THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: NHÀ VĂN HỌC VĂN

LÊ MINH QUỐC: NHÀ VĂN HỌC VĂN

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: NHÀ VĂN HỌC VĂN
BÀI 1: Phan Khôi - cuộc tìm về tiếng Việt
Bài 2: Tú Mỡ - học văn từ Tú Xương đến dân gian
BÀI 3: Nguyễn Công Hoan - mải mê học tiếng Việt
Tất cả các trang

 

 

nhavanhoc_van

 

BÀI 1: Phan Khôi - cuộc tìm về tiếng Việt

LÊ MINH QUỐC


 

Trong lịch sử cận đại Việt Nam, chí sĩ Trần Quý Cáp là bậc văn nhân duy nhất bị án “chém ngang lưng” - khiến tăng thêm phần đau đớn. Ông là thầy dạy chữ Hán cho Phan Khôi (1887-1959). Chắc chắn tính cách cương trực, quyết liệt, rạch ròi của thầy ít nhiều ảnh hưởng đến trò trong việc khai tâm. Khi đi thực địa ở Quảng Nam, tôi đã ghi chép được câu cửa miệng “Lý sự quá Phan Khôi”, tức lý sự đó cứ như thể Phan Khôi, không chịu thua kém ai. Muốn lý sự phải có trình độ, bản lĩnh, tri thức chứ không thể nói ngang cành bứa. Mà Phan Khôi là ai? “Ở một nhà cựu học như ông, người ta đã thấy nhiều cái rất mới, nhiều cái mà đến nhiều nhà tân học cũng phải cho là “mới quá. Đó thật là một sự chẳng ngờ” (Vũ Ngọc Phan - Nhà văn hiện đại, 1942).

Phan Khôi là con trai của Phó bảng Phan Trân - tri phủ Diên Khánh (nay thuộc Khánh Hòa), mẹ là cụ Hoàng Thị Lệ - con gái Tổng đốc Hoàng Diệu. Ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người thông minh, học giỏi và hay... lý sự! Khi giải quyết chuyện gì bao giờ ông cũng lật ngược vấn đề để tìm hiểu một cách thấu đáo. Tính cách ấy phù hợp cho công việc mà sau này ông sẽ đeo đuổi: viết báo, làm văn và viết nghiên cứu. Năm 1905, vừa 18 tuổi, Phan Khôi thi đậu Tú tài Hán học, nhưng ông không thích dấn thân vào con đường khoa cử. Lúc này, ngọn gió Đông du và Duy tân của các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp... đã thổi đến Quảng Nam. Phan Khôi hăng hái cắt tóc theo xu thế chung của thời đại mà câu ca dao hóm hỉnh đã diễn tả thực tế: “Văn minh khắp cả hoàn cầu/ Ông sư cũng cúp cái đầu 3 xu!”.

Năm 1907, trường Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập ở Hà Nội, Phan Khôi là một trong những người được phong trào Duy tân tại Quảng Nam gửi ra học tiếng Pháp. Khi phong trào bị đàn áp, Pháp theo dõi rất ngặt, Phan Khôi bỏ về quê và tiếp tục xin học Trường Dòng Pellerin ở Huế. Dù vậy, ông bị bắt buộc phải vào học lớp Nhì chung với bọn trẻ mới lên mười! Hai tháng đầu, ông đội sổ hạng chót, nhưng qua tháng thứ ba thì vọt lên đứng đầu.

Mới học dăm ba tháng thì nhận tin cha mất, ông trở về quê nhà thọ tang. Đây là thời gian ông bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Hội An - vì trước đây từng phục vụ cho phong trào Duy tân. Vào trong tù, ông nhờ người nhà bí mật gửi sách Pháp vào để tiếp tục tự học! Đọc chỗ nào không hiểu, ông lật tự điển tra cứu. Nghe nói có thầy Ưng Diễn dạy giỏi, ông viết thư nhờ thầy ra bài và kiểm tra bài cho mình. Mới học được vài bài thì Án sát Quảng Nam phát hiện, tịch thu hết sách vở với câu hăm dọa: “Các anh còn học làm gì nữa, vì có ai cho các anh thi đâu mà học!”. Dù vậy, ông vẫn không nản chí.

Ra khỏi tù, ông cưới vợ và mở lớp dạy chữ Hán ở nhà và tự học tiếng thêm Pháp. Nhưng Phan Khôi cũng không thể yên tâm ngồi dạy học được nữa, vì sau một thời gian thăm dò, thực dân Pháp quyết định bãi bỏ khoa thi chữ Hán. Năm 1915 là khoa thi cuối cùng ở Nam kỳ; ở Trung Kỳ khoa thi cuối cùng là năm 1918. Phan Khôi thôi dạy, bảo học trò: “Dạy các anh cho giỏi chữ Nho, tôi vẫn dạy được nhưng thời buổi này các anh có học giỏi thì cũng làm được gì! Thôi, hãy học chữ Tây đi!”. Năm 1916, Phan Khôi ra Bắc, xuống Hải Phòng làm thư ký cho công ty Bạch Thái Bưởi nhưng ít lâu sau, ông nghỉ việc. Lúc đó, năm 1918, cử nhân Hán học Nguyễn Bá Trác giới thiệu ông vào làm việc ở Nam Phong tạp chí.

Tại đây, một lần trong lúc trà dư tửu hậu, Phạm Quỳnh có nói với Phan Khôi: “Các người đi giảng đạo Thiên Chúa thường lý luận giỏi nên ít ai bắt bẻ được, vì họ có học khoa lý đoán”. Phan Khôi ngớ người ra hỏi lại: “Lý đoán là gì?”. Môn này còn quá mới mẻ nên Phạm Quỳnh cũng chỉ đáp xuôi xị: “Lý đoán là... lý đoán!”. Không hài lòng với cách giải thích này, Phan Khôi tìm ngay sách chữ Hán và chữ Pháp để nghiên cứu về khoa lý luận học. Nhằm củng cố sự hiểu biết của mình, ông thường gặp gỡ trao đổi, tranh luận với các sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.

Với lối học này, dần dần, Phan Khôi trở thành một trong những nhà báo đầu tiên có lối viết câu cú gẫy gọn, trình bày tư tưởng dễ hiểu, dễ thuyết phục độc giả. Do ham học, thích tìm hiểu những điều mới lạ nên ông đã nhận làm một việc bạo gan, đó là sử dụng bản chữ Hán đối chiếu với bản chữ Pháp để dịch Kinh thánh cho Hội Tin Lành. Thế nhưng lúc này, thực dân Pháp vẫn chưa buông tha, vẫn bí mật theo dõi nên năm 1922, ông bỏ đất Bắc để vào Nam. Không dừng chân tại Sài Gòn, ông xuống tận dưới Cà Mau. Trong thời gian tạm trú ở đồn điền của một người bạn, lúc nhàn rỗi, ông trau giồi thêm tiếng Pháp bằng cách viết thư bằng gửi cho nhà báo Pháp tiếng tăm lúc bấy giờ là Dejean - người cộng sự đắc lực của Nguyễn An Ninh khi xuất bản tờ La Cloche Fêlée. Nhận được thư, Dejean thành thật khen ngợi, khuyên ông nên cố gắng viết báo bằng tiếng Pháp.

Một khi đã trang bị thông thạo tiếng Hán, tiếng Pháp, Phan Khôi có điều kiện tiếp thu văn hóa Đông - Tây khiến nhiều người cho rằng “mới quá” là vậy. Tung hoành trong trường văn trận bút, Phan Khôi chính là người “châm ngòi nổ” cho nhiều cuộc bút chiến vang dội về báo chí, văn hóa từ Nam chí Bắc.

Có một điều bất ngờ, trong chín năm kháng chiến chống Pháp, Phan Khôi lại dành hết thời gian… nghiên cứu về tiếng Việt. Công trình giá trị này chính là Việt ngữ nghiên cứu, lần đầu tiên công bố tại Hà Nội vào năm 1954. Ông tâm niệm: “Các nhà giáo, nhà văn chúng ta có trách nhiệm phải làm cho tiếng Việt nước ta tiến lên một bậc hoàn mỹ. Tiếng nói có hoàn mỹ thì mới đẩy văn học, khoa học tiến lên được, mới phục vụ cho nhân dân, cho quốc gia, dân tộc đi nhanh trên con đường tiến hóa của hiện đại. Tiếng Việt Nam nếu còn cứ ở cái trình độ cũ thì dân tộc Việt Nam có tiến đi nữa cũng chậm lắm”. Theo nhà ngôn ngữ học Hoàng Tuệ (thân phụ của nhà văn Bảo Ninh): “Công trình này cần được đưa vào tủ sách các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học hiện nay, đặc biệt sinh viên đại học khoa Ngữ văn”.

Thật ra, ý thức “gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt” đã hình thành ở Phan Khôi từ năm tháng còn rất trẻ. Nhà thơ Hồng Tiêu (thân phụ của nhà văn Nguyễn Đông Thức) có thời gian làm việc chung với Phan Khôi ở Sài Gòn cho biết, một trong trong những điều khiến ông nổi nóng, cáu tiết và cãi đến đỏ mặt tía tai, cãi lại cho bằng được nếu đồng nghiệp… viết sai chính tả!

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 12.11.2018)


 

Bài 2: Tú Mỡ - học văn từ Tú Xương đến dân gian

 

“Võ vẽ hay làm văn quốc ngữ/ Xì xồ ít nói tiếng Âu tây/ Bạn mà bàn đến thi cùng cử/ Thời vội van luôn: Tớ lạy mày/ Bởi tính ngang phè như chánh bứa/ Già đời chẳng được cái mề đay”. Năm 25 tuổi, nhà thơ Tú Mỡ (1900-1976) đã tự trào và sau này tính cách ấy vẫn như thế, tức là ở một thi sĩ trào phúng vào bậc nhất của nền thi ca Việt Nam hiện đại dù ở độ tuổi nào cũng vui nhộn, lạc quan, tếu táo.
 

Năm 14 tuổi, Tú Mỡ đậu đầu bằng Sơ học Pháp - Việt, vào học tại Trường Bưởi (nay Trường Chu Văn An - Hà Nội). Câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” rất đúng với cậu học trò tinh nghịch, ranh mãnh này. Trong lớp có hai anh bạn học giỏi môn Văn và thường làm thơ xướng họa nghiêm túc, đúng niêm luật là Hoàng Ngọc Phách (về sau nổi danh với tiểu thuyết Tố Tâm) và Nguyễn Pho. Thấy đôi bạn này lúc nào cũng nghiêm nghị, đạo mạo như ông cụ non, thế là Tú Mỡ cùng bạn thân là Quế trêu chọc bằng cách cũng làm thơ. Nhưng những bài thơ ấy chỉ “ngâm vịnh” những đề tài như… cái chuông điện, ông giám thị v.v… với lời lẽ hết sức bắng nhắng, bông đùa, hoàn toàn trái ngược với đề tài cổ điển về mây núi, trăng hoa, tuyết nguyệt… Chẳng hạn, bài thơ yết hậu Vịnh giám thị: “Bọn sú ba giăng có một anh/ Mặt sùi da cóc, rắn như sành/ - Đố ai, ai biết là ai đó? / Quỳnh”.
 

Thế rồi, dăm năm sau, Tú Mỡ bắt đầu “để ý” đến một cô gái ở Hàng Bông. Không lẽ, “tỏ tình” bằng những vần thơ nghịch ngợm như trước à? Thế là ông bèn chuyển sang làm thơ tình, làm hẳn một tập Câu cười tiếng khóc - lấy từ câu thơ Cuộc nhân thế câu cười tiếng khóc của Tản Đà, với lời lẽ rất sáo! Chẳng hạn, “Sáu khắc mơ màng tình bạn ngọc/ Năm canh tưởng nhớ bóng người vàng/ Ruột tằm chín khúc vò tơ rối/ Giấc mộng năm canh diễn khắc trường”.
 

Tập thơ này Tú Mỡ đưa cho đôi bạn Hoàng Ngọc Phách và Nguyễn Pho “nhuận sắc”. Cả hai đọc xong đều… thương hại và khuyên nên đọc Truyện Kiều để học hỏi thêm. Thay vì làm theo lời khuyên, Tú Mỡ quay sang học thuộc tất cả thơ của Tú Xương. Có lẽ những vần thơ trào phúng mới phù hợp với tính bông đùa, nghịch ngợm của Tú Mỡ. Về sau khi đã nổi tiếng, không ngần ngại nhận mình là học trò của Tú Xương, ông còn ký bút danh Tú Mỡ như một cách biết ơn thầy.
 

Năm 18 tuổi, ông thi đậu Thành chung và xin được làm chân thư ký trong Sở Tài chánh, chung phòng với Nam Sơn (về sau trở thành danh họa). Trong hồi ký, Tú Mỡ cho biết: “Lúc này, tôi quyết tâm học làm thơ. Trước hết tôi mua quyển Hán Việt văn khảo để nghiên cứu các thể thơ, ca, từ, phú rồi mua những tập thơ của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Yên Đỗ, Tản Đà, Trần Tuấn Khải, những tác phẩm mà tôi thích đọc nhất”. Sau 2 năm đi làm và nghiên cứu như thế, những cảnh trái tai gai mắt lại đánh thức… máu hài hước trong con người Tú Mỡ. Bài thơ bông phèn đầu tiên của ông là Bốn cái mong của thầy phán được Việt Nam thanh niên tạp chí chọn in: “Mong tháng chóng qua, tiền chóng lĩnh/ Mong giờ mau hết, việc mau xong/ Mề đây mong được dăm bảy chiếc/ Lương bổng mong tăng sáu bảy đồng”…
 

Tưởng rằng  chỉ làm chơi cho đỡ buồn thôi. Nào ngờ, thời gian này có một “lính mới” vào sở là Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh nổi tiếng sau này). Trong lần trò chuyện, ông Tam nói đến câu rất… kinh điển: “Nước trong ta giặt giải mũ, nước đục ta rửa chân” thì Tú Mỡ “đế” luôn: “nước đá cho vào bia ta uống”. Thế là mọi người cười ồ lên, ông Tam cũng cười và vỗ vai nói: “Khá đấy, anh nên làm thơ hài hước đi, anh có năng khiếu về trào phúng đấy”.
 

Không chỉ một câu nói, sau này khi thành lập Tự Lực văn đoàn và ra báo Phong Hóa, Ngày Nay chính Nguyễn Tường Tam đã phân công Tú Mỡ “chuyên trị” về trào phúng cho chuyên mục Giòng nước ngược và cũng chính là người “đánh dấu bước đầu trong sự nghiệp làm thơ của tôi, từ một thư sinh chỉ làm thơ phiếm sau trở thành nhà thơ trào phúng thực thụ… Tôi có thể nói anh Tam là người tạo ra Tú Mỡ vậy”, ông cho biết.
 

Nhưng đó là là chuyện về sau, còn lúc bấy giờ, cùng các đồng nghiệp trong Sở Tài chính vì yêu văn chương mà lập ra hội Tao Đàn. Tú Mỡ có nhiệm vụ làm thư ký, ghi chép lại những sáng tác này thành tập thơ Ngọn bút làng ta. Trong đó có bài Phú thầy phán của Tú Mỡ, Nguyễn Tường Tam đem gửi cho Nam phong tạp chí và ghi… vô danh! Sau khi in mọi người đều nhầm tưởng là thơ Tú Xương. Nhất là những câu: “Lỡ buổi đi trưa, nhìn trước nhìn sau lấm lét, rụt rè như rắn ráo mồng năm/ Lỡ khi lầm lỗi, đứng lên ngồi xuống băn khoăn, ủ rũ như diều hâu tháng chạp” v.v…
 

Để trở thành một người có thể đi xa trong sự nghiệp cầm bút, ban đầu có thể nhờ thiên phú, năng khiếu nhưng về lâu dài thì cần phải học. Nhà thơ Xuân Diệu viết hẳn tập sách Công việc làm thơ - nhằm nói lên cái sự học, nhọc công khổ luyện với chữ nghĩa. Ở Tú Mỡ cũng vậy. Ông cho biết đã học tập rất nhiều ở lối chơi chữ lắt léo của Hồ Xuân Hương; lối châm biếm sâu cay, chua chát như ngọn roi quất vào mặt bọn rởm đời của Tú Xương; lối cười thanh cao, xỏ ngầm của Yên Đỗ; lối mỉa mai, giễu đời mà đời không giận được của Tản Đà. Bên cạnh đó, ông còn học tập ở Voltaire, La Bruyère, René Buzelin, La Fontaine…
 

Mà nào chỉ có thế, ông cho biết còn học cách nói từ dân gian: “Người nước Nam mình, nhất là các bà ở nông thôn, gặp bất cứ việc gì, là các bà nghĩ ngay bằng ca dao, tục ngữ, bằng lối pha trò của phường chèo, bằng truyện tiếu lâm, hoặc ví von  bằng các nhân vật truyện dân gian, bằng câu Truyện Kiều. Cho nên muốn làm thơ, tôi cho việc đệ nhất cần là phải học cho thuộc ngôn ngữ dân tộc và văn học dân gian”. Để rồi “nhờ đó mà những bài thơ tôi viết, tập trung thành tập, đã có nhiều màu sắc, nhiều hình thái, nhiều lối, nhiệu điệu đáp ứng được sở thích của các tầng lớp người đọc”.
 

Thì ra, bên cạnh năng khiếu bẩm sinh, nhà thơ còn phải học tập nhiều lắm đấy chứ? Với Tú Mỡ có lẽ còn phải nhấn mạnh đến vai trò của người đã có “mắt xanh” phát hiện ra sở trường của ông, đó chính là vị chủ soái của Tự Lực văn đoàn. Vì lẽ đó, tập thơ đầu tay Giòng nước ngược của Tú Mỡ có bốn câu đề tặng: “Ít lời lẽ ngang phè/ Mấy vần thơ lỗ mỗ/ Tặng anh Nguyễn Tường Tam/ Đáp tấm ơn tri ngộ”.

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 14.11.2018)


 

BÀI 3: Nguyễn Công Hoan - mải mê học tiếng Việt


LÊ MINH QUỐC

Năm 1993, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977), Ban biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM phân công tôi hỏi chuyện về ông qua con gái ông là nhà văn Lê Minh. Tôi hỏi: “Bút pháp của nhà văn Nguyễn Công Hoan có nét riêng biệt rất hiện đại và sau này, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ là Axit Nezin cũng viết theo bút pháp ấy. Chị nghĩ sao về nhận xét này?”. Câu trả lời như sau: “Tác phẩm của cha tôi đã được dịch nhiều thứ tiếng trên thế giới. Và giới nghiên cứu nước ngoài đánh giá rất cao tài năng của ông. Tôi thấy họ so sánh Nguyễn Công Hoan với A.P.Tsêkhốp”.

Thế thì, thuở còn “mài đũng quần” ở Trường Bưởi (nay Trường Chu văn An - Hà Nội), học chung với nhà thơ Tú Mỡ, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan… Nguyễn Công Hoan đã học văn thế nào? Trước hết, phải nói cha đẻ của nhân vật Kép Tư Bền hồi nhỏ cực kỳ láu cá, tinh nghịch, hay tìm trò tinh quái lỡm bạn bè. Có điều, ông có một niềm say mê không cưỡng lại được là rất mê đọc sách, đọc báo dù là các ấn phẩm ấy dành cho người lớn.

Ngày nọ, thầy giáo ra đề bài luận: Tả một đêm trăng trên Hồ Tây, ông bèn mở Đông Dương tạp chí, chép lại nguyên si bài Đêm trăng thú chơi Hồ Tây của Phan Kế Bính. Đến câu: “… mấy đóa hoa nở muộm mà vẩn xanh tốt”, dù không hiểu “nở muộm” là gì nhưng vẫn chép y chang. Lúc chấm bài xong, thầy giáo mới nhẹ nhàng bảo: “Đây là chữ “muộn” chứ không phải “muộm”, nhà in chép sai đấy. Anh không nhận ra à?". Nhà văn tương lai của chúng ta tái mét mặt mày.

Có thể nói, sự hình thành tình yêu văn chương ở đứa trẻ không gì ngẫu nhiên, phải từ nếp nhà. Với Nguyễn Công Hoan do bố là huấn dạo (dạy học), bác đỗ đại khoa vì thế trong nhà có rất nhiều sách. Bà nội thuộc dòng dõi nhà nho nên ngay từ bé, từ lời ru, lời ăn tiếng nói của bà, Nguyễn Công Hoan đã thuộc nhiều câu trong Truyện Kiều, Nhị độ mai… dù không hiểu nghĩa. “Cố nhiên là tôi đọc lại như vẹt, ngâm ngọng. Song do đó, niêm luật của thơ ca, nhạc điệu của ngôn ngữ được luyện vào óc tôi, được nhuần vào óc tôi từ ngày ấy”, ông cho biết.

Lúc ông theo học Trường Bưởi, Đông Dương tạp chí xuất bản thành khổ nhỏ có Phần văn chương, Trung Bắc tân văn có phần Từ phú thi ca và Đoản thiên tiểu thuyết thì trong thời gian nghỉ hè, không ngày nào ông không đọc những bài đã in trong báo đó. Không riêng gì thơ ca mà những đoạn văn nào có vần điêu du dương, nhịp nhàng thì ông cũng đọc đến thuộc lòng từng đoạn. Ngay khi Nam phong tạp chí ra đời, phần Văn uyển vẫn là chuyên mục ông thích nhất. “Khiếu văn chương” của ông đã hình thành từ đó.

Từ chỗ thích đọc, như một lẽ tự nhiên, khiếu văn chương ấy còn thúc giục người ta cũng phải viết theo. Tương tự Nam Cao, Tô Hoài… ban đầu, Nguyễn Công Hoan cũng làm thơ, tất nhiên chịu ảnh hưởng sâu đậm của lớp người đã thành danh đi trước. Lúc được làm quen với thi sĩ Tản Đà, đọc thơ của “Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có, cửa nhà thời không”, cái mộng dan díu với “nàng thơ” ở ông tắt ngúm vì thừa biết mình không thể sánh được với bậc đàn anh.

Năm 1920, vì chuyện xích mích trong gia đình nên Nguyễn Công Hoan “phiêu lưu” lên Hải Phòng. Lúc này, Tản Đà vừa xuất bản Còn chơi và ra tạp chí Hữu Thanh. Đọc tập thơ này, ông nẩy ra ý viết lại chuyến đi của chính mình, thế là Quyết chí phiêu lưu ra đời. Thế nhưng truyện ngắn đầu tiên của ông không báo nào… in cả.

Sau khi đi chán chê, trở về quê, tình cờ ông đọc được bản dịch Ba chàng ngự lâm pháo thủ của A. Dumas, thấy truyện hay, văn vui, tình tiết sắp xếp có lớp lang rất “nhà nghề” nên ông lại có hứng sáng tác. Không viết như truyện Quyết chí phiêu lưu, lần này ông viết ngắn hơn. May mắn, những truyện này được chọn in trong tập Truyện thế gian của Tản Đà tu thư cục, còn lại một số truyện ngắn, ông tự in thành tập lấy tên Kiếp hồng nhan làm tên sách. Và tác phẩm này, về sau được các nhà phê bình xem như một trong những viên gạch đầu tiên đắp nền móng cho nền văn xuôi hiện thực phê phán Việt Nam.

Qua năm 1922, ông thi vào Trường Nam Sư phạm. Năm thứ nhất ở nội trú, kỷ luật rất nghiêm, đến giờ phải lên giường ngủ nhưng đèn vẫn không tắt, nhờ vậy ông bắt đầu viết truyện dài Phải gió. Bạn bè đọc thử, thích lắm, cười rúc rích, người giám thị xộc tới tịch thu tác phẩm đó đem mách hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng Pujarnisele vốn là nhà thơ nên thông cảm với “nhà tiểu thuyết”, dù không phạt nhưng giữ riệt bản thảo, thế là Phải gió mất tích.

Những sáng tác này, hồi đó, Nguyễn Công Hoan còn viết bằng thứ văn biền ngẫu chịu ảnh hưởng của Tản Đà rất nhiều. Nhưng do lòng yêu mến Tản Đà mà ông tự rút cho mình một bài học: Không bao giờ nên viết lối văn du dương như thơ, kiểu Tản Đà nữa vì không còn hợp thời. Tình cờ đọc truyện ngắn Sống chết mặc bay và nhất là Tiếu lâm An Nam của Phạm Duy Tốn (thân phụ nhạc sĩ Phạm Duy), ông rất ngạc nhiên vì thấy “từ cách dùng chữ cho đến lối đặt câu, sao mà nó lọt lỗ tai và và nó vẫn còn mới thế. Lọt lỗ tai và mới, tức là văn ấy vẫn còn như văn chúng ta nói, nó không cũ tí nào”. Và ông “nghiệm ra rằng, văn chương mà viết đúng như tiếng nói và lối nói của dân tộc thì nó hay, nó đứng vững mãi. Bởi vì ngôn ngữ của dân tộc là một thứ trường cửu, ít thay đổi vì thời thế”.

Không chỉ học từ câu văn, Nguyễn Công Hoan còn học cả cách viết nữa. Ngày kia, người bạn thân là Tương Huyền (anh ruột nhà văn Tam Lang) muốn khuyến khích ông viết lành nghề hơn nên mới cho mượn tập truyện ngắn của Guy de Maupassant, Những kẻ khốn nạn của Victo Hugo… để ông tham khảo về cách bố cục, dựng truyện v.v… Với “cách học” và thực hành qua các truyện ngắn hiện thực phê phán lần lượt đăng trên báo chí thời ấy, Nguyễn Công Hoan ngày một tiến bộ rõ rệt. Rồi đến năm 1932, ông cho in tập truyện dài Những cảnh khốn nạn, tên tuổi của ông đã được bạn đọc săn đón, tìm đọc. Đến năm 1935, với tập truyện ngắn Kép Từ Bền, Nguyễn Công Hoan trở thành cây bút sáng giá, tầm cỡ cùng các đồng nghiệp đương thời như Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, Nhất Linh, Ngô Tất Tố…

Về kinh nghiệm học văn để rồi sáng tác, đeo đuổi nghiệp văn, có bài học mà ông thấm thía, tâm đắc nhất vẫn là phải nghiêm chỉnh học tiếng Việt: “Học để hiểu tiếng khó, thêm tiếng mới. Đọc bài nào mà người viết không “hay chữ”, tôi cứ thấy như “ăn phở không người lái”. Học ở ngôn ngữ dân tộc, học ở văn học dân gian… Nghề của ta là nghề dùng tiếng để viết. Anh không giàu tiếng, thì đố ngòi bút của anh tung hoành được”.

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 16.11.2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com