THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Tường thuật đêm biểu diễn lần đầu tiên của TRỊNH CÔNG SƠN

LÊ MINH QUỐC: Tường thuật đêm biểu diễn lần đầu tiên của TRỊNH CÔNG SƠN

Sống trong đời, mối tình đầu bao giờ cũng để lại những dấu ấn khó phai, bởi sau đó người ta cũng có thể tiếp tục yêu một lần nữa, thậm chí một trăm lần nữa thì các mối tình ấy liệu còn còn nguyên vẹn cảm xúc ban đầu hay đã hằn dấu vết của kinh nghiệm? Với một nhạc sĩ cũng vậy. Tôi nghĩ rằng, đêm biểu diễn đầu tiên, lần đầu tiên xuất hiện trước đám đông cũng giống như lần thứ nhất bước đến với mối tình đầu đời. Và Trịnh Công Sơn không phải ngoại lệ.

tap-chi-Van

Tạp chí Văn - số bào tường thuật đêm diễn đầu tiên của Trịnh Công Sơn

 

Nếu bài viết “Phác thảo chân dung tôi” được xem là hồi ký của ông thì trong đó, ông dành hẳn một phần để viết về “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Ông viết: “Năm 1964 - 1965 tôi được các bạn tổ chức buổi ra mắt đầu tiên trước quần chúng tại khu đất trống sau lưng trường Văn khoa Sài Gòn cũ (nay là Thư viện Quốc gia). Với tôi, đây cũng là buổi thể nghiệm xem mình có thể tồn tại trong lòng quần chúng được không?

Trước đám đông mấy nghìn người gồm đủ thành phần văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên tôi cảm thấy mình quá trơ trọi và đầy lo âu trên bục gỗ với cây đàn ghita dưới ánh đèn. Với một hành trang nhẹ nhàng bằng mười hai ca khúc nói về quê hương, ước mơ hòa bình và những bài sau này được gọi là “phản chiến” tôi đã cố gắng hết sức để một mình đảm nhận vai trò đưa nỗi lòng của mình đến quần chúng. Buổi hát đã để lại một ấn tượng khá tốt đẹp cho cả người trình bày lẫn người nghe”.

Khi nhắc lại kỷ niệm khó quên này, tất nhiên Trịnh Công Sơn viết bằng trí nhớ. Còn tôi, bây giờ, tôi muốn viết lại đêm trình diễn ấy qua tài liệu của báo chí thời đó đã đưa tin. Theo nhà báo Hữu Bảo, tạp chí Bách Khoa - tờ báo có uy tín do ông Lê Ngộ Châu chủ biên - thì nhà văn Thế Uyên có bài tường thuật. Số báo này tôi chưa tìm ra. Hiện tôi chỉ tìm được bài “Một buổi trình diễn nhạc đáng chú ý” đăng trên tạp chí Văn số 67 (1.X.1966) chủ đề “Đặc biệt tưởng niệm Vũ Trọng Phụng”. Tạp chí Văn - do ông Nguyễn Đình Vượng chủ nhiệm, được xem là “sân chơi” văn chương của các cây bút trẻ và các tác giả sáng giá nhất thời đó - nhắc lại như thế để thấy sự ghi nhận này là nghiêm túc và khách quan. Về thời gian trình diễn, bài báo này tường thuật cụ thể:

“Hồi 8 giờ tối hôm 22.9 vừa qua, Chương trình Phát triển Học đường (CPS) đã tổ chức tại trụ sở của Chương trình thuộc khu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn một buổi trình diễn nhạc của Trịnh Công Sơn. Chủ đề của buổi trình diễn là Huyền thoại, Quê hương, Tình yêu và Thân phận, nhằm giới thiệu một số nhạc phẩm do Trịnh Công Sơn sáng tác và trình bày. Buổi trình diễn tuy được chuẩn bị gấp rút nhưng không vì thế mà thiếu chu đáo. Và mặc dù đã được loan tin hạn hẹp số thính giả đến dự vẫn vượt quá rất nhiều con số mà ban tổ chức dự trù. Cho in rô-nê-ô ba trăm tập nhạc của Trịnh Công Sơn để phát trước cho các bạn thính giả làm quà kỷ niệm, ban tổ chức dự tính sẽ phát hết hai trăm

tập còn một trăm tập sẽ dành riêng cho các thân hữu. Nhưng cuối cùng ban phụ trách đã phát hết mà vẫn còn nhiều, còn rất nhiều người không có. Nghĩa là số khán giả đến nghe Trịnh Công Sơn lên đến con số năm, sáu trăm người”. Sân khấu đã thiết kế ra sao? Bài báo này cho biết: “Dưới một ngọn đèn nhỏ thả từ trên chiếc trần thủng xuống, trên một bục gỗ hai đèn chiếu lên, phía sau là ba bức tranh mà bức ở giữa thật lớn đặt trên một tấm lụa đỏ làm nền, với bộ đồ thường, quần và áo sơ mi xám, với một cây đàn cũ kỹ có sợi dây đeo bằng dây dù trắng, với cắp kính trắng hơi trễ dưới vầng trán rộng và mái tóc bồng như “cái cò cái vạc”, Trịnh Công Sơn đã xuất hiện trước những tiếng vỗ tay nổ ròn như pháo Tết. Nhà thơ Tô Thùy Yên đã đứng ra giới thiệu bạn anh. Lời giới thiệu trang trọng và được viết rất công phu”.

Thử hỏi, lúc ấy nhà thơ Tô Thùy Yên đã giới thiệu như thế nào?

Tìm kiếm lại trong tài liệu đã sưu tập về nhạc sĩ mà mình hằng yêu mến, tôi ngờ rằng đó là bài viết đã in ngay những trang đầu và bìa 4 của tập Ca khúc Trịnh Công Sơn - chủ đề Thần thọai quê hương, tình yêu và thân phận (NXB An Tiêm ngày 15.11.1966). Trong chuyên mục Người Yêu sách của PNO gần đây, chúng tôi đã giới thiệu tập nhạc này. Nhưng, ta hãy trở lại bài viết này vào dịp khác.

Lúc ấy “Người ta muốn được nghe hát. Và hãy mau lên. Nên người ta vỗ tay cám ơn nhà thơ để yêu cầu người nhạc sĩ xuất hiện. Chương trình dự định trình diễn tất cả 8 bài và Trịnh Công Sơn còn được sự giúp sức của Lệ Thu trong phần hát. Nhưng phút chót không có Lệ Thu. Lý do: nàng đau cổ. Và Trịnh Công Sơn hát một mình. Liên tiếp ba bài: Nước mắt cho quê hương, Ca dao Mẹ, Xin mặt trời ngủ yên. Sau mỗi bản là những tràng pháo tay kéo dài. Khán giả bắt đầu bước vào thế giới nhạc của Sơn. Âm điệu và lời ca rất lạ. Nhất là sau khi đã nhàm chán với những loại nhạc thời trang không ngừng rên rỉ hàng ngày, người ta thấy nhạc của họ Trịnh là một báo hiệu vui mừng. Nó muốn trở mình. Nó muốn thay đổi. Nó muốn nói những điều chưa ai nói bằng nhạc. Về quê hương. Về huyền thoại. Về tình yêu. Về thân phận”.

Nhưng... đêm diễn ấy, chính Trịnh Công Sơn sau này cho biết: “Chỉ có một hạt sạn nhỏ nằm giữa hai phần của chương trình lúc nghỉ giải lao. Đó là sự có mặt của Phạm Duy trên bục gỗ tự đề nghị hát một bài góp vui. Trong khi không khí đang trầm láng sau những bài hát nói về bom đạn và những vết thương trên thân thể quê hương, Phạm Duy đã cùng khoảng vài chục đệ tử trong nhóm Du ca của ông đồng ca bài “Sức mấy mà buồn”. Đây là những bài ca đầy tính chất khôi hài và giễu cợt một cách thiếu đứng đắn. Về sau trên báo “Văn” đã có tường thuật về buổi trình diễn và phá phách không đúng chỗ ấy của một người đã quá nổi tiếng lúc bấy giờ”.

Thật vậy, bài báo này viết: “Trong lúc Trịnh Công Sơn nghỉ mệt để hát nốt phần tiếp theo của chương trình thì có nhiều tiếng hò Phạm Duy, Phạm Duy, kiểu híp híp hơ, híp híp hơ trên những sân túc cầu, hay những nơi võ đài...” Lập tức Phạm Duy “cởi phăng áo vét vứt xuống bục và đeo đàn lên vai. Sức mấy mà buồn, thôi bỏ đi Tám; Những ai con nhà lành, ai con nhà rách. Với tài pha trò dí dỏm, với mấy ca khúc thuộc loại “vỉa hè” mới sáng tác của anh, Phạm Duy đã làm vui và làm cười mọi người nghe anh. Nghe anh hát, có người gọi đùa loại nhạc mới này của anh là loại nhạc “thuốc bổ”. Anh muốn “chích” thuốc bổ cho mọi người vui sống. Nhưng mấy mũi thuốc ấy, bất hạnh thay, lại làm mất đi gần hết cái không khí cần thiết mà Trịnh Công Sơn đã tạo được trước đó để sửa soạn cho nửa phần sau chương trình của anh” và “mấy bài hát của Phạm Duy đã xé đôi chương trình nhạc của Trịnh Công Sơn... Giữa một buổi récital nhạc của một người khác mà anh Phạm Duy hát một lúc ba bốn bài của anh thì quả là một việc đã làm cho nhiều người ngạc nhiên và khó hiểu”. Nay, đọc lại hồi ký của Phạm Duy, ở các chương 19 và 20 có viết về Sức mấy mà buồn và ca ngợi tài năng của Trịnh Công Sơn, nhưng tôi không thấy ông kể lại chi tiết trên.

Sau cùng “Buổi trình diễn nhạc Trịnh Công Sơn đã chấm dứt bằng hai phần tách rời như thế. Với người già và người trẻ. Và những giọt nước mắt cho quê hương... Chúng tôi đã ra về trước khi tiếng hát cuối cùng chấm dứt. Lúc ấy là mười giờ đêm. Ngoài trời mưa lất phất bay và hơi thu thấm lạnh...”. Về chương trình đầu tiên này, với Trịnh Công Sơn “Trong tôi bắt đầu sáng lên một khái niệm: đó là ý thức về trách nhiệm của người sáng tác đối với quần chúng”.

Người tường thuật lại đêm diễn này ký tên Thư Trung. Đó là bút danh của nhà văn Trần Phong Giao, bấy giờ đang là thư ký toà soạn của tạp chí Văn.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn:

http://phunuonline.com.vn/nguoi-yeu-sach/thu-choi-sach/tuong-thuat-dem-bieu-dien-lan-dau-tien-cua-trinh-cong-son/a66403.html

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com