TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM - 4. Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Kể chuyện danh nhân Việt Nam”

KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM - 4. Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Kể chuyện danh nhân Việt Nam”

Mục lục
KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM
1.Lê Minh Quốc Kể chuyện danh nhân việt Nam
2. Một bộ hữu ích
3.Nhà thơ Lê Minh Quốc: 10 năm kể chuyện danh nhân
4. Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Kể chuyện danh nhân Việt Nam”
5. Lê Minh Quốc - nhà thơ mê… lịch sử
Tất cả các trang

Nhà thơ Lê Minh Quốc:

“Kể chuyện danh nhân Việt Nam”

Nhà thơ Lê Minh Quốc sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, là cựu chiến sĩ quân tình nguyện chiến trường K, cựu sinh viên ĐH Tổng hợp TPHCM. Hiện là Trưởng ban Văn hóa Nghệ thuật của báo Phụ nữ TPHCM, tác giả của nhiều tập thơ và tiểu thuyết lịch sử, đặc biệt là bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam (20 tập – NXB Trẻ ấn hành).

kcdnhvn-RR

Tập sách này gồm 10 chủ đề: Danh nhân quân sự, Cách mạng, Nữ danh nhân, Những người Việt Nam đi tiên phong, Danh nhân văn hóa lịch sử… bao gồm tiểu sử, cuộc đời và những hình ảnh tư liệu quý báu của các danh nhân này. Anh cho biết: “Động cơ để tôi cho ra đời tập sách này là vì tôi thấy các bạn sinh viên học sinh bị ảnh hưởng các danh nhân nước ngoài rất nhiều, trong khi kiến thức về danh nhân Việt Nam thì lại thiếu trầm trọng. Chính vì vậy mà khi NXB Trẻ đặt hàng, tôi đã bắt tay thực hiện ngay, lấy sự nghiệp, công đức của các danh nhân để giáo dục các bạn trẻ. Năm năm qua, tôi đã làm việc không ngừng. Niềm vui lớn nhất của tôi là năm 2000, bộ sách này đã được đưa vào nhà trường phổ thông làm sách tham khảo cho giáo viên và học sinh, cả ở thư viện của các trường đại học, cao đẳng. Danh nhân Việt Nam chúng ta không thua kém gì danh nhân thế giới, quan trọng là mình phải viết như thế nào để hấp dẫn các bạn trẻ. Công việc này tốn rất nhiều thời gian và cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi kho tư liệu về danh nhân rất lớn, tôi phải vô thư viện thường xuyên thu thập thông tin, sưu tầm tài liệu rồi hệ thống lại một cách bền bỉ, có khoa học. Tôi quyết tâm làm vì lòng ngưỡng mộ các danh nhân, đồng thời muốn truyền lòng ngưỡng mộ của mình đến với các bạn trẻ…”

Ngoài bộ sách trên, Lê Minh Quốc còn là tác giả các bộ sách Danh nhân Việt Nam xưa và nay, Hỏi đáp báo chí Việt Nam, Giáo dục Việt Nam xưa và nay nằm trong Tủ sách Kiến thức phổ thông dành cho mọi người. Sắp tới đây, anh còn cho ra mắt tập sách viết về Danh nhân sư phạm như: Chu Văn An, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh… Xem ra giữa việc làm thơ, viết báo và làm nhà biên soạn có cái gì đó hơi… chỏi nhau. Anh cười: “Thật ra trong con người tôi có thể phân ra làm hai, làm thơ đòi hỏi phải tưởng tượng nhiều, rất ngẫu hứng và không hề có kế hoạch cụ thể nào. Còn biên soạn sách và viết báo, tôi luôn tỉnh táo và làm việc một cách khoa học, chính xác. Nói chung là không có gì mâu thuẫn nhiều cả”.

Là một cộng tác viên thường xuyên làm thơ cho một số tờ báo tuổi mới lớn, anh đã cho biết suy nghĩ của mình: “Tôi có cảm giác rằng tôi và một số nhà thơ khác khi làm thơ cho lứa tuổi này đều nhìn qua lăng kính người lớn chứ chưa phải bằng con mắt thật của mình, nên thơ nghiêng về cười cợt, dí dỏm, ngọt ngào hơn là đi vào đúng tâm trạng của tuổi mới lớn. Do đó đừng trách tuổi mới lớn không mấy người yêu thơ khi mà những người làm thơ chưa “sống” hết mình, “sống” đúng tâm trạng của lứa tuổi đó. Về các cây bút thơ trẻ hiện nay, tôi thích những bài thơ tự do của Quốc Sinh, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Thị Châu Giang… Tuy nhiên, tôi có cảm giác nhiều cây bút trẻ (cả văn và thơ), họ nghĩ một đường mà làm một nẻo. Hiện thực của cuộc sống rất xô bồ và dữ dội đủ để cho họ có những sáng tác đi vào tâm hồn của thế hệ trẻ nhưng không hiểu sao (có thể để dễ được in), họ đã gọt giũa tròn trịa từ câu chữ đến tính cách nhân vật… Tôi nghĩ rằng, hơn bao giờ hết, các bạn tuổi còn trẻ, còn đầy nhiệt huyết, suy nghĩ thế nào thì viết thế ấy, đừng vì để in được trên báo mà uốn éo, “giả vờ” không đúng với tâm trạng của chính mình…”

Về Đại hội Hội Nhà văn lần V vừa qua, anh nói một cách thẳng thắn là hiện tại có Hội cũng được mà không có cũng được vì việc sáng tác và xuất bản đều do tự thân các hội viên vận động. Nhiều tác phẩm thời gian qua ra đời không tạo được tiếng vang vì tất cả đều không biết ưu tư vì bạn đọc. Hội cần tài trợ sáng tác cho anh em một cách phân minh rõ ràng, nhất là các cây bút trẻ và tạo điều kiện để kết nạp họ vào Hội.

Song Minh

(nguồn: báo Giáo dục TP.HCM 21.3.2005)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com