TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC - 4.* Đất bên ngoài, Tổ quốc trong tim

ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC - 4.* Đất bên ngoài, Tổ quốc trong tim

Mục lục
ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC
*Gửi Tuấn gửi Quốc và...
2. Đất bên ngoài Tổ quốc
3. Tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc”
4.* Đất bên ngoài, Tổ quốc trong tim
5. Đất bên ngoài Tổ quốc - tiếng lòng của những người lính
6.Đất bên ngoài Tổ quốc- đất trong trái tim anh
7.Những vần thơ viết bằng chính cuộc đời
8.Đọc thơ của những người cùng thế hệ
9.Tiếng lòng của một thế hệ
10. Đất bên ngoài Tổ quốc
11. ĐẤT, NGƯỜI LÍNH và THƠ
Tất cả các trang

DU-LUAN-1

* Đất bên ngoài, Tổ quốc trong tim

Hai mươi năm đã trôi qua kể từ ngày những cuộc giao tranh lần lượt xảy ra suốt một dải đất rừng biên giới từ Gia Lai - Kontum đến Tây Ninh, Hà Tiên, Châu Đốc. Và cũng gần phân nửa thời gian ấy, hình ảnh những người lính tình nguyện VN làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Chùa Tháp đặt chân trở lại Tổ quốc với nụ cười hân hoan cứ sống mãi trong tôi.

Năm năm, mười năm trong đời một con người là thời gian không dài. Nhưng năm năm, mười năm ấy trong cuộc đời của người trai trẻ đã cầm súng chiến đấu là thời gian hoàn toàn không ngắn, là dấu ấn khó phai mờ trong quãng đời còn lại.

Hai mươi năm đã trôi qua. Trôi qua cái thời chúng tôi tin đất nước “mãi mãi hòa bình” vì đã thắng kẻ thù số một của thời đại, thế mà súng lại nổ, nhà lại cháy, người lại chết trên những bản làng biên giới Tây Nam. Chúng tôi lên biên giới với cả một hậu phương bao la hòa bình trong gian nan, vất vả.

Mặt chúng tôi gầy như gương mặt núi
hào phóng như trời xanh
tính thẳng như nòng súng
ăn cơm cục
uống nước đục
hồn như sông in mây trắng vô tư
(ĐOÀN TUẤN)
Những chàng trai tỉnh thành, những chàng trai thôn dã:
Đi qua mùa khô vừa hết tuổi con trai
chúng tôi thật sự trở thành người lính
chúng tôi sống những tháng năm không hề yên tĩnh
(LÊ MINH QUỐC)

Đầu năm 1979, chúng tôi tham gia đánh bọn diệt chủng Pôn Pôt và góp phần vào sự hồi sinh của nhân dân Campuchia anh em.

Đất và nước dưới chân chúng tôi đã không còn thân thuộc. Và cơn gió cũng khác vô chừng. Băng rừng, vượt suối, leo núi, lội đồng, chúng tôi sống như chưa từng được sống.

Tôi đến Campuchia từ ngày đầu giải phóng
làm người khổng lồ che lấp đau thương
làm con kiến bò trên từng kilômet
nhận về mình cay đắng lẫn yêu thương
(LÊ MINH QUỐC)

Đồng đội tôi, họ:

Vẫn nói cười, vẫn thổi mắt cho nhau, ôm súng xông lên và loạt DK dập xuống
Bạn bè tôi hóa trăm mảnh sao trời
(ĐOÀN TUẤN)

Qua hai bài viết giới thiệu về nhau của đôi bạn lính, bạn thơ Tuấn - Quốc, tôi có thêm cơ sở để tin rằng nhiều người lính làm thơ, viết văn trên chiến trường phải là những người lính phục vụ, dù phục vụ ở cấp thấp nhất là đại đội. Như Quốc là quản lý, Tuấn là lính bộ đàm (cũng như tôi thời mới vào lính và tập tành viết lách). Lính phục vụ có thời gian để sống, để chép, để suy ngẫm; chứ còn lính trực tiếp chiến đấu thì ngoài balô, súng đạn, ruột tượng gạo, họ không có lấy một mảnh giấy để vấn thuốc rê thì lấy đâu ra giấy bút mà ghi thơ, chép nhạc.

Những nhà thơ, nhà báo đại đội (báo tường) lớn dần lên trong gian khó thành cây bút này nọ âu cũng là chuyện hiển nhiên. Nhưng có buồn không khi trải qua mười năm chiến trận mà số cây bút chỉ được đếm trên đầu ngón tay, chưa tròn nửa bao thuốc lá. Dù sao, chúng tôi thì vẫn tâm nguyện:

Đã là lính còn phải là tráng nữa
Văng tục một câu cho nó nhẹ người
Bị thương rồi chẳng còn mơ mộng nữa
Nghĩ ngày về mình sống thế nào thôi!
(ĐOÀN TUẤN)

Cảm ơn Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc, trong những ngày đầu năm 1998 đã gợi cho tôi và đồng đội nhớ về những năm tháng chưa xa, những năm tháng sống ở đất bên ngoài mà Tổ quốc thì vẫn rộn trong tim.

PHẠM SỸ SÁU
(Báo Tuổi trẻ chủ nhật 22.2.1998)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com