THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC : Nhớ dầu gió bác sĩ Tín

LÊ MINH QUỐC : Nhớ dầu gió bác sĩ Tín

leminhquoc-nho-dau-gio-BS-Tin


Những người sống ở miền Nam trước 1975, chắc chắn từng nghe nói đến hoặc đã xử dụng dầu gió, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín. Sản phẩm này nổi tiếng không thua gì dầu Nhị Thiên Đường, thuốc bổ Cửu Long hoàn, dầu cù là Macphsu v.v… thời đó.

“Gần một trăm năm tiếp xúc với văn minh Âu Mỹ, người mình ít ai chịu khó áp dụng khoa học để nghiên cứu dược phẩm trong nước và kiến tạo một nền dược học hoàn toàn Việt Nam”. Suy nghĩ này là của BS Tín thời còn trẻ. Thiết nghĩ, những người có tâm, có lòng tự hào dân tộc cũng thường nghĩ đến. Do đó, nỗ lực ra đời của một vài sản phẩm kể trên là những tín hiệu cần được ghi nhận.

Ở Quảng Nam có câu cửa miệng: “Nhất Cai Nghi, nhì Hương Nữ” nhằm chỉ những người cực giàu. BS Tín thuộc dòng dõi Cai Nghi, tên thật Bùi Kiến Tín sinh năm 1912 tại làng Trung Phước, huyện Quế Sơn (Quảng Nam). Thời nhỏ, ông học ở Trường Tiểu học Mĩ Hòa, sau ra học ở Huế, năm 1932 đậu Tú tài và được học bổng du học Pháp trong nhiều năm.

Theo tài liệu của Nhà thuốc BS Tín, lúc ở Pháp: “Trong những năm tòng sự tại các bệnh viện và các Khảo cứu viện ở Ba Lê (Paris), BS Tín đã cố công xem xét các phương pháp chế thuốc của Âu Mỹ, lại có cơ hội thí nghiệm những thảo mộc ở nước nhà gửi sang, lọc những nguyên chất dùng vào việc chế thuốc thâu nạp cái hay của người đặng nâng cao giá trị những dược phẩm dồi dào của xứ mình”.

Với sự tìm tòi, nghiên cứu này, đầu năm 1941, BS Tín trở về nước bắt tay vào việc sáng chế một loại dầu chữa bệnh thời khí. Năm 1944, ông đưa cả gia đình từ Quảng Nam vào lập nghiệp tại Sài Gòn. Thời gian này, ông lập ra viện bào chế Đông dược miền Nam và tạo nên thương hiệu “Dầu gió Bác sĩ Tín”. Chất lượng sản phẩm này vừa tung ra thị trường, ngay lập tức chinh phục được tình cảm, sự tín nhiệm của người tiêu dùng.

Có một chi tiết cần nhấn mạnh, giữa lúc nền học vấn của nước nhà hầu như đều sử dụng tiếng Pháp, BS Tín lại sử  dụng tiếng Việt trên các toa nhãn. Mục đích của ông nhằm quảng bá rộng rãi đến công chúng, nhất là bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa biết đến loại dầu gió do người Việt sản xuất công hiệu mà rẻ tiền.

Tại miền Nam trước năm 1975, sản phẩm Dầu gió Bác sĩ Tín đã bán ra thị trường trên 25 triệu chai. Con số này đã cho thấy sức sống của một sản phẩm dược nội địa rồi năm 1956, ông còn treo giải thưởng “mua dầu trúng xe Austin”. Không chỉ chuyên tâm với dầu gió, từ năm 1945, ông cho biết ý định: “Khi thái bình vãn hồi, tôi sẽ ấn hành những sách báo dạy về vệ sinh cần yếu để tránh những bệnh hiểm nghèo suy nhược, mong đồng bào giữ vững sức khỏe và bồi dưỡng sinh lực cho nòi giống”. Giữ đúng lời hứa, một trong những tập sách ông đã viết, có thể kể đến như Cần một cuộc cải tiến về ăn uống tại Việt Nam.

Ít ai biết, trong thời gian chú tâm vào sản xuất dầu gió, BS Tín còn “có tham vọng:

1. Trồng cây thuốc Việt Nam và cây thuốc nhập cản Ipéca, Quinquina…

2. Xuất cảng những dược phẩm Việt Nam.

3. Đào tạo những kỹ thuật gia để sản xuất thuốc hóa học theo quan niệm kỹ nghệ hóa quốc gia”.

Ngày nay ngành dược học nước nhà đã có những bước tiến đáng kể, nhìn lại “tham vọng” cách đây tròn 60 năm ta càng quý tâm huyết, khát vọng của một người có tinh thần dân tộc.

Thêm điều đáng quý nữa, từ nguồn cảm hứng đó, BS Tín còn truyền lại cho con cái mình.

Sự thành công của Tiến sĩ tài chính Bùi Kiến Thành - một trong những người đầu tiên được đào tạo bài bản ở Hoa Kỳ, từng nhận giải thưởng “Vinh danh nước Việt” tâm sự: “Ba tôi cũng là người dẫn dắt tôi trên con đường học vấn và nâng đỡ tinh thần tôi những lúc gian nan trên đường đời. Đó là hạnh phúc mà trời ban tặng”. Em trai ông Thành cũng nổi tiếng không kém là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Pháp, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc. Ông Quốc về nước tham gia đầu tư các cơ sở du lịch ở Hội An, Điện Bàn (Quảng Nam); và nhiều năm liền thực hiện dự án bảo vệ làng quê Việt, phát triển du lịch sinh thái…Có thể nói, tinh thần “mình vì mọi người” có được là do họ thừa hưởng được từ giáo dục, tấm lòng của người cha luôn nặng lòng với quê hương.

Tôi nghĩ, tâm hồn người làm thuốc bao giờ cũng từ bi hỷ xả, gần với triết lý nhân văn của Đạo Phật - nói như nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu:  “Thấy người đau giống mình đau/ Phương nào cứu đặng, mau mau trị lành”. Không chỉ chữa trị về thể xác mà các bác sĩ còn quan tâm về tâm hồn của người bệnh nữa. Hiểu như thế, ta mới có thể lý giải vì sao năm 1969, BS Tín đã hiến cúng một quả đồi lớn nay thuộc phường Long Bình, quận 9 (TP.HCM) để sau này các tấm lòng Phật tử đã xây dựng thành Xá lợi Phật đài.

Đóng góp cho xã hội, tùy vào khả năng, mỗi người chung sức làm một việc dù lớn dù nhỏ cũng đều đáng quý. Với BS Tín, khi để lại sản phẩm Dầu gió BS Tín đã là điều đáng ngưỡng mộ. Vì thế, dù qua đời năm 1994 nhưng ông vẫn đồng hành cùng thế hệ chúng ta. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, đầu xuân mới nhớ đến BS Tín, tôi xin mượn câu thơ Kiều thay cho lời kết luận.

 

L.M.Q
(nguồn: Báo Chuyên đề Sức Khỏe số cuối tuần - Giai phẩm Xuân Ất Mùi 2015)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com