THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: GIAN LẬN TRONG THI CỬ NGÀY XƯA - Kỳ 3: TRÁO BÀI, SỬA BÀI LÚC CHẤM THI

LÊ MINH QUỐC: GIAN LẬN TRONG THI CỬ NGÀY XƯA - Kỳ 3: TRÁO BÀI, SỬA BÀI LÚC CHẤM THI

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: GIAN LẬN TRONG THI CỬ NGÀY XƯA
Kỳ 1: XÓA BỎ “SINH ĐỒ BA QUAN”
Kỳ 2: Tuồn đề thi cho thí sinh, đi thi hộ
Kỳ 3: TRÁO BÀI, SỬA BÀI LÚC CHẤM THI
Tất cả các trang

3-thi-sinh-bi-phat-truoc-truong-thiThí sinh bị phạt trước cổng trường thi

 

Kỳ 3: TRÁO BÀI, SỬA BÀI LÚC CHẤM THI

 

Phép thi ngày xưa, về sự cẩn mật của trường thi, chúng ta đã biết. Vậy, sau khi các thí sinh đã vào trường thì mọi việc diễn ra thế nào?

Nhà văn Ngô Tất Tố - người đã từng đỗ đàu trong khi thi sát hạch ở tỉnh Bắc Ninh nên còn gọi Đầu xứ Tố, có kể lại trong Lều chõng, đại khái, lúc ấy, cửa 4 vi Giám, Ất, tả, hữu đóng chặt lại. Vừa dựng xong lều, chưa kịp nghỉ ngơi thì đã nghe vang vọng tiếng trống “ra đầu bài”, các thí sinh nhanh chân ra ghi đề và trở lại lều của mình để làm bài. Phải làm bài bằng quyển thi nhận từ tay người lại phòng trước khi vào trường thi, trong đó có đóng dấu “giáp phùng” - để thí sinh không thể tráo những tờ khác vào và phải viết đè lên chỗ đóng dấu. Nếu thí sinh viết sai, muốn xé bỏ một tờ trong đó thì phải lấy giấy đóng thành quyển thi khác và xin quan trường đóng dấu lại. Dù phải viết đè lên dấu “giáp phùng”, nhưng tuyệt đối cấm “đồ, di, câu, cải” tức là tẩy xóa, sửa chữa... nếu không sẽ bị tội “thiệp tích” vì bị nghi ngờ có ý đồ đánh dấu thông đồng với quan chấm thi.

Trong thời gian làm bài, khi có tiếng trống báo hiệu, thí sinh phải cầm bài thi chạy nhanh ra nhà Thập đạo để “lấy dấu nhật trung”. Đây là chứng cớ bài làm tại trường thi chứ không phải viết sẵn ở ngoài đưa vào; và thí sinh không được viết đè lên dấu này. Lúc trời về chiều thì có tiếng trống “thu quyển” - tức nộp quyển thi. Bấy giờ, trước khi đem nộp, thí sinh phải cộng các chỗ mà mình đã “đồ, di, câu, cải” và viết dưới chữ “cộng quyển nội” - để phòng quan trường gian lận chữa thêm vào. Thí sinh nộp bài xong, hòm đựng bài thi được niêm phong và khiêng vào nhà Thập đạo, khóa bằng sắt,  canh phòng cẩn mật.

Dù quy định nghiêm cẩn, rạch ròi đâu ra đó nhưng rồi vẫn xẩy ra sự gian lận lúc chấm thi.

Sử còn chép lại vụ lùm xùm, ầm ĩ có liên quan đến con trai Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Trong khoa thi Hội năm 1778, giám sinh Đinh Thời Trung đã đổi quyển văn cho Lê Quý Kiệt. Sự việc bị phát giác, Thì Trung bị đày đi xa (có sách nói là đi Yên Quảng - Quảng Ninh ngày nay); Quý Kiệt bị đuổi về làm thứ dân… Bấy giờ, dân gian có câu châm biếm, mỉa mai (dịch nghĩa): “Thời Trung bị phát phối làm chấn động văn phong vùng Yên Quảng/ Quý Kiệt về làm dân tăng thêm suất đinh cho đất Duyên Hà).

Bi thảm hơn là trường hợp Hội nguyên Ngô Sách Tuân bị tội giảo, tức phải thắt cổ chết. Năm 1696, ông can tội vì xin chấm bài cho một thí sinh thi Hương. Còn Nguyễn Trật sau khi đỗ thi Hội vào năm 1623, lúc vào thi Đình, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trật ngầm mượn người làm bài, việc phát giác, vương không bằng lòng, cho nên khoa ấy không treo bảng”.

Lén lút đem tài liệu vào trường thi cũng từng xẩy ra. Năm 1826, Đặng Tế Mỹ bị phát giác, nhân việc này, bộ Lễ đã xin tăng mức phạt cao hơn nữa để ngắn chận, re đe thí sinh. Tế Mỹ là người đầu tiên bị hình phạt đóng gông trong 1 tháng, sau đó bị đánh bằng trượng rồi mới được tha. Ngoài ra, Mỹ cũng bị tước bằng Cử nhân. Chi tiết này cho thấy, nhà Nguyễn rất nghiêm minh sử lý gian lận trong thi cử.

Ngay cả thí sinh, nếu thông đồng với quan trường để đổi quyển thi cũng bị phạt nặng. Khoa thi Hương năm 1834, hai ông Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Thái Để sau khi lo lót đã được quan trường “bật đèn xanh” cho thay quyển thi cũ đã bị đánh hỏng. Sự việc vỡ lỡ, cả hai bị tước học vị Cử nhân. Năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi mở ân khoa, thế nhưng họ vẫn không được thi. Mãi gần mười năm sau, họ mới được thi lại và đỗ đến Tiến sĩ, Thám hoa.

Phải nói rằng, trường quy thời xưa rất nghiệt ngã, hà khắc với những quy định như “trọng húy” là không được dùng bất cứ chữ gì có dính dáng đến tên nhà vua; “khinh húy” là tên những bà vua, mẹ vua, hay tiên tổ lâu đời của nhà vua.  “Khinh húy” khi làm bài nếu dùng chữ đó thì phải viết bớt đi một nét, nhưng “trọng húy” thì tuyệt đối cấm. Nếu thí sinh phạm “khinh húy” thì bị đóng gông phơi nắng suốt mấy ngày liền và suốt đời cấm thi; phạm “trọng húy” thì chẳng những thí sinh bị tù tội mà đến cả những ông huấn, giáo, đốc học dạy dỗ họ cũng bị khiển trách giáng cấp. Với quy định khắc nghiệt như thế nên không ít người văn hay chữ tốt, chỉ sơ sẩy một chút là hỏng! Đến nỗi nhà thơ tài hoa Tú Xương từng than “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy”. Và ông từng hào hứng reo lên: “Phúc nhà nay được sạch trường quy”! Hai chữ “phúc nhà” nghe mới mỉa mai, cay đắng làm sao.

Ấm sinh Nguyễn Hữu Chu dù nổi tiếng hay chữ, nhưng cũng không lấy nỗi Cử nhân vì thường phạm quy nên mới có câu đối chua chát: “Đã kinh luân, thi thố gì đâu, khi đắc ý, lúc rung đùi, nghĩ đỗ đến nọ nọ kia kia những.../ Lọ khoáng đạt, phong lưu chi cả, kẻ tri âm, người nối khố, biết nhau ra đây đây đấy đấy thì...”. Những chữ “nọ nọ kia kia”, “đây đây đấy đấy” và cuối mỗi vế đều bỏ lửng... cũng nhằm nỗi đến nỗi khổ của mình.

Đã từng lều chõng nên danh sĩ Cao Bá Quát rất thấm thía điều này, và bản thân ông cũng ngầm phản đối trường quy. Khi công tác ở bộ Lễ, Cao Bá Quát được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Nhận thấy nhiều bài thi khá nhưng lại phạm quy vì các lỗi  lặt vặt, sơ xuất nhỏ, không muốn người có tài bị đánh rớt, ông bàn với người bạn là Phan Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại. Chẳng may thiện ý này bị phát giác, Cao Bá Quát bị tống vào ngục. Vua Thiệu Trị giảm tội ông từ trảm quyết xuống giảo giam hậu.

Trong thời gian bị tù ngục, Cao Bá Quát bị nhục hình, tra tấn dữ dội. Ông đã viết nhiều bài thơ thống thiết kể lại tháng ngày tàn khốc này như Thiên vịnh cái gông dài, Bài ca cái roi song… Tiếng oan ức đau đớn của ông khiến ai nấy cũng thương xót: “Quan thét lên như tiếng thét, rung cả trường nhà. Roi quất nhoang nhoáng, bay đi liệng lại như ánh chớp…”. Sau gần ba năm bị giam cầm, Cao Bá Quát được triều đình tạm tha, nhưng bị chuyển vào Đà Nẵng, cho đi “dương trình hiệu lực” - tức lúc phái đoàn triều đình công cán nước ngoài, phạm nhân được đi theo phục dịch để lấy công chuộc tội. Ông đi theo phái đoàn do Đào Trí Phú dẫn đầu sang Indonesia.

Khi khảo cứu về Sự phát triển giáo dục và chế độ thi cử ở Việt Nam thời phong kiến (NXB Giáo Dục- 1998), nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Cường kết luận xác đáng: “Cuộc đấu tranh chống thi gian là cuộc đấu tranh trường kỳ không lúc nào được lơi lỏng, nếu còn tổ chức thi còn thi gian, phải chống lại để đảm bảo công bằng thi cử, chọn được đúng người giỏi, dùng đúng người vào đúng việc” (tr.325).

L.M.Q

(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 25.7.2018)

Ghi chú:
Bản đầy đủ của Q

Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com