HUỲNH VĂN HOA - Mùa tựu trường nhớ Thanh Tịnh

Có lẽ những ai đã đi qua ngưỡng của nhà trường đều ít nhiều nhớ Thanh Tịnh. Thanh Tịnh là nhà văn của mùa tựu trường. Với lời văn trong sáng, nhẹ nhàng, qua Tôi đi học, ông đã để lại tâm hồn bao thế hệ học trò những cảm xúc khó quên.

thanh-tinh

Thủ bút nhà văn Thanh Tịnh (nguồn: Hỏi đáp giáo dục Việt Nam - Lê Minh Quốc biên soạn - NXB Trẻ -2001)

 

"Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường ... Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và và giá lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này, tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học" (Quê Mẹ, NXB Văn học, Hà Nội 1983, trang 85).

Thiên truyện tràn ngập chất thơ, có phảng phất chút gì của Anatole France trong Sách của bạn tôi (Le livre de mon ami). Nhưng ở đây, cái không gian làng quê - làng Mỹ Lý đầy thân thương của tác giả - với bầu trời trập trùng của mùa thu và xiết bao tâm trạng của cậu học trò nhỏ lầu đầu đến lớp, được Thanh Tịnh tả rất hay. Cảnh và người của "buổi mai hôm ấy ...", đối với chú bé, không còn như ngày nào, cả đến ngôi trường mà trong một lần bẫy chim, cậu đã ghé qua rồi. Chút lo sợ vẩn vơ xen lẫn bao ý nghĩ ngây thơ và non nớt xâm chiếm toàn bộ tâm hồn, vừa ngập ngừng, không dám rời tay mẹ, vừa ước ao được như những người học trò cũ biết thầy biết bạn khỏi phải rụt rè nơi cảnh lạ... được nhà văn ghi lại thật cảm động.

Có thể nói, viết Tôi đi học, Thanh Tịnh đã cho chúng ta sống lại những êm đềm cũ, chút êm đềm một lần và mãi mãi không bao giờ trở lại, song cũng chẳng thể nào quên được. Năm tháng phủ lên đời người biết bao vui buồn lẫn lộn. Có điều là, những gì của buổi sáng đầu tiên ấy vẫn cứ thức dậy khi mỗi mùa tựu trường đến, gợi lên trong mỗi chúng ta những cảm giác nao nao buồn. Và, tưởng cũng không có ngạc nhiên lắm khi người ta đồng nhất Thanh Tịnh với mùa tựu trường.

Thanh Tịnh là nhà văn của tình thương mến, đậm đặc chất trữ tình. Trên từng trang viết, ông trải những sợi tơ lòng của mình về cảnh và người quê hương. Nói như Thạch Lam khi giới thiệu tập Quê Mẹ: "Thanh Tịnh đã muốn làm người mục đồng ngồi dưới bóng tre thổi sáo để ca hát những đám mây và những làn gió lướt bay trên cánh đồng, ca hát những vẻ đẹp của thời thôn quê ". Mỗi truyện ngắn Thanh Tịnh là một bài thơ nho nhỏ, đẹp nhưng buồn. Thanh Tịnh là nhà văn yêu tha thiết quê hương mình. Dường như đối với ông, làng Mỹ Lý là cái gì thiết thân, không thể không nói đến mỗi khi cầm bút. Trước năm 1945, Thanh Tịnh vừa làm thơ vừa viết văn, nhưng văn trội vượt hơn. Vốn sinh trưởng ở một vùng đất lắm sông nước của miền Trung - vùng Thừa thiên - Huế - cho nên trong văn, ta bắt gặp không ít những đầm phá, bờ bãi, bến đò, dòng sông, cả những câu hát tình tứ vang lên khi "Tình về Đại Lược, duyên ngược Kim Long ...". Song, chỗ người đọc đến với Thanh Tịnh chính là những cảnh đời bẽ bàng, ngang trái, đầy thương cảm, gợi chút gì bùi ngùi. Những con người quê ông sống cuộc đời hiền lành, chân chất nhưng hạnh phúc không mỉm cười với họ. Vì thế, truyện thấp thoáng cái không khí buồn buồn, lằng lặng. Một cô Thảo (Quê Mẹ ) lấy chồng xa, "chiều chiều  gặp những lúc nhàn rỗi, cô lại ra đứng cửa sau vơ vẩn nhìn về làng Quận Lão. Nhưng làng Quận Lão ẩn sau đám tre xanh đã kéo một gạch đen dài trên ven đồi xa thẳm". Một cô Duyên dịu dàng, chờ một mối tình không bao giờ trở lại. Rồi một đêm, tàu hỏng, người ấy trở về. Trở về trong thoáng chốc. Lại ra đi biền biệt. "Từ đấy về sau, mỗi lần chuyến tàu đi qua sân ga Mỹ Lý, cô Duyên lại tưởng trái tim cô ngừng đập ... nhưng sự thật thì con tàu vẫn vùn vụt chạy qua giữa cánh đồng hoang vắng, giữa những đêm mưa gió dầm dề, lạnh lùng và mãnh liệt " (Bên con đường sắt), bỏ cô lại một mình. Nỗi hắt hiu trong đợi chờ lại tiếp tục. Hay một ông già mù, làm cu-li xe kéo, phải nhờ đứa cháu dẫn đường. Cái khổ như đổ xuống đôi vai gầy của ông lão. Một đêm, tàu về, hai ông cháu mừng thầm, nhưng không ... chẳng có một khách nào. Để khỏi tắt niềm hy vọng của người ông, đứa cháu đã bê tảng đá nặng bỏ lên xe, giả làm người khách. Đêm về khuya, gió lạnh. Ông lão mù vẫn kéo xe. Ông biết  nhưng vẫn cứ chạy, như tự  đánh  lừa  mình, biết ra thêm  khổ, "lòng vẫn hy vọng những chuyện không bao giờ có được". Cuối cùng, cái lạnh giá, đói rét, cái già yếu, buồn đau đã đánh gục ông (Am cu-li xe). Truyện không dài nhưng âm hưởng nghe tê tái, xót xa.

Thế giới văn chương của Thanh Tịnh là thế giới của những con người hiền lành khắc khoải, chờ một đổi thay của cuộc sống. Đằng sau một bến đò, một mùa gặt, một nhà ga lẻ, một đêm cuối năm... ta gặp một Thanh Tịnh yêu mến nơi chôn nhau cắt rốn của mình một cách sâu nặng, đằm thắm, qua những truyện ông kể. Ở đó, sau luỹ tre làng, sau những bến bờ sông nước, vẫn những người dân quê trải tâm hồn mình ra với tình làng nghĩa xóm, một "thứ tình êm dịu , nhẹ nhàng, thứ tình của những người dân quê hồn hậu Trung kỳ, diễn ra trong những khung cảnh sông nước, đồng ruộng" (Vũ Ngọc Phan - Nhà văn hiện đại - Thăng Long - Sài Gòn 1960 - trang 1195). Có phải vậy mà hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, người đọc vẫn tìm đến với ông, sẻ chia với tác giả nỗi niềm thương nhớ!


HUỲNH VĂN HOA

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com