TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: “Làm thơ là một thú vui lương thiện”

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: “Làm thơ là một thú vui lương thiện”

 

Cùng với nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy, nhà thơ Lê Minh Quốc cũng là người mới được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam trong đầu năm 2001 này. Nhân dịp này Văn nghệ Trẻ đã gặp và trao đổi với anh một số vấn đề xung quanh thơ và thơ trẻ…

PV: Xin được chúc mừng anh vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Anh có thể cho biết cảm tưởng của anh trước tin vui này?


LAMTHO


L.M.Q: Viết văn, làm thơ là công việc riêng tư, nỗ lực bản thân của chính cá nhân mỗi người, không vì được kết nạp vào hội mà viết hay hơn hoặc dở đi. Tuy nhiên, niềm vui đối với tôi là công việc mình thực hiện nhiều năm qua đã được hội ghi nhận. (Nhân đây tôi cũng xin nói rằng, tại TP.HCM còn có nhiều anh chị khác cũng xứng đáng lọt vào “mắt xanh” của Hội Nhà văn Việt Nam như nhà thơ Nguyễn Thái Dương, Hồ Thi Ca, Đoàn Vị Thượng, Thanh Nguyên… nhà văn Võ Phi Hùng, Lê Văn Nghĩa…). Đối với tôi còn có một niềm vui nữa là sau khi được kết nạp vào hội, tôi vẫn còn viết “sung” viết say mê như thuở nào…

PV: Thơ là con đường dấn thân của anh (mặc dù anh viết nhiều thể loại). Vậy anh có thể nói điều gì về thơ?

L.M.Q: Đối với tôi, thơ là một ma lực, một hấp dẫn. Để tạo nên một “lực hấp dẫn” đối với công chúng thì các loại hình nghệ thuật khác còn có sự “hỗ trợ khác”. Chẳng hạn, âm nhạc có giai điệu, hội họa có màu sắc, nhiếp ảnh có ánh sáng… còn thơ có gì ngoài chính nó? Đó là ngôn từ. Bằng ngôn từ, đi chênh vênh trên sợi dây cảm hứng của mình - nhà thơ phải đạt đến mục tiêu của mình là tạo ra sự rung động nơi người đọc. Mấy ai thành công? Ai đã từng “nếm mùi” thất bại?

Tôi thích những bài thơ được viết ồ ạt từ cảm xúc có thật cho dù đôi lúc câu chữ còn thô ráp, còn hơn là đọc những bài thơ quá chỉn chu về câu chữ mà cảm xúc giả tạo hoặc gượng ép. Đọc những bài thơ “Dụng công” quá nhiều, ta chỉ thấy chữ mà chẳng thấy tình. Những bài thơ ấy cũng giống như đồ hộp ở các siêu thị. Mẫu mã có, vệ sinh có nhưng lại thiếu đi hương vị đậm đà của chính đời sống tạo ra nó. Vậy thì cái “tạng” của mình thế nào thì mình cứ viết thế ấy. Viết như chơi thì mới là thơ thật! Mấy ai viết như chơi? Ai đã có thơ hay thật?

PV: Trong thế kỷ mới, thơ anh chắc cũng có nhiều đổi mới?

L.M.Q: Biết nói thế nào về những bài thơ sắp tới…

“… Những bài thơ tôi viết

Dành riêng cho một người

Không một ai được biết

Ngoài giọt máu đỏ tươi….”

PV: Vậy điều anh muốn tâm sự với những người làm thơ trẻ là gì?

L.M.Q: Trong tâm tưởng tôi không hề có khái niệm về những người làm thơ trẻ. Chỉ có nhà thơ và… thợ thơ. Có nhà thơ trẻ nhưng làm thơ già dặn và ngược lại. Thơ là thơ, chỉ có vậy thôi.

Tuy nhiên ở câu hỏi này, tôi hiểu là nói về những người mới làm thơ nên tôi có suy nghĩ rằng: Cái “tạng” của mình như thế nào thì mình cứ viết như thế ấy. Đừng bắt chước phong cách đã định hình của các nhà thơ đàn anh đi trước. Tôi không thích đọc thơ của người “mới làm thơ” lại mang âm hưởng hoặc cách biểu hiện như những nhà thơ đã nổi tiếng. Tôi nghĩ hãy xem công việc làm thơ như là một thú vui lương thiện của riêng mình. Cho nên mình là người như thế nào thì cứ viết như thế ấy. Đừng vì để được in trên báo, được lăng xê mà uốn éo hoặc gò ép cảm xúc của mình. Riêng tôi cũng thường dặn dò mình như thế.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này.


Cẩm Thành (thực hiện)

(nguồn: báo Văn nghệ TP.HCM 15.2.2001)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com