TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định GÁI ĐẸP TRONG TÔI - 2. Gái đẹp của Quốc

GÁI ĐẸP TRONG TÔI - 2. Gái đẹp của Quốc

Mục lục
GÁI ĐẸP TRONG TÔI
1. Vì sao tôi viết Gái đẹp trong tôi?
2. Gái đẹp của Quốc
3. Gái đẹp trong tôi-Khát khao hạnh phúc
4.“Gái đẹp trong tôi” của Lê Minh Quốc
5. Đàn bà mãi mãi bí ẩn?
6. Lê Minh Quốc viết sách tặng người yêu
7. Ngày hội quy tụ nhiều “cao thủ”
8.Nhà thơ Lê Minh Quốc miệt mài đi tìm “gái đẹp”
9. Lê Minh Quốc và… gái đẹp
10. Gái đẹp trong tôi
Tất cả các trang
 

Gái đẹp của Quốc

“Mỹ nhân tự cổ” có “như danh tướng” thật không? Chưa có một thống kê mang tính chất điều tra xã hội học thật nghiêm túc và hiện đại để biết được rằng, hai loại người này: người đẹp và tướng tài đều: “Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”.

Nhưng, đã là đàn bà, chao ôi, thì nên là một người đàn bà đẹp.

Nhưng thời online, lên mạng đọc toàn những chuyện có kịch tính như là sao này ly hôn, sao kia vừa công bố hình cưới và cũng lại vừa kịp đau buồn vì ly hôn, mới thấm được thân phận của những người đẹp truân chuyên.

Vì thế, chẳng quá ngạc nhiên khi “Gái đẹp trong tôi” của Lê Minh Quốc từ đầu đến cuối tập tản văn, toàn nhắc đến thân phận Kiều, và những người đẹp có cùng thân phận ấy. Quốc phân tích về đời Kiều hay đến mức, tôi phải lần giở lại những trang sách cũ kỹ của “Truyện Kiều” để đọc lại, và nghĩ rằng, nếu anh được thỉnh giảng, giảng về Kiều cho học sinh THPT nghe, thì có lẽ các em đã không vấp phải những phân tích ngô nghê giống như các bài văn kỳ lạ vẫn được đưa ra thành chuyện tiếu lâm trên mạng.

Người đẹp, bản thân từ này đã có sức hấp dẫn, chưa nói đến con người bằng xương bằng thịt. Người đẹp thì có tội lỗi gì với đời mà dễ bị lời ong tiếng ve thế nhỉ? Họ làm ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái những … người đẹp khác chăng? Hay là tâm điểm của những rắc rối về tiền bạc và đàn ông? Hay do sự sắp đặt của bàn tay số phận, cho người đẹp cái đẹp hình thể rồi, thì sẽ lấy đi sự yên bình hạnh phúc? Hay là do tất cả những điều vừa nhắc tới cộng lại?

Chỉ biết rằng, một người đàn bà khi đọc “Gái đẹp trong tôi” của Lê Minh Quốc, đều cảm thấy phảng phất bóng dáng mình trong đó. Người bình thường thì đôi lúc xót xa: “Thân em như hạt mưa sa. Hạt vào đài các, hạt ra ruộng đồng”. Người đẹp “có bàn, có ghế” thì cũng đau lòng bởi: “Rằng tôi chút phận đàn bà. Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”.

Mấy năm nay, có lẽ do tình yêu thúc đẩy, mà Lê Minh Quốc ra được nhiều sách. Anh viết trường ca, bút ký, tản văn, và tất nhiên vẫn là tình yêu dạt dào với thơ. Nhiều đến mức, người bạn tôi khi đi ra nhà sách nhắn tin hỏi rằng, thời điểm này nên mua cuốn sách gì đọc. Tôi bảo: “Gái đẹp trong tôi” của Lê Minh Quốc. Bạn nhắn tin ngay tắp lự: Nhà văn, nhà thơ Việt Nam đi đâu hết rồi mà suốt ngày thấy sách của Lê Minh Quốc?

Người đẹp trong Quốc là ai? Là thân phận người phụ nữ trong câu ca dao cổ, là Thuý Kiều của Nguyễn Du, là Đạm Tiên trong ký ức của Kiều, là rất nhiều cô gái làm nghề “sống làm vợ khắp người ta. Hại thay thác xuống làm ma không chồng”; là nhiều số phận người đẹp nhưng vẫn phải chấp nhận sống theo kiếp “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”. Là đàn ông – một người đàn ông cũng bị các người đẹp cho “lên bờ xuống ruộng” như Quốc, anh cảm được cái tâm đau của người đàn ông tinh tế đến mức chịu không nổi. Anh hỏi bạn đọc rằng, có biết một người đàn ông có hai bóng hồng, cả năm đau khổ nhất là vào ngày nào không, đó chính là đêm giao thừa, khi mà bước chân dùng dằng chẳng biết đến đâu. Ở đây thì nhớ bên kia, ở bên kia thì nhớ bên này, chao ôi, bi kịch của người đẹp cũng xô đẩy người đàn ông vào hoàn cảnh trớ trêu. Chỉ có Quốc, riêng có Quốc, mới có thể miêu tả và thể hiện được cái tình ấy.

Lê Minh Quốc lúc nào cũng vướng vào lưới tình. Anh không chịu nổi cô đơn. Khi viết “Một ngày ở Mỹ” cũng chính là lúc anh cảm thấy cô độc nhất, nên câu chữ trở nên yếu đuối phát thương. Vì thế, đọc thơ Quốc, hay đọc bút ký, tản văn, người tinh cảm đều nhìn thấu cái sự cô đơn của anh trong cuộc đời và tình yêu. Quốc yêu nhiều, yêu nhiều người, yêu liên tục, yêu bằng tất cả trái tim và nhiệt huyết của mình. Nhưng anh cũng bị các người đẹp giáng cho những đòn chí mạng. Vậy mà Quốc vẫn thiết tha và chưa nguôi với người đẹp ở bất cứ thời gian nào trong đời cầm viết của mình.

Dành rất nhiều trang, nhiều chương đoạn để bình về cuộc đời Kiều, diễn giải và miêu tả khá kỹ về chiêu thức đánh ghen có một không hai của Hoạn Thư, kể chuyện và bình phẩm những giai thoại xưa và nay về cuộc đời đàn bà, tung hứng và một mình một sân thống kê nhiều những chi tiết về những cô gái bán thân nuôi miệng, “Người đẹp trong tôi” khiến những người đàn bà đọc xong cảm thấy hơi thảng thốt và lo ngại cho thân phận mình. Có phải làm đàn bà là đau khổ và tuyệt vọng đến thế không? Vậy thì đẹp để làm gì?

Nhưng, đã là đàn bà, chao ôi, thì nên là một người đàn bà đẹp.

Đầu tháng 6/2011

Đinh Thu Hiền

http://dinhthuhien.info/dinhthuhien/docbao_read.aspx?ID=111&LangID=1



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com