THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Thăng trầm cải tiến chữ Quốc ngữ - 3. Những thay đổi đi về đâu?

LÊ MINH QUỐC: Thăng trầm cải tiến chữ Quốc ngữ - 3. Những thay đổi đi về đâu?

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Thăng trầm cải tiến chữ Quốc ngữ
1. Tìm lối viết 'đáp ứng mọi yêu cầu'
2. Những đề nghị thay đổi cách viết
3. Những thay đổi đi về đâu?
Tất cả các trang


Những thay đổi đi về đâu?

 

Trải qua năm tháng tiếng Việt đã có sự thay đổi, nhưng căn bản chữ Quốc ngữ lại không thay đổi. Không phải ngẫu nhiên sự cải tiến luôn được nêu ra. Tuy nhiên, không phải sự cải tiến nào cũng được đồng thuận.

Không thể không nhắc đến Hội nghị cải tiến chữ Quốc ngữ tại Hà Nội do Ủy ban Khoa học nhà nước, Viện Văn học tổ chức (diễn ra các ngày 21, 28, 30.9.1960 và tổng kết vào ngày 7.10.1960).

Trong 23 tham luận và bản báo cáo Cải tiến chữ Quốc ngữ của Tổ Ngôn ngữ học Viện Văn học, lần đầu tiên nhiều vấn đề chuyên sâu đã được đề cập đến. Có thể tóm tắt, các đại biểu tán thành: “Bỏ h trong gh và ngh; chỉ dùng một con chữ thống nhất cho c, k, q (nhưng nên dùng c hay k thì ý kiến chưa nhất trí; dùng f thay ph; dùng d thay đ; dùng i thay cho y (trừ uy, nhiều người không tán thành bằng wi mà nên tạm viết như cũ; dùng thêm những nhóm phụ âm ghép làm con chữ phụ âm đầu (như bra, cla...) trong những từ dịch âm khi cần thiết” (tr.386).

Tuy nhiên, vấn đề chỉ nêu ra chứ hội nghị chưa kết luận vì còn nhiều lý do, kể cả “Tình hình đất nước ta đang tạm thời bị chia cắt là một trở ngại cho việc cải tiến chữ Quốc ngữ”.

Tại miền Nam vấn đề này cũng được đặt ra, có thể tìm thấy qua các bài viết công phu bàn về sức sống, sự trong sáng tiếng Việt của nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê, Đông Hồ, Nguyễn Bạt Tụy, Bùi Đức Tịnh, Trương Văn Chình… Đặc biệt, nhà thơ Nguyễn Ngu Ý đã khởi xướng ra cách viết khác, chẳng hạn k thay thế kh (ví dụ kó kăn thay cho khó khăn); q thay qu (ví dụ qa là qua, qơ là quơ, qê hương thay quê hương), thay chữ p bằng b ở cuối chữ (ví dụ hiệb thay cho hiệp; đáb thay cho đáp)... Chẳng ai làm theo, ngoại trừ... chính người khởi xướng!

chu-quoc-ngu_pqdb_BAI_3r

Hầu như ở thời điểm nào cũng có những ý kiến cải cách chữ Quốc ngữ.

Trên Báo Hà Nội Mới số ra ngày 23.9.1995, ông Nguyễn Kim Hoạt đặt vấn đề: “Có nên cải cách chữ Quốc ngữ không?”. Đề nghị cải cách của ông có mấy điểm chính như thay j cho gi và bỏ phụ âm kép gh (ví dụ: ghênh = gênh)”... Đề nghị này không vọng lại tín hiệu đáng kể nào trên mặt báo.

Tại hội nghị Chữ Quốc ngữ và sự phát triển chức năng xã hội của tiếng Việt (tổ chức ngày 11.4.1996 tại Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM), trong tham luận Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ, Giáo sư Cao Xuân Hạo cho biết: “Có lẽ chữ Quốc ngữ chỉ nên đổi một điểm duy nhất là bỏ h sau ng (chứ không phải sau g)".

Sau đó, trên Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 24.6.1996 có đăng ý kiến “Chừng nào mới đổi mới cách viết chữ Quốc ngữ” của ông Bùi Ngọc Sánh từ Paris gửi về. Đại khái, theo ông: “Chấp nhận chuẩn hóa để c thay k;
k thay kh; q thay qu; z thay d; d thay đ; f thay ph; j thay gi; g thay gh; ng thay ngh; a thay ă; o thay ơ; u thay ư”...

Ý kiến này lập tức có ngay thông tin phản hồi, trao đổi lại. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu học Huyền Viêm cho rằng không phải là mới, mà “còn thêm rối rắm có ích gì đâu?”: “Khoảng 40 năm trước, ngành bưu điện đã tự đổi mới cách viết để dùng trong việc đánh điện tín và còn dùng đến ngày nay, vì chữ trong các bức điện không có dấu. Theo cách đánh điện ấy thì chữ ă thay bằng aw, ê thay bằng ee, ô thay bằng oo, ơ thay bằng ow, ư thay bằng uw, dấu sắc thay bằng chữ s, dấu huyền thay bằng f... Nhưng bưu điện dùng thì cứ dùng, còn dân chẳng ai theo”.

Ý kiến của Cadière, thành viên Hội nghị quốc tế khảo cứu về Viễn Đông lần thứ nhất, họp tại Hà Nội vào cuối năm 1902, nay vẫn còn chưa lỗi thời, khi cho rằng bất kỳ sự cải cách nào cũng xảy ra những vấn đề căn bản như: Không thể từ bỏ khó khăn vốn có của lối chữ viết, mà bất cứ lối chữ viết ghi âm nào cũng không hoàn hảo; không khéo người đang biết chữ Quốc ngữ trở thành mù chữ; cả loạt khí cụ nhà in trở thành vô dụng...

Tán thành ý kiến này, từ những năm 1940, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã khẳng định: “Tiếng hiện thời của các nước đều là đầy những sự vô lý. Nhưng đố ai cải cách nó được. Tiếng vạn quốc ngữ Esperanto và Ido mà người ta đã đặt ra rất hợp lẽ, nhưng vì không có tính cách một dân tộc nào. Nên chung quy, không có một dân tộc nào theo cả” (Danh từ khoa học - NXB Trường Thi - 1959, tr.XVIII).

Nếu muốn cải tiến, xin hãy nhớ đến nguyên tắc đã công bố tại Hội nghị cải tiến chữ Quốc ngữ tại Hà Nội (1960): “Dựa trên cơ sở chữ Quốc ngữ hiện dùng, hết sức tránh những xáo trộn không cần thiết; Cải tiến mạnh bạo nhưng hết sức thận trọng, chắc chắn; Tiến hành từng bước, bước trước chuẩn bị cho bước sau; Yêu cầu làm cho chữ Quốc ngữ hợp lý hơn, đồng thời giản tiện hơn và đủ vần hơn”.

Thiết nghĩ, chữ Quốc ngữ đã trở thành máu thịt thiêng liêng trong tâm trí, đời sống tình cảm của mỗi con dân nước Việt. Từng con chữ không chỉ có xác, mà còn có hồn - hồn của một dân tộc ẩn hiện trong đó. Do đó, dù chữ Quốc ngữ còn chưa thật hoàn thiện, nhưng người ta không thể cải cách, thêm bớt một cách tùy tiện, chủ quan.

Lê Minh Quốc

(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 2.12.2017)

Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com