TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Trường ca HÀNH TRÌNH CỦA CON KIẾN - 2. Một hành trình xe đạp

Trường ca HÀNH TRÌNH CỦA CON KIẾN - 2. Một hành trình xe đạp

Mục lục
Trường ca HÀNH TRÌNH CỦA CON KIẾN
1.Một bước mới trong thơ và trường ca
2. Một hành trình xe đạp
3.Ngôn ngữ nghệ thuật của trường ca Việt Nam hiện đại
4. Hành trình của con kiến và Hành trình của nhà thơ…
Tất cả các trang

Một hành trình xe đạp

Nguyễn Thuỵ Kha


Vài năm đầu thế kỷ mới, tôi vẫn in và đọc trường ca của bạn bè cùng thế hệ. Hay hoặc chưa hay thì vẫn thấy có chung một giọng điệu của thời chống Mỹ- thời tràn đầy chất anh hùng ca và trữ tình của thế hệ dâng hiến và hy sinh trọn vẹn. Vẫn chưa thấy trường ca của hôm nay, của thế kỷ mới. Thật mừng khi bây giờ đang có trong tay trường ca “Hành trình của con kiến” của Lê Minh Quốc. Đọc và thấy vui vì đây đích thị là tường ca của hôm nay, của thế kỷ mới.
Khác với các trường ca khác mình, trường ca của Lê Minh Quốc hướng về cái đời thường của con người giữa thời đại hội nhập, toàn cầu hoá. Bởi vậy, trong khúc khởi nhạc “Trình bày” của “bản giao hưởng đời thường” này, Lê Minh Quốc đã khẳng định ngay:
Tôi có đồng hương. Nhưng tình đồng hương không bằng nghĩa đồng bào
Nghĩa đồng bào cùng đập nhịp trong tình yêu nhân loại
...
Vậy trái đất? Trái đất ư? Trái đất trong tôi không phân chia biên giới
Muôn màu da chỉ một tiếng oa oa
...
Và tình yêu ư? Tình yêu ư? Chẳng bao giờ biến mất
Nhân loại yêu nhau để trái đất hoà bình...

hanhtrincuaconkien

Đọc toàn bộ trường ca, thấy Lê Minh Quốc đã chọn nhịp điệu cho bản giao hưởng này là nhịp điệu xe đạp-một chiếc xe đạp cà tàng thường trật sên (trật xích). Hãy nhập vào nhịp điệu ấy cùng tác giả:
Cọc cạch chiếc xe đạp trật sên
Gió thổi ngược chiều
mím môi trợn mắt
gồng người vựợt dốc
thở hồng hộc
hì hục
mệt nhọc
mồ hôi quánh từng giọt
Nhân vật trữ tình của trường ca là một người bình thường làm một nghề bình thường-nghề làm báo- như bao người khác để kiếm sống giữa đời thường hôm nayđầy ắp, tràn ngập những thông tin đa chiều. Thông tin nhiều đến nỗi khiến con người bị hoang mang chẳng khác gì hoang mang về sự sống và cái chết trong chiến tranh, trong lạc hâu. Sự hoang mang giữa thông tin bề bộn đã khiến cho con người bình thường như anh gồng mình chống chọi để khỏi bị biến thành “người máy” để được làm con người có những giấc mơ bình thường:
Anh lại mơ về cỏ mượt ven sông
thanh thản ngả lưng ngắm sao trời
bằng tình yêu đơn độc
bằng gió lạnh ướt môi
anh ru phù sa lắng lại
đặng tâm hồn trẻ dại
làm bạn với thơ...
phải gồng mình chống chọi để thoát khỏi:
Ngọn gió điên cuồng trong nháy mắt
lôi tuột anh xuống cơm áo gạo tiền
nhấn chìm anh về phía vũng bùn
ti tiện tranh giành lục tặc tam bành những ganh cùng ghét
sắc, hương, thanh, vị, xúc, pháp...
phải gồng mình chống chọi để:
xa lánh những bài báo bôi đen nhăng cuội
khiến tâm hồn chán nản
anh ngã quỵ như vừ trúng đạn
giữa dòng tin đen ngòm...
như roi quất vào mặt
như dao đâm qua tròng mắt
anh chết ngất
từ những dòng tin...

Cái nhịp điệu xe đap- nhịp trường ca- tự nhiên khiến cho người đọc cảm thấy một diễn tả khác lạ, một diễn tả chứa đầy hàm lượng thông tin nhưng không khô khan, vẫn ẩm ướt đâu đó một cảm xúc đang được kìm nén.
Có vẻ như nhịp điệu xe dạp ày là nhịp điệu cho con người hôm nay tìm đến chốn Phật Thiền thanh thản nhưng trong từng thời gian mặc định của Chúa từng tuần bảy ngày. Mỗi ngày, nhịp điệu lại thốt lên một tâm sự của một kiếp đời “Con kiến, cái sâu” luôn cố gồng mình sau khi “Cơn say chìm xuống đáy chai rượu” của cuộc đời:
Say quắc cần câu
Tôi ngầy ngật ngất ngư như cọng bún
vắt ngang qua ngã tư đường

Cố gồng mình để nhận ra nhân thế:
hắn vẫn biết sự giả dối có thể an ủi vết thương
sự phản trắc có thể tạo nên chất men trong suy tư triết học
sự đua đòi có thể tạo nên model thời thượng
sự thành thật có thể tạo nên thất bại
sự mù quáng có thể tạo nên đức tin
sự ngây thơ có thể tạo nên thánh thiện
sự ngoại tình có thể tạo nên hạnh phúc

Trong nhịp điệu này Lê Minh Quốc tìm ra:
bản chất của sự sống
là điên
điên không có nghĩa là mất trí
điên là mê điên
chơi như điên
ăn như điên
dục vọng như điên
tột cùng cơn điên sẽ làm nên sáng tạo
sẽ làm nên giong bão
là niềm vui hoan lạc giữa cuộc đời

Cũng chính vì gồng mình trong nhịp điệu này mà Lê Minh Quốc nhận thấy sự mong manh của thơ giữa một thời đại chật chội công nghệ, kỹ thuật lấn lươt nghệ thuật, “sống mà không cần mơ mộng”. Mong manh nhưng thơ không thể chết, thơ chỉ đổi khác hình hài và thời trang để sẵn sàng “hoà nhập nhưng không hoà tan”. Và thơ phải thật hơn, phải đúng là thơ thì mới tồn tại, dù chỉ là tòn tại mong manh vì “Đặng an uỉ những tâm hồn lương thiện - Không gì hơn âm điệu của thi ca”.

Vượt qua cả sự tự ý thức, Lê Minh Quốc nhìn rõ thân phận đời thường:
Trong sáu ngày tạo dựng ra thế giới
Tôi chỉ là con kiến nhỏ li ti
*
Con kiến đo từng ki-lô-mét
Bao giờ đo cho hết quả địa cầu?
Giọt sương sớm hữu hình trong nháy mắt
Tiếng chuông nào vọng đến ngàn sau

Với sự hướng về cái đời thường, Lê Minh Quốc nhìn lại ký ức chiến tranh của mình cũng khác những tác giả trước anh. Thanh Thảo đã thật hay khi viết về tuổi trẻ tự ý thức trong chống Mỹ:
Mười tám hai mươi sắc sảo như cỏ
dày như cỏ
yếu mềm và mãnh liệt như cỏ
...
chúng tôi đi không tiếc đời mình
(nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?
cỏ sắc và ấm quá, phải không em.

Nhưng đến Lê Minh Quốc, người lính tình nguyện ở mặt trận Căm-pu-chia tuổi mười tám, đôi mươi đã phải tìm đến sự “siêu tự ý thức” để mà tồn tại vì cuộc chiến tranh này không phải là cuộc chiến tranhđể gỡ đi “dây thép gai đâm nát trời chiềuo” như thời chống Pháp trong thơ Nguyễn Đình Thi mà là “đi về phía hoàng hôn trúng đạn”, nơi “giấc mơ ngày ngày bị bắn lén”, nơi:
đồng đội tôi chết lúc hoàng hôn cắt tiết
lúc bình minh xám xịt
lời tử biệt
máu trên môi đỏ rực một màu son...

Đó là ký ức của một “tuổi mười tám muôn trùng thơ dại” vừa đau đáu, vừa nuối tiếc vô bờ.
Sống trong đời thường là phải biết chấp nhận “từng ngày tẻ nhạt- sự tẻ nhạt cũng giống một vết thương”. Mỗi con người là thương binh trong chính đời thường của mình. Nhưng trong tẻ nhạt ấy, tình yêu đã cứu rỗi tất cả. Viết về tình yêu trong đời thường, Lê Minh Quốc cũng đắm đuối thật riêng biệt:
Ngày viếng mộ đầu xuân
tiếng cười em rúc rích núp sau lưng
hương tóc em núi đồi Thiên ấn
ngoài trời đang đổ xuống cơn mưa
tôi trốn vào đâu cũng gặp cơn mưa
em là một cơn mưa bất tận.

Thật mới, những câu thơ năm chữ viết về trái tim:
đập từng nhịp khoẻ khắn
hào hứng như cánh diều
bay giữa trời cao rộng
nếu ném nó lên cây
quả đang xanh hoá ngọt
nếu đặt nó lên môi
môi bật ra tiếng hát
nếu thả nó xuống sông
sông bỗng thành rượu ngọt

Thật Lê Minh Quốc- một con ma men, một con sâu rượu, khi viết về cơn giận của người yêu:
Cơn giận xanh như rượu vang, hồng như rượu chát, đen như rượu thuốc, trắng như rượu đế đã làm anh mê sảng tháng ngày dài...

Bằng nhịp điệu xe đạp, Lê Minh Quốc đã có một cuộc hành trình trong đời thường của kiếp người như “con kiến, cái sâu” vừa thong dong, vừa nhọc nhằn bằng một âm điệu riêng, trẻ trung cuốn hút người đọc vào một âm hưởng rất dư vang, từ truyền thống hát bài chòi của xứ Quảng quê anh. Có vẻ như âm hưởng ấy đã từng dư vang trong trường ca của người đàn anh đồng hương Thu Bồn mà Lê Minh Quốc ẩn tuổi con Hợi. Thu Bồn là tác giả trường ca tầm vóc. Lê Minh Quốc là một bắt đầu của sự nối tiếp, sự phát huy truyền thống trường ca Việt Nam còn khá non trẻ. Khi Thu Bồn viết trường ca “Căm-pu-chia hy vọng” cũng là khi Lê Minh Quốc nhập vào đoàn quân tình nguyện mà Thu Bồn từng ca ngợi:
Người tình nguyện quân khêu lửa lên và hát
anh hát cho tôi nghe về những bàn chân

Bây giờ, người tình nguyện quân ấy đã bước ra từ trường ca Thu Bồn, đã trở thành nhà thơ Lê Minh Quốc. Và anh đã hát lên bài ca của chính mình bằng nhịp điệu xe đạp trong “Hành trình của con kiến” với một giọng điệu mới mẻ./.

(nguồn: Tin Tức Cuối Tuần số  40 (5.10- 11,10.2006)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com