THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - GÁI ĐẸP TRONG TÔI - Lời Tựa của nghệ sĩ Bạch Tuyết

Lê Minh Quốc - GÁI ĐẸP TRONG TÔI - Lời Tựa của nghệ sĩ Bạch Tuyết

Mục lục
Lê Minh Quốc - GÁI ĐẸP TRONG TÔI
*THÊM MỘT QUAN NIỆM VỀ PHỤ NỮ ĐẸP
Lời Tựa của nghệ sĩ Bạch Tuyết
Lời Bạt của blogger LÊ PHƯƠNG THẢO
MỤC LỤC
Tất cả các trang

 

*CẢM THỨC ĐÀN BÀ

Tiến sĩ - NSƯT BẠCH TUYẾT

Một nghệ sĩ ca kịch - cải lương và một ông nhà thơ, tôi đồ rằng, Quốc hiếm khi xem cải lương; và tôi, siêng năng đọc bài báo của ông nhà thơ nhiều hơn là đọc thơ của ông nhà báo.

gaideptrong_toi_R

Và Gái đẹp trong tôi - tức là trong mắt, trong tay, trong lưỡi, trong ý của Lê Minh Quốc đã bỗng chốc hiển lộ. Nhưng lần này, Lê Minh Quốc gần với một nhà bình giảng, lại là một tay bình giảng văn thơ nhạc họa… “mất nết”, hào hoa nhất, phong lưu nhất trong những nhà bình giảng đứng đắn, nghiêm cẩn. Đông Tây kim cổ, những tinh hoa phát tiết lưu giữ từng nền văn hóa rực rỡ nhất đã được Lê Minh Quốc mời lại, dẫn dắt, quây quần, tất cả duy chỉ dưới một cảm thức đắm đuối, nồng nàn, hoang hoải, quay quắt: cảm thức Đàn Bà.

Đến đây, tôi hình dung thật rõ gương mặt của cậu học sinh trung học Michael lần đầu tiên được ngắm nhìn Hanna trong một buổi chiều ướt đẫm. Michael run rẩy và… phát sốt khi hơi thở của cậu chạm lên từng miền da thịt ngồn ngộn của người đàn bà. Thằng bé con trở thành một người đàn ông, từ đấy Michael say mê làm “người đọc” (Der Vorleser - Bernard Schlink) của Hanna, họ nghe - đọc dưới ánh sáng của tình yêu, của hy vọng và sự hy sinh tuyệt vời cho tình yêu.

Lê Minh Quốc đã không giấu giếm mình - một người đàn ông không chịu… lớn, anh ta là một đứa trẻ, háo hức, tị mị rồi lại chán ngán, buông xuôi; anh ta chân thành, ngây thơ rồi lại nghi hoặc, ghen tuông… Cả một pho văn chương nghệ thuật, Quốc đắm chìm trong cảm nhận và rồi, chàng ta kéo gần lại trong cảm giác của một hành trình suy nghiệm từ chính bản thân mình. Trước Đàn bà - tôi thích gọi như thế hơn là Gái đẹp, Quốc ạ, - Quốc thật thà - ranh mãnh; Quốc tinh tường - khờ khạo; Quốc chiêm ngưỡng - hững hờ và rất thật là một Lê Minh Quốc khát khao kiếm tìm, khám phá cái đỉnh cao “Đẻ là sự sáng tạo. Đàn bà là kẻ sáng tạo. Họ sáng tạo ra vũ trụ này…”; “…không gì đẹp bằng người đàn bà bụng chửa dạ mang/ từ đây có một trái đất của riêng nàng/ được đặt bình yên tại nơi thánh thiện/ nàng cao quý mỉm cười mãn nguyện/ gìn giữ cho riêng mình/ một hành tinh/ một bình minh/ đặt tên là Sự Sống”.

Với Gái đẹp trong tôi, Lê Minh Quốc trình diện mình qua nghệ thuật khảo cứu và một kiểu đọc - Quốc cũng là một “người đọc” trước kho tàng ca dao tục ngữ, trước áng Kiều tuyệt tác, trước những mảnh ghép từ thời Cổ đại, qua Phục hưng đến Đương đại. Từng điểm mốc văn hóa ấy, Lê Minh Quốc lớn dần lên và đĩnh đạc trong cách nhìn, lối nghĩ, để rốt cùng, đối diện với những cuộc tình nhân gian, Quốc tự cảm: “Yêu? Nghĩ cho cùng là một cách từng bước hoàn thiện bản thân”. Đàng hoàng quá, tử tế quá và… chân lý quá, ông nhà thơ ạ !

Một điểm gặp, khá hiếm hoi là trong Gái đẹp trong tôi, Quốc có vẻ rất “Idol” - thần tượng - Thúy Kiều - cũng là một nhân vật lớn trong gia sản làm nghề của tôi. Nói không ngoa, lần này, Lê Minh Quốc lại góp thêm vào nhân gian một kiểu đọc Kiều, như trước đây Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giải mã Kiều bằng “Thả một bè lau”.

Và tôi cảm động, hơn thế, tôi muốn cảm ơn Lê Minh Quốc đã đau đáu giùm tôi về cái quan niệm “xướng ca” như một dấu lặng truyền kiếp, không dễ dàng cởi bỏ. Trên hành trình đi tìm Gái đẹp, Quốc bất ngờ rẽ ngang câu chuyện của mấy trăm năm trước, phản kháng trước quan niệm con nhà hát tuồng, hát chèo, hát ả đào không được đi thi, Đào Duy Từ rời bỏ Bắc Hà vào phương Nam trở thành một trong những vị khai quốc công thần cho nhà Nguyễn. Một câu chuyện, đúng ra là một dữ liệu đã đọc nhưng qua lối đọc - kể của Quốc, vẫn cứ nghe xót xa, thương cảm lẫn… bất bình.

Nhà của Quốc được xây và ngăn bằng những bức tường sách. Mỗi năm, nhà thơ này cứ cho ra đều đặn những tác phẩm: sáng tác có, khảo cứu có, tiểu thuyết lịch sử - dã sử có. Và có lẽ, Gái đẹp trong tôi là một lối thư giãn đầy chữ nghĩa của Lê Minh Quốc để sau đó, anh ngồi lại vào bàn, miệt mài, tận tụy, say mê giải phóng nguồn năng lượng sáng tạo không biết mệt mỏi. Và, hẳn nhiên, chưa bao giờ thôi có một Người Đàn Bà - hiện hữu nơi chốn riêng của Lê Minh Quốc…

B.T



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com