sa này!

 

3. Phiên tòa của công lý

Trong Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh có dựng lên một thần công lý để phân định thiện - ác, qua đó, nói nhiều điều về cuộc sống. Vấn thoại (Hỏi tội) vốn nằm trong Nhật ký trong tù, nhưng các lần xuất bản trước chưa đưa vào.

Bài thơ công bố lần đầu tiên trên báo Nhân dân, số ra ngày 13/5/1978.

Bài thơ vỏn vẹn có 12 câu, diễn ra như một màn kịch ngắn. Xếp theo thứ tự, bài nằm thứ 11, sáng tác lúc Bác ở nhà ngục Tĩnh Tây. Bài thơ có hai nhân vật: pháp quanphạm nhân. Pháp quan cố ghép tội (hữu tội, thuyết giả), phạm nhân cố minh oan (ngã lương dân, ngã ngôn chân). Vòng vo mãi, cuối cùng, pháp quan lộ ra hai con người: con người giả đóng vai quan tòa, cầm cán cân công lý và con người thật: Pháp quan tính bản thiện. Vậy mà sao muốn ghép người vào tội, lại giả bộ ân cần nữa? Thì ra, tất cả đều do hoàn cảnh xã hội. Cái xã hội bạc ác tinh ma thời Tưởng Giới Thạch buộc con người phải vậy. Ở đây, ánh sáng và bóng tối, lương dân và phạm nhân chỉ còn là gang tấc, là sợi tóc. Trên bờ vực đó, kết luận bài thơ, Hồ Chí Minh viết :

Giá lưỡng cực chi gian
Lập trước thần công lý


(Ở giữa hai cực đó
Công lý đứng làm thần)

Ngoài tiếng nói phê phán, Vấn thoại còn là một lời khẩn thiết vang lên: Cần phải nhân đạo hoá hoàn cảnh. Tính triết lý, tính đạo đức của bài thơ là ở đó. Tính nhân văn Hồ Chí Minh cũng ở chỗ đó.

 

4. Phiên tòa của hạnh phúc


Toà án lập ra là để xử những vụ việc liên quan đến con người. Có phiên toà xử tội phạm hình sự. Có phiên toà xử chia bôi của nả. Và cũng có phiên toà xử về hạnh phúc gia đình. Bài thơ Hai chị em của Vương Trọng nêu lên những số phận chung quanh phiên tòa thứ ba ấy. Gia đình đó có bốn người, bố mẹ và hai con. Đứa chị bảy tuổi, đứa em trai ba tuổi. Cả chị lẫn em đều ăn chưa no lo chưa tới, trí óc còn ngây thơ, vụng dại. Buổi sáng hôm đó, nhà không nấu nướng, không ai trò chuyện. Hai cái bóng nơi hai đầu ngõ. Họ ra tòa, không biết nói gì mà lâu thế! Quá giờ ăn, thằng bé kêu gào, thảm nhất trong lời dỗ của con bé:

- Nín đi em, bố mẹ bận ra toà ...

Trí non nớt, cứ tưởng :

Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi
Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về

Và nó cứ dỗ, em cứ khóc:

Thằng bé khóc bụng chưa quen nhịn đói
Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm

Đứa chị lại dỗ :

Nín đi em ...Nín đi em ...

Nhưng :

Biết lấy gì dỗ cho em nín đâu
Ngoài hai tiếng ra tòa vừa nghe nói ...

Hai chị em hoàn toàn không biết, rằng, sau phiên toà ấy: Đứa còn mẹ thì thôi mất bố. Hai chị em rồi sẽ mất nhau. Chắc là, trong cãi vả về  quyền lợi và nghĩa vụ, họ không nghe khản giọng khóc gào và đầm đìa nước mắt của hai đứa trẻ con, chị em đã bắt đầu cảnh đời ly tán.

Chừng như không đủ can đảm để viết thêm bi kịch của gia đình đó, Vương Trọng kêu lên đầy đau đớn:

Những bố mẹ ở bên bờ chia cắt
Phút giây thôi hãy nghe tiếng con mình

Bài thơ kết thúc nhưng tiếng khóc của chị em đứa bé còn vang vọng mãi, xoáy vào trái tim con người, cảnh báo: Hãy bảo vệ hạnh phúc gia đình.


H.V.H

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com