TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM

KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM

Mục lục
KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM
1.Lê Minh Quốc Kể chuyện danh nhân việt Nam
2. Một bộ hữu ích
3.Nhà thơ Lê Minh Quốc: 10 năm kể chuyện danh nhân
4. Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Kể chuyện danh nhân Việt Nam”
5. Lê Minh Quốc - nhà thơ mê… lịch sử
Tất cả các trang

VÀI THÔNG TIN VỀ BỘ KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM

 

136053802


1. Bộ sách này do Lê Minh Quốc thực hiện từ năm 1999 gồm 10 chủ đề khác nhau theo “đơn đặt hàng” Thành Đoàn và anh Nguyễn Thế Truật - phó giám đốc NXB Trẻ.
 

2. Sách được in từng tập từ năm 1999. Trong vòng 10 năm tác giả tiếp tục viết, chỉnh lý nâng cao, bổ sung tư liệu. Ngay từ bản in đầu tiên, đến nay sách đã được tái bản nhiều lần, được Bộ Giáo Dục & Đào Tạo chọn làm sách tham khảo cho học sinh trong trường PTTH.
 

3. Tháng 3.2009  các tập sách trên được bố trí, sắp xếp lại và phát hành trọn bộ. Bộ sách này  dày 2.574 trang, khổ 14,5 x 20, 5cm đề cập đến 207 nhân vật thuộc 10 lãnh vực khác nhau.
 

4. Hình ảnh minh họa cho các nhân vật và sự kiện lịch sử trong tập sách được thể hiện khá nhiều có đến đơn vị hàng trăm. Đáng chú ý là tranh dân gian, khắc gỗ, card poster in đầu thế kỷ XX.
 

5. Sách viết về nhân vật theo lối “biên niên tiểu sử” của từng nhân vật và thể hiện theo văn phong “chuyện kể”.
 

6. Trong tập sách có phần chú thích, nhằm giải thích những gì (từ ngữ, địa danh, học chế, quan chế, trào lưu văn học...) có liên quan đến nhân vật trong sách.
 

7. Trong tập sách liệt kê những điểm khác nhau (nếu có) của các nguồn tư liệu về một sự kiện chính trị, văn hóa... nào đó để bạn đọc tham khảo.
 

8. Những nhân vật có dấu ấn lớn trong nửa cuối thế kỷ XX cũng được đề cập đến trong sách như Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Bút Tre, Nguyễn Thị Định, Ngô Gia Hy, Trần Đức Thảo, Văn Cao, Từ Chi, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Hiệu, Trần Tấn Quốc, Nguyễn Lộc,Võ Bẩm, Bông Văn Dĩa v.v...

9. Bộ sách này vẫn tiếp tục thực hiện nhằm bổ sung các danh nhân chưa đề cập trong bộ sách phát hành lần này.  

LÊ MINH QUỐC



Lê Minh Quốc Kể chuyện danh nhân việt Nam

07/04/2009 23:32

136053802

Các tập trong bộ sách Danh nhân văn hóa Việt Nam - Ảnh: Giao Hưởng


Sau 10 năm biên soạn, bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc gồm 10 tập vừa được NXB Trẻ (TP.HCM) in vào đầu tháng 4.2009.

Đó là bộ sách khá công phu do Lê Minh Quốc biên soạn từ năm 1999. Từng tập trong bộ sách đã được tái bản nhiều lần, đến nay được NXB Trẻ phát hành trọn bộ với 2.574 trang, đề cập đến 207 danh nhân Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực: văn hóa, khoa học, sư phạm, chính trị, quân sự... trải dài từ thời các vua Hùng dựng nước đến thời hiện đại.

Trong đó, với lối viết dưới dạng kể chuyện dễ đọc, Lê Minh Quốc viết về cuộc đời Chử Đồng Tử - ông tổ nghề buôn, về sức sống bền vững và biến hóa diệu dụng của thánh mẫu Liễu Hạnh, về ông tổ nghề đúc đồng Nguyễn Minh Không - Dương Không Lộ, về Nguyễn Công Truyền - tổ nghề gò đồng, công chúa Thiều Hoa - tổ nghề dệt lụa, Phạm Đôn Lễ - tổ nghề dệt chiếu, Lê Công Hành - tổ nghề thêu, Trần Lư - tổ nghề sơn, Lương Nhữ Học - tổ nghề khắc bản in, Đinh Lễ và Bạch Hoa - tổ ca trù, Trần Quốc Đĩnh - tổ nghề hát xẩm, về các ông tổ khác của nghề kim hoàn, nghề mộc, nghề làm giấy, nghề bốc thuốc Nam... (tập 1: Các vị tổ ngành nghề Việt Nam).

Các tập tiếp theo, Lê Minh Quốc giữ bố cục trình bày các danh nhân theo lối “biên niên”, kèm theo phần chú thích cần thiết về địa danh, quan chế, trào lưu văn học, cũng như các chi tiết liên quan đến danh nhân trong sách, như: Lê Văn Hưu - người soạn quốc sử đầu tiên của Việt Nam, Đặng Minh Khiêm - người mở đầu loại thơ vịnh sử Nam bằng chữ Hán, Thoại Ngọc Hầu - dấu ấn đầu thế kỷ 19 trên dòng kinh phương Nam, Tống Hữu Định - người có sáng kiến “ca ra bộ” mở đầu nghệ thuật sân khấu cải lương, Nguyễn Đình Nghị - người quyết định sự nghiệp hiện đại hóa sân khấu chèo nửa đầu thế kỷ 20, Cao Văn Lầu - cha đẻ của bài “vọng cổ”, Tạ Duy Hiển - cánh chim đầu đàn của nghệ thuật xiếc Việt Nam, Phan Khôi - người khởi xướng phong trào thơ mới, Hoàng Tích Chu - người tiên phong cách tân báo chí Việt Nam, Tam Lang - người mở đầu thể loại phóng sự ở Việt Nam, Bạch Thái Bưởi - người đầu tiên khai thác vận tải đường thủy đầu thế kỷ 20, Trương Văn Bền - người đầu tiên vinh danh xà bông Việt Nam, Nguyễn Lộc - người sáng lập môn phái Vovinam... (tập 2: Những người Việt Nam đi tiên phong). Bên cạnh chuyện kể, tác giả còn giới thiệu nhiều hình ảnh minh họa về các danh nhân và các sự kiện lịch sử, các bối cảnh liên quan đáng ghi nhận là các tranh dân gian, tranh khắc gỗ, những tấm bưu thiếp lưu hành cách đây hơn một thế kỷ.

“Bộ sách đã được in từng tập trong vòng 10 năm qua, trong thời gian đó nhà thơ Lê Minh Quốc vẫn tiếp tục viết, bổ sung tư liệu và chỉnh lý để nâng cao chất lượng. Đáng ghi nhận là ngay từ bản in đầu tiên, sách được Bộ Giáo dục – Đào tạo chọn làm sách tham khảo cho học sinh các trường phổ thông trung học”

ông Nguyễn Thế Truật, Phó giám đốc NXB Trẻ.

Những tập tiếp đó, khi biên soạn, và qua các lần tái bản của từng tập, Lê Minh Quốc liệt kê thêm một số điểm khác nhau của các nguồn tư liệu về một sự kiện chính trị, văn hóa nào đó, hoặc về một danh nhân được đề cập trong bộ sách, để bạn đọc có cơ sở tham khảo thêm qua: Danh nhân khoa học Việt Nam (tập 3), Danh nhân văn hóa Việt Nam (tập 4), Danh nhân quân sự Việt Nam (tập 5), Danh nhân cách mạng Việt Nam (tập 6), Những nhà cải cách Việt Nam (tập 7), Các vị nữ danh nhân Việt Nam (tập 8), Danh nhân sư phạm (tập 9), Các nhà chính trị (tập 10).

Không chỉ kể chuyện về các danh nhân lịch sử xưa kia như: Lý Công Uẩn - người dời đô, tính kế muôn đời sau, Trần Thủ Độ - người mở đầu sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Trần, Hồ Quý Ly - người chủ trương nhiều cải cách táo bạo, Lê Thánh Tông - nhà cải cách toàn diện nhất ở thế kỷ 15, tác giả còn đề cập đến những nhân vật của nửa cuối thế kỷ 20 như: Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Bút Tre, Nguyễn Thị Định, Trần Đức Thảo, Ngô Gia Hy, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Hiệu, Hoàng Tụy, Văn Cao, Từ Chi...

Gặp Lê Minh Quốc trước ngày phát hành bộ sách, hỏi anh có viết tiếp các tập mới hay không, anh trả lời đại ý danh nhân Việt Nam còn nhiều vị kiệt xuất lắm, nên vẫn đang cầm bút phác họa thêm theo cách của mình những chân dung vang bóng vượt thời gian...

Giao Hưởng

http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200915/20090407233212.aspx

 


 

Một bộ sách hữu ích

Bộ sách Kể chuyện danh nhân VN của Lê Minh Quốc vừa được in trọn bộ 10 quyển dày 2.574 trang, đề cập đến 207 nhân vật thuộc 10 lĩnh vực: các vị tổ ngành nghề VN, những người VN đi tiên phong, danh nhân khoa học VN, danh nhân văn hóa VN, danh nhân quân sự VN, danh nhân cách mạng VN, những nhà cải cách VN, các vị nữ danh nhân VN, danh nhân sư phạm, các nhà chính trị.

Cách đây chừng mười năm, khi bắt tay thực hiện bộ sách này, Lê Minh Quốc nói với tôi: “Trong nhà trường đang rộ lên tình trạng các em học sinh chuyền tay nhau “sách đen” về tình dục, khiến các bậc phụ huynh hết sức lo lắng. Vì thế, Thành Đoàn và NXB Trẻ đã gặp gỡ một số anh em viết văn để đặt hàng viết sách cho tuổi mới lớn. Bởi muốn chống cái xấu, phải có tác phẩm tốt để các em đọc”.

Bộ sách này được biên soạn trong tâm thế như thế. Lê Minh Quốc đã chọn lối viết “biên niên tiểu sử” về nhân vật và thể hiện theo cách “kể chuyện”. Cách viết này hợp lý, bởi không chỉ chuyển tải các sự kiện lịch sử bằng những con số khô khan, mà phải tái hiện một không gian sinh động. Cũng nằm trong ý đồ này, anh đã nhọc công sưu tập hàng trăm hình ảnh, tranh vẽ liên quan đến các nhân vật và sự kiện lịch sử được đề cập trong bộ sách. Trong đó, đáng chú ý là tranh dân gian, khắc gỗ, card poster in đầu thế kỷ XX. Đó cũng là cách để người đọc có thể hình dung được bối cảnh xã hội thời ấy. Trong quá trình biên soạn, Lê Minh Quốc cũng liệt kê điểm khác nhau (nếu có) về một sự kiện chính trị, văn hóa... - từ các nguồn tư liệu đã có. Do không phải là nhà sử học, nên anh chỉ nêu vấn đề, chứ không kết luận, để bạn đọc có thể tham khảo.

Thêm một điều cần ghi nhận là trong bộ sách này, có những nhân vật lâu nay ít được nhắc tới, do thiếu tư liệu như Đặng Minh Khiêm - người mở đầu loại thơ vịnh sử Nam bằng chữ Hán, Tống Hữu Định - người có sáng kiến "ca ra bộ" trên sân khấu cải lương, Vũ Đình Long- người đầu tiên soạn kịch theo lối Âu Tây, Tạ Duy Hiển - cánh chim đầu đàn của nghệ thuật xiếc VN, Hoàng Tích Chu - người tiên phong cách tân báo chí VN...

Dù theo tiêu chí nhân vật trong tập sách phải là người đã khuất, nhưng Lê Minh Quốc vẫn "phá lệ" khi đưa vào bốn nhân vật còn sống, được thế hệ trẻ ngưỡng mộ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà toán học Hoàng Tụy - cha đẻ của lý thuyết "Tối ưu toàn cục", giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - người đi đầu trong khoa học vật lý hạt nhân và Thiếu tướng Võ Bẩm - vị tư lệnh đầu tiên mở đường Trường Sơn huyền thoại.

Có thể ghi nhận, bộ sách này đã góp một phần nhỏ nhằm trang bị kiến thức cho bạn đọc trên hành trình tìm về lịch sử nước nhà.

Đoàn Tuấn
(nguồn: báo Phụ Nữ TP.HCM 27.3.2009)


Nhà thơ Lê Minh Quốc: 10 năm kể chuyện danh nhân


(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, NXB Trẻ vừa ấn hành bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam (10 tập) của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc. Chưa tính đến giá trị học thuật của “công trình” này, chỉ riêng việc một người đã đầu tư công sức và tâm huyết trong vòng 10 năm để “làm việc” - có thể so sánh bằng lao động của một tập thể đủ để những ai làm nghề phải… thán phục.

Nhà thơ Lê Minh Quốc đã trò chuyện với TT&VH xung quanh bộ sách và công việc viết sách liên quan đến lịch sử hiện nay.

http://www.leminhquoc.vn/lmq/tac-pham-du-luan/phong-van/814-nha-tho-le-minh-quoc-10-nam-ke-chuyen-danh-nhan.html


Nhà thơ Lê Minh Quốc:

“Kể chuyện danh nhân Việt Nam”

Nhà thơ Lê Minh Quốc sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, là cựu chiến sĩ quân tình nguyện chiến trường K, cựu sinh viên ĐH Tổng hợp TPHCM. Hiện là Trưởng ban Văn hóa Nghệ thuật của báo Phụ nữ TPHCM, tác giả của nhiều tập thơ và tiểu thuyết lịch sử, đặc biệt là bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam (20 tập – NXB Trẻ ấn hành).

kcdnhvn-RR

Tập sách này gồm 10 chủ đề: Danh nhân quân sự, Cách mạng, Nữ danh nhân, Những người Việt Nam đi tiên phong, Danh nhân văn hóa lịch sử… bao gồm tiểu sử, cuộc đời và những hình ảnh tư liệu quý báu của các danh nhân này. Anh cho biết: “Động cơ để tôi cho ra đời tập sách này là vì tôi thấy các bạn sinh viên học sinh bị ảnh hưởng các danh nhân nước ngoài rất nhiều, trong khi kiến thức về danh nhân Việt Nam thì lại thiếu trầm trọng. Chính vì vậy mà khi NXB Trẻ đặt hàng, tôi đã bắt tay thực hiện ngay, lấy sự nghiệp, công đức của các danh nhân để giáo dục các bạn trẻ. Năm năm qua, tôi đã làm việc không ngừng. Niềm vui lớn nhất của tôi là năm 2000, bộ sách này đã được đưa vào nhà trường phổ thông làm sách tham khảo cho giáo viên và học sinh, cả ở thư viện của các trường đại học, cao đẳng. Danh nhân Việt Nam chúng ta không thua kém gì danh nhân thế giới, quan trọng là mình phải viết như thế nào để hấp dẫn các bạn trẻ. Công việc này tốn rất nhiều thời gian và cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi kho tư liệu về danh nhân rất lớn, tôi phải vô thư viện thường xuyên thu thập thông tin, sưu tầm tài liệu rồi hệ thống lại một cách bền bỉ, có khoa học. Tôi quyết tâm làm vì lòng ngưỡng mộ các danh nhân, đồng thời muốn truyền lòng ngưỡng mộ của mình đến với các bạn trẻ…”

Ngoài bộ sách trên, Lê Minh Quốc còn là tác giả các bộ sách Danh nhân Việt Nam xưa và nay, Hỏi đáp báo chí Việt Nam, Giáo dục Việt Nam xưa và nay nằm trong Tủ sách Kiến thức phổ thông dành cho mọi người. Sắp tới đây, anh còn cho ra mắt tập sách viết về Danh nhân sư phạm như: Chu Văn An, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh… Xem ra giữa việc làm thơ, viết báo và làm nhà biên soạn có cái gì đó hơi… chỏi nhau. Anh cười: “Thật ra trong con người tôi có thể phân ra làm hai, làm thơ đòi hỏi phải tưởng tượng nhiều, rất ngẫu hứng và không hề có kế hoạch cụ thể nào. Còn biên soạn sách và viết báo, tôi luôn tỉnh táo và làm việc một cách khoa học, chính xác. Nói chung là không có gì mâu thuẫn nhiều cả”.

Là một cộng tác viên thường xuyên làm thơ cho một số tờ báo tuổi mới lớn, anh đã cho biết suy nghĩ của mình: “Tôi có cảm giác rằng tôi và một số nhà thơ khác khi làm thơ cho lứa tuổi này đều nhìn qua lăng kính người lớn chứ chưa phải bằng con mắt thật của mình, nên thơ nghiêng về cười cợt, dí dỏm, ngọt ngào hơn là đi vào đúng tâm trạng của tuổi mới lớn. Do đó đừng trách tuổi mới lớn không mấy người yêu thơ khi mà những người làm thơ chưa “sống” hết mình, “sống” đúng tâm trạng của lứa tuổi đó. Về các cây bút thơ trẻ hiện nay, tôi thích những bài thơ tự do của Quốc Sinh, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Thị Châu Giang… Tuy nhiên, tôi có cảm giác nhiều cây bút trẻ (cả văn và thơ), họ nghĩ một đường mà làm một nẻo. Hiện thực của cuộc sống rất xô bồ và dữ dội đủ để cho họ có những sáng tác đi vào tâm hồn của thế hệ trẻ nhưng không hiểu sao (có thể để dễ được in), họ đã gọt giũa tròn trịa từ câu chữ đến tính cách nhân vật… Tôi nghĩ rằng, hơn bao giờ hết, các bạn tuổi còn trẻ, còn đầy nhiệt huyết, suy nghĩ thế nào thì viết thế ấy, đừng vì để in được trên báo mà uốn éo, “giả vờ” không đúng với tâm trạng của chính mình…”

Về Đại hội Hội Nhà văn lần V vừa qua, anh nói một cách thẳng thắn là hiện tại có Hội cũng được mà không có cũng được vì việc sáng tác và xuất bản đều do tự thân các hội viên vận động. Nhiều tác phẩm thời gian qua ra đời không tạo được tiếng vang vì tất cả đều không biết ưu tư vì bạn đọc. Hội cần tài trợ sáng tác cho anh em một cách phân minh rõ ràng, nhất là các cây bút trẻ và tạo điều kiện để kết nạp họ vào Hội.

Song Minh

(nguồn: báo Giáo dục TP.HCM 21.3.2005)



Lê Minh Quốc -  nhà thơ mê… lịch sử

Đã từng đoạt giải nhất cuộc thi thơ nhân kỷ niệm 10 năm thành lập lực lượng TNXP, giải thưởng thơ của Hội nhà văn TPHCM (1985) và đã có nhiều tập thơ được xuất bản và tạo dấu ấn trong lòng bạn đọc, gần đây nhà thơ Lê Minh Quốc – hội viên Hội nhà văn TPHCM, Hội nhà báo Việt Nam – đã chuyển sang viết về đề tài lịch sử.

me-ls

Thật vậy, chúng tôi đã biết anh có nhiều đầu tư công sức cho đề tài này. Về tiểu thuyết lịch sử thì anh đã có Tướng quân Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh – dấu ấn để lại do NXB Văn học ấn hành và tất cả đều được tái bản. Về truyện tranh danh nhân lịch sử thì NXB Trẻ đã in Nguyễn Trung Trực – lửa hồng Nhật Tảo, Hoàng Hoa Thám – Hùm thiêng Yên Thế, Trương Định – Bình Tây đại nguyên soái, Ngô Quyền – Bạch Đằng Giang dậy sóng, Lê Lợi – Lam Sơn tụ nghĩa, v.v… Những truyện tranh này được hợp tác với họa sĩ Quang Toàn, Kha Qua Châu và xếp trong hộp sách xinh xắn. Thời gian này anh đang cộng tác với NXB Trẻ để tiếp tục thực hiện bộ sách nhiều tập là Kể chuyện danh nhân Việt Nam. Rõ ràng là Lê Minh Quốc đang từng bước khẳng định mình với đề tài lịch sử. Thật thú vị, khi chúng tôi biết, chuyên mục Mối tình đầu của danh nhân Việt Nam do anh viết trên Tuần san Sài Gòn giải phóng – dù mới viết trên 30 nhân vật lịch sử nhưng đã có NXB đề nghị in lại thành sách.

Trong khi nước nhà đang hội nhập với thế giới, thì việc ôn lại truyền thống qua việc làm của Lê Minh Quốc là việc làm đúng hướng, góp phần không nhỏ trong việc giáo dục thế hệ trẻ hôm nay.

Hoài Vũ

(nguồn: báo CA T.HCM 12.11.1998)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com