THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Vui buồn chuyện Tết ngày xưa

LÊ MINH QUỐC: Vui buồn chuyện Tết ngày xưa


“Ăn tết” hay “chơi tết”? Ca khúc Ngày tết quê em của nhạc sĩ Từ Huy được yêu thích cũng vì phản ánh được tâm trạng của nhiều người: “Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi / Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi/ Đàn em thơ khoe áo mới / Chạy tung tăng vui pháo hoa/ Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi / Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam / Dù đi đâu ai cũng nhớ / Về chung vui bên gia đình...”. Không thấy tác giả nhắc đến chuyện “ăn”. Ăn? Chỉ là “chuyện nhỏ như con thỏ”. Có đúng thế không? Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp từ An Giang mới sưu tầm được và gửi cho tôi bài vè Ăn tết. Bài vè này như thế nào? Ta sẽ nói sau. Dù nói sau, nhưng tôi cũng xin “mật mí” đôi nét về không khí nhộn nhịp ăn Tết của Nam bộ ngày xưa qua bài vè độc đáo này:

dung-neu-ngay-tetR

Dựng nêu ngày tết - tranh dân gian

 

Đêm tới sáng thức làm lạo xạo

Kẻ lo hết gạo, người sợ lá tươi

Giã gạo vang trời động đất

Mần sao lật đật như đứa mắc phong

Nếp tẻ tính vừa xong

Tiền bạc thiếu đi vay hỏi lãnh

Sức ai đặng mạnh mượn phết bánh phồng

Hái mớ lá, dây, mua hành cùng hẹ

Mần cho nhặm lẹ, chớ có dật dờ

Vườn đặng quét dọn giường thờ

Hối con vợ thức khuya đi chợ

Rõ ràng, ở đây là “ăn tết” với bao thứ phải lo toan. Theo tục lệ ngày xưa, mà nay cũng thế thôi mọi nợ nần trong năm phải trả trước Tết, không để sang năm mới. Có câu: “Giàu khó ba mươi Tết mới hay”; hoặc “Réo như réo nợ ngày trước Tết”. Thời “tiền chiến”, nhà văn Tô Hoài có viết truyện ngắn Khách nợ, ta không khỏi bùi ngùi thương cho kiếp nghèo bị đòi nợ trong những ngày cận Tết, sợ quá phải bỏ nhà mà trốn. Đây là lúc lái Khế, người đi đòi nợ thuê xộc vào nhà con nợ:

“Tự nhiên, lão vén quần đái một bãi ra giữa nhà... Lão Khế cố để ý một lần nữa để xem có món gì khả dĩ có thể xách về được chăng. Cái phản mọt, cái án thư gẫy một chân. Giường thờ, lơ láo một chiếc bát hương nhỏ. Trên vách một ống tre buộc lủng lẳng. Dáng là cái ống đựng quyển sổ biên ngày kỵ ông vải. Không một nén hương, một mẩu nến, một trăm vàng. Một mảnh tranh gà cho trẻ con chơi cũng không nốt. Tết, tết chẳng gợn một bóng vía ở nơi lạnh lẽo này. Nhưng lão nghĩ ra rồi. Lão xách chiếc bát hương xuống, đổ cát đi. Lão lấy chiếc ống đựng sổ. Rồi tay cầm chiếc hèo hoa, kèm ống sổ, nách kia cắp cái bát hương, lão đi ra ngõ”.

Ngay cả bài vị, bát nhang thờ ông bà ông vải cũng bị “cuỗm” đi thì còn gì là ăn tết nữa hở trời?

Tâm trạng não nề, đau đớn này tôi ngờ rằng cũng chưa bằng sự bẻ bàng, hụt hẫng của ông bà đồ Cảnh và thị Na. Những ai vậy? Ấy là ba bố con trong truyện ngắn Đón khách của Nam Cao. Chuyện rằng, mỗi chiều đi làm về phán Sinh thường vào quán hàng nước của bà đồ ngồi uống bát chè, ăn quà vặt, buông lời “nói xa nói gần” tán tỉnh thị Na và muốn... làm rể! Sinh đùa hay thật? “Ra sự rằng thị cũng biết Sinh đùa đấy. Nhưng sự thật thì thị cũng hơi hy vọng. Cả bà đồ cũng vậy. Nhất là từ cái hôm Sinh đem một chai rượu dâu làm quà cho ông đồ”. Sinh chẳng tốt lành gì. Chẳng qua có người bạn mới mở cửa hàng bán rượu dâu đã tặng y hai chai rượu đặng “tiếp thị” sản phẩm “hàng Việt Nam chất lượng cao”. Trên đường về, một chai bị tuột tay rơi xuống đường. Tiếc của, y nhấm nháp thử, “Cha mẹ ơi! Rượu quái gì mà như thể tương toi”. Còn một chai, y định quăng cho bõ ghét. Nhưng tiếc của giời, y giữ lại, hào phóng...  tặng luôn cho ông đồ. Đã thế, y còn hẹn mồng hai Tết sẽ đến thăm nhà, dặn dò: “Nói dối các cụ, các cụ rẽ duyên vợ chồng con thì chết con”.

Cả nhà ông bà đồ nghèo, thật thà mừng khấp khởi trong lòng. Tết đó họ “mua bát họ” để có tiền sắm sửa ăn tết cho ra trò. “Mình phải gói mươi tấm bánh, bó mấy cái giò thật tốt. Kẻo nữa lúc người ta lên mừng tuổi thật, mình lại trơ thổ địa ra đấy à?”. Mồng hai Tết, từ đầu làng đã nghe nổ giòn tiếng pháo. Cả nhà ông đồ rối rít, nào đun nước pha trà, nào khăn áo chỉnh tề... đón khách. Còn thị Na “Vừa mới nghe nói Sinh sắp tới, thị đã vội vàng thắt cái thắt lưng nhiễu mới và mặc cái yếm là còn giữ nguyên màu vàng của tơ”. Cả nhà thấp thỏm, hồi hộp chờ đợi...

Cuối cùng, họ vỡ lẽ ra ấy là tiếng pháo mừng đám cưới của Sinh với cô Duyên nhà ông hàn! “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Trời ạ! Lúc ấy với ông bà đồ Cảnh nghe tiếng pháo “nổ mạnh như một chuỗi cười chế nhạo”; tiếng pháo “giẫy đành đạch như một thằng bé con hỗn láo”. Gì nữa? “Ông đồ lại nghẹn thêm cái nữa.Đôi mắt ông ầng ậng nước. Ông đã nhìn thấy con gái ông sau cái tết này, đem cái thắt lưng và cái yếm là còn mới nguyên đem dạm bán lại cho người này, người nọ để lấy tiền đóng họ cho nhà bà lý Vinh”.

Câu chuyện kết thúc. Ủa! Sao trên mắt của ta cay cay?

Tiếng pháo ấy, ta còn bắt gặp trong bài vè mà anh Nguyễn Hữu Hiệp vừa gửi tôi. Đây là một trong những sinh hoạt Tết cuả Nam bộ ngày trước có những câu cũng bi hài:

Ngày ba mươi năm canh vừa lửa

Heo thiên trùng chết biết mấy muôn

Nghe tiếng kêu mở cửa chạy tuôn

Lợi mình dành phần chắc

Đem về miếng thì kho, miếng thì xắt

Bèn dọn lên mời vái cúng ông bà

Rượu thì rót bằng chén chung trà

Nói chi láng cháng nghiêng qua ngã lợi

Nghe tiếng pháo đại kêu con vợ sắm sửa nấu chè 

Vác cây nêu đem cặm ngoài hè

Nói con vợ sao cửa đóng sớm

Làm hơi mặt bợm mở pháo đốt um sùm

Kêu còn vợ lấy mền trùm

Co cẳng cuốc ngủ cho tới sáng

Được như thế đã là may. May lắm rồi. Hai nhân vật “gái ăn sương” Liên và Huệ trong truyện ngắn Tối ba mươi của Thạch Lam mới bi thảm làm sao. Họ không dám “về quê ăn Tết”, không được sống với tâm trạng náo nức buổi chiều cuối năm trong một phiên chợ tết:

Đông thiên hạ mặc tình mua bán

Nhà giàu người ta mua hồng, mua núm, mua mì

Mua không thiếu vật chi

Bổn phận mình nghèo muốn mua xấp vải

Nghiêng qua ngó lại ngặt nỗi thiếu tiền

Muốn mua một chiếc cườm chuyền về đeo sợ má đánh

Vái trời lành mạnh tết khác qua mua

Còn Liên và Huệ đón Tết trong... căn buồng nhà “săm” tồi tàn, bẩn thỉu! Nói tắt một lời đó là “nhà thổ”, “nhà chứa”. Nhưng như bao người khác, họ cũng cúng giao thừa - một tập quán tốt đẹp của người Việt từ ngàn năm nay - với vài món nghèo nàn. Và tất nhiên không thể thiếu hương khói. “Huệ tìm lấy thẻ hương. Nàng quay lại hỏi Liên: “-Chị có mua gạo không?”. “-Có, gạo đây. Nhưng đổ vào cái gì bây giờ?”. Hai chị em nhìn quanh gian phòng, nghĩ ngợi. Liên bỗng reo lên: “-Đổ vào cái cốc này này. Phải đấy, rất là...”. Nàng im bặt lại. Hình ảnh ô uế vừa đến tâm trí nàng. Cái cốc bẩn ở góc tường, mà cả đến khách làng chơi cũng không thèm dùng đến, nàng định dùng làm bát hương cúng tổ tiên! Liên cúi mặt xuống, rồi đưa mắt trông Huệ; hai người thoáng nhìn nhau”. Kỳ lạ cho văn chương chữ nghĩa, chỉ đôi dòng, cũng khiến ta thương xót đến thân phận của một kiếp người. Huệ và Liên không có “ăn tết’ và cũng không “vui tết” gì sất. Họ không được sống trong sinh hoạt ba ngày tết như bao người khác. Chẳng hạn, trong bài vè có đoạn mà hầu như ngày nay vẫn còn:

Sáng ngày mồng một anh em bạn tới nhà

Đem rượu đã liền

Ba ngày này ăn uống liên miên

Rồi mãn tết tính coi bao nhiêu sở hụi

Thịt thời hai yến ba đồng

Rượu thời mười hai chuỗi tôi lạy khóc ông

Tôi lạy bác nội đừng trông tới tết

Nói vậy thôi. Dù hàng ngàn hàng triệu năm nữa, tôi nghĩ, phong vị Tết trong tâm thế của người Việt vẫn thiêng liêng như thuở nào. Ai cũng mong tới Tết. Cho dù siêu thị mọc lên ngày càng nhiều; hàng hóa đa dạng hơn; nhịp sống có hối hả hơn, tất bật hơn... nhưng trong ngày Tết tất cả những thứ ấy vẫn mang một ý nghĩa khắc hẳn ngày thường. Món ăn của ngày Tết còn có hương vị của sự sum họp, đoàn tụ; trong bộ quần áo mới còn có cả niềm vui trong trẻo của ngày nguyên đán; trong giọng nói tiếng cười không chỉ mang ý nghĩa thông tin mà còn là nỗi niềm tâm sự và chia sẻ...

L.M.Q

(Nguồn: tạp chí  Phụ Nữ Ấp Bắc Xuân 2011)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com