THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Chuyện tình HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG

LÊ MINH QUỐC: Chuyện tình HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG

 

Chẳng rõ cho đến nay, ông Trời đã bao nhiêu xuân xanh? Nhưng bất cứ ai, dù trẻ già lớn bé nam phụ lão ấu cũng gọi là... “trời già”! Thử hỏi với lứa tuổi của mình, ông trời đã chứng kiến bao nhiêu mối tình và theo ông mối tình nào đẹp nhất của nhân loại? Chẳng có sử sách nào ghi lại câu trả lời thú vị này. Thôi thì, mỗi người cứ việc “bình chọn” cho riêng mình vậy. Với tôi, trong những năm gần đây lại chuyển qua viết nhân vật lịch sử, tất nhiên trong quá trình này, tôi không thể không quan tâm đến các mối tình cả họ. Thú thật, lâu nay tôi vẫn nghĩ trong tình yêu hôn nhân chuyện “một chồng một vợ” là chuyện dễ dàng thực hiện nhất - vì khi người ta cưới nhau, rồi sinh con đẻ cái. Vậy là hết chuyện. Còn mối tình đổ vỡ, chắp nối thêm - nói như các chị trong cơ quan tôi là “tập 2”, “tập 3”... - thì mới là khó thực hiện.

Nhưng tôi đã nhầm.

 

HAITHUONGLAN-ONG

Hải Thượng Lãn Ông (ảnh: Tư liệu)

 

Năm tháng đã dạy cho tôi nhìn nhận ra rằng, không có gì khó cho bằng chuyện “một chồng một vợ”, vì suốt một đời hai người phải gắn bó nhau, mà vẫn giữ được ngọn lửa quyến rũ của cái thuở ban đầu. Khó ghê gớm lắm chứ! Từ đó, ta mới thấy sự thủy chung của con người quả là khó có thể giải thích nổi. Đã có lần, tôi viết:

Tôi học một đời vẫn chưa hết túi khôn

Những điều bình thường dưới vòm trời giản dị

Bình thường như em - tấm lòng chung thủy

Những đích thực là bí ẩn của thiên nhiên

Chính sự bí ẩn ẩn này đã khiến tình yêu của con người thăng hoa theo năm tháng. Nhưng đừng nghĩ rằng, khi không chung sống được nhau thì sự thủy chung ấy không còn. Với mối tình đẹp nhất của nhân loại - tất nhiên theo bình chọn của tôi - đã cho thấy họ vẫn thủy chung cho đến lúc sắp chìm sâu xuống dưới ba tấc đất.

Lạ kỳ chưa?

Đó là chuyện tình của Hải Thượng Lãn Ông - một bậc Thánh y của Việt Nam. Cụ là tác giả của bộ sách Hải Thượng y tôn tâm lĩnh gồm 66 quyển, biên soạn trong ngót 40 năm, được in toàn bộ vào năm 1866 là một công trình bách khoa toàn thư y học của thế kỷ XVIII và cũng là bộ sách y học xuất sắc nhất trong thời kỳ phong kiến. Thời trai trẻ, cụ có gia nhập quân đội và lập được nhiều chiến công hiển hách, nhưng sau khi có tin người anh ở quê mẹ qua đời, lấy cớ không ai phụng dưỡng mẹ già đã ngoài 70 xuân, cụ đột ngột từ bỏ binh đao về quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Trở về quê mẹ, không may cụ mắc bệnh nặng không thuốc gì chữa khỏi, phải sang huyện Thanh Sơn nhờ lương y Trần Độc cứu chữa. Dưỡng bệnh tại đây hơn một năm, những khi nhàn rỗi cụ đã mượn sách thuốc Cẩm nang Phùng thị để đọc. Từ đó, cụ say mê nghề làm thuốc. Khi khỏi bệnh, cụ trở về nhà quyết tâm học thuốc và đặt biệt hiệu Lãn Ông - ngụ ý là ông già lười đi ẩn cư - nhưng thật ra cụ muốn thoát khỏi vòng ràng buộc của giai cấp thống trị để rảnh rang nghiên cứu y học, giúp ích cho đời. Danh tiếng của cụ vang dội đến tận kinh đô nên năm 1781, chúa Trịnh đã vời cụ ra chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm. Trong chuyến đi này, cụ đã viết tác phẩm xuất sắc Thượng kinh ký sự - tập ký sự này có giá trị lớn đối với văn học và sử học nước nhà.

Lúc cụ ra kinh đô, một hôm có hai bà sư già ở chùa Huê Cầu đến quyên tiền đúc chuông. Cụ giật mình khi biết một người là con gái quan Tả thừa tư ở Sơn Nam, làng Huê Cầu. Hình bóng cũ đã quay trở về trong tâm tưởng của một cụ già ngoài 60 xuân, do đó, khi hai sư bà đi khỏi, cụ liền gọi học trò tên Tài đến và nói:

- Lúc ta còn nhỏ, nhà có dạm cô con gái quan Thừa tư tham chánh ở Sơn Nam. Đã làm lễ vấn danh và ăn hỏi rồi. Nhưng có việc trở ngại, ta phải từ hôn trở về ở luôn Hương Sơn. Năm, sáu năm sau, ta lên kinh, nghe tin quan Thừa tư tham chánh đã qua đời. Còn người con gái, ta hỏi thăm thì có người kể: Cô ta thật là kỳ! Nghe nói trước kia có một công tử nào đó đã hỏi, đã đủ lục lễ rồi nhưng sau không thành. Cô ta nói: “-Mình đã có người dạm hỏi, tức là đã có chồng. Nay vô duyên bị chồng bỏ, còn mặt mũi nào mà lấy chồng nữa?”. Bèn thề suốt đời không lấy ai. Ta nghe vậy trong lòng hoảng hốt: Do mình thu xếp công việc không chu đáo, có trước chẳng có sau, khiến cho cô ta ôm hận. Mình thực là người bạc hạnh! Tội này đeo đuổi lấy mình, không biết có cách nào gỡ được.

Canh cánh với âu lo đó nên cụ dặn dò đệ tử rằng:

- Nay chỉ còn một cách: nuôi dưỡng bà cho trọn đời, để mong chuộc cái tội ngày xưa. Hiện nay, ta đang ở kinh thì việc phụng dưỡng, chu cấp còn dễ. Nhưng nay mai ta trở về nơi núi cũ, đường sá xa xôi, làm sao giúp đỡ được nữa. Ví bằng, bà bằng lòng về Hoan Châu với ta, thì trong vườn của ta cũng có một nơi thanh u tịch mịch, có một ngôi chùa do anh ta dựng, có thể cung phụng đèn nhang. Còn việc lo lắng ăn mặc thì ta xin chịu hết. Như thế là một phần mong báo đáp cái tiết hạnh cao quý của bà, một phần để chuộc cái tội của ta. Anh hãy hỏi chuyện xưa rồi nói vậy xem bà có thuận không để ta định liệu.

Vâng lời cụ, đệ tử vội chạy đến chùa Liên Tôn - nơi hai sư bà đang nghỉ chân. Nghe đệ tử của Hải Thượng Lãn Ông thưa chuyện, sư bà sụt sùi đáp:

- Cám ơn cụ có lòng tốt. Tôi không có chồng, phải cô độc, khổ sở như thế này cũng bởi số mệnh của tôi, chứ có dám trách ai đâu? Cái thân tàn này nào có tiếc gì! Chỉ hiềm một nỗi, nhìn quanh nhìn quẩn, thân thích chẳng còn ai, phần mộ của cha ông không có người coi sóc. Tôi dám đâu tìm đường ấm no một mình. Xin ông về thưa với cụ: “-Tôi chưa được cái ân huệ của người, nhưng tấm lòng của người đã hiểu cho như thế, cũng là đủ an ủi cái cảnh lênh đênh cô độc của tôi rồi”.

Nghe kể lại, Hải Thượng Lãn Ông thương cảm vô cùng. Từ đó, hai người có đi lại thăm hỏi nhau. Có lần sư bà ngỏ ý rằng, nghe nói trong xứ Nghệ có nhiều cỗ áo quan tốt, muốn mua một cỗ. Cụ liền sai người đi tìm mua ngay, nhưng không tìm được cỗ như ý. Do đó, khi quay trở về làng cũ, cụ có gửi lại năm quan tiền nhờ mua cỗ áo quan tặng bà. Chao ôi! Tình cảm của người già nồng thắm và cũng cảm động xiết bao. Những tháng ngày gặp lại người tình cũ, cụ đã làm một bài thơ để bày tỏ lòng mình. Có lẽ, đây là bài thơ tình duy nhất của Hải Thượng Lãn Ông mà chúng ta biết được (LMQ dịch):

Hại người cũng bởi vô tâm

Nay nhìn nhau chỉ âm thầm thở than

Nụ cười, giọt lệ chứa chan

Mùa xuân trong mắt đã tàn bóng đêm

Kiếp này kết nghĩa anh em

Kiếp sau xin được đẹp duyên vợ chồng

Quay về làng cũ, cụ không gặp người tình cũ nữa. Mười năm sau (1791) cụ qua đời. Nhưng chắc chắn bóng dáng người tình cũ mãi mãi còn trong tâm trí của cụ. Điều khiến ta sửng sốt đến lạnh cả sóng lưng chính là chi tiết: tặng người tình cũ một cỗ áo quan! Trong lịch sử tình ái của nhân loại, có mối tình nào bi tráng, cảm động đến như thế không? Vậy đó, lúc sống không được e ấp, nũng nịu trong vòng tay nồng ấm của anh thì khi chết đi, được nằm trong cỗ áo quan của anh thì cũng an ủi cho em lắm rồi... Chỉ mới thử đặt suy nghĩ của mình vào người phụ nữ thủy chung sống cách ba thế kỷ, tôi đã ứa nước mắt...

Tình già như thế quả là đẹp. Rất đẹp. Bỗng sực nhớ đến bài thơ mở đầu cho nền Thơ mới trong tiến trình phát triển của thi ca Việt Nam hiện đại, ai ngờ lại là bài thơ Tình già! Ông Phan Khôi quả là người từng trải, từng chiêm nghiệm lẽ đời một cách già dặn nên mới có thể hạ bút:

Hai mươi bốn năm sau

Tình cờ đất khách gặp nhau

Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được

Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi

Con mắt còn có đuôi

Quả là hiện đại đến “thần sầu quỷ khốc”. Chỉ mới liếc nhau thôi mà đã ghê gớm như thế, hơn cả trong ca dao “Con mắt em liếc như là dao cau”. Tình trẻ còn lâu mới dạt đến sự thâm trầm, kín đáo diệu vợi được như thế!

 

L.M.Q


(Tạp chí Xưa & nay - XUÂN 2010 - Hội Khoa học Lịch sử VN)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com