TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC - 7.Những vần thơ viết bằng chính cuộc đời

ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC - 7.Những vần thơ viết bằng chính cuộc đời

Mục lục
ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC
*Gửi Tuấn gửi Quốc và...
2. Đất bên ngoài Tổ quốc
3. Tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc”
4.* Đất bên ngoài, Tổ quốc trong tim
5. Đất bên ngoài Tổ quốc - tiếng lòng của những người lính
6.Đất bên ngoài Tổ quốc- đất trong trái tim anh
7.Những vần thơ viết bằng chính cuộc đời
8.Đọc thơ của những người cùng thế hệ
9.Tiếng lòng của một thế hệ
10. Đất bên ngoài Tổ quốc
11. ĐẤT, NGƯỜI LÍNH và THƠ
Tất cả các trang

DU-LUAN-2

* Những vần thơ viết bằng chính cuộc đời

Áp tết Mậu Dần, Tuấn tặng tôi tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc” của Đoàn Tuấn - Lê Minh Quốc. Tuấn nói, hơi có vẻ e dè: Tặng anh tập thơ một thời trận mạc. Tôi hiểu sự e dè của Tuấn. Giữa nhan nhản những tập thơ tình, tập thơ trận mạc của Tuấn và Quốc liệu có lạc lõng? Ngay như mình đây, cầm tập thơ Tuấn tặng, cũng không khỏi thoáng nghi ngờ. Những năm cuối cùng của thế kỷ 20, thời trận mạc liệu mấy ai còn nhớ?
Có lẽ sức hút của thơ Tuấn, thơ Quốc chính là sự chân thực. Sự chân thực của một cuộc chiến ác liệt, dữ dội, Tuấn và Quốc không nói thừa, cũng không nói thiếu. Họ, những chàng trai 17, 18 tuổi, má còn phính lông tơ, vừa rời ghế nhà trường, trong tim trong óc còn đầy mộng mơ, đã bước ngay vào một cuộc chiến nóng bỏng. Đây, chân dung của họ:

Tuổi 18
Rời mái trường
Trở thành người lính
Mang lên rừng
Chuông xe điện vang ngân...
Tuổi 18
Đánh “tiến lên”
Hò reo
Vang dậy một góc rừng
Những đêm
Đế dép đốt sáng trưng
Gõ thùng
Hát đồng ca

(Tuổi 18 - Đoàn Tuấn)

“Nửa đêm thức dậy nhớ nhà
Bỗng ôm mặt khóc như là trẻ con...”

(Lê Minh Quốc)

Những chàng lính trẻ ấy đối mặt ngay với cuộc chiến dã man, tàn bạo, với nạn diệt chủng ghê tởm. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống ở “đất bên ngoài Tổ quốc”. Tôi đã khóc khi đọc những dòng này:

Chiến dịch kết thúc rồi tôi quay về biên giới
Tìm xác bạn bè trên chốt cũ yêu thương
Không thể tìm ra đầy đủ một bộ xương
Đất cháy đen xỉ than
Xương cánh tay lẫn cành khô rơi vãi...
Hơn hai mươi chiếc túi mang theo dồn một túi không đầy...
(Tìm bạn - Đoàn Tuấn)

Những dòng tự sự sau đây, của Tuấn giúp tôi hiểu rõ cái giá rất đắt mà chúng ta đã phải trả để cho bạn tránh khỏi thảm họa diệt chủng khủng khiếp: “Những ngày đó thật ác liệt. Ngày nào cũng đánh nhau. Hết bị địch phục lại bị địch tập kích. Đi gùi gạo, gùi đạn thì vấp mìn. Ngày nào cũng có người bị thương hoặc hy sinh... Tôi nhớ mấy cái sạp làm tạm ở bìa rừng dành cho thương binh, tử sĩ lúc nào cũng đầy máu. Vừa khiêng người này đi, chưa kịp lau máu đọng trên sạp thì đã phải đặt người khác vào”.

Tôi đọc. Mắt nhạt nhòa trước những địa danh lạ hoặc mà Tuấn và Quốc đã trải qua: Tôn lê Sáp đêm 5-1-1979, An-lung năm 1981, Uzađao 1979, Anlung-veng 1980... Bao nhiêu, bao nhiêu những chàng liệt sĩ trinh tiết của đất Việt đã ngã xuống, để trên đất bạn, cây thốt nốt lại yên lành tỏa hương vị ngọt thơm?
Nhưng những hy sinh mất mát cùng những gian khổ không thể quật ngã ý chí bất khuất của họ. Dù đói, như Quốc từng thổ lộ: “Có ngày toàn ăn măng tươi. Ăn đến buồn nôn”. Hãy đọc dòng thơ ghi trong nhật ký một người lính đã hy sinh:
 

Thèm miếng thịt hộp
Sáu mươi người ăn chung một lon
Đói. Và khát, khát như đi trên sa mạc:
Chúng tôi đi rùng rùng bụi đỏ
Hái lá tai voi nhai suốt chặng đường dài
Giành với thú rừng vũng suối đen lá mục
Vũng nước đục ngầu cùng nhau chen chúc
Môi rát buốt
Uống cầm hơi
(Nhật ký một ngày - Lê Minh Quốc)

Tưởng chừng chết chóc cùng trăm ngàn gian khổ sẽ bóp nát họ. Nhưng người lính vẫn trụ vững, vẫn mộng mơ, vẫn cười nói.

Khi đại bác gầm thì chim họa mi im tiếng. Nhưng những tiếng đại bác kia vẫn không thể dập tắt tiếng hót của những chú họa mi như Tuấn và Quốc. Giữa chiến trường, đêm ở rừng họ vẫn nghe thơ, vẫn bâng khuâng trước một “tối thứ bảy”, họ vẫn có ngàn “giấc mơ xanh”. Họ “đọc lại Truyện Kiều”, đọc “Bạch Vân thi tập”, “đêm trú quân ở Xam Công Thơmây nhớ Hàn Mặc Tử”... Nếu như Tuấn có phút nao lòng nhớ về Hà Nội:

Bạn thân yêu nghĩ đến ngày mai
Cầm tay người yêu đi trong vườn bách thảo
Gió Hồ Tây hương thơm đầy vạt áo
Thì Quốc đâu có kém mộng mơ:
Hoa xoài trên vai binh nhất
Thơm hoài trong gió mùi hương

Chiến tranh không dập tắt mộng mơ và khát vọng của họ. Giữa những ngày chiến sự ác liệt ấy, trong họ, tình yêu vẫn rực cháy. Xúc động làm sao trước những dòng tâm sự đến nghẹn thắt của Quốc: “Tôi nhớ đến phum Choăm Sre của những năm 1979. Đêm trăng sáng. Tôi cùng một cô bạn người Khơme gốc Chàm đi dưới lòng suối cạn. Mười tám tuổi, môi tôi run rẩy chạm vào môi nàng. Gục đầu trên vai tôi, tóc nàng khét nắng. Nàng xin tôi một ít xà phòng để gội đầu. Sau khi chia tay, khuya ấy, tôi đã lẻn vào hầm của chính trị viên lấy trộm một ít xà phòng để sáng mai tặng nàng. Hỡi ôi! Rạng sáng hôm sau đã có lệnh bí mật hành quân. Từ đó tôi chẳng bao giờ còn gặp nàng nữa.” Chuyện tình này, sao không thể làm phim được nhỉ?

Tôi đã đọc “Đất bên ngoài Tổ quốc” liền một mạch, đọc đến tận lúc gà gáy sáng. Họ, những chàng lính trẻ đã không ngại ngùng hiến dâng tuổi xuân cho nghĩa lớn. Vì vậy, nếu người nào may mắn còn sống, phải sống đừng phí hoài, phải sống cho cả những người đã chết. Chính vì vậy, tôi hiểu vì sao khi rời chiến trường trở về Hà Nội, Tuấn lại:

Dốc hết tiền
Mua một chiếc đồng hồ đeo tay
(Ngày tôi rời mặt trận - Đoàn Tuấn)

Đứng chung trong “Đất bên ngoài Tổ quốc”, Tuấn và Quốc đã làm thành một cặp song ca thật đẹp. Nếu Tuấn điềm đạm như than qua lửa thì Quốc lại hừng hực như lửa sắp thành than. Một điểm độc đáo của tập thơ là sự trộn lẫn giữa thơ và những dòng văn tự sự của họ. Thơ nói chưa thỏa, thì họ đã có văn xuôi giãi bày. Đọc những dòng văn của họ, càng hiểu thêm những câu thơ họ viết. Đọc cả thơ văn, thấy rằng trữ lượng chiến trận của Quốc và Tuấn còn phong phú lắm. Các bạn, nếu các bạn bình tĩnh khai thác thật kỹ lưỡng các mỏ ấy, tôi tin các bạn sẽ có những tác phẩm lớn!

THIÊN PHÚC
(Báo Phụ nữ Thủ đô số 13.5.1998)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com