HUỲNH VĂN HOA: Đá trong thơ

Đá là khoáng sản vô tri vô giác, tồn tại khách quan trong cuộc sống của con người. Dưới góc độ đời sống, đá gắn liền với nhiều sinh hoạt hữu ích của xã hội. Nó có mặt trong xây dựng, trong trang trí nội thất, trong tạo hình sinh vật cảnh... Từ hàng nghìn năm nay, nhân loại đã sử dụng đá trong kiến trúc và nhìn nó như đối tượng thân thuộc, gần gũi với con người, quen thuộc với con người. Đá đi vào văn chương nghệ thuật, làm nên những hình tượng đẹp, gây nên những ấn tượng khó quên nơi người thưởng thức. Không biết từ bao giờ, nhân loại đã nói đến đá, đã đưa đá vào văn chương và nghệ thuật, cả Đông lẫn Tây đều vậy. Con người tìm đến đá, trò chuyện với đá, xem đá như người bạn tâm giao. Nếu tập hợp đầy đủ, chắc rằng chúng ta sẽ có nhiều tác phẩm hay về đá.

da-1

Bản in NXB An Phú  (Sài Gòn - 1953). Tư liệu L.M.Q

 

Cuộc đời với bao lo toan, bận rộn, khiến cho con người nhiều lúc không bình tâm để nhìn và suy ngẫm về sự lặng im đầy chất triết học của đá. Đâu phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Trãi khi lui về Côn Sơn thì viết Côn Sơn ca với những dòng thơ:
 

Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm  
Trong ghềnh thông mọc như nêm
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm
Trong rừng có trúc bóng râm
Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn…

(Phan Võ - Lê Thước-Đào Phương Bình dịch, Thơ văn chữ Hán Nguyễn Trãi, NXB Văn hóa, HN,1962)

Sau này, trong dịp kỉ niệm 600 năm Nguyễn Trãi (1380-1980), nhà thơ Thanh Thảo đã viết:

Lui về Côn Sơn tránh chốn bụi lầm
Gối đầu lên hòn đá thay vì danh vọng
Con thuyền ấy vẫn không nguôi nhớ sóng
Lật mỗi trang thơ biển từng lúc hiện về . . .

(Về cái chết của Nguyễn Trãi)

Nguyễn Trãi nhiều lần đưa hình tượng đá vào thơ ca của mình. Bài thơ Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác (Sau loạn đến Côn Sơn cảm tác), Ức Trai viết:

Hà thì kết ốc vân phong hạ?
Cấp giản phanh trà chẫm thạch miên

(Bao giờ làm được nhà dưới ngọn núi mây,
Để múc nước khe pha chè và gối đầu đá ngủ)

Với những bài thơ như thế, phần lớn Nguyễn Trãi bày tỏ tâm trạng, nỗi niềm, suy tư về thế thái nhân tình.

Cả đến Nguyễn Công Trứ cũng vậy. Những tấn tuồng ảo hoá của sự thế, ông tìm đến thiên nhiên để bày tỏ, dạng như: Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ Giữa trời vách đá cheo leo/ Ai mà chịu rét, thì trèo với thông. Trong văn học cổ Việt Nam, Nguyễn Công Trứ, cũng như các nhà thơ phong kiến khác, khi thực tiễn đời sống không phù hợp với lý tưởng, họ đều tìm đến với phong hoa, tuyết nguyệt, vui thú điền viên, kiểu như: thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ, rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà. Lẽ xuất xử của đạo Nho dạy họ như vậy, vì thế, trong một bài thơ, Nguyễn Công Trứ viết:

Tòa đá Khương công đôi khóm trúc
Áo xuân Nghiêm tử một vai cày
Thái bình vũ trụ càng thong thả
Chẳng lợi danh chi lại hóa hay!

Bà Huyện Thanh Quan với Thăng Long hoài cổ đã suy ngẫm về sự hưng phế của một triều đại, ngẫm về bao sự thế ở đời,  nữ sĩ viết:

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường...

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã 14 lần sử dụng từ “đá”, nào là: lệ rơi thấm đá, cho lăn lóc đá, đá biết tuổi vàng, đá cũng nát gan, đá nát vàng phai, đá vàng thủy chung,… với nhiều ngữ cảnh và cung bậc khác nhau, có lúc để chỉ cái cứng bền, trung thành trong cuộc sống, có lúc để chỉ cái kiên trinh, bền chặt trong tình yêu. Trong buổi chiều xuân gặp gỡ của Kim - Kiều, Nguyễn Du viết:

Đã lòng quân tử đa mang
Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung

Sau đó, tình yêu của đôi trai tài gái sắc này là:

Từ phen đá biết tuổi vàng
Tình càng thắm thiết, dạ càng ngẩn ngơ.

Sau này, khi rơi vào tay Hoạn Thư, tại Quan âm các, Thúc Sinh đã bẽ bàng nói với Kiều:

Thẹn mình đá nát vàng phai
Trăm thân dễ chuộc một lời được sao!  

Ôi, cái anh chàng Thúc Sinh sợ vợ, người đã “thề giữ lòng như đá vàng, mà để cho đá thì nát, vàng thì phai, tức là không giữ lời thề” (Đào Duy Anh, Tự điển Truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974, trang 115).

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng nhiều lần đưa hình ảnh đá vào thơ. Không thể khác hơn với các cung đường, với những người nữ thanh niên xung phong của Trường Sơn phá đá mở đường, “đưa lên rừng mấy chục vạn người con / Không thể nói là không đói không sốt“, không có những hy sinh, những mất mát. Vậy mà:

…Dân tộc ấy có gì kỳ lạ
Một nước bao nhiêu là đá Vọng phu
Những năm tháng đợi chờ, những thập kỷ đợi chờ
Chỉ một là người, hai là hóa đá
Dân tộc ấy có gì kỳ lạ…

Trong văn học Việt Nam, hình tượng “vọng phu” trở thành mô-típ nghệ thuật, với nhiều cách nhìn, cách thể hiện khác nhau. Bài Vọng phu của Chế Lan Viên là một ví dụ. Đây là một bài thơ hay, nhiều tầng nghĩa:

Là tượng đá của những thời binh lửa
Nàng vọng phu đầu sông hơn gì nàng Tô Thị cuối sông…

Người ra đi chắc gì quay lại nữa
Trên đầu non lòng đá vẫn kiên trinh

da-2

Bản in của Hãng đĩa Việt Long (Sài Gòn - 1947). Tư liệu L.M.Q

Kiên trinh trong chờ đợi, bao cánh chim khuya bay qua vai đá, bao vành trăng tròn rồi lại khuyết, đá đợi chồng “một mình với mây, một mình với gió”, “một phút đợi chờ sâu một bể thời gian”. Bài thơ kết thúc bằng một giọng điệu thê thiết, day dứt:

Không hóa thạch kẻ ra đi, hóa thạch kẻ đợi chờ
Xói mòn những non cao, không xói mòn lòng chung thủy
Đá đứng đấy giữa mưa nguồn và chớp bể
Đợi một bóng hình trở lại giữa đơn cô.

Nhà thơ nữ Thu Nguyệt có bài thơ Từ lúc ấy diễn tả nhiều cung bậc của tình yêu gắn liền với đá. Đá đã trở thành đối tượng nghệ thuật,  thành nhân vật trữ tình của bài thơ. Bài thơ như sau:

Em ngồi hoá đá thành thơ
Trả anh ngày tháng anh chờ lúc yêu    
Em ngồi hoá đá thành chiều
Trả  anh cái  nụ  hôn  liều  ngày xưa
Em ngồi hoá đá thành mưa
Trả  anh  cái  phút  anh  đưa qua cầu
Xa nào anh có hay đâu
Đá  từ  lúc  ấy  bây  giờ  hoá  em

Người con gái đã “hoá đá” chờ người yêu, chờ ở nhiều thời khắc, nhiều tâm trạng. Cái hay của bài thơ là từ “hoá đá” giờ thành “hoá em”. Đá đã hoá thành chiều, thành mưa để trả tháng ngày chờ đợi, trả cái nụ hôn liều, trả cái phút đưa nhau qua cầu. Bài thơ lạ ở cách viết và nhiều người thích. Cũng viết về tình yêu, Thu Bồn trong bài thơ Tạm biệt Huế, nhà thơ viết:

Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia

Bài thơ viết về Huế (1980) của Thu Bồn đã nói rất hay về nón Huế, áo dài Huế, đền đài Huế, sông và cầu xứ Huế, một nơi mà : “một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu”. Thực và mơ đan cài vào nhau, dùng dằng như sự lững lờ của sông Hương. Cuối cùng, để giữ Huế, nhà thơ đã tự nguyện “hóa đá phía bên kia”, xin Hải Vân giữ ngọn sao khuya và chờ đợi người về !

Em ơi! Hà Nội - Phố, bài thơ của Phan Vũ, nói về tình yêu Hà Nội, về mùi hoàng lan, mùi hoa sữa, về “mỗi góc phố một trang tình sử “ và về “những con đường vắng, rì rào cơn mưa nhỏ “của gã tình si:

Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa
Tháng năm dừng lại
Một ngôi nhà
Gã Trương Chi ôm ghi-ta
Từng đêm
Hóa đá…

Lại là một cách “hóa đá” từ đôi mắt buồn, đọng lại của những tháng năm xa ngái, của tiếng đàn chùng đi từng đêm, từng đêm.

Trần Đăng Khoa có bài thơ Trước đá Mỵ Châu được nhiều người đọc yêu thích. Bài thơ viết tại Cổ Loa, ngày 12-3-1974, lúc nhà thơ 16 tuổi. Truyền thuyết An Dương Vương với nhân vật Mỵ Châu đẫm đầy nước mắt, thu hút bao thế hệ người đọc, gợi lên bao thương cảm về cái chết đầy chất bi kịch, gắn liền với vận nước điêu linh, khiến đời sau luôn nghĩ và nhớ đến người phụ nữ này. Trước khi vào bài thơ, Trần Đăng Khoa có lời dẫn giải như sau: “Ở bãi biển Thanh Hóa nổi lên một phiến đá hình cô gái cụt đầu. Nhân dân cho đó là nàng Mỵ Châu bị cha chém chết, hóa đá, nên đã dùng võng đào đưa “nàng” về Đền Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội”. Bài thơ mở đầu:

Người dân nào xưa đưa em về đây
Cho em gặp bố
Người bố mất nỏ thần, giận em, ruồng bỏ
Nhưng nhân dân mình không nỡ bỏ em…

Bao đời nay, nhân dân rất độ lượng với Mỵ Châu, hiểu rõ sự trong trắng và  tha thứ cho lỗi lầm của nàng:

Nhớ vận nước có một thời chìm nổi
Bắt đầu từ một tình yêu

Em hóa đá ở trong truyền thuyết
Cho bao cô gái sau em
Không còn phải hóa đá trong đời.

Chế Lan Viên có một tâp thơ, mang tên Hoa trên đá ( NXB Văn học, HN, 1984). Mở đầu tập thơ, tác giả lý giải về việc đặt tên bằng một bài Đề từ, dài đến 10 khổ. Bài thơ bắt đầu:

Đời ngoài tuổi năm mươi   
Mong gì hương sắc lạ   
Mọc chùm hoa trên đá
Mùa xuân đâu chịu lùi…

da-3

Bản in NXB Văn Học (1984)

Chế Lan Viên biết cái hữu hạn của đời người: Anh như ông vua Thục/ Bị đuổi bởi thời gian/ Trước mắt là bể lớn/  Sau lưng đất không còn. Viết nhanh lên cho kịp/ Lũ sắp ập về kia/ Đạp tháng ngày mà viết/ Còn âm à nỗi chi. Hiểu tâm trạng này của Chế Lan Viên, ta mới hiểu vì sao những năm cuối đời, nhà thơ như bị thời gian xua đuổi: Viết đi! Viết đi ! Viết ! Viết/ Thời gian nước xiết. Cuối cùng, nhà thơ cũng hiểu và tâm sự với đá:

…Trong giấc ngủ vô cùng của Đá
Cùng vô hạn đêm khuya và vô hạn sao trời…
Ta bản lĩnh thì đá kia bản lĩnh, mà ta  
cô đơn thì đá hóa cô đơn.

Ngọn Thi sơn Chế Lan Viên đã trở về Cõi Quên, đã đi hết thời gian ở trên trái đất, đã gửi lại cho đời bao giọt nước mắt thi ca cùng với nhiều hình tượng đá đầy chất triết học, triết luận, vô cùng đa sắc, đa thanh.


HUỲNH VĂN HOA

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com